Thực trạng và giải pháp bảo tồn di tích thờ mẫu tại Bắc Ninh

Th.s Nguyễn Hữu Mạo*

21/11/2023 12:50

Theo dõi trên

           

nguyen-huu-mao-1700545418.jpg
 

 Bắc Ninh vốn là “cái nôi” của người Việt cổ và đã được minh chứng bằng hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Bắc Ninh là tỉnh thuộc trung tâm châu thổ sông Hồng, có điều kiện tự nhiên (đất đai, núi, sông, khí hậu..) thuận lợi nên từ ngàn xưa đã thu hút người Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng nên những làng xã trù mật ven các con sông và ven các dãy núi, đồi, đã để lại dấu ấn là những di tích, di chỉ khảo cổ học với những di vật là đồ dùng sinh hoạt, lao động, vũ khí, nhạc khí…thời kỳ văn hóa Đông Sơn ( cách nay từ 2000 - 4000 năm) và để lại trong phong tục, tập quán tín ngưỡng, lễ hội.

       Bắc Ninh là một tỉnh có những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu sớm nhất nước ta, điển hình là trung tâm thờ Mẫu Âu Cơ của một loạt các làng xã ven bên bờ nam sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành và Gia Bình, trong đó điển hình nhất  là thôn Tam Á ( Đại Đồng Thành – Thuận Thành), nhân dân địa phương cho biết xưa kia làng có 2 đền ( Thượng và Hạ): đền Thượng thờ Kinh Dương Vương; đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Hàng năm, cứ đến ngày sự lệ, dân làng phải làm 50 mâm trám đen để thờ Mẫu Âu Cơ, tượng trưng cho Mẫu Âu Cơ mang 50 người con lên miền rừng núi khai phá và 50 mâm cá gỏi tượng trưng cho cha Lạc Long Quân mang 50 người con xuống miền biển khai phá. Một trung tâm thờ Mẫu nổi tiếng của người Việt cổ có từ thời Hùng Vương trên đất Bắc Ninh là đền thờ Mẫu Thánh Gióng là đền, chùa Điều Sơn ( Thị Cầu – Thành phố Bắc Ninh), tại đây còn đậm đặc các truyền thuyết, giai thoại kể về Mẫu Thánh Gióng. Một trung tâm thờ Mẫu nổi tiếng thời Việt cổ là đền “ Bà Chóa” xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong; đặc biệt là dung hội với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cổ ở các ngôi đền thờ các Bà ( Dâu, Tướng, Đậu, Dàn) để tạo thành hệ thống chùa Tứ Pháp ( Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) và Phật Mẫu Man Nương. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu đặc sắc.

    1. Hệ thống các di tích thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh

Gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh là hệ thống các di tích, tài liệu hiện vật vô cùng phong phú. Thông qua kết quả kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chúng ta có số lượng các di tích thờ Mẫu vô cùng phong phú với 720 di tích, được phân bổ như sau:

- Thành phố Bắc Ninh: Tổng số có 102 di tích thờ Mẫu trong đó có 71 ban thờ Mẫu tại chùa, 28 đền, 02 miếu. Một số di tích thờ Mẫu Tam phủ lớn gồm: đền Chợ Con phường Ninh Xá, đền Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, đền Vạn Phúc (thờ Cô Bơ), phường Vạn An, đền Trung Quân, phường Vạn An, đền Thanh Sơn, đền Quan, phường Vũ Ninh, đền Quả Cảm, phường Hòa Long.

- Huyện Tiên Du: Tổng số có 92 di tích thờ Mẫu bao gồm: 62 chùa, 24 đền, 06 điện, 02 am. Một số di tích thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu có đền mẫu, thị trấn Lim...

-  Huyện Yên Phong: Tổng số di tích thờ Mẫu gồm 75 di tích, trong đó tập trung nhiều tại các chùa trên địa bàn là các ban thờ Mẫu. Ngoài ra một số di tích tiêu biểu như: Đền Phấn Động, đền Can Vang những di tích gắn liền với thờ Mẫu có số lượng buổi hầu đồng lớn.

- Thị xã Quế Võ: Tổng số di tích thờ Mẫu 99 di tích, tuy nhiên số lượng di tích thờ Mẫu Tam phủ chủ yếu tập trung tại các nhà Mẫu của chùa với 86 ban thờ Mẫu, nhà Mẫu. Một số di tích thờ Mẫu tiêu biểu có đền An Trạch, xã Phù Lãng thờ Mẫu Tam phủ.

- Thị xã Thuận Thành: có 107 di tích thờ Mẫu. Số lượng các di tích thờ Mẫu tập trung nhiều tại các chùa, đặc biệt chùa Dâu và hệ thống Từ pháp thờ các Mẫu Man Nương phản ánh sự giao hòa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa và Phật giáo. Ngoài ra, một số di tích thờ Mẫu Âu Cơ,

-  Huyện Gia Bình: Số lượng di tích thờ mẫu trên địa bàn có 87 di tích. Các di tích thờ Mẫu Tam phủ có tại các ngôi chùa với 76 di tích, ngoài ra một số đền, phủ. Tiêu biểu nhất trên địa bàn huyện Gia Bình có đền Tam Phủ, xã Cao Đức.

-  Huyện Lương Tài: Tổng số di tích là 93 di tích thờ Mẫu tập trung chủ yếu tại các nhà Mẫu của chùa. Một số đền tiêu biểu như: đền Ngọc Thượng, xã Phú Hòa, đền Trằm là những nơi thờ Mẫu Tam phủ tiêu biểu.

Về cơ bản các đền, miếu thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử, văn hóa như Vua Bà, Mẫu Phạm Thị, Mẫu Thánh Gióng… đều là những di tích có công trình kiến trúc độc lập hoặc quần thể các công trình kiến trúc với bố cục chính phụ hoàn chỉnh. Kiến trúc thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và Mẫu Liễu Hạnh cơ bản đều nằm trong quần thể các ngôi chùa ở các làng xã có thể là một tòa nhà (gọi là nhà Mẫu, điện Mẫu) hoặc chỉ là ban thờ Mẫu nằm trong hạng mục Tam bảo hay Hậu đường…

Tổng số các di tích được xếp hạng các cấp gồm: Di tích quốc gia đặc biệt có thờ tín ngưỡng thờ Mẫu: 04 di tích có nhà và ban thờ Mẫu (Chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp và đền Đô)

- Di tích xếp hạng di tích quốc gia: 86 di tích

- Di tích xếp hạng cấp tỉnh: 125 di tích.

Ngoài ra các phủ, điện, nghè, miếu của cộng đồng làng xã hoặc trong các tư gia với những công trình kiến trúc đơn lẻ hoặc là một quần thể với nhiều hạng mục công trình kiến trúc. Di tích thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh có giá trị là nơi thờ các danh nhân lịch sử có công với quê hương đất nước

2. Hiện trạng công tác quản lý các di tích thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh

 Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử văn hóa trong đó có di tích thờ Mẫu. Tỉnh đã ban hành nhiều quy định, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tiêu biểu như:

Quyết định số 108/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng đem lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Với những quy định này, Bắc Ninh cũng là địa phương đi đầu trong cả nước đã gắn trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý trực tiếp di tích, tạo sự chuyển biến về nhận thức, không phó mặc việc quản lý di tích cho thôn. Hiện nay 100% di tích được xếp hạng đã thành lập Ban quản lý di tích địa phương, Quy chế 10/2021/QĐ -UBND cũng quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên Ban Quản lý di tích địa phương; vấn đề quản lý đất đai, mất trộm cổ vật; tổ chức lễ hội; làm bản sao phục chế di vật, cổ vật; việc tiếp nhận hiện vật trong di tích; trách nhiệm quyền lợi của người trông coi di tích; việc trùng tu tôn tạo, phục hồi di tích. Việc phân cấp quản lý di tích được cụ thể hơn, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để vi phạm trong di tích thuộc phạm vi quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý và phát huy giá trị di tích.

- Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được lãnh đạo tỉnh và ngành văn hóa quan tâm đặc biệt. Từ năm 2010 đến năm 2022 đã có 59 di tích được nhà nước hỗ trợ kinh phí theo chương trình chống xuống cấp di tích của quốc gia và của tỉnh với số kinh phí 120.478 triệu đồng. Một số di tích được đầu tư tu bổ với kinh phí lớn bao gồm:

+ Đền Vua Bà, khu phố Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh được đầu tư kinh phí trên 20 tỷ đồng để tu bổ toàn đền chính, tam quan và các hạng mục phụ trợ.

+ Đền Tam Phủ, xã Cao Đức, huyện Gia Bình được đầu tư 10.000.000.000  đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và của địa phương.

+ Đền Bà chúa Kho được đầu tư tu bổ một số hạng mục như: Tam môn, nhà khách, hệ thống phụ trợ. Tổng kinh phí là 7.500.000.000 đồng.

+ Di tích đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ khu Á Lữ, phường Đại Đồng Thành được đầu tư 25.000.000.000 đồng.

Ngoài ra, chùa Dâu, hệ thống Tứ Pháp được lập Dự án tu bổ tôn tạo nhằm bảo tồn những giá trị di sản văn hóa.

- Các di tích thờ Mẫu được kiểm kê đánh giá giá trị di sản với các tài liệu, hiện vật được đánh giá, ghi chép để làm cơ sở lưu giữ. Những di tích có giá trị được lập Hồ sơ xếp hạng, thông qua các di tích thờ Mẫu như: Di tích đền Tam Phủ, di tích đền Trầm, di tích đền Trung Cơ phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh...

Những di tích thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh đã có vị trí vai trò quan trọng tạo nên giá trị trung của di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh.

3. Đề xuất giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di tích thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh

Những di tích lịch sử văn hóa thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh và di tích có nhà thờ Mẫu chiếm gần 50% số lượng di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Để các di tích phát huy giá trị, trong thời gian tới chúng tôi đề xuất các cấp quan tâm thực hiện một số nội giải pháp sau:

Tăng cường công tác quảng bá di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là cái nôi của tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng việc quảng bá di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh cũng chưa được quan tâm đúng mức. Một số di tích thờ Mẫu có du khách biết đến một số di tích bao gồm: Đền Bà Chúa Kho, đền Tam Phủ… Tuy nhiên, số lượng du khách biết tới chưa tương xứng với tiềm năng của di sản của tỉnh. Do đó cần có sự quan tâm công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội để đưa di sản tới du khách trong và ngoài nước. Trong đó tập trung quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, các hoạt động chương trình xúc tiến du lịch để di tích thờ Mẫu ở Bắc Ninh tới các di tích

          - Thực hiện việc kiểm kê, đánh giá giá trị di tích thờ Mẫu: Các di tích thờ Mẫu được kiểm kê các di tích thờ Mẫu trên địa bàn, trong đó tập trung nghiên cứu một số điện thờ tại các tư gia có giá trị để xem xét đưa vào danh mục di tích của tỉnh Bắc Ninh. Những di tích có giá trị như: đền Cô Bơ, phường Vạn An, di tích đền Giếng, phường Hòa Long… nghiên cứu lập Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng.

- Đẩy mạnh đầu tư tu bổ chống xuống cấp các di tích thờ Mẫu: Hiên nay, tỉnh Bắc Ninh đã dành sự quan tâm công tác chống xuống cấp các di tích trên địa bàn trong đó có di tích thờ Mẫu. Tuy nhiên, một số di tích thờ Mẫu đang xuống cấp cần nguồn kinh phí tu bổ lớn như: Di tích đền Tam phủ, di tích đền Quan, di tích đền Cùng, giếng ngọc… Do đó cần có sự phối hợp giữa nhà nước và nhân dân để thực hiện việc trùng tu tôn tạo các di tích giữ được giá trị dài lâu.

- Gắn bảo tồn di tích thờ Mẫu với phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh

Các di tích thờ Mẫu có giá trị lớn trong phát triển du lịch đặc biệt du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Bắc Ninh. Trên cơ sở hiện trạng các di tích, cần nghiên cứu quy hoạch, bổ sung các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của tỉnh Bắc Ninh. Xây dựng một số Tour du lịch có di tích thờ Mẫu như:

- Văn Miếu Bắc Ninh, đền Tam Phủ, làng gốm Phù Lãng.

- Đền Bà chúa Kho, làng tranh Đông Hồ, chùa Dâu

- Đền Đô, đền Bà chúa Kho, đền Phấn Động.

 - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu

Từ thực trạng sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh với nhiều bất cập tại các di tích thờ Mẫu, cá nhân những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu do đó cần phát huy vai trò kiểm tra giám sát thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó nghiêm cấm việc biểu diễn, thực hành lên đồng không đúng nơi quy định; ngăn chặn việc tuyên truyền mê tín dị đoan ảnh hưởng tới an ninh trật tự của địa phương. Những cá nhân, tổ chức vi phạm cần được xử lý nghiêm. Ngoài ra, cần phân công trách nhiệm từng cấp, từng ngành trong quản lý thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để các đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ không để sảy ra tình trạng vi phạm trong thực hành, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới./.

_______________________________________________________________

*Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch Bắc Ninh

 

Bạn đang đọc bài viết "Thực trạng và giải pháp bảo tồn di tích thờ mẫu tại Bắc Ninh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn