Qua đèo ngang, một cột mốc thi ca trên dặm ngàn thiên lý Việt Nam

Phan Anh – Thu Hiền (Trung tâm GDNN – GDTX Hoài Đức, TP Hà Nội)

26/04/2024 15:07

Theo dõi trên

Bà Huyện Thanh Quan (chưa xác định được năm sinh và năm mất) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, quê ở làng Nghi Tàm quận Tây Hồ thành phố Hà Nội.

img-5466-1714118643.jpeg
Tác giả Phan Anh bên biên ghi Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn Quan

Tên gọi Bà Huyện Thanh Quan được xuất phát từ việc chồng bà là Lưu Nghị(người làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì thành phố Hà Nội) làm tri huyện Thanh Quan (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nên người ta lấy chức danh và nơi làm việc của chồng để gọi thay tên. Bà Huyện Thanh Quan nổi tiếng là người tài sắc. Dưới thời vua Minh Mạng bà từng được mời vào triều đình Huế giữ chức Cung trung giáo tập để dạy học cho cung phi, cung nữ và công chúa. Ngoài dạy học trong cung bà còn làm thơ. Các sáng tác của bà để lại tuy không nhiều (khoảng gần chục bài) nhưng đều là những bài Đường luật nổi tiếng như “Thăng Long thành hoài cổ”, “Chiều hôm nhớ nhà”, “Qua Đèo Ngang”, “Qua chùa Trấn Bắc” … Đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan người ta thấy một bút phápchuẩn mực, điêu luyện; thiên về tả cảnh ngụ tình vàmang nặng nỗi niềm hoài cổ. Bởi thế đương thời Bà Huyện Thanh Quan được xem là một nữ lưu tài danh hiếm có và hậu thế coi bà là một trong những nữ sĩ tiêu biểu của thi ca Việt Nam thời kỳ trung đại. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của bà còn lại thì bài thơ “Qua đèo Ngang” vẫn hay được ngườiđời nhắc đến, nhất là mỗi khi ngang qua con đèo nổi tiếng một thời.

img-5469-1714118835.jpeg
Tác giả Thu Hiền ( thứ 2 từ bên phải )

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

​“Qua Đèo Ngang” quả là một bài thơ trữ tình đặc sắc của di sản thơ ca thời kì trung đại. Nhiều người cho rằng Bà Huyện Thanh Quan khi đi qua đèo Ngang (một địa danh phân chia địa giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, xưa một thời cũng là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài) vào kinh đô Huế nhận chức Cung trung giáo tập đã “tức cảnh sinh tình”. Tác phẩm được sáng tác theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bằng một vài nét chấm phá cùng cách sử dụng ngôn ngữ giản dị, trang nhã, điêu luyện kết hợp với cách dùng điển cố điển tích rất tinh tế, tài hoa, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình, nhà thơ đã tái hiện được bức tranh đèo Ngang lúc chiều hôm hết sức sinh động. Đó là một khung cảnhsơn cước thoáng đãng nhưng đìu hiu, quạnh quẽ; không gian ấy dù có thấp thoáng hoạt động của con người nhưng vẫn bị chìm vào cái hoang sơ, vắng vẻ của thiên nhiên rợn ngợp, heo hút. Và ẩn sau bức tranh đó, người đọc còn cảm nhận được một nỗi u hoài thăm thẳm, một niềm cô độc đến mênh mang (không biết chia sẻ cùng ai) đang trào dâng trong tâm hồn nữ sĩ. Ấy là tâm trạng cô đơn, nhớ thương quê nhà của một người lữ thứ xa quê đang đứng trước một vùng đất lạ đầy hoang dã. Sâu hơn, ở một tầng nghĩa khác, chúng ta còn như nghe thấy sự thổn thức của nỗi niềm đang hướng về cố quốc - “hoài Lê” (luyến tiếc, nhớ nhung nhà Lê) của một người vốn sâu nặng ân tình với triều đại cũ.

Hai câu đề: Đây là cảnh đèo Ngang lúc hoàng hôn buông xuống. Nhà thơ đã tái hiện trước mắt người đọc một thời gian nghệ thuật, một không gian nghệ thuật vốn rất quen thuộc của truyền thống thi ca phương Đông (chiều tà với bóng hoàng hôn) để gợi sầu gợi nhớ. Cảnh “Hoành Sơn một dải nghìn tầm”(Nguyễn Du) hiện lên trong mắt nữ sĩ lúc này sao hoang vu, vắng vẻ đến thế? Dưới cái nhìn cận cảnh của người lữ thứ, nhà thơ thấy hoạt động của con người dường như vắng bóng, bao trùm lên cả là sự sống động của một thế giới vô tri với những cỏ cây hoa lá ...

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

 Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

Cảnh Đèo Ngang thật khác xa với cảnh quê nhà. Nó tự nhiên, hoang dã. Cái hữu sinh (cỏ cây) lấn át cái vô sinh (đá); trong thế giới hữu sinh thì lá lại lấn át hoa. Ở câu thơ này, nhà thơ đã khéo léo sử dụng nghệ thuật điệp ngữ, nhân hóa (chen) nhằmdựng dậy cái cảnh um tùm hoang dại, đang chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để sinh tồn của thế giới tự nhiên. Cảnh lúc chiều hôm cứ thế mà vô tình khơi dậy trong lòng thi nhân nỗi buồn vạn cổ, đặc biệt là nỗi nhớ quê nhà da diết, tưởng như đang đè nặng tâm hồn người lữ khách trên con đường thiên lí.

​Hai câu thực: Từ trên Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan hình như đang cố hướng tầm mắt ra xa hơn như để xua đi những nỗi niềm tâm trạng nhớ nhung đang trào dâng trong cõi lòng. Nhưng cànglên cao, càng nhìn thì lại càng buồn sầu hơn gấp bội. Viễn cảnh Đèo Ngang tiếp tục mở rộng xuống chân núi, bãi sông. Ở đó có bóng dáng con người, đó cũng là dấu hiệu của sự sống nhưng không vì thế mà bớt đi cái cảnh hoang vu, vắng vẻ:

​“Lom khom dưới núi, tiều vài chú

 Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”

​Sự sống ở đây có nhưng chỉ hiện lên thấp thoáng và vô cùng nhỏ bé (tiều vài chú, chợ mấynhà). Bà Huyện Thanh Quan ở đây tỏ ra rất tài tình, điêu luyện khi sử dụng các từ láy (lom khom, lác đác), nghệ thuật đối (lom khom – lác đác, dưới núi – bên sông, tiều vài chú – chợ mấy nhà) và nghệ thuật đảo ngữ để làm nổi bật cái cảnh vắng vẻ của đèo Ngang. Đúng là cảnh ở đây có hoạt động của con người thật nhưng hình ảnh hoạt động ấy vẫn không sao xóa bỏ được cái vẻ hoang vắng, heo hút của miền sơn cước, nơi một thời từng là biên ảiphương Nam. Thế đấy, chỉ vài nét vẽ đơn sơ mà haicâu thơ đã gợi lên cho người ta thấy được cả một thế giới tự nhiên vô cùng sống động. Thế giới ấy mênh mông như thể đang chuẩn bị nhấn chìm sự sống của con người vào cái vắng vẻ, quạnh hiu của hoàng hôn sơn cước. 

​Hai câu luận: Nếu như ở những câu thơ trênbức tranh Đèo Ngang mới chỉ có “hình” thì đến đây bức tranh ấy được nhà thơ đưa vào thêm cả “tiếng”. Đây là cái thực của cảnh nhưng cái thực ấy cũng khơi gợi lên cái thực của tâm trạng:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

 ​ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

Đọc bài thơ đến đây người ta tưởng nhà thơquan sát cảnh vật bằng thị giác hình như chưa đủ nên đã phải huy động thêm cả thính giác. Lặng nhìn cái cảnh đìu hiu, hoang vắng trên cung đèo biên ải ấy Bà Huyện Thanh Quan đã lắng nghe và thể hiện rất tài tình âm thanh tiếng chim đỗ quyên và tiếng chim đa đa. Với cách thể hiện những âm thanh nhưthế nữ sĩ một lần nữa lại sử dụng rất tài hoa nghệ thuật đối (nhớ nước – thương nhà, đau lòng - mỏi miệng, con quốc quốc – cái gia gia) và nghệ thuật đảo ngữ để tái hiện những nỗi niềm tâm trạng. Những biện pháp nghệ thuật này đã làm nổi bật cảnh vắng vẻ của một vùng sơn cước lúc hoàng hôn. Cảnh vốn đã vắng lại được điểm thêm tiếng chim lại càng vắng. Chỗ này nhà thơ đã dùng cái động để gợi cái tĩnh nhằm tô đâm thêm cái vẻ hoang sơ, rợn ngợp. Đặc biệt, Bà Huyện Thanh Quan đã kín đáo sử dụng nghệ thuật chơi chữ (dùng hiện tượng đồng âm), bằng cách dùng điển tích, điển cố(quốc quốc, gia gia) để gửi gắm những nỗi niềm tâm trạng. Quốc là nước, quốc gia đồng âm với cuốc là con chim cuốc (đỗ quyên). Gia là nhà đồng âm với da hoặc đa (có khi viết là gia) là con chim đa đa (còn gọi là gà gô). Vì thế tiếng chim kêu khắc khoải kia đâu phải chỉ là tiếng của con chim đa đa, chim đỗ quyên mà còn là nỗi lòng hoài cổ (nhớ về những triều đại vàng son rực rỡ thời xưa hay là thương nhớ về một triều Lê của một bề tôi vốn vẫn đang nặng lòng), nỗi nhớ nhà của người lữ khách tha phương. Như thế, đến đây ta mới hay nhà thơ mới chỉ bước qua một Đèo Ngang địa lí mà chưa thể đi qua một Đèo Ngang tâm lí. Nỗi niềm hoài cổ ấy vẫn còn đeo đuổi và mang nặng trong hành trang của thi nhân trên đường vào Huế.

​Hai câu kết: Nhà thơ tiếp tục thể hiện cái vắng vẻ đến cực điểm của đèo Ngang nhưng đồng thời cũng qua đó để trực tiếp bộc lộ nỗi niềm tâm trạng của chính mình.

​“Dừng chân đứng lại trời non nước

 Một mảnh tình riêng ta với ta”

Bức tranh đèo Ngang tiếp tục được mở rộngbằng một cảnh tương phản: trời, non, nước – mảnh tình riêng rất đặc sắc. Nếu cảnh được mở rộng theo cả hai chiều ngang dọc thì tình như được cô chặt trong lòng, không thể chia sẻ cùng ai. Đối diện với cảnh trời, non, nước bao la thì mảnh tình riêng lại càng nặng nề, khép kín. Cụm từ “ta với ta” ở đây làkhông phải hai người đối diện với nhau như thể “Bác đến chơi đây, ta với ta” của nhà thơ Yên Đổ (Nguyễn Khuyến). Cụm từ “ta với ta” ở đây được dùng để thể hiện sự đối diện của nhà thơ với chính mình trước một nơi xa lạ, vắng vẻ trong hoàn cảnh “thân gái dặm trường”. Như thế là nhân vật trữ tình đâu chỉ có cô đơn mà còn có cả sự cô độc nữa chứ.Hai câu thơ chữ ít mà ý rộng đến không cùng.

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” khép lại với một tâm trạng chất chứa nỗi niềm nhưng cũng làm thành một cung đèo lưu danh trong lòng người đọc. Có thể nói; với ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, trong sáng, trang nhã, cổ kính; một cấu trúc đăng đối hoànchỉnh; đặc biệt là bút pháp “tả cảnh ngụ tình” tinh tế, điêu luyện bài thơ xứng đáng là một mẫu mực của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Đến vớibức tranh Đèo Ngang lúc chiều hôm ấy người ta thấy nữ sĩ Thanh Quan không chỉ thể hiện sự nhạy cảm tinh tế với cảnh vật của một hồn thơ đa cảm mà còn nhận ra được cả những sâu thẳm trong nỗi niềm tâm trạng của lữ khách tha hương. Sự nhạy cảm và nỗi niềm ấy đã và sẽ còn rung động mãi những tấm lòng trắc ẩn ở nơi người đọc.

Bây giờ cung đường qua đèo Ngang hẳn đã có nhiều thay đổi nhưng Hoành Sơn Quan của người xưa mà Bà Huyện Thanh Quan ngang qua ngày ấyvẫn còn nguyên đó trên cung đèo lịch sử, đang dãi dầu cùng mưa nắng rêu phong. Và có lẽ, cũng bắt đầu từ bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mà đèo Ngang dường như không chỉ là một con đèo của địa lý, của lịch sử mà còn là một con đèo văn chương; một cột mốc văn hóa trên bản đồ văn học. Chẳng thế mà trong những năm tháng đánh Mỹ nhà thơ Lê Anh Xuân đã có lần thốt lên: “Dù đèo Ngang tôi chưa từng đến/ Thơ Bà huyện Thanh Quan tôi đã thuộc lòng/ Hoa lá, cỏ cây có bị bom cháy sém?/ Mái nhà kia dưới núi có còn chăng?” (Gửi miền Bắc). Chỉ cần vậy thôi; con đèo, bài thơ và tên tuổi của thi nhân sẽ còn mãi với thời gian và trở thành một cột thi ca trên hành trình dặm ngàn thiên lý nước Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Qua đèo ngang, một cột mốc thi ca trên dặm ngàn thiên lý Việt Nam" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn