Thương lắm Sài gòn ơi!

Tản văn của Nguyễn Hoàng Nguyên*

12/10/2023 15:43

Theo dõi trên

Kể từ đó, tôi đã trở lại thành phố này mấy lần và lần chia tay nào cũng thấy da diết nhớ nhung. Mỗi lần đến và đi, khi ngồi trên máy bay, nhìn xuống Sài Gòn như những ô bàn cờ qua khoang cửa lại bâng khuâng đến nhói lòng.

                        

sai-gon-chong-covid-1697100111.jfif

Minh họa: Bing

 

                                           

   Cách nay gần 40 năm, trên chuyến xe quân sự rời trường Kỹ thuật Hải quân Cát Lái lên ga Hoà Hưng để ra Cam Ranh nhận nhiệm vụ mới, cánh lính trẻ chúng tôi cứ nghêu ngao lời bài hát của Nguyệt Ánh: “Sài Gòn ơi ta có ngờ đâu rằng một lần đi là một lần vĩnh biệt một lần đi là mất lối quay về, một lần đi là mãi mãi thương đau”. Cứ nghĩ, cả cuộc đời mình sẽ chẳng có dịp trở lại Sài Gòn (tên gọi trước đây của thành phố mang tên Bác); nhưng rồi sau một quãng thời gian dài, đến tháng 7 năm 2009 tôi có dịp trở lại thành phố thân thương; để được tận mắt nhìn lại một Sài Gòn hoa lệ, một Sài Gòn thân thương, hào sảng và mến khách vẫn luôn trong trái tim tôi từ cái thuở mới chân ướt chân ráo vào quân ngũ!

Kể từ đó, tôi đã trở lại thành phố này mấy lần và lần chia tay nào cũng thấy da diết nhớ nhung. Mỗi lần đến và đi, khi ngồi trên máy bay, nhìn xuống Sài Gòn như những ô bàn cờ qua khoang cửa lại bâng khuâng đến nhói lòng. Nhớ những con hẻm với đầy những ngách đến choáng cả mắt, nhớ những hàng cây với nhiều chủng loại: dầu, giáng hương, sao, mét, sọ khỉ, tung, sống rắn thơm, me… cao ngất, thẳng tắp toả bóng rợp cả lòng đường. Trước đây tôi đã từng đi dạo trên cầu chữ Y - một cây cầu khá nổi tiếng gắn với thủ lĩnh Bình Xuyên một thời là Trịnh Minh Thế - người đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm và bị sát hại. Sau này mỗi lần đến Sài Gòn, khi ghé qua nhà người chú họ ở quận 8, tôi vẫn đi dạo trên chiếc cầu này và thầm thì câu thơ tài hoa của nhà thơ Đặng Hấn: “Người đi trên chữ/ Chữ nâng người lên”. Nhưng nhiều lúc, dù đã luống tuổi vẫn còn tính khôi hài như trẻ nít, ấy là dù bận rộn thế nào cũng phải tạt qua con đường gia giới giữa quận 5 và quận 8 bởi nơi đó có con đường trùng tên mình: đường Nguyễn Duy Dương – dù chỉ để nhâm nhi ly cafe đen, nghe nhạc tiền chiến và ngắm người lại qua…

Để thuận tiện trong việc di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi hay chọn khách sạn Hoàng Nguyên, nơi đó vừa sạch sẽ; vừa gần nhà chú họ lại được nhắc nhớ kỷ niệm thời tôi mới từ Cát Lái qua phà Thủ Thiêm lên chơi, lúc ổng còn đang làm cảnh sát khu vực ở phường 5 quận 8. Hai chú cháu vào quán ăn trong chợ Lớn, gọi dĩa cơm (lần đầu tiên được ăn cơm bằng dĩa) lúng túng thế nào mà có miếng thịt chiên bằng bàn tay bay ngay xuống lối đi; tiếc hùi hụi - bởi ở đơn vị, mỗi bữa may ra được vài miếng mỡ bé bằng 2 ngón tay, mỏng đến mức để vào bát nhìn thấu cả cơm trong đó. Nhưng, kể từ 2012, tôi chưa có dịp trở lại thành phố hoa lệ - nơi người xưa gọi là: “thành phố của rừng” - bởi nơi đây tràn ngập cây xanh trên vỉa hè các đường phố, đại lộ và nhiều công viên với hàng trăm chủng loại, mang đến cho con người sự thanh thản, trong lành và đầm ấm yêu thương. Cứ mong ước một ngày nào đó lại được vi vu nơi ấy…

Song, buồn thay, từ cuối tháng Tư năm 2021, trận dịch covid 19 bùng phát đã cuốn cả thành phố tôi yêu vào cơn lốc xoáy đến rợn người. Gần 160 ngày, người dân thành phố đắm chìm trong nỗi sợ hãi; trong mất mát đau thương. Ngày nào cũng thế, kể từ 26/4/2021 cứ nghe thời sự về covid 19 ở Sài Gòn, lòng tôi se thắt lại. Thương cho những người bạn, người thân đang kẹt lại nơi đây vì còn mưu sinh, thương cho những người dân lao động của mảnh đất phương Nam đầy nắng gió, sống vô cùng hào sảng đang chịu đói khát vì họ đâu có chắt chiu, ky cóp! Không tằn tiện, không co cúi; không tiếc bạn bè, sẵn sàng nhậu tới bến, say quắc cần câu để rồi ngày hôm sau đi làm bù cho hôm trước. Rồi điệp khúc: làm - nhậu - nợ - làm - nhậu … cứ diễn ra như một quy luật trong cuộc sống của người dân nơi đây. Những con hẻm, những ngách, những xẹt ngang, xẹt dọc đâu cũng có quán nhậu, cứ chiều chiều khi đã xong việc lại rộn rã tiếng zdô zdô! Nhưng rồi, khi dịch đến; chống dịch như chống giặc - lệnh phong toả toàn thành phố bắt đầu từ ngày 31/5/20121 khi quận Gò Vấp vào tâm đỉnh dịch. Những người dân lao động hào sảng khi xưa giờ vừa gồng mình chống dịch vừa oằn mình chống lại cái đói. Những gói gạo, những thùng mỳ tôm đâu thể lo hết cho hàng triệu người nơi đây? Tiếp đó từ tháng 7 trở đi, dịch bùng lên dữ dội khiến nhiều người vĩnh viễn rời xa trần thế. Những con số thống kê hàng ngày về tình hình nhiễm bệnh, những ca tử vong như những nhát dao khứa vào con tim cả dân tộc. Gần 1 triệu người lao động nghèo ở khắp mọi miền đất nước có mặt tại Sài Gòn  sinh sống, trước cơn lũ covid 19 đã phải bồng bế, dắt díu, thồ nhau trên đủ mọi phương tiện để rời xa thành đô hoa lệ ngày nào càng nhanh càng tốt. Họ lếch thếch, lôi thôi trên những con đường dằng dặc, đối mặt với bao trắc trở gian nan, bỏ lại sau lưng những ước mơ đổi đời và một thành phố đang gần như tê liệt, tan hoang bởi thảm hoạ dịch bệnh. Rồi Sài Gòn bị chia cắt bởi những rào chắn, dây căng khắp các ngõ ngách để cách ly những người nhiễm covid. Biết bao người dân phải chịu trận với cái đói và dịch bệnh như thanh gươm Damocles treo trên đầu mình. Cả nước hành quân vào thành phố chống dịch. Những chiến sỹ ở nhiều đơn vị quân đội khắp mọi miền Tổ quốc hối hả lên đường nhận nhiệm vụ, họ xác định cuộc chiến chống covid 19 như một cuộc chiến mới để sát cánh cùng nhân dân Sài Gòn vượt qua những đau thương, mất mát… Những người lính thời bình hôm nay vẫn mang trong mình phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng “vì nước quên thân vì dân phục vụ” đi đến tận từng ngách, từng con hẻm để tiếp tế đồ ăn thức uống cho nhân dân với ước nguyện  họ vượt qua kiếp nạn này.

   Cứ mỗi ngày nghe bản tin thời sự, lại rùng mình hoảng hốt khi nghe thông báo con số người dân tử vong vì dịch bệnh ngày càng gia tăng. Con số ấy cứ nối dài đến hơn 2 vạn người. Biết bao người không thể tiễn biệt người thân theo nghi thức truyền thống của dân tộc, mà chỉ vái lạy theo những chiếc xe tang đưa người quá cố đến nơi hoả táng rồi ngậm ngùi nhận bình tro cốt từ những người lính Cụ Hồ… Mấy tháng liền, cả Sài Gòn chìm trong mất mát, xót xa, thương đau: con mất cha, vợ mất chồng; nhiều gia đình phải ly tán chia lìa, thậm chí không còn người nào sống sót! Hàng nghìn cháu nhỏ mồ côi không chốn đi về, không người thân thích, đang bơ vơ giữa một thành phố cả chục triệu người. Tôi cứ ngậm ngùi chua chát khi nghĩ đến những số phận bi thảm ấy! Trong số họ, có ai mà tôi đã từng gặp thoáng qua, từng cùng ngồi nhâm nhi ly café đen đá, từng cùng đi dạo trên con đường ở Thảo Cầm Viên, ở công viên Tao Đàn, ở chợ Lớn, chợ Bến Thành và đặc biệt là từng đứng cùng tôi chiêm bái người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn ở cạnh công viên Mê Linh và ngắm sông Sài Gòn cuộn chảy? Nhưng, có một điều tôi không thể phủ nhận: mắt mình đã từng ngấn lệ khi những đồng bào xấu số ở Sài Gòn vĩnh viễn ra đi vì dịch bệnh và không quên lời thuyết giáo nổi tiếng của John Donne được nhà văn Ernest Hemingway dùng làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Chuông nguyện hồn ai" của mình: "Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể; nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy".

   Giờ đây, dịch bệnh covid 19 ở Sài Gòn đã tạm thời lắng xuống, cuộc sống đang dần ổn định trở lại. Nhưng, mỗi chúng ta không thể nào quên gần 160 ngày đau thương tang tóc trên mảnh đất này! Nỗi đau ấy không chỉ của riêng ai, mà nó là nỗi đau chung của dân tộc; của nhân loại tiến bộ. Chúng ta tưởng niệm những người đã khuất bằng nén tâm hương, nhưng cũng thầm mong dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, để Sài Gòn trở lại như ngày nào: sang trọng, hoa lệ, hiếu khách và hào sảng. Chắc rằng, sắp tới khi đón Xuân Nhâm Dần trở lại; người dân Sài Gòn sẽ vơi bớt nỗi buồn và trở nên mạnh mẽ hơn; sống vì chính mình, sống vì những người đã khuất.  Sài Gòn – thành phố mang tên Bác - thành phố Hồ Chí Minh luôn trong trái tim tôi, luôn vẫy chào đón đợi, luôn mang đến cho tôi bao niềm trân trọng, sự yêu thương và cả khát khao được cư ngụ chốn này! Thương lắm Sài Gòn ơi!

 

04/01/2022 – NHN

_________________________________

*Hội viên Hội VHNT Trường Sơn, Hội VHNT Nam Định

Bạn đang đọc bài viết "Thương lắm Sài gòn ơi!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn