Ra mắt sách về Nguyễn Bông – Vị thái giám triều Lý với nhiều chuyện li kỳ

Kinh Thầy

22/01/2024 08:08

Theo dõi trên

Ngày 21/1, tại Hà Nội, “Đô Thiên Quảng Đức phúc thần Nguyễn Bông trong chính sử và văn hóa dân gian” được viết bởi nhóm tác giả Trần Đức Anh, Lê Thái Dũng và phát hành bởi Nhà xuất bản Lao Động chính thức ra mắt.

bong-1-ok-1705885471.jpg
Tác giả Trần Đức Anh (bên trái) tặng sách bạn bè

Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện huyền kỳ xoay quanh vị Thành hoàng Nguyễn Bông – một thái giám triều Lý.

Từ bao đời nay, một trong những tín ngưỡng truyền thống của người Việt là tục thờ Thành hoàng. Bên cạnh mục đích chính thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người với khát vọng có được sức mạnh để che chở, bảo vệ thì tục thờ Thành hoàng còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, đó là sự kính trọng và biết ơn. Mỗi làng quê Việt Nam đều có những di tích thờ phụng Thánh Thần, và đa số đều có đình, đền thờ phụng Thành hoàng, vị thần bảo hộ cho ngôi làng ấy.

Theo lịch sử, An Phú - Vạn Long là hai ngôi làng trước đây thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc địa phận phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) - một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Cũng như nhiều làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ, đã từ rất lâu tại ngôi đình làng, người dân An Phú - Vạn Long vẫn luôn thờ phụng vị Thành hoàng có hiệu là Đô Thiên Quảng Đức, đó là vị phúc thần mà người dân tin rằng họ luôn hiển hiện anh linh “hộ quốc tý dân”, giúp cho dân an vật thịnh, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Mặc dù, so với rất nhiều vị Thành hoàng được thờ phụng tại khắp nơi trong cả nước thì Nguyễn Bông thuộc về số ít người được nhắc đến trong chính sử. Tuy nhiên, điều đặc biệt là vị Thành hoàng này mặc dù chỉ xuất hiện rất thoáng qua trong chính sử nhưng lại có liên quan đến một số nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như Nguyên phi Ỷ Lan, vua Lý Nhân Tông…

bong-2-ok-1705885471.jpg
Hai tác giả chụp lưu niệm với bạn bè

Đầu tiên, phải kể đến sự tích liên quan đến Nguyên phi Ỷ Lan. Có ghi chép như sau: “Năm Quý Mão thứ năm triều Lý, vua Thánh Tông, tuổi tác đã cao. Năm vua 40 tuổi vẫn chưa có con nối dõi, bèn lệnh cho trọng thần cầu đảo các chùa, đã nhiều lần mà vẫn chưa ứng nghiệm. Nhân một buổi đi vãng cảnh chùa quán, xa giá vừa tới nơi, trai gái xô chạy tới xem ngắm, duy có một người con gái hái dâu đứng tựa gốc cây lan. Vua nhìn thấy cho triệu vào cung, được vua sủng ái phong làm Ỷ Lan phu nhân.

Ỷ Lan muốn sinh con trai nhưng không có cách nào. Nghe nói ở xã Dịch Vọng huyện Từ Liêm có chùa Thánh Chúa là một danh lam cổ tích, đặc mệnh cho Chi hậu nội Nguyễn Bông đến cúng tế cầu đảo. Đến một ngày tháng 4 năm Ất Tỵ, Ỷ Lan phu nhân có mang. Vào giờ Hợi, ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự (1066) sinh hoàng tử Càn Đức, chính là vua Nhân Tông.

bong-3-ok-1705885471.jpg
Hai tác giả chia sẻ tại tọa đàm

Bấy giờ đế vui mừng khôn xiết, bèn lệnh cho Nguyễn Bông mang vàng bạc, lễ vật đến lễ tạ chư Phật chùa Thánh Chúa. Trên đường đi qua địa phận hai thôn Vạn Long và Yên Phú thuộc xã Nghĩa Đô, gọi là xứ Mả Giang bỗng nhiên thác hóa, bèn phong phúc thần, lập miếu thờ tự ở nơi thác hóa. Dân hai thôn Yên Phú và Vạn Long cùng nhau thờ phụng mãi mãi”.

Bên cạnh đó, trong dân gian cũng truyền tụng một giai thoại huyền ảo về việc đầu thai thác hóa cho rằng Nguyễn Bông chính là tiền kiếp của vua Lý Nhân Tông.Trong cuốn sách đề cập như sau:

“Lý Nhân Tông tên thật là Lý Càn Đức, ông là con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ là Nguyên phi Ỷ Lan (Lê Thị Khiết), bà quê ở hương Thổ Lỗi, phủ Thuận An, lộ Bắc Giang (nay là thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, Hưng Yên). Tương truyền, Lý Thánh Tông đã lớn tuổi mà vẫn chưa có con trai, ông sai các quan hầu cận đi lễ bái khắp nơi, bản thân vua cũng đi đến nhiều đền chùa để cầu tự. Trong một chuyến đi về Kinh Bắc, duyên phận tình cờ vua đã gặp cô gái hái dâu Lê Thị Khiết rồi đón vào cung phong làm Ỷ Lan phu nhân. Nhập cung một thời gian, mặc dù được Lý Thánh Tông sủng ái nhưng Ỷ Lan vẫn chưa mang thai, nhà vua “nhân đó sai người đến chùa Thánh Chúa cầu đảo”

Người được vua sai đi cầu đảo là quan Thái giám giữ chức Chi hậu nội nhân tên là Nguyễn Bông. Khi đến chùa, sư trụ trì thấy Nguyễn Bông có tướng lạ mới hỏi rằng có muốn làm người quyền quý, giàu sang không?. Nguyễn Bông đồng ý và hỏi nhà sư rằng muốn được như thế phải làm thế nào? Sư mới trả lời rằng hãy ẩn trong buồng tắm để nhìn trộm thân thể hoàng phi. Nguyễn Bông nghe lời làm theo nhưng không may bị cung nữ phát giác, Ỷ Lan phu nhân giận lắm tâu với vua xin xử tội kẻ bầy tôi làm điều bất trung. Lý Thánh Tông ra lệnh xử trảm, Nguyễn Bông xin được gặp vị sư kia để nói vài điều trước khi chịu hành hình; khi gặp được nhà sư, Nguyễn Bông kêu rằng:

- Tôi vì nghe lời ông mà mắc tội chết đây này!

Nhà sư nói:

- Cái thân phàm tục mất đi thì cái thân thần thánh mới thành được!

Liền đó quân lính đem Nguyễn Bông ra cánh đồng gần chùa Thánh Chúa để xử chém. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho hay: “Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hội hậu nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, đến sau Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Thái tử Càn Đức, tức là Nhân Tông... Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm”.

Ngôi chùa này nay nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm, thuộc địa phận phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập đến nhiều dị bản khác với nguồn tư liệu đa dạng. Việc này cũng giúp cho cuốn sách trở nên hấp dẫn và có sức thu hút đối với độc giả. Tại đây, người đọc có thể tìm thấy những suy nghĩ mới lạ và hợp lý trong những hướng tiếp cận khác nhau, từ đó mở rộng kiến thức và hiểu biết của mình.

Đây cũng chính là lí do mà nhóm tác giả lựa chọn vị thần đình An Phú để biên soạn cho tác phẩm của mình. Những nhân vật càng ít được nhắc đến trong lịch sử, ít người biết đến thì càng hấp dẫn nhóm tác giả. Họ mong muốn rằng những giai thoại về Ngài sẽ được phổ biến rộng rãi tới độc giả thập phương, mà biết đâu từ đó nhiều góc khuất lịch sử sẽ được gợi mở, hé lộ thêm những điều mà trước nay chưa có trong sử sách. Bên cạnh đó, một điều quan trọng là có thể sau khi được phổ biến rộng rãi sẽ góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của người dân địa phương, mà ở đây là tín ngưỡng thờ phụng Đô Thiên Quảng Đức phúc thần Nguyễn Bông.

Cuốn sách là những khám phá thú vị về những chi tiết huyền ảo, lạ kỳ xoay quanh vị Thành hoàng Nguyễn Bông. Cụ thể, từ hình ảnh của Ngài trong chính sử và trong văn hóa dân gian đến những nghi lễ thờ cúng của hai làng An Phú – Vạn Long đều được các tác giả sưu tầm, nghiên cứu cũng như phân tích một cách tỉ mỉ kết hợp lời văn trau truốt, lôi cuốn. Qua đó, hứa hẹn sẽ mang đến cho quý bạn đọc một trải nghiệm độc đáo và sâu sắc.

Nhà báo Trần Đức Anh cho biết, có thể nhiều người đã biết đến Thành hoàng Nguyễn Bông qua các tài liệu thu thập từ nhiều nguồn hoặc từ lời kể của người dân địa phương, tuy nhiên, đây là cuốn sách đầu tiên viết khá đầy đủ, chi tiết về Thành hoàng Nguyễn Bông. Mong rằng, cuốn sách sẽ nguồn tư liệu quý báu dành cho những độc giả đam mê tìm hiểu về lịch sử nói chung và vị Thành hoàng Nguyễn Bông nói riêng.

Bạn đang đọc bài viết "Ra mắt sách về Nguyễn Bông – Vị thái giám triều Lý với nhiều chuyện li kỳ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn