Trao tặng kỷ vật cho Nhà văn Đặng Vương Hưng sau 42 năm

Nguyễn Văn Thương

08/03/2024 15:00

Theo dõi trên

Năm 1982, 1983 khi đóng quân ở các huyện Lục Ngạn, Sơn động , tỉnh Hà Bắc lúc đó, qua báo Quân khu I, báo Nhân dân tôi biết đến tác giả Đặng Vương Hưng và thường xuyên đọc thơ Anh.

 Tôi còn nhớ nằm lòng mấy câu thơ của Anh:

Sáng còn ở Phong Vân

Trưa đã đến làng Cả

Chiều vượt sông Tà Cang

Đêm ngủ rừng Xa Lý

Trăng tròn ơi sáng thế

Con hươu tác bâng khuâng…

dt1h1-1709884681.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Liên quan đến kỷ vật tôi trao tặng Nhà văn hôm nay mời bạn ngược thời gian một chút qua bài viết sau đây ngày 19/7/2018 của Nhà văn Đặng Vương Hưng đăng trên fb cá nhân:

MÌNH VỪA TÌM LẠI ĐƯỢC BÀI THƠ BỊ LÃNG QUÊN VÀ THẤT LẠC TỪ 36 NĂM TRƯỚC

Ngày 23/3/2018, mình có viết một SST ngắn, với tựa đề "Từ một bài thơ đến 2 cuốn sách và chai rượu Nga". Nội dung như sau:

Mấy tuần trước, mình nhận được dòng tin nhắn qua facebook của tài khoản Nguyễn Thị Minh: “Xin lỗi, anh có phải là tác giả bài thơ viết về những người lính hát bài Cachiusa, đã đăng trên báo nhiều năm trước không? Bài thơ ấy có khổ đầu thế này: Có một thời bài hát ấy vang lên / Khi nước Nga mịt mù lửa khói / Tiếng pháo giặc nơi biên thùy nhức nhối / Nhiều chàng trai khoác súng ra đi...”?

Mình xác nhận: Đó là bài thơ có tựa đề “Những người hát bài Cachiusa” đã từng được giới thiệu trên Báo QĐND và Báo Nhân dân cách đây gần 40 năm. Hồi đó, mình còn là anh lính trẻ ở biên giới Lạng Sơn, trong một đêm mưa rét, cùng đơn vị hành quân, đã viết bài thơ đó rất nhanh và gửi về Hà Nội. Những năm tháng ấy, cả nước còn hừng hực không khí cuộc chiến biên giới, hầu như ngày nào tôi cũng làm một bài thơ. Cùng với Nguyễn Xuân Hồng đóng quân ở Pò Hèn (Quảng Ninh), chúng mình là những cây bút mới viết khỏe nhất và “bản thảo đã gửi tràn ngập các bàn biên tập” (chữ của Nhà thơ Hữu Thỉnh, hồi đó là Trưởng Ban Thơ của Tạp chí VNQĐ đã viết biểu dương chúng mình). Và hầu như tuần nào mình cũng có bài đăng trên báo, hoặc phát trên làn sóng của Đài tại Hà Nội...

Bạn Nguyễn Thị Minh mừng quá, vội đề nghị mình chép tặng bài thơ đó, gửi qua mạng và còn cho biết thêm: “Em đã có 20 năm sống tại Nga, rất thích bài thơ ấy, dù nó dài, nhưng đã thuộc rất nhanh. Nhưng tiếc là lâu quá, rồi, nên giờ còn nhớ không đầy đủ…”. Vừa rồi, cũng vì có cảm tình với cái tên ĐVH mà em đặt mua cuốn “Kỳ nữ” để tặng cho mẹ em. Bà rất thích và đang đọc nó say sưa…”.

Thật tiếc, là do viết nhiều và đã lâu, nên chính mình cũng không nhớ được hết bài thơ nêu trên, dù đã cố gắng hết mức. Thú thực, nếu bạn fb không nhắc, thì mình đã quên. Mình cảm ơn tài khoản Nguyễn Thị Minh, để tri ân, mình xin được gửi tặng (miễn phí) cuốn tư liệu “Phi công Mỹ ở Việt Nam”. Mấy hôm sau, bạn Minh nhắn tin đã nhận được sách và cho biết thêm mình đang là một đại lý Rượu Nga tại Hà Nội, vì có công ty xuất nhập khẩu, nên sẽ gửi tặng mình một chai “Vodka Nga đảm bảo xịn nhất”. Nguyễn Thị Minh còn gợi ý: Anh nên đưa bài thơ “Cachiusa” lên fb để nhờ mọi người ai còn nhớ thì bổ sung giúp !

Hôm đang ở Lộc Bình (Lạng Sơn) dự Lễ hội Háng Đắp, mình đã thấy người nhà báo tin: Vừa nhận được chai rượu Vodka Nga.

Tiếp đó, mình cho đăng bài thơ chép lại theo trí nhớ, thiếu đoạn giữa và khổ cuối cùng. Rồi có lời nhờ bà con làng fb, nếu ai còn nhớ thì bổ sung giúp cho đầy đủ...

Rất mừng là gần đây, mình có nhận được điện thoại của bạn đọc Nguyễn Văn Thương (ĐT: 0984 535 657; fb Thươngianglangbiang), hiện đang công tác tại Cơ quan UBKT Trung ương, cho biết: Năm 1982, anh Thương đọc trên báo Nhân dân thấy bài thơ đó đã rất thích. Vốn là người yêu thơ, nên anh đã chép bài thơ vào trong một cuốn sổ tự đóng bằng giấy tận dụng một mặt (mặt trước in tài liệu, mặt giấy tận dụng là mặt ráp, khi viết hay bị vấp). Cuốn sổ gần 100 trang ghi chép trong gần 2 năm (1982 - 1983). Ngày ấy quá khó khăn, được tặng một cuốn sổ là quý lắm. Gần đây, tình cờ biết thông tin tôi đăng trên facebook tìm lại bài thơ, Thương quyết về nhà tìm lại. Nhưng do tủ sách để ở quê, mấy lần về, định lục tìm rồi lại quên. Tuần vừa rồi về quê, Thương đã nhớ và tìm lại được cuốn sổ ghi chép đó. Anh đã mang nó xuống Hà Nội, chụp và gửi cho mình 3 trang sổ chép bài thơ từ 36 năm trước... Thương còn định để hôm nào mời mình và bạn hữu cùng ngồi cà phê và "chiêm ngưỡng" kỷ vật của một thời không quên...

Vậy là, nhờ bạn đọc Facebook, mình đã tìm lại được toàn bộ nội dung bài thơ bị lãng quên và tưởng chừng đã thất lạc.

Xin cảm ơn tất cả mọi người !

*

NHỮNG NGƯỜI HÁT BÀI CA-CHIU-SA

Có một thời bài hát ấy vang lên

Khi nước Nga mịt mù lửa khói

Tiếng pháo giặc nơi biên thùy nhức nhối

Nhiều chàng trai khoác súng ra đi...

Bài hát ấy nhắc một thời loạn ly

Bao lứa đôi tiễn nhau ra trận

Năm tháng đợi chờ thời gian như vô tận

Ngày trở về vắng bóng người yêu...

Người lính Nga hát bài ấy rất nhiều

Hát lúc hành quân, hát khi vào trận đánh

Cô gái Nga ơi, có hiểu đấy là sức mạnh

Tiếng của lòng người tiếng của trái tim!

Bài hát ấy từ đất nước Lê nin

Đã cháy lên như trái tim khao khát

Đến bây giờ chúng tôi vẫn hát

Trên những nẻo đường Tổ quốc Việt Nam

Bởi đất nước này đã mấy ngàn năm

Bao kẻ thù nối nhau xâm lược

Bao trai tráng đã lên đường giữ nước

Người lính truyền nhau thuộc lòng Cachiusa...

Bài hát ấy hát cho mọi người nghe...

Đồng đội tôi – những chàng lính trẻ

Có lên đường ra trận hôm nay?

Phút vinh quang thắng lợi của ngày mai

Dẫu chẳng biết ai còn, ai mất

Có thể là chính ta sẽ vắng mặt

Nhưng chúng mình đã có một niềm tin

Xin nhắn gửi theo những cánh chim

Rằng, người yêu của lính ơi hãy nhớ

Dù xa xôi phương trời nào cách trở

Hãy chờ anh chiến thắng trở về!

Những người yêu của lính ơi có nghe ?

Bài hát vang lên từ đồng bằng phương Nam

Bài hát vang lên từ biên thùy phương Bắc

Bài hát vang lên từ đảo xa tít tắp

Bao người lính say sưa với tình ca…

Sẽ muôn năm bài hát ấy không già

Chúng tôi hát cho thỏa thuê nỗi nhớ

Đồng đội ơi, hãy hát to lên nữa

Mỗi chúng mình có một Ca-chiu-sa!...

Biên giới Lạng Sơn, 1982

Đặng Vương Hưng

*

LỜI CUỐI CHO MỘT CUỘC TÌNH

Thêm 6 năm nữa để hiện thực lời hẹn hôm nào.

Tháng 7/2017 tôi gặp Anh Đặng Vương Hưng thoáng qua, tâm sự vội vàng tại một sự kiện.

Tháng 3/2018 biết thông tin Anh tìm lại bài thơ, tôi nhớ mang máng mình đã chép bài thơ trong cuốn sổ cá nhân. Mấy lần về quê lúc nhớ, lúc quên, tôi đã lục tìm và thấy cuốn sổ. Niềm vui vỡ òa, tôi điện, chụp gửi Anh 3 trang chép bài thơ bằng mực tím.

Tháng 7/2023 tôi với Anh hẹn nhau nhưng không thành do tôi có việc đột xuất.

Tối qua, tôi nhắn tin cho Anh “Anh ơi, Anh có nhà không em sang nhé. Hẹn gần cho chắc”. Anh nhắn lại “Có, chú à. Mời chú qua 40, Võ Thị Sáu uống cà phê nhé”.

Vậy là sau 42 năm, tôi mới đủ duyên để trao tặng kỷ vật về một thời để nhớ tại Cà phê Lục bát và tình cờ gặp gỡ 2 bác từ xa đến với tình cảm mến mộ Nhà văn (bác Vũ Huệ 80 tuổi, bác Đặng Duy Khanh 65 tuổi) được Nhà văn tặng sách, chụp ảnh, cùng ăn trưa, giao lưu, kết nối, hẹn ngày gặp lại.

Tạm biệt Nhà văn, chia tay cuốn sổ sau 42 năm, lòng tôi bâng khuâng, tâm trạng như chia tay người tình chung thủy một thời tuổi trẻ, tuổi 20 dâng hiến cho đời. Nhưng lòng tôi hứng khởi, rạo rực niềm vui vì người tình của tôi đã may mắn gặp được một tên tuổi lớn ! Gần trăm trang trong cuốn sổ đó biết đâu sẽ được ngòi bút của Nhà văn làm sống lại, lan tỏa niềm vui, năng lượng sống đến mọi người.

Điều bất ngờ khi Nhà văn lại là đồng hương với tôi ! Nhà Anh và nhà tôi ở quê cách nhau chưa đầy chục km, thú vị quá, tâm hồn đồng điệu, tri âm, tri kỷ đến nơi rồi...

(7/3/2024)

N.V.T

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Trao tặng kỷ vật cho Nhà văn Đặng Vương Hưng sau 42 năm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn