Lý Nam Đế - Dấu ấn dân tộc: Những  trăn trở và kiến nghị

Cao Văn Tâm (Chủ tịch UBND xã An Thượng, huyện Hoài Đức - Hà Nội)

28/02/2024 16:29

Theo dõi trên

Mùa Xuân năm Giáp Thìn 2024 là thời điểm đúng 1.480 năm ngày Lý Nam Việt Đế (thường gọi là Lý Nam Đế) lên ngôi Hoàng đế, mở ra một vương triều mới của độc lập dân tộc - Triều đại Vạn Xuân.

Trong nghìn năm Bắc thuộc, kể từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 – 43), phải tới 500 năm sau, Lý Nam Đế mới lại tiếp tục dựng cờ khởi nghĩa và giành được thắng lợi để mở ra một triều đại cho dân tộc Việt, dù triều đại Vạn Xuân chỉ tồn tại 58 năm (544-602), trong đó Lý Nam Đế ở ngôi chỉ được 4 năm (544 - 548) nhưng Ngài đã để lại một dấu ấn chói lọi, huy hoàng và vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

dt2b-1709112391.jpg

Tượng Lý Nam Đế tại Đại Bản doanh Lưu Xá (Đức Giang - Hoài Đức - Hà Nội). 

 

Lý Nam Đế - Dấu ấn trong lịch sử dân tộc Việt

Người khơi nguồn yêu nước sau 500 năm đè nén và sự quy tụ nhân tài người Việt. Đầu năm Tân Dậu 541, sau khi từ quan chức Giám Quân vùng Cửu Đức của Nhà Lương (502 -557), Lý Nam Đế(503 -548) tên là Lý Bôn, tự là Lý Bí, đã về quê vùng Châu Giã Năng để khởi binh, nuôi chí giành lại nước Nam Việt cho người Việt. Khát vọng đó của ông như khơi nguồn cho mạch nguồn yêu nước của dân tộc đè nén mấy trăm năm nên đã được nhiều thủ lĩnh, tướng tài quy tụ như Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con trai là Triệu Quang Phục khâm phục tài đức của Lý Bí đem quân nhập với đạo quân của ông.

Tinh Thiều, một người giỏi từ chương, từng đến kinh đô nhà Lương (Trung Quốc) xin được chọn làm quan nhưng ông chỉ được cho chức quan “gác cổng thành” nên đã bỏ về Giao Châu theo Lý Bí. Ngoài ra, trong lực lượng của ông còn có một võ tướng là Phạm Tu đã ngoài 60 tuổi; Đỗ động tướng quân Lý Phục Man, nữ tướng Khoan Khoáng và Nguyễn Thị Toàn, Sơn Bất Mẫn, Trương Hát, Trương Hống… đặc biệt là sự hưởng ứng đông đảo của nhân dân mà cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng thành công.

Tháng 1 năm Nhâm Tuất 542, Lý Bí quyết dựng cờ khởi nghĩa. Sau 3 năm khởi binh, nghĩa quân của Lý Bí đã đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, đến tháng 2 năm Giáp Tý 544, Lý Bí tự xưng làm Hoàng đế, lấy hiệu là Lý Nam Đế là danh xưng kết tinh niềm kiêu hãnh và niềm tự tôn mãnh liệt của cả dân tộc ta.

dt1a-1709112241.jpg

Người dân làng Lưu Xá tổ chức lễ hội tưởng nhớ Lý Nam Đế.

 

 Sự phân định rạch ròi về phạm vi quyền lực giữa Bắc Đế với Nam Đế - Đế hiệu đầu tiên của của một vị vua đất Việt ở phương Nam, phế bỏ niên hiệu của nhà Lương, đặt đặt niên hiệu mới là Thiên Đức (Đức trời), đặt tên nước là Vạn Xuân (ý mong cho đất nước bền vững lâu dài). Tự thân hai chữ Vạn Xuân đã kết tinh được khát vọng thái bình cháy bỏng của toàn thể nhân dân ta – Một khát vọng hết sức chính đáng và do đó phải được trân trọng, đồng thời hai chữ Vạn Xuân chứa được giá trị nhân văn sâu sắc.

Ý thức tự chủ, tự cường dân tộc.Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế đã lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc truyền đến muôn đời. Đặc biệt là ôngđã xưng Nam Việt Đế, điều này thể hiện ý thức tự chủ, tự cường và tự hào dân tộc, để ngang bằng với quốc gia phương Bắc là Lương Vũ Đế thời bấy giờ. Đây chính là nền tảng quan trọng để các triều đại sau này khẳng định vị thế và ý thức dân tộc, khát vọng quốc gia trước Hoàng đế phương Bắc.

Người đầu tiên in tiền Việt - Mở ra nền tài chính quốc gia độc lập không lệ thuộc tiền Phương Bắc

Cùng với việc xưng ngôi Hoàng đế, lập ra bộ máy trăm quan hai bên Văn - Võ, Lý Nam Đế cũng là Hoàng đế đầu tiên sau hàng trăm năm Bắc thuộc đã chủ động in tiền của triều đại Thiên Đức. Đây chính là đồng tiền đầu tiên của lịch sử dân tộc Việt Nam sau nghìn năm lập quốc, là đồng tiền ban đầu của nền tài chính nước Việt.

dt3c-1709112519.jpg

Hội làng Lưu Xá -huyện  Hoài Đức (địa danh được Lý Nam Đế chọn làm Đại bản doanh).

 

Người đầu tiên phát hiện vị trí chiến lược, đô thành của Hà Nội. Sau khi khởi binh tại quê nhà Châu Giã Năng, do thấy vị trí của vùng này không chiến lược cho một đại bản doanh. Nên Lý Bí đã tham vấn Pháp Tổ thiền sư (người nuôi dưỡng Lý Nam Đế khi mới 13 tuổi tại chùa Bảo Phúc), nghe lời Pháp Tổ, Lý Bí đã chuyển toàn bộ Đại bản doanh về ấp Thái Hà (thôn Lưu Xá - Xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội ngày nay). Chiến thắng quân Lương, mở ra triều đại nhà nước Vạn Xuân.

 Lý Nam Đế đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ (hoặc Vạn Xuân) làm nơi triều hội, thiết lập triều đình với hai ban văn, võ. Như vậy, chính Lý Nam Đế mới là người nhìn thấy được “Kinh đô muôn đời”của Hà Nội từ 1.500 năm trước, ngay từ khi ông lập Đại bản doanh ở Lưu Xá (thuộc xã Đức Giang ngày nay) và sau này là kinh Thành Ô Diên, điện Vạn Thọ khi lập triều đại Thiên Đức của nhà nước Vạn Xuân.

Người có công phát triển Phật giáo quốc gia. Sau khi lên ngôi, Lý Nam Đế đã cho dựng ngôi chùa mang tên Khai Quốc (mở nước) ngay bờ sông Hồng, sau này do sông làm chùa sạt lở, người dân đã di chuyển vào phía trong và đổi tên thành chùa Trấn Quốc (giữ nước). Việc ông cho xây dựng chùa đã thể hiện tinh thần Phật giáo là Quốc đạo, từ đó để mở đường cho Phật giáo nước ta phát triển ở nhưng giai đoạn sau này, đặc biệt từ ngôi chùa Ngài xây dựng mà các thế hệ Người Việt có được một ngôi chùa cổ kính linh thiêng nghìn năm tuổi tới tận hôm nay.

Những điều còn trăn trở

Mặc dù có những dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, tuy nhiên Vương triều Tiền Lý, đặc biệt là Lý Nam Đế đến nay chúng ta chưa có cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học mang tầm quốc gia về Ngài, mới đây mới có hội thảo của tỉnh Thái Nguyên về quê hương của Ngài, hội thảo của tỉnh Phú Thọ và hội thảo của huyện Hoài Đức (Hà Nội) về dấu ấn của Lý Nam Đế trên quê hương Hoài Đức. Do đó, những tư liệu khoa học chính thức về Lý Nam Đế và Vương triều Tiền Lý còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Cụ thể:

Chưa xác định rõ ai là Hoàng hậu của Lý Nam Đế. Theo cuốn Lịch sử Việt Nam phổ thông (tập 2) của Viện sử học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì Hoàng hậu của Lý Nam Đế là Hứa Trinh Hòa. Tuy nhiên, nhiều tư liệu đặc biệt là bài viết của Nhà nghiên cứu Phan Dương tại hội thảo khoa học của tỉnh Phú Thọ năm 2015 lại khẳng định Hoàng hậu của Lý Nam Đế là Đỗ Thị Khương quê tại trang An Để (nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Đại bản doanh Lưu Xá - Di tích chưa được quan tâm đúng tầm. Theo bài viết “Đã phát hiện được dấu tích “Đại bản doanh Lý Nam Đế” ở Lưu Xá” của tác giả Minh Tú thể hiện: Sau khi đóng “Đại bản doanh” ở Lưu Xá, Lý Bí đã xây dựng hàng loạt những cơ sở hoạt động quân sự của nghĩa quân, dưới hình thức chùa chiền để che mắt quân Lương như chùa Rộc, chùa Đúc, chùa Giáo (còn có tên là Linh Giáo tự). Chùa Đúc là nơi đúc và sản xuất các loại vũ khí như: Gươm, giáo mác, khiên, mộc, Chùa Giáo là nơi tập luyện gươm giáo.

Tương truyền rằng: Thời đó, Lý Bí thường đóng vai “chú tiểu” hàng ngày từ chùa Linh Bảo ở làng Giang Xá sang đánh trống ở chùa Rộc (làng Lưu Xá). Nghĩa quân nghe theo hiệu lệnh trống của thủ lĩnh mà luyện tập gươm giáo ở chùa Giáo. Gò Lương - Y: là nơi để kho lương thực và trạm quân y (nay gọi là xóm Gạo); Gò Khảm - Mộc: là nơi đặt những bộ phận của xưởng công binh; vườn Quán: là nhà bếp và nhà ăn; gò Yên Ngựa: là nơi buộc ngựa của các tướng lĩnh từ các nơi về họp bàn việc quân (khu nhà mẫu giáo ngày nay); hồ Quần Ngựa: là nơi tắm của ngựa (ngay trước cửa đình).

 Gò Mũi Mác: là trạm tiền tiêu canh gác của “Đại bản doanh”; gò Trống Cờ: là nơi treo trống, cắm cờ; gò Tấu Thư: là nơi tiếp nhận những thư tín từ các nơi gửi về; Gò Nghiên - Bút: là nơi để các nghiên bút mực; gò Ấn: là nơi đóng dấu ấn tín của “Đại bản doanh”; gò Văn triều Hoàng đế: là nơi Lý Nam Đế ký những văn bản, chiếu chỉ của Quốc triều Vạn Xuân (sau ngày lên ngôi Hoàng đế có những lần ông hành quân qua đây và đóng quân tại nơi này ít ngày và thăm dân hai làng). Những dấu tích các đường hào, đường lũy vẫn còn để lại quanh làng Lưu xá đến ngày nay.

Tuy nhiên, di tích này tới nay chưa được nghiên cứu cụ thể, nhiều di tích đã thành phế tích nên cần có cơ sở khoa học và xác định đúng các di chỉ, di tích gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Thiết nghĩ, Nhà nước, giới sử học và khảo khổ học phải có một cuộc điền dã, nghiên cứu để xác định cụ thể, đồng thời phục dựng các di tích này để thấy được tầm vóc và tôn vinh vị Hoàng đế đầu tiên nước Việt.

Xác định cụ thể điện Vạn Thọ hay điện Vạn Xuân và thành Ô Diên.Theo cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, mục “Tiền Lý Nam Đế” viết: “Giáp Tý, Thiên Đức năm thứ 1 (544) (Lương Đại Đồng năm thứ 10). Mùa xuân, tháng Giêng, vua nhân đánh thắng được giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đổi niên hiệu, đặt ra trăm quan, dựng quốc hiệu là VạnXuân là ý mong muốn xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ để làm nơi triều hội”.

Sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ cũng chép: “Vua xây điện Vạn Thọ để làm nơi triều hội”. Sách Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn lại chép: “Năm Giáp Tý (544)… Mùa Xuân, tháng Giêng, Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân… có ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời, dựng điện Vạn Xuân để làm chỗ triều hội”. Sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng - người cùng thời với Quốc sử quán triều Nguyễn cũng khẳng định: “Long Biên đời Ngô cũng có ở Hà Nội (sách Thái Bình hoàn vũ ký chép rằng: Huyện Long Biên có đài Vạn Xuân, sông Ô Diên ở huyện Từ Liêm ngày nay, đài Vạn Xuân ở huyện Thanh Trì ngày nay…)”.

Như vậy, cả hai bộ sách trên đều viết là đài hoặc điện Vạn Xuân, ngược lại với hai bộ sách trước đều cho là điện Vạn Thọ. Nội dung này cũng cần giới sử học nước nhà làm rõ, đồng thời xác định chính xác vị trí điện Vạn Xuân (hoặc Vạn Thọ) nằm ở vị trí huyện Thanh Trì hay vườn hoa Hàng Đậu.

 Một vài kiến nghị

Để tôn vinh Lý Nam Đế so với những công lao và dấu ấn vĩ đại mà Ngài để lại cho lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước, tác giả mạo muội được đề xuất một số kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền ba nội dung sau:

Nội dung thứ nhất: Giới sử học nước nhà cần có các cuộc hội thảo khoa học tầm quốc gia về vương triều Tiền Lý nói chung và cá nhân Lý Nam Đế nói riêng một cách toàn diện, đầy đủ, điền dã, khảo cứu các di tích liên quan quan đến Lý Nam Đế, đặc biệt là Đại bản doanh của Ngài tại Lưu Xá để làm rõ các vấn đề còn uẩn khúc đã nêu phía trên cũng như vaitrò, đóng góp của Triều tiền Lý và Hoàng đế Lý Nam Đế trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Nội dung thứ hai: Nghiên cứu để dựng tượng, tôn vinh Lý Nam Đế tại Thủ đô Hà Nội ở nơi trung tâm, có địa thế đẹp; xem xét tổ chức lễ hội cấp tỉnh hoặc quốc gia tại quê hương của Ngài tại huyện Phổ Yên - Thái Nguyên; nơi ngài sống lúc nhỏ và dựng đại Bản Doanh tại thôn Lưu Xá, Giang Xá của huyện Hoài Đức và tại huyện Tam Nông - Phú Thọ nơi có Lăng mộ của Ngài. Bởi so với các Triều đại khác thì tượng đài và lễ hội của Hoàng đế đầu tiên của nước Việt vẫn còn khá khiêm tốn, làm được điều này cũng là hình thức giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước rất ý nghĩa đối với các thế hệ người dân nước Việt không chỉ hôm này mà nhiều thế hệ về sau.

Nội dung thứ ba: Quan tâm đầu tư, phục dựng các di tích, di chỉ liên quan đến quê hương Lý Nam Đế tại Phổ Yên - Thái Nguyên; khu Lăng mộ Ngài tại huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phúc; nơi Ngài tu lúc nhỏ tại làng Giang Xá và Đại bản doanh của Ngài tại làng Lưu Xá, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Hiện nay, một số di tích, di chỉ tại các địa danh này chủ yếu được người dân và chính quyền địa phương gìn giữ, xây dựng chưa được quan tâm thực sự thích đáng, mang tầm vóc quốc gia.

Khi chúng ta làm được những điều trên với vị Hoàng đế đầu tiên của nước Việt - Lý Nam Đế thì không chỉ là thể hiện sự tri ân với bậc tiền nhân đi trước mà còn thể hiện lòng tự tôn dân tộc, sự giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào đối với các thế hệ tương lai. Thể hiện đúng tầm vóc, vị thế, chí khí của một bậc Đế vương mở đầu triều đại sau hơn 500 bị đô hộ, Người đã nhìn ra vị thế của Hà Nội đầu tiên “là kinh đô của muôn đời” của nước Việt!

Bạn đang đọc bài viết "Lý Nam Đế - Dấu ấn dân tộc: Những  trăn trở và kiến nghị" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn