Phía sau một bức ảnh

 Nguyễn Văn Nọi

17/12/2023 06:21

Theo dõi trên

Một bức ảnh chụp 5 anh bộ đội trẻ măng, quân phục gọn gàng, cười tươi trước ống kính máy ảnh dễ làm cho người xem lầm tưởng bức ảnh được chụp trong khung cảnh hòa bình, tại một lớp tập huấn nào đó của quân đội. Vậy mà không! Bức ảnh được chụp tại một Binh trạm trên đường Trường Sơn, vào cuối tháng 3 năm 1973, khi chiến trường miền Nam vẫn đang còn nóng bỏng, máy bay Mỹ vẫn còn rải bom liên tục dọc đường Trường Sơn.

b1noi1a-1702729159.jpg

Năm chiến sỹ cựu sinh viên khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) chụp tại binh trạm 79, ngã ba Đông Dương do cố Phóng viên TTXVN  Phạm Cao Phong chụp cuối tháng 3 năm 1973

Năm anh bộ đội trong ảnh là năm chiến sỹ, cựu sinh viên khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), nhập ngũ ngày 23 tháng 9 năm 1972. Các anh đang cùng gần ba trăm sinh viên chiến sỹ của các trường đại học Tổng hợp, đại học Bách khoa, đại học Kinh tế kế hoạch…Hà Nội của Đoàn 2004 (Đoàn 2004 là phiên hiệu trên đường vào Nam chiến đấu của tiểu đoàn 495, trung đoàn 568) hành quân vào chiến trường. Bức ảnh quý của 5 sinh viên chiến sỹ, cựu khoa sử được chụp tại Trạm 79, nằm bên sông Sê Kông thuộc tỉnh A tô pơ (Attapeu), Lào, khu vực ngã ba Đông Dương (biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia).

b1anoi2b-1702729540.jpg

Cố Phóng viênTTXVN Phạm Cao Phong (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng 5 chiến sỹ cựu đồng môn, sinh viên khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) tại Binh trạm 79 cuối tháng 3 năm 1973.

Tại trạm 79, các đoàn quân thường được nghỉ chân dài ngày để chờ lệnh điều động đi các chiến trường khác nhau. B3 là chiến trường Tây nguyên, B2 là chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ; chiến trường C là Lào, chiến trường K là Căm Pu chia. Đoàn 2004 chúng tôi cũng được dừng nghỉ tại trạm 79 khoảng gần một tháng, thời gian đủ để sức khỏe của tuổi trẻ chúng tôi hồi phục sau hơn hai tháng hành quân liên tục trên dãy Trường Sơn. Tôi cũng là một chiến sỹ, cựu sinh viên, cùng trung đội với 5 chiến sỹ trong bức ảnh mà còn ngỡ ngàng khi nhìn thấy bức ảnh vì cả 5 đồng đội của tôi đều “quân dung tươi tỉnh” – Ước gì các chiến sỹ, cựu sinh viên khoa Lý của chúng tôi cũng có một bức ảnh như vậy thì hay quá.

b2noij3-1702734047.jpg

Cố PV TTXVN Phạm Cao Phong (ngoài cùng bên trái) cùng 5 cựu chiến sỹ sinh viên khoa Sử và phóng viên TTX chụp tại chiến trường xưa, Đắc Nông. Ảnh chụp năm 2019.

Tác giả bức ảnh đó là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Phạm Cao Phong. Anh Phạm Cao Phong đã tốt nghiệp khoa Sử, đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh Phong là một trong 100 người được tuyển chọn từ 1.500 hồ sơ các sinh viên tốt nghiệp các khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa của Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) và các trường đại học khác để trở thành phóng viên chiến trường GP 10 của Thông tấn xã Giải phóng từ tháng 8/1972, nay là Thông tấn xã Việt Nam, cũng dừng chân tại trạm 79 vào cuối tháng 3 năm 1973, và cơ duyên hội ngộ của anh với các đồng môn khoa Sử trong đoàn 2004 nhờ đó mà có. Các anh hay gọi đó là “Hội khoa Lịch sử trên đường Trường Sơn”. Năm sinh viên chiến sỹ khoa sử sau đó đã hành quân tiếp về phương Nam, qua Cămpuchia và trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mi Mốt – Cà Tum vào Tây Ninh vào tháng 7 năm 1973. Tháng 11 năm 1973, cả năm anh được bổ sung vào Trung đoàn bộ binh 271 đang chiến đấu ở mặt trận Quảng Đức (Đắc Nông ngày nay). Năm anh bộ đội đó đã tham gia chiến đấu giải phóng Gia Nghĩa, Tuy Đức (Quảng Đức); Phước Long, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An và thật may mắn cả năm anh đều bình an trở về sau ngày đất nước thống nhất.

b4noi4-1702736150.jpg

5 Cựu chiến binh, là cựu  sinh viên khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) tại cột mốc biên giới, ngã ba biên giới (Việt Nam - Lào - Căm Pu Chia) năm 2019.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Phạm Cao Phong cùng với bức ảnh duy nhất chụp 5 chiến sỹ sinh viên đồng môn khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) đó cũng lăn lộn trên các chiến trường miền Nam và trở về với không nhiều hy vọng gặp lại đầy đủ các đồng môn trong “Hội khoa Lịch sử trên đường Trường Sơn”. Bức ảnh anh chụp 5 đồng môn trên đường Trường Sơn đã được anh đăng trên báo chí thời đó nhưng cả 5 người có mặt trong bức ảnh đó không hề biết, bởi đâu có thông tin. Tôi nghĩ anh Phong lúc đó chụp bằng máy ảnh dùng giấy ảnh lấy ngay, nên mỗi lần chụp chỉ có một bức.

Những người trong bức ảnh “5 sinh viên Khoa Lịch sử” ở Ngã Ba Đông Dương, tháng 3/1973, kể từ trái qua phải là: Ngô Ngọc Thắng (K15, quê Hà Nam); Nguyễn Đình Lê (K14, quê Hà Tĩnh); Lê Tất Vinh (K16, quê Hải Phòng); Ngô Đăng Tri (K15, quê Hà Tĩnh); Đặng Công Nga (K13, quê Nghệ An), anh Nga đã học hết năm thứ tư nên được công nhận tốt nghiệp đại học trước khi nhập ngũ. Sau chiến tranh, trừ anh Đặng Công Nga, bốn anh còn lại trở về trường học tiếp khoa Sử. Cả năm anh đều thành đạt. Ngô Ngọc Thắng trở thành PGS.TS, Nhà giáo ưu tú, Q.Giám đốc Học viện chính trị Khu vực 1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Đình Lê là PGS.TS, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường đại học KHXH&NV, ĐHQGHN; Lê Tất Vinh là Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hải Phòng; Ngô Đăng Tri là PGS,TS. Nhà giáo ưu tú, Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; Đặng Công Nga là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình.

Anh Phạm Cao Phong đã cất công tìm kiếm các đồng môn trong bức ảnh sau chiến tranh. Đầu tiên anh kết nối được với anh Ngô Đăng Tri và anh Ngô Ngọc Thắng, sau đó các anh đã tìm được ba người còn lại. Cả sáu đồng môn đã vỡ òa trong cảm xúc khi được cùng hội ngộ, anh Phong nhân thêm bức ảnh “Năm sinh viên chiến sỹ khoa sử ở ngã ba Đông Dương” anh đang lưu giữ để tặng các đồng môn – đúng là món quà vô giá cho năm cựu chiến binh sinh viên. Một bất ngờ được anh Ngô Ngọc Thắng thông báo cho cả nhóm là trong lần chụp ảnh ấy, anh Phong còn nhờ một người bạn, cũng là phóng viên Thông tấn xã chụp thêm một kiểu nữa có cả sáu người, tức là thêm anh Phong. Bức ảnh đó được Ngô Ngọc Thắng lưu giữ mà cả bốn anh còn lại và ngay cả anh Phong cũng không nhớ. Bức ảnh được anh Thắng bảo quản tốt nên sau 50 năm vẫn như mới, niềm vui được nhân đôi, nhất là đối với anh Phạm Cao Phong. Trong bức ảnh sáu người, anh Phong mặc quần áo dân sự đứng thứ tư từ trái sang phải bức ảnh.

Câu chuyện về bức ảnh đã được các anh Ngô Đăng Tri và Nguyễn Đình Lê đăng trên trang Web của Trường Đại học KHXH & NV ngày 25 - 4 - 2018. Cũng trên cơ sở bài báo này và các tư liệu khác, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Binh đoàn Trường Sơn, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng cục Chính trị và Tỉnh Đắc Nông đã xây dựng thành chương trình truyền hình trực tiếp“Trường Sơn Đông gọi trường Sơn Tây - Giao điểm Trường Sơn” và phát sóng tối ngày 13 - 5 - 2019 tại Đắc Nông qua kênh VTV8 & VTV5 nói về sự kiện nối thông đường 559 tại Thị xã Gia Nghĩa với sự tham gia, giao lưu của các nhân chứng lịch sử, trong đó có 5 chiến sỹ trong ảnh là các sinh viên khoa Sử. Kênh VTV1 sau đó có phát lại.

Nhờ Truyền thông mà năm sinh viên chiến sỹ khoa sử và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam  Phạm Cao Phong đã có cơ hội quay lại thăm chiến trường xưa ở Đắc Nông . Họ đã được trở lại ngã ba Đông Dương, khu vực đã có “Hội khoa Lịch sử trên đường Trường Sơn” và cả sáu anh đã xuất hiện trên truyền hình, những nhân chứng lịch sử của đường Trường Sơn – Một câu chuyện chiến tranh và hòa bình có hậu. Cám ơn đồng đội, Phó Giáo sư Ngô Ngọc Thắng đã cung cấp cho tôi những tư liệu quý để tôi viết bài viết này và những bài tiếp theo. 
Rất tiếc, sau chuyến gặp gỡ lịch sử đó tại Đắc Nông trở về, anh Phạm Cao Phong, quê Nam Định, bị trọng bệnh đã qua đời lúc 8 giờ 16 phút ngày 20/8/2020 dương lịch, tức ngày 2/7 âm lịch (Canh Tý), thọ 72 tuổi.

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2023

N.V.N.

Bạn đang đọc bài viết "Phía sau một bức ảnh" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn