Phận mẹ ghẻ

Trương Thành Sơn

17/10/2023 10:33

Theo dõi trên

Trong những câu chuyện cổ tích từ ta đến tây, người mẹ kế luôn ác độc, có lẽ phải thay hẳn quan niệm ấy.

minhh-hoa-1697513563.jpg
Ảnh minh họa

Đó là năm 1990, khi Thân đã 35 tuổi…

Lợi dụng ông Lãn đi ăn giỗ ở làng bên, hai đứa con riêng của ông đến ném hết đồ đạc của người tình của bố chúng ra khỏi nhà. Băng chỉ thẳng mặt Thân chửi xa sả:

- Mày là thứ đĩ điếm, thứ gái lăng loàn đĩ thoã, mày mồi chài bố tao mà đòi lên vai mẹ kế của tao à?

Thân cúi gằm, cam chịu, không nói lại nửa lời.

Vốn dĩ, Thân học cùng cấp 1 với Băng, nhưng đúp lại, rồi lại học cùng lớp với Hạo em trai Băng. Kỳ thực Thân còn hơn Băng một tuổi. Cô cũng chỉ học dở lớp 7 rồi nghỉ hẳn, ở nhà làm nông.

Gần 20 năm trước, khi mới 16 tuổi, Thân đem lòng yêu Quy, một chàng trai làng. Chỉ chưa đầy một năm sau, Quy đi bộ đội rồi hy sinh, nhưng anh đã kịp gửi lại hòn máu trong người Thân là cô gái mà anh yêu dấu. Hai gia đình không kịp cưới, không kịp làm lễ ăn hỏi hay bất kỳ thủ tục gì cho hạnh phúc lứa đôi của họ. Thế nhưng chính quyền xã đã rất linh động làm đăng ký hôn nhân cho họ. Chính vì thế Thân là vợ liệt sĩ khi chưa được làm vợ ngày nào, con của cô là con liệt sĩ từ trong bụng mẹ.

Gái một con, mới 18 tuổi nên Thân đẹp rạng rỡ. Trong khi ấy đứa con của cô, gia đình người chồng liệt sĩ giành nhận nuôi luôn, họ bảo “để cho con dâu rảnh dang làm lụng, rồi còn lấy chồng”. Thương con, nhớ con đến đứt ruột, mà gia đình ông bà nội của cháu quá thương bé, họ cũng thực lòng thương Thân nên bao lần cô đã tính xin nuôi con, rồi lại nằm khóc thút thít một mình.

Năm 1975, khi Thân 21 tuổi, cô rực rỡ như đoá hoa đồng nội. So với đám bạn cùng tuổi, thậm chí có đứa còn chưa kịp lấy chồng, Thân vượt trội về nhiều chỉ số, từ vóc dáng đến tóc tai, từ nụ cười đến giọng nói. Nhiều người là trai tơ dòm ngó mà Thân vẫn chưa ưng ai cả. Ấy là vì cô sợ về làm dâu, bởi vì ở miền quê này, các cô dâu bị kìm hãm trong lề thói rất chặt chẽ.

Rồi sự cố xảy ra, năm 1978 khi Thân tham gia đội thuỷ lợi 202 của xã đi đắp đê chống lụt thì khi trở về “tự nhiên” cái bụng Thân cứ lùm lùm lên. Ấy là do trong một đêm trăng, đội thuỷ lợi 202 xã Xá Công giao lưu văn nghệ với các đội thuỷ lợi 202 mấy xã bạn, khi tiết mục của xã cô kết thúc, anh đội phó của xã Đặng Công đến kéo tay, mời giọng hát chủ lực xã bạn đến liên hoan thịt chó với đội thuỷ lợi của họ.

Buổi liên hoan vui tưng bừng, xoá hết mọi mệt nhọc sau một ngày lao động cực nhọc. Thế nhưng Thân ham vui nên cứ lần khân mãi không đi về lán cùng mọi người. Hai đội thuỷ lợi lại đóng quân ở các lều cách nhau đến mấy trăm mét, ngày thường thì cô chạy ù một cái là đã đến lán xã mình rồi, nhưng Thân cứ õng ẹo với anh đội trưởng thuỷ lợi xã bạn:

- Em sợ ma lắm, anh đưa em về nhé.

- Cũng được chứ sao? Mấy khi được tháp tùng người đẹp.

Trăng rất đẹp nên hai người không đi thẳng theo đoạn đường đê nối hai lán mà lại đi vòng xuống bãi mía. Thấy trăng sáng vằng vặc, khung cảnh hữu tình quá, anh Mão rủ Thân ngồi ngắm trăng, nói chuyện gẫu. Rồi chàng đặt tay lên vai cô, kéo vào phía mình. Chàng trai khoẻ mạnh xa vợ lâu ngày ngồi bên cô gái goá chồng trong đêm thanh vắng thế, thì làm sao giữ lòng mình khỏi bung biêng được. Họ cùng hoà làm một, cùng đốt cho lửa tình cháy ngùn ngụt… Mãi 11 giờ đêm Thân mới về đến lán của xã mình.

Các cô gái đội viên thuỷ lợi xã Thân thực ra đã ngủ say từ lâu sau khi tán gẫu chuyện hoang, họ hình dung chị Thân đang nằm trong vòng tay một chàng trai thế nào rồi bịa ra những tình huống thật ly kì. Vì lúc Thân múc nước rửa chân, lỡ tạo ra tiếng động nên một cô tỉnh dậy nhìn thấy rõ nàng Thân ăn đêm về muộn.

Dù Thân nhẹ nhàng lách vào chỗ nằm song đã có mấy người tỉnh dậy. Họ còn giả vờ nói mê để cố tình thể hiện mình đã biết chuyện, cố tình đánh thức các cô gái khác dậy. Thế là hôm sau khắp các tổ, đội thuỷ lợi cả huyện đã lan truyền tin nàng Thân đi với trai đến khuya. Tất nhiên đó cũng là những câu chuyện vui thôi, vì người ta thêm mắm thêm muối quá nhiều.   

Bẵng đi hai tháng, Thân hoàn toàn không để ý gì về cơ thể mình. Chỉ tới khi người nhà chồng  ốn đã nghe rất nhiều chuyện đồn đại về Thân, lại phát hiện cô con dâu goá có dấu hiệu ăn uống bất thường, đứa em chồng bắt nẹn thì Thân mới tồ tồ khai ra sự tình. Ngay hôm sau, Thân đã bị yêu cầu rời nhà chồng liệt sĩ để về nhà bố mẹ đẻ. Cô sinh đứa con gái đẹp như thiên thần sau đó mấy tháng…

Kẻ gây “hậu quả nghiêm trọng” nghe tin đồn, sợ phải chịu “phạt đền” quá, liền xung phong đưa cả vợ con đi vùng kinh tế mới, để trốn chạy trách nhiệm. Thân cũng chẳng thèm đuổi theo xin xỏ làm gì, bởi cô nghĩ:

“Người ta đã tìm đường chuồn cùng vợ con rồi, thì có cố bắt đền, rồi cũng chẳng đến đâu, cả đời sẽ là sự ghép hờ, không sung sướng gì cả”.

Cũng kể từ hôm đó, những gã đàn ông muốn đổi “món cơm ngội truyền thống cùng vợ” thường ghé nhà Thân. Ấy là vì bố cô điếc tai, mẹ cô mắt kém, đêm không nhìn được gì, mà Thân thì thích tắm đêm ở cái giếng sau nhà. Nghe đồn rằng cô tiếp đón tất, ai đến cũng được, từ ông đội phó nông nghiệp đến gã tổ trưởng tổ cày của hợp tác xã, từ lão bảo nông đến chàng soi ếch đêm. Trạm y tế xã phải cử nữ y tá đến khéo léo đề nghị cô đặt vòng tránh thai, để không làm mất thành tích sinh đẻ có kế hoạch của địa phương. Thời ấy chính sách sinh đẻ có kế hoạch rất căng, là chỉ tiêu thi đua chính của địa phương.

Khi Thân 30 tuổi thì cả bố và mẹ lần lượt rủ nhau về nơi chín suối, để lại mình cô côi cút. Anh chị lớn đều đã có gia đình và định cư xa, thế nên họ để căn nhà bố mẹ làm nhà thờ tộc, cắt cho mẹ con Thân 500 mét vuông đất cuối vườn để dựng một căn nhà nhỏ sinh sống.

Lão Lãn ở cách mấy nhà, vợ chết do hậu sản từ lâu, vốn gọi bố mẹ Thân là anh chị, hình như có họ cách 6-7 đời gì đó, ông ta hơn Thân đến 25 tuổi. Để gần với thân, ông ta rất tích cực giúp dựng nhà, sửa cái rổ này, chữa cái quang kia… Mặc nhiên ông ở lại góp gạo nấu cơm chung với Thân, cứ có người đàn ông là quý, Thân chấp nhận tất.

Thế là hai đứa con ông Lãn là Băng và Hạo làm ầm lên như đầu câu chuyện đã kể. Thân mặc kệ chúng nó nói gì cũng được, cô chỉ nhỏ nhẹ:

- Chúng mày về nói với bố ấy, sang mà kéo ông ấy về chứ tao có lỗi gì mà chửi.

- Chính mày quyến rũ bố tao.

- Tao có mỗi cái .ồn, thằng nào thích mà tao chẳng cho chơi, thằng bố chúng mày cũng chỉ là một trong các con đực ấy thôi nhé. Phải quỳ xuống xin tao mới tha cho tội cưỡng dâm, bây giờ ăn quen rồi phải đút lót tao mới tụt quần cho đấy.

- Đồ đĩ thoã.

- Mày có thích tao kiện lên xã tố bố chúng mày tội hiếp dâm không?

- Ớ…

Bọn kia chịu thua, vì Băng đã lấy chồng xa, Hạo thì ở rể tận huyện bên kia sông, đứa em út bị chết bệnh từ lúc 2 tuổi, sau khi mẹ bị hậu sản. Vì thế, lũ con nói gì lão Lãn cũng bỏ ngoài tai tất. Đương nhiên bây giờ lão Lãn như là chồng không chính thức của Thân rồi.

Năm sau, Thân có chửa, ấy là cô muốn như thế, nên đến trạm xá yêu cầu y tế xã tháo vòng tránh thai ra. Bây giờ thì lũ con riêng của lão Lãn chịu thua hẳn rồi, bố chúng nó và Thân đã đăng ký hôn nhân đàng hoàng. Lão Lãn cẩn thận tránh sự can thiệp láo toét của mấy đứa con, nên đã kịp lên uỷ ban xã điều chỉnh lại sổ hộ khẩu và làm lại giấy chủ quyền 3600 mét vuông đất vườn cùng đất ruộng đã góp vào hợp tác xã. Đến lúc này Thân đã có vị trí chính danh, mấy đứa con riêng của chồng không thể hành tội cô được nữa.

Vị thế trưởng họ tộc của Lãn xưa nay có danh mà không có thực vì tình hình kinh tế khó khăn chung, không làm được gì ra cơm ra khoai cho chi họ cả. Vốn xưa nay cứ đến giỗ tổ, mỗi xuất đinh chỉ góp bát gạo, cùng mấy hào để làm mâm cúng tổ tiên rồi đánh chén một bữa, thật ra mỗi người chỉ được một miếng thịt, còn thì chỉ có rượu trắng với mấy quả sung. Giờ có Thân là vợ trưởng tộc đỡ cho mọi việc tổ chức, kinh tế nhà nào cũng khá giả hơn, thế là một cuộc vận động diễn ra, để khôi phục các hoạt động từ giỗ tổ đến các cúng lễ khác long trọng hơn.

Đương nhiên, lão Lãn đứng ra để tổ chức thôi, mọi gánh nặng đổ cả lên đầu vợ, là Thân. Bà trưởng tộc vốn có tiếng tăm tình trường oanh liệt, nhưng giờ những chuyện ấy là quá khứ xa xăm rồi. Bữa mổ lợn để hôm sau cúng lễ tổ, có mâm cơm cho thành phần chủ chốt uống rượu, bàn công việc, bà trưởng tộc Thân uống với mỗi mâm một cốc rượu làm vui. Một cậu đòi bà trẻ uống với mình một cốc riêng, Thân chấp luôn rồi thách lại. Thế mà cậu trai trẻ kia say lăn kềnh ra trước, chị Thân chỉ cười bẽn lẽn:

- Các chú yếu đừng ra gió, ngựa non háu đá chỉ có thua bà thôi nhé.  

Những người khác được thể cũng đòi được uống cùng bà trẻ, Thân cũng chấp luôn. Rượu chứ đâu phải nước lã, bà trưởng họ cũng thấy trời chao đảo. Cuối cùng, cậu Hạo vốn là bạn học của mẹ kế, phải đứng ra xin cho mẹ Thân. Ngày xưa cậu cũng thích người bạn học cũ của mình. Cả đám đàn ông nhao lên, không đồng ý, thế là Hạo phải uống phạt 3 cốc với dì Thân một cốc. Đúng là vui như hội, tất cả quần tụ xung quanh Thân. Những tiếng xì xầm to nhỏ về bà trưởng tộc thế là im như thóc trong bồ hết.

Sau đám giỗ ấy, mặc nhiên Thân trở thành trung tâm của mọi bữa tiệc trong họ. Bà trẻ chưa lên tiếng, chưa uống vài cốc thì đám đàn ông còn réo gọi, bắt ông trưởng tộc Lãn đi tìm cho kỳ được mới im.

Bây giờ vị thế của Thân đã khác lắm rồi, không chỉ hai đứa con vốn là bạn học cũ, phải tuân lời mẹ kế răm rắp, mà cả họ phải kính nể, phục tùng. Mỗi lão Lãn là ung dung ngồi hưởng lợi, nhưng bao nhiêu chất bổ từ vợ đến con riêng quan tâm bồi bổ, mà lão cứ gầy nhom như que củi. Ai cũng đổ tại bà trẻ khoẻ quá, cứ phây phây ra, nên không đêm nào lão chịu bỏ mứa món ngon ấy.

Mẹ ghẻ trong truyện cổ tích thì ác độc, mưu mô chứ Thân thì lúc nào cũng cười tươi, vậy mà không một ai ghét, không một ai chống lại lời cô.

Đùng một cái, xã lên phường, một con đường lớn thẳng tắp xén qua đất nhà Lãn. Được đền bù khoản ra tấm ra món, bà trẻ Thân đứng ra huy động xây lại nhà thờ tộc hoành tráng. Rồi lại mang đất riêng của mình cho người ta thuê làm cây xăng, có tiền, bà tổ chức các loại hội hè, giỗ họ hoành tráng hơn. Mọi người chỉ đóng góp lấy lệ, còn bà trưởng tộc bao tất.

Tuổi u70, bà Thân vẫn chăm ông Lãn hơn 90 tuổi, rất tận tâm. Đến giờ, theo vai vế, các con, các cháu, các chắt đông như quân Nguyên vẫn một mực răm rắp nghe theo bà xắp đặt mọi công việc.

Thời thế đã đổi thay, mẹ ghẻ lên ngôi rồi. Ngay cả chị em nhà Băng, Hạo, cũng tuổi gần 70 nhưng một câu “thưa mẹ”, hai câu “con xin phép” chứ không dám nửa lời hỗn hào. Không chỉ vậy, mấy con của Thân đều thành đạt. Đứa là con của liệt sỹ Quy giờ là Chủ tịch quận đầy tương lai tươi sáng, mấy đứa sau đều thành danh, làm rạng rỡ cả họ nhà ông Lãn.

Trong những câu chuyện cổ tích từ ta đến tây, người mẹ kế luôn ác độc, có lẽ phải thay hẳn quan niệm ấy. 

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Phận mẹ ghẻ" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn