Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 35

PGS TS Cao Văn Liên

08/09/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 35

Nguyễn Trãi gọi gia nhân pha trà. Một lát gia nhân đem lên các chén sứ màu nâu và một cái ấm. Gia nhân rót ra bảy chén nước. Nước trà xanh tỏa mùi thơm nức. Nguyễn Trãi kính cẩn mời Hoàng thượng và mời các đại thần. Vua Lê Thái Tông bê nước uống một ngụm và nói:

-Trà xanh nên ngon. Các ái khanh uống đi.

Cả sáu người bê chén và nói:

-Kính mời Hoàng thượng.

Đặt chén xuống Lê Thái Tông hỏi Nguyễn Trãi:

-Ái khanh ở chính khu đất ngày xưa quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở à?

-Dạ bẩm Hoàng thượng, đúng vậy ạ.

-Trẫm nghe nói ngày xưa quan Tư đồ giúp Trần Nghệ Tông diệt Dương Nhật Lễ, khôi phục ngai vàng chính thống nhà Trần, xong việc đưa Trần Nghệ Tông lên ngôi thì ngài xin về ở ẩn. Trần Nghệ Tông đã có vài lần xa giá đến đây nhờ ngài tư vấn về việc triều chính.

Nguyễn Trãi đáp:

-Dạ bẩm Hoàng thượng đúng như vậy ạ.

Thế còn cụ Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Phi Hùng bị quân Minh bắt năm 1407 có khỏe không, nay ở châu nào bên Trung Quốc?

-Dạ bẩm Hoàng thượng, phụ thân Nguyễn Phi Khanh của thần mất ở Trung Quốc, năm 1428, đệ thần là Nguyễn Phi Hùng đã đem di cốt về mai táng ở Côn Sơn này rồi ạ. Còn đệ của thần là Nguyễn Phi Hùng cũng đã mất bên Trung Quốc, có người con đầu đem gia đình về sống Chí Linh này ạ.

Cả bảy người trầm ngâm uống trà tiếp. Chợt Lê Thái Tông hỏi:

-Ta quên mất. Còn Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ đâu?

-Dạ, bà ấy đang ở nhà dưới.

Lê Thái Tông lại hỏi:

-Khanh có mấy phu nhân, được mấy công tử và tiểu thư thì gọi hết ra đây cho trẫm gặp mặt.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng.

Nguyễn Trãi gọi:

-Người đâu.

Một gia nhân xuất hiện:

-Dạ.

-Đi mời tất cả các phu nhân và các công tử, tiểu thư ra chào Hoàng thượng và các đại nhân.

-Dạ.

Một lát sau từ cửa ngách của nhà khách đi ra năm phu nhân, bảy công tử và một tiểu thư còn nhỏ. Các phu nhân và các công tử, tiểu thư tiến lại gần bàn uống trà, quỳ xuống và đồng thanh nói:

-Kính chào Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Lê Thái Tông nói:

-Miễn lễ, các phu nhân và các công tử tiểu thư đứng cả dậy đi.

-Đa tạ Hoàng thượng. Kính chào các đại nhân.

Năm Đại thần đáp:

-Kính chào các phu nhân, các công tử và tiểu thư.

-Đa tạ các đại nhân.

Các phu nhân, công tử, tiểu thư chưa kịp đứng dậy thì Nguyễn Trãi bước ra nói:

-Bẩm Hoàng thượng, thưa các đại nhân, đây là phu nhân thứ nhất Trần Thị Thành, thứ hai là Phùng phu nhân, thứ ba là phu nhân Nguyễn Thị Lộ đã được gặp Hoàng thượng vào năm 1439 và được hoàng thượng phong làm Lễ nghị học sĩ, chuyên việc trông coi, giáo dục dạy lễ nghi cho các cung nữ, thị tì trong cung, phu nhân thứ tư là Phạm Thị Mẫn. Còn đây là con trai của thần: Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù do phu nhân Trần Thị Thành sinh ra, đây là con trai của thần Nguyễn Tích, tiểu thư bé Nguyễn Thị Trà do phu nhân Phùng Thị sinh ra, Thần cũng sắp có thêm hai con nữa, không rõ là con trai hay con gái do phu nhân Phạm Thị Mẫn và Lê Thị Phu nhân vài tháng nữa các cháu mới ra đời.

 Lê Thái Tông nói:

-Chúc mừng quan Hành khiển đông con cháu. Vậy Quan hành Khiển gặp phu nhân Nguyễn Thị Lộ vào lúc nào?

-Dạ bẩm Hoàng thượng, trước khi thần tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, khoảng năm 1415 ở Tây Hồ. Năm nay phu nhân của thần khoảng hơn 50 tuổi.

-Lê Thái Tông khen:

-Phu nhân khá lắm, văn hay chữ đẹp, lễ nghi phép tắc tinh thông, xứng đáng là Lễ nghi học sĩ dạy dỗ phép tắc lễ nghi trong cung.

-Đa tạ Hoàng thượng.

  Lê Thái Tông và các đại thần quan sát thấy năm phu nhân tuổi cũng đã lục tuần, xấp xỉ bằng Nguyễn Trãi. Riêng phu nhân Nguyễn Thị Lộ mới khoảng 50 tuổi. Phu nhân này thì Lê Thái Tông không lạ gì. Chính vua đã phong cho bà chức Lễ nghi Học sĩ khi Nguyễn Trãi đưa vào gặp nhà vua năm 1439 khi Nguyễn Trãi được gọi ra làm quan lần thứ hai. Lễ nghi Học sĩ có nhiệm vụ huấn luyện bảo ban cho các cung nữ lễ nghi phép tắc. Nguyễn Thị  Lộ vốn người đẹp, văn chương hay, múa hát giỏi, biết mọi lễ nghi phép tắc cung đình. Lê Thái Tông đã chọn đúng người để giao nhiệm vụ khó khăn này cho bà. Từ khi có bà, các cung nữ của cung đình đi vào nề nếp đúng lễ nghi phép tắc, phát huy được tài năng múa hát, làm tốt công việc hầu hạ phục dịch trong cung. Lê Thái Tông nói:

-Tốt quá, chúc các phu nhân, các công tử và tiểu thư sức khỏe.

Các phu nhân và các công tử lại quỳ hành lễ:

-Đa tạ Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy cả đi.

-Đa tạ Hoàng thượng.

Khi các phu nhân và các công tử, tiểu thứ đã đi vào nhà, Lê Thái Tông nói:

-Ái khanh cho trẫm ra ngoài ngắm cảnh đẹp Côn Sơn một chút.

-Thần tuân chỉ, kính mời hoàng thượng.

Vua Lê Thái Tông và các đại thần bước ra ngoài sân. Không khí mùa thu se lạnh làm mọi người khoan khoái, dễ chịu. Nhà vua nói:

-Phong cảnh ở đây như cảnh thần tiên, đúng là nơi cho cư sĩ ở ẩn thanh thản tâm hồn.

Nguyễn Trãi nói:

-Bẩm hoàng thượng, thưa các đại nhân, nhà thần ở dưới chân núi Ngũ Nhạc, tựa lưng vào núi Tổ Sơ. Hai bên nhà là dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân. Xa xa qua hồ nước đẹp kia là núi Trúc Thôn, núi Phượng Hoàng, núi An Lạc từ gần đến xa. Xa hơn nữa là chùa Côn Sơn (chùa Hun), nơi có dấu tích của vua Đinh Tiên Hoàng. Mùa đông Đinh Tiên Hoàng đến đó rét lạnh nên đốt gỗ làm than sưởi như hun khói nên dân gian gọi là chùa Hun. Chùa Côn Sơn là nơi tu luyện của sư Thiền Quang, tổ thứ ba của phái Trúc Lâm. Xa nữa có đền Kiếp Bạc tọa lạc tại một thung lũng có dãy núi Rồng, là nơi xưa Hưng Đạo Đại Vương đóng quân thời đánh giặc Nguyên-Mông.

  Theo tay chỉ của Nguyễn Trãi, vua Lê Thái Tông và các đại thần thấy núi cao núi thấp gối nhau kéo dài quanh co, một màu xanh bị sương giăng tỏa trắng xóa. Mặt hồ như mặt gương mênh mông. Hoa cỏ màu xanh màu vàng, màu tím chen lẫn nhau. Tiếng chuông chùa đâu đây vang lên vọng lại du dương, đánh thức từ bi trên trần thế. Một vài thác nước như lụa trắng vắt qua các đỉnh núi mà trôi theo thời gian. Vài đàn chim cò vạc bay lượn đi về phương nam tránh rét.

Lê Thái Tông nói:

-Phong cảnh đẹp quá, thanh bình quá, yên tĩnh quá. Xưa cụ Trần Nguyên Đán khéo tìm nơi về ẩn mình, tránh xa cuộc thế loạn ly cuối nhà Trần.

Sáu đại thần đều đáp:

- Hoàng thượng anh minh.

Nguyễn Trãi nói:

-Cũng đã trưa rồi, kính mời Hoàng thượng và năm đại nhân về nhà dùng với thần chén rượu nhạt. Riêng về quân ngự lâm, thần cũng đã cho chuẩn bị cơm nước  rồi, ngựa cũng đã được gia nhân của thần chăm nom rồi, xin Hoàng thượng yên tâm.

Vua Lê Thái Tông nói:

-Đa tạ quan Hành khiển, ngài chu đáo quá.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 35" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn