Nỗi khó nhọc khi tìm xuất xứ một bài thơ ngoại giao!

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

14/06/2023 09:42

Theo dõi trên

Đây là bài thơ tiễn một vị Trung Sứ, có tên là Vũ Thích Chi, của Nguyễn Phi Khanh (1355-1438).

b1vbl1a-1686710445.jpg

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

TỐNG TRUNG XỨ VŨ THÍCH CHI

Ngũ sắc vân biên xuất sứ tinh,

Lẫm nhiên trung nghĩa chiếu nhân minh.

Xuân lâm mai dịch sương đề cấp,

Tuyết tễ Hoài triều ngọc tiết thanh.

Thiên địa Bắc Nam song nhãn khoát,

Sơn hà di hiểm thốn tâm bình.

Ân cần kim nhật tống quân biệt,

Bôi tửu nan thăng vạn lý tình.

Dịch nghĩa:

TIỄN TRUNG SỨ VŨ THÍCH CHI

Bên áng mây năm sắc, xuất hiện ngôi sao sứ thần,

Khí tiết trung nghĩa lẫm liệt dọi sáng lòng người.

Xuân tới trạm mai, vó ngựa trong sương vội vã,

Tuyết quang Hoài Thủy, tiết ngọc trong sáng.

Trời đất có Bắc có Nam, tầm mắt thênh thang,

Núi sông chỗ bằng chỗ hiểm, tấc lòng trung trinh.

Hôm nay ân cần tiễn biệt ngài,

Chén rượu khôn ngăn mối tình muôn dặm.

Đây là bài thơ tiễn một vị Trung Sứ, có tên là Vũ Thích Chi, của Nguyễn Phi Khanh (1355-1438). Bài thơ này được chép trong sách TOÀN VIỆT THI LỤC của Lê Quý Đôn. Sách THƠ VĂN LÝ-TRẦN (Viện Văn Học) chú thích rằng “Chưa biết Vũ Thích Chi là ai”. Do vậy, cũng chưa có ai dám khẳng định xuất xứ của bài thơ này.

Thường thì chức quan Trung Sứ ở Tàu hay ở Ta đều có đặt. Viên quan Khâm Sai Đại Thần này thường đặc trách việc truyền lệnh trực tiếp của nhà vua, về một việc khẩn cấp đặc biệt nào đó. Ví như ở đời Trần, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư thua trận Vân Đồn, vua Trần sai viên quan Trung Sứ cầm cờ tiết xuống An Bang, truyền lệnh bắt Trần Khánh Dư về Thăng Long chịu tội. Trần Khánh Dư tha thiết xin quan Trung Sứ cho được hoãn lệnh bắt, để ông có cơ hội lập công chuộc tội. Viên quan Trung Sứ đã đồng ý, rồi về tâu vua. Quả nhiên, vì cái ân ấy, Trần Khánh Dư đã lập công, phục kích đoàn vận lương của Trương Văn Hổ, đại thắng.

Vậy thì Nguyễn Phi Khanh đã tiễn vị sứ thần nào trong thời điểm đất nước có rất nhiều biến động? Ở đời Trần ư? Chắc không phải! Nguyễn Phi Khanh đã đỗ Tiến sĩ năm Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông (Trần Kính). Nhưng Thượng hoàng Nghệ Tông đã không cho cả hai chàng rể cụ Tư Đồ Trần Nguyên Đán là Tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh (chồng cô chị Trần Thị Thái) và Tiến sĩ Nguyễn Hán Anh (chồng cô em Trần Thị Thai) được bổ làm quan to, xứng với tầm cỡ của hai chàng. Lý do rất vu vơ, rằng hai anh nhà quê này dám liều lĩnh chòi lên cao, “chôm chỉa” được con gái khuê các Hoàng tộc (!). Mãi sau, chắc cụ Tư Đồ đã có nhời gì đó với Nghệ Tông, cho nên cả hai chàng Tiến sĩ tân khoa mới được bổ một chức quan rất nhỏ, lương không đủ ăn. Đó là chức quan Kiểm Chính, thuộc ngành Tư pháp. Các tư liệu nói rằng Nguyễn Phi Khanh không được làm quan ở triều Trần là không đúng.

Ở chức quan này (Kiểm Chính), Nguyễn Phi Khanh chả là cái đinh gì cả. Trung sứ Khâm Sai Đại Thần đến đây làm gì? Rồi sau phải tiễn?

Tuy nhiên, đọc kỹ bài thơ, xem xét kỹ nội dung và nhìn toàn cảnh, thì tôi cho rằng, viên TRUNG SỨ có tên là Vũ Thích Chi mà Nguyễn Phi Khanh tiễn đây, chính là người Trung Quốc.

Năm 1400, Hồ Quý Ly lật đổ triều Trần, lập ra nhà Hồ. Năm này, Nguyễn Trãi (1380-1442) con trưởng Nguyễn Phi Khanh ra thi và đỗ Tiến sĩ, cùng khoa với các danh sĩ Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn… Năm 1402, đời vua Hồ Hán Thương, Nguyễn Phi Khanh ra làm quan cho nhà Hồ, với chức HÀN LÂM HỌC SĨ, thăng dần lên TƯ NGHIỆP QUỐC TỬ GIÁM, ĐẠI LÝ TỰ KHANH, kiêm TRUNG THƯ THỊ LANG, vinh thăng THÁI TỬ TẢ TÁN THIỆN ĐẠI PHU…

Chính ở địa vị quan cao này, Nguyễn Phi Khanh được Hồ Hán Thương giao cho việc tiếp và tiễn sứ thần nhà Minh là ông Vũ Thích Chi về Bắc. Minh Thành Tổ Chu Đệ là vua giỏi, nhưng rất tàn bạo. Chính hắn là tên tội phạm diệt chủng, diệt văn hóa lớn nhất mọi thời đại. Chu Đệ đã tấn công tiêu diệt nhà Hồ. Trong năm 1407, hắn đã chỉ đạo cho tướng Trương Phụ và các tướng khác triệt để xóa bỏ nền văn hóa của Đại Việt ta. Đập hết, phá hết, đốt hết.

Có thể ước đoán rằng Nguyễn Phi Khanh thay mặt triều Hồ tiếp và tiễn đưa viên sứ thần nhà Minh là Vũ Thích Chi, vào khoảng từ năm 1403 đến năm 1406.

Thơ ngoại giao, ngôn ngữ nhìn chung có phần khách sáo như thông lệ.

Hai câu:

Trời đất có Bắc có Nam, tầm mắt thênh thang,

Núi sông chỗ bằng chỗ hiểm, tấc lòng trung trinh.

Tác giả có ý nhắc rằng trong khoảng trời đất mênh mông rộng rãi này, Bắc, Nam dường như đã được phân định rõ ràng rồi. Núi sông cao thấp hiểm trở, tấm lòng nước nhỏ chúng tôi vẫn một dạ trung trinh với Thượng quốc vậy! Cho nên:.

Hôm nay ân cần tiễn biệt ngài,

Chén rượu khôn ngăn mối tình muôn dặm!

Như vậy, ở đời nhà Hồ “chính sự phiền hà”, chỉ còn sót lại duy nhất một bài thơ tiễn sứ Tàu và cũng duy nhất một bài Nguyễn Phi Khanh tiễn ông bạn cùng khoa là Đỗ Tòng Chu đi sứ nhà Minh ở đời Hồ mà thôi. Không có trang sử sách nào ghi chép được việc này!

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi khó nhọc khi tìm xuất xứ một bài thơ ngoại giao!" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn