Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 52)

PGS TS Cao Văn Liên

19/03/2024 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.  

Kỳ 52        

XVIII. LIÊN MINH CHÂU PHI QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN                          

1. Tổ  chức thống nhất châu Phi (OAU)

1.1.  Hoàn cảnh lịch sử ra đời: Danh từ châu Phi được gọi theo tiếng Hán: Á Phi Lợi gia châu, gọi tắt là Phi châu. Người La Mã xưa gọi châu Phi là Africaterra, khi đó là một tỉnh của đế quốc La Mã  rộng lớn thời cổ đại (thế kỷ VI TCN đến thế kỷ V SCN). Trung tâm của Africaterra là Carthage, nay thuộc Tunisia.

Châu Phi nằm ở phía Nam châu Âu và phía Tây Nam châu Á, cách châu Âu bởi Địa Trung Hải, cách châu Á bởi Hồng Hải, là châu lục lớn thứ nhì thế giới sau châu Á. Diện tích châu Phi tính cả các đảo khoảng 30.340.592 km2, dân số khoảng 800 triệu người và 55 quốc gia lớn nhỏ. Toàn bộ lục địa châu Phi bị biển bao bọc, phía Bắc là Địa Trung Hải, phía Tây là Đại Tây Dương,phía Nam và Đông Nam giáp Ấn Độ Dương, phía Đông có dải đất hẹp Suez nối với châu Á, sau này tạo nên kênh đào Xuy ê nổi tiếng, có tầm quan trọng chiến lược nối Địa Trung Hải với Hồng Hải, cửa ngõ đi vào ba châu lục. Từ Bắc Phi xuống Nam Phi khoảng 8000km, từ Đông sang Tây theo đường xích đạo khoảng 3500 km.14 nước trong tổng số 55 nước châu Phi không có biển. Hầu hết các con sông ở miền Nam Phi đều chảy vào hồ Chad thay vì chảy ra biển. 4 con sông chảy qua châu Phi là trong số những con sông lớn nhất thế giới; sông Nile, sông Daizơ, sông Niger, trong đó sông Nile là dài nhất khoảng 6.688km. Châu Phi được thiên nhiên ưu đãi giàu tài nguyên, nhiều gỗ quí, cây có dầu, cao su ,bông, ca cao, càphê, mía, mỏ quặng (măng gan, crôm, đồng, phốtpho, dầu lửa, vàng, platin, uran, kim cương…). Châu Phi có nhiều động vật quí hiếm như hươu cao cổ, voi, ngựa vằn, tê giác...

Châu Phi được chia làm hai miền rõ rệt. Bắc Phi kéo dài từ sa mạc Saha ra đến Địa Trung Hải. Dân cư thuộc người Arab và các dân tộc bị Arab hoá, đa số theo đạo Hồi. Trước khi bị chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm lược Bắc Phi gồm nhiều chế độ xã hội khác nhau, một số thành phố hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, có nơi còn tồn tại cộng đồng bộ lạc nhưng bao trùm và chủ đạo ở Bắc Phi là chế độ phong kiến. Nam Phi là miền từ sa mạc Sahara đến mũi Cape, có tới 1.300 ngôn ngữ, vì cùng nguồn gốc nên người da đen có thế nói 6 ngôn ngữ khác nhau. Miền Đông Bắc-Đông Sudan, Ethiopia và các nước ở ven bờ Hồng Hải thuộc các tộc người theo ngữ hệ Hamitxemít. Người da đen theo ngữ hệ Sudan sống dọc theo miền nhiệt đới Nam Phi, theo ngữ hệ Polineli thường cư trú ở Madagasca. Ở miền cực Nam bao gồm các tộc người Khoi Khoi (Hottentot và người Pymeen). Trước khi bị chủ nghĩa thực dân xâm lược, cơ cấu xã hội chính trị Nam Phi phát triển không đồng đều và khác biệt rõ rệt. Miền Tây Sudan, Madagasca chủ yếu là xã hội phong kiến nhưng vẫn còn tàn dư nô lệ và công xã nguyên thuỷ. Ở Ethiopia, Uganda, Imerina thì có trình độ cao hơn hình thành các quốc gia phong kiến tập quyền. Ở vùng nhiệt đới Tây Phi, Dulie còn tồn tại cộng đồng liên minh bộ lạc. Khu vực này không có biên giới quốc gia rõ rệt nên thường xuyên xẩy ra các cuộc xung đột giữa các liên minh bộ lạc để tranh giành quyền lực, đất đai.

Cư dân châu Phi phần lớn tập trung đông ở miền duyên hải, miền Tây Phi, thung lũng sông Nile (Bắc Phi), quanh khu vực các hồ lớn như hồ Victoria, hồ Tagania. Vùng sa mạc Sahara, Kalali, Nambia rộng lớn nhưng ít người sinh sống. Một nửa cư dân châu Phi theo đạo Hồi, nhất là ở miền Bắc Phi. Ngoài ra còn có đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành và những tôn giáo cổ truyền nguyên thuỷ như bái vật giáo, tô tem giáo, vạn vật hữu linh. Những tôn giáo truyền thống của người châu Phi trình tự khi hành lễ có kèm theo nhẩy múa ca hát.  Đây là loại hình nghệ thuật quan trọng nhất lục địa.

   Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX, thực dân châu Âu đã tiến hành xâm lược châu Phi và châu lục này bị biến thành thuộc địa kiểu cũ của các cường quốc phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Đức. Những năm 70 của thế kỷ XIX, châu Phi bị mất 10,8% đất đai, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thực dân phương Tây đã chiếm được 90,4% đất đai, tập trung chủ yếu vào tay Anh, Pháp, Đức. Phân chia châu Phi đã trở thành chính sách lớn của các cường quốc châu Âu thời kỳ cận đại. Năm 1900, cơ bản các cường quốc đã kết thúc việc xâm lược châu Phi. Chỉ còn Ethiopia là nước duy nhất ở Đông Phi giữ được độc lập. Những người bị bắt bị giết hại hầu hết là thanh niên nam nữ, là tinh hoa của châu lục. Châu Phi bị tàn phá, bị cướp bóc, bị mất tinh lực một cách khủng khiếp không thể nào bù đắp được. Nhân dân châu Phi đã kiên cường đấu tranh qua hàng thế kỷ để giải phóng dân tộc. Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) kết thúc mở ra một thời kỳ mới cho phong trào giải phóng dân tộc  ở các thuộc địa nói chung và châu Phi nói riêng. Sau Đại chiến thế giới thứ hai, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á sụp đổ,  châu Phi trở thành nơi cạnh tranh kịch liệt của chủ nghĩa đế quốc. Mỹ, Anh, Pháp tăng cường đầu tư kinh tế mạnh mẽ vào châu Phi. Chủ nghĩa thực dân cũ của Anh, Pháp còn chưa bị tiêu diệt thì chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ đã len chân vào. Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi do đó vừa chống chủ nghĩa thực dân cũ, vừa chống chủ nghĩa thực dân mới. Cách mạng giải phóng dân tộc châu Phi thời kỳ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cách mạng giải phóng dân tộc châu Á, đặc biệt với chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ đã cổ vũ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân các nước châu Phi, làm cho đế quốc Pháp, một trong những kẻ thù chính của châu Phi và các đế quốc khác hoảng loạn suy sụp, tạo điều kiện cho cách mạng châu Phi đánh đổ chúng. Điện Biên Phủ là một tiếng sấm rền vang làm rung chuyển toàn bộ hệ thống thuộc địa để nhân dân châu Á, châu Phi đập vỡ nó tan tành.       Từ năm 1945 đến năm 1954 phong trào chỉ mới mạnh mẽ ở Bắc Phi. Cuộc đấu tranh của nhân dân Ai Cập chống Anh, phong trào kháng chiến của nhân dân Angeria  chống Pháp. Từ năm 1954 đến năm 1960 phong trào phát triển mạnh ở Bắc Phi, Tây Phi và lan cả xuống châu Phi Xích Đạo. Năm 1960 ghi nhận phong trào giành được thắng lợi to lớn.Từ năm 1957 đến năm 1960 các nước Tây Phi giành được độc lập, vùng châu Phi Xích Đạo thuộc địa của Pháp năm 1960 cũng giành được độc lập. Cơn bão táp tiếp theo vào các năm 60 và các năm 70 thế kỷ XX lan rộng khắp lục địa, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ hoàn toàn. Các nước Đông Phi thuộc địa Anh, Pháp, Italia giành độc lập vào năm 1960, các nước Trung Phi thuộc địa của Anh, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha giành độc lập từ 1957 đến 1960. Năm 1960, 50 nước trong tổng số 55 nước gành được độc lập ở mức độ khác nhau, chiếm 95% dân số và 85% đất đai[1]. Với thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, chủ nghĩa thực dân cũ bị diệt vong, hệ thống thuộc địa kiểu cũ tồn tại suốt 3 thế kỷ đè nén áp bức bóc lột tàn khốc châu Phi sụp đổ tan tành, biến thành thây ma của lịch sử. Nam Phi, nước lớn nhất ở miền Nam châu Phi độc lập từ năm 1931, nhưng nhân dân Nam Phi lại phải đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apacthai. Năm 1995 cuộc đấu tranh hoàn toàn thắng lợi, chủ nghĩa Apacthai bị xoá bỏ và người da đen chiếm đa số ở Nam Phi đã lên nắm chính quyền.           Phong trào đấu tranh ở châu Phi do giai cấp tư sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân còn non yếu, các Đảng Cộng sản chưa ra đời. Một loạt các quốc gia độc lập mới ra đời làm thay đổi bộ mặt chính trị, xã hội của châu Phi, góp phần vào tiến trình của lịch sử thế giới giữa thế kỷ XX. Tuy nhiên sau khi độc lập các quốc gia châu Phi đang đứng trước những vấn đề cấp bách. Châu Phi muốn phát triển như các châu lục khác phải chấm dứt nội chiến, chấm dứt các cuộc đảo chính quân sự tranh giành quyền lực, chấm dứt những cuộc xung đột sắc tộc. Châu Phi không chỉ đối mặt với đói nghèo lạc hậu mà còn phải đương đầu với thảm hoạ bệnh dịch thế kỷ: 20 triệu người châu Phi trong tổng số 40 triệu người trên thế giới nhiễm HIV. Có quốc gia tới 40% dân số nhiễm bệnh. Sự xâm lược, tàn phá cướp bóc của chủ nghĩa thực dân suốt 300 năm bây giờ vẫn còn để lại hội chứng nghiêm trọng mà các Chính phủ châu Phi đang đối mặt, đang cần tập trung sức mạnh của từng quốc gia,  của toàn châu lục để giải quyết.

Trừ một vài nước ở Bắc Phi đời sống kinh tế tương đối cao  nhờ nguồn dầu lửa, còn nhìn chung trình độ kinh tế châu Phi kém phát triển hơn so với các châu lục khác. Đa số các quốc gia còn trong tình trạng nông nghiệp lạc hậu. Tổng sản phẩm quốc dân GDP và tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người thấp nhất thế giới. Có những cộng đồng người còn trong tình trạng săn bắn hái lượm như tộc người Pimeen, người Botsinam, người Busemen. Có những tộc người còn chăn nuôi di động (du mục) như người Hottentot, người Hererot. Đa số các tộc người đã kết hợp chăn nuôi với trồng trọt nhưng chỉ là một nghề nông tự nhiên thuần tuý.

Như vậy, sau khi dành được độc lập nhân dân châu Phi đứng trước nhiều thách thức, nhiều công việc phải giải quyết. Trong hoàn cảnh đó rất cần một tổ chức chung của các quốc gia để đoàn kết, đủ sức lực giải quyết những nhiệm vụ lịch sử đang đặt ra cho châu lục, tăng cường sự hợp tác, phối hợp các quốc gia, nhằm bảo đảm sự phát triển tốt nhất cho các dân tộc châu Phi, chống chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, bảo vệ chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trên lục địa.

Tiền đề chính trị cũng đã chuẩn bị cho sự ra đời của Tổ chức Thống nhất châu phi. Vào những năm 60 của thế kỷ XX châu Phi đa hình thành hai khối nước:

-Khối Casablanca do Kuwame Nkurumah người Ghana đứng đầu, thành lập  năm 1961 bao gồm các quốc gia  Ghana, Algeria, Maroco, Ai Cập, Mali, Lybia. Cương lĩnh chính trị của khối là nhằm thành lập Liên bang châu Phi. Khối này được mô tả như là khối các quốc gia có tư tưởng tiến bộ.

-Khối Morovian do Seng Hor người Senegal đứng đầu bao gồm các quốc gia Nigeria, Liberia, Ethiopia và hầu hết các quốc gia thuộc địa Pháp trước đây.

1.2. Thành lập tổ chức thống Nhất châu Phi (OAU)

 Hai nhóm nước này đã gặp nhau và nghị sự với nhau nhiều lần để thành lập một tổ chức thống nhất. Ngày 25-5-1963 vua Ethiopia Hale Selassie I đã mời hai khối nước này tới thủ đô Addis Ababa họp. Hai khối quyết định thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU-viết tắt theo chữ Anh). 32 nước đã ký vào bản Hiến chương và trở thành 32 nước thành viên sáng lập AOU. Trong quá trình phát triển, Tổ chức Thống nhất châu Phi có 32 nước. Ngày 12-11-1984 Maroco rút khỏi tổ chức này. Cộng hòa Nam Phi gia nhập OAU năm 2004.

Cơ cấu tổ chức OAU gồm Đại hội là cơ quan cao nhất. Đại hội họp hàng năm bao gồm những người đứng đầu Nhà nước và đứng đầu Chính phủ để bàn những vấn đề các nước cùng quan tâm, đưa ra những chính sách chung phối hợp giữa các nước. Hội đồng chấp hành cao nhất là Hội đồng các Bộ trưởng ngoại giao. Chức năng hành chính và thường trực thuộc Ban thư ký của OAU. Ngoài ra OAU còn có một số cơ quan chuyên ngành như Ủy ban trung gian hòa giải và trọng tài, Ủy ban kinh tế, xã hội, Ủy ban giúp đỡ các tổ chức giải phóng dân tộc

Trụ sở của OAU đặt ở Addis Ababa thủ đô của Ethiopia.

Mục đích và nhiệm vụ của OAU rất nặng nề. Tổ chức này có nhiệm vụ xóa bỏ tất cả những hình thức của chủ nghĩa thực dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập của các quốc gia thành viên. Trong thời gian này một số quốc gia châu Phi vẫn còn là thuộc địa của một số cường quốc phương Tây (Angola), hoặc  bị thiểu số người da trắng thống trị với chính sach phân biệt chủng tộc (Cộng hòa Nam Phi). OAU cam kết bảo vệ lợi ích của các quốc gia đã giành được độc lập, giúp đỡ các quốc gia còn trong tình trạng thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Trên đấu trường chính trị quốc tế, Tổ chức Thống nhất châu Phi giữ trung lập trong những vấn đề chính trị toàn cầu, ngăn cản các thế lực nước ngoài đặt ách kiểm soát các quốc gia châu Phi một lần nữa, đảm bảo cho người châu Phi được hưởng quyền con người, nâng cao mức sống về tinh thần vật chất của người dân. OAU cũng kiên quyết giải quyết các cuộc tranh chấp của các quốc gia châu lục bằng con đường hòa giải và hòa bình.

Như vậy Hiến chương của OAU đã nêu rõ mục đích hợp tác chính trị và kinh tế giữa các nước thành viên, củng cố sự đoàn kết nhất trí của các nước thành viên trên diễn đàn quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện nâng cao đời sống của các dân tộc. Tổ chức thống nhất châu Phi hoạt động phù hợp với chính sách không liên kết, hợp tác phát triển giữa các quốc gia trên cơ sở Hiến chương và quyền con người của Liên hợp quốc.

Từ ngày thành lập đến nay, OAU đã giúp đỡ cho nhiều nước châu Phi thoát khỏi ách thống trị thực dân, giành độc lập dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng châu Phi. Tháng 3 năm 1990, Namibia, xứ thuộc địa cuối cùng của chủ nghĩa thực dân cũ giành được độc lập.

Những năm gần đây OAU quyết định xây dựng khối  cộng đồng kinh tế châu Phi với mục đích thúc đẩy sự phat triển chung về kinh tế, thực hiện từng bước nhất thể hóa kinh tế, văn hóa của toàn châu lục.

Ngày 25 tháng năm, ngày ra đời của OAU trở thanh ngày châu Phi, là ngày biểu tượng cho các dân tộc châu Phi đấu tranh cho tự do và phát triển, phát huy những gía trị văn hóa tinh thần của các dân tộc châu Phi. OAU là biểu tượng, là quyết tâm của nhân dân châu phi vượt qua mọi thách thức để phát triển đi lên.

2. Liên minh châu Phi (AU)

2.1. Hoàn cảnh mục đích ra đời: Sau khi giành được độc lập vào những năm 60 kỷ XX, đêm trường thuộc địa chấm dứt, một trang mới của lịch sử châu Phi mở ra, thời đại độc lập tự do. Nhưng sau đó nhiều thập kỷ, châu Phi vẫn chìm đắm trong đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, bệnh tật. Hạn hán, dịch bệnh tràn lan, nền kinh tế dừng chân tại chỗ. Hầu hết người dân châu Phi sống dưới mức 2 USD/ngày. Mức lương thực bình quân đầu người không tăng kể từ 1960 đến nay. Tuổi thọ bình quân của người dân ở một số nước vẫn thấp dưới 50. Tài nguyên suy giảm, môi trường khí hậu đang rơi vào tình trạng tồi tệ do nạn phá rừng và sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng. Nợ nước ngoài tăng, sự bùng nổ dân số không kiểm soat nổi. Các nhà khoa học dự báo năm 2020 dân số châu Phi sẽ đạt 1, 6 tỉ người. Màu xám là màu chủ đạo trong toàn cảnh bức tranh kinh tế, xã hội châu Phi.

   Nguyên nhân không phát triển của lục địa châu Phi, đặc biệt là quốc gia khu vực Nam Phi là do chiến tranh xung đột sắc tộc, chiến tranh tranh giành quyền lực triền miên, do nạn tham nhũng của chính quyền ở hầu hết các quốc gia và nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác.                                                                              2.2.  Thành lập Liên minh châu Phi

Trong hoàn cảnh mới, Tổ chức thống nhất châu Phi không đáp ứng được những nhu câu thực tế mới, không đủ sức để giải quyết được những nhiệm vụ mà châu Phi đang đặt ra. Các nhà lãnh đạo châu Phi mà tiêu biểu là cố Tổng thống Libya Gadafi đã đề xướng thành lập liên minh châu Phi. Ngày 9-7-2002 tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức thống nhất châu Phi tại Nam Phi, các nguyên thủ quốc gia  đã đồng ý chấm dứt sự tồn tại của  OAU, thành lập một tổ chức mới là Liên minh châu Phi (AU-African Union). Đây là một tổ chức liên chính phủ, một tổ chức liên kết toàn khu vực châu Phi.

So với tổ chức Thống nhất châu Phi, Liên minh châu Phi có những đổi mới về cơ cấu tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động. Những người đứng đầu nhà nước họp thành Hội đồng Liên minh châu Phi. Đây là cơ quan cao nhất. Các cơ quan khác gồm Hội đồng chấp hành, Ủy ban Đại diện Thường trực Quốc hội toàn châu Phi, Hội đồng Văn hóa và Xã hội, Ủy ban Kỹ thuật đặc biệt.

Trụ sở của Liên minh châu Phi đặt ở thủ đô Ethiopia Addis Ababa.

Liên minh châu Phi ra đời có nhiệm vụ giúp đỡ các nước trong khu vực phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, chống lại các bệnh tật, giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực giữa các quốc gia châu Phi. Hiến chương của Liên minh châu Phi đã nêu rõ mục đích ra đời của tổ chức này là nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị đa phương, củng cố sự đoàn kết của các nước thành viên; thống nhất hành động đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong châu lục. Hiến chương của AU cũng nêu rõ sự thành lập  và hoạt động của tổ chức này phù hợp với chính sách không liên kết của Liên hợp quốc. Liên minh châu Phi đã thông qua kế hoạch đối tác mới  và phát triển của châu Phi.

2.3. Hoạt động của Liên minh châu Phi

Hoạt động của Liên minh châu Phi trước hết là các Hội nghị cấp cao gồm những người đứng đầu nhà nước và chính phủ trong tổ chức. Từ khi thành lập năm 2002 đến năm 2013 Liên minh châu Phi đã tiến hành 21 hội nghị cấp cao với những chương trình nghị sự phong phú, đa dạng, nhiều lĩnh vực liên quan đến  sự phát triển của các quốc gia thành viên và toàn châu lục. Trong khuôn khổ một bài báo ngắn chúng tôi chỉ đề cập đến một số nội dung mang tính quan trọng đặc biệt đối với châu Phi.

Các hội nghị đã bàn về tổ chức  bộ máy và hoạt động của AU: Những Hội nghị cấp cao AU của những năm đầu (thường họp ở Addis Ababa thủ đô của Ethiopia) đã tập trung bàn về hướng phát triển của khu vực, thúc đẩy hội nhập và gia tăng vị thế của châu lục trên trường quốc tế, đặc biệt bàn về tổ chức bộ máy và hoạt động của AU. Nhiều sự chia rẽ về mô hình phát triển của AU trong tương lai. Hội nghị đã nhất trí chuyển đổi Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) cơ quan điều hành của AU thành cơ quan quản lý AU. Hội nghị cũng vạch kế hoạch trong tương lai sẽ thành lập một cơ quan có chức năng thúc đẩy việc thành lập một chính phủ liên châu Phi thống nhất. Hội nghị cũng chỉ thống nhất về nguyên tắc thành lập cơ quan Chính phủ Liên châu Phi (AUA) mà chưa đề cập đến những chi tiết liên quan đến hoạt động của cơ quan này. Các cuộc khủng hoảng chính trị triền miên trong khu vực, sự chưa nhất trí về phạm vi quyền hạn của AUA đối với mỗi quốc gia thành viên đã gây tác động chưa nhất trí của hội nghị về vấn đề trên. Hội nghị cấp cao lần IX họp ở Ghanan năm 2008 tập trung thảo luận chủ đề xây dựng một chính phủ chung cho toàn châu lục. Thực ra đây là vấn đề vượt quá khả năng thực tế chưa thể thực hiện được. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ XIII, các nguyên thủ của 53 quốc gia đã thống nhất được sự đơn giản hóa  cơ cấu AU và gia tăng quyền hạn trong vấn đề quốc phòng, ngoại giao và thương mại quốc tế. Theo đó cơ quan này sẽ “phối hợp thực thi một chính sách chung” đại diện cho châu lục trong các vấn đề quốc tế khi được các nước thành viên AU ủy thác[1] . Thỏa thuận trên là một mốc quan trọng để tiến tới xây dựng một Chính phủ Liên bang “Hợp chúng quốc châu Phi”, cũng là minh chứng các nước trong khu vực đang xích lại gần nhau. Hội nghị cấp cao lần thứ XVIII tháng 1-2012 bầu ra các thành viên của của Hội đồng Liên minh châu Phi (AUC) cơ quan hành pháp của AU. AUC gồm Chủ tịch, phó Chủ tịch và 8 Ủy viên Hội đồng.

Các hội nghị đã bàn về phát triển kinh tế châu Phi: Hội nghị cấp cao AU lần thứ XIII họp tại thành phố cảng Xêtơ phía đông thủ đô Tripoli của Libya. Hội nghị đã thảo luận chủ đề đầu tư nông nghiệp vì tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực, chương trình nghị sự cũng khẳng định quyết tâm của lục địa đối mặt với khủng hoảng kinh tế đang trầm trọng làm hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng. Hội nghị cấp cao lần thứ XVI tháng 11 năm 2011 đề cập đẩy mạnh thương mại nội khối, gia tăng buôn bán giữa các nước châu Phi. Hội nghị lần thứ XVIII một lần nữa lại thảo luận vấn đề tăng cường trao đổi thương mại giữa các nước thành viên. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ XX họp ở Adidis Ababa thủ đô Ethiopia tháng 1 năm 2013. Với chủ đề “ Chủ nghĩa liên Phi và chấn hưng châu Phi”, Hội nghị đã thảo luận các biện pháp phục hồi châu Phi trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các nhà lãnh đạo AU muốn tăng cường hợp tác, thúc đẩy vai trò châu Phi trong nền kinh tế toàn cầu, hội nhập kinh tế thế giới  thông qua các khối kinh tế khu vực, giải quyết các vấn đề y tế, giáo dục, văn hóa.

     Các hội nghị đã bàn về giải quyết các điểm nóng trong khu vực: AU cũng đề cập giải quyết các tranh chấp, các cuộc xung đột trong khu vực, vấn đề người tị nạn, chiến lược đàm phán với châu Âu, vấn đề thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ XVI họp tháng 11-2011 tại Addis Ababa thủ đô Ethiopia. Khách mời danh dự tham gia hội nghị có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Hội nghị đã tập trung thảo luận vấn đề hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Với chủ đề hướng tới hội nhập và đoàn kết, hội nghị thảo luận những vấn đề nóng và gai góc như cuộc khủng hoảng chính trị tại Cofe Dlvoire, sự bất ổn ở Tunista, Ai Cập, tái thiết Xudan, cuộc khủng hoảng ở Somali, vấn đề an ninh và hòa bình khu vực. Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ XVIII, Chủ tịch AUC Jean Ping cho biết châu Phi cần tăng cường hòa bình và an ninh bởi vẫn có sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ châu Phi. Hội nghị đã thảo luận vấn đề xung đột ở Mali, Cộng hòa Congo, nam Sudan. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ XIX, lần thứ XXI các nhà lãnh đạo AU cũng quyết định thành lập một lực lượng quân đội phản ứng nhanh nhằm xử lý các trường hợp an ninh khẩn cấp tại các khu vực nhằm mang lại hòa bình, giảm thiểu sự can thiệp của nước ngoài, giảm chi phí quốc phòng. Lực lượng phản ứng nhanh trên cơ sở các nước thành viên tự nguyện đóng góp binh sĩ, trang thiết bị quân sự và tài chính. Lực lượng này sẽ nhanh chóng được triển khai để đối phó có hiệu quả với các tình huống khẩn cấp trong khuôn khổ có chế độ an ninh và hòa bình cho châu lục.

Tháng 5 năm 2013 Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ XXI khai mạc ở Adidis Ababa đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổ chức thống nhất châu Phi, tiền thân của Liên minh châu Phi. Với chủ đề “ Chủ nghĩa toàn phi và chấn hưng châu Phi”, Hội nghị ra Tuyên bố chung cam kết xây dựng một châu Phi đoàn kết, hòa bình và hội nhập. Tuyên bố chung được các nhà lãnh đạo AU coi là một văn kiện có tính lịch sử, là một chứng thư xây dựng thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Phi. Với tinh thần chấn hưng, các quốc gia thành viên AU cam kết  xây dựng một châu Phi hòa bình, ổn định, góp phần phát triển kinh tế chung của toàn châu lục. Lãnh đạo AU kiên quyết có biện pháp nhằm cụ thể hóa các nội dung của Tuyên bố AU.               

 3. Kết luận

Liên minh châu Phi mà tổ chức tiền thân của nó là Tổ chức Thống nhất châu Phi, qua 21 hội nghị cấp cao từ khi thành lập năm 2002 cho đến năm 2013. Liên minh châu Phi đã đưa vào chương trình nghị sự tuyên bố chung, nghị quyết nhiều vấn đề nhằm giải quyết toàn diện tất cả các lĩnh vực mà châu Phi đang đối mặt. Đó là những vấn đề an ninh cho khu vực, giải quyết những cuộc xung đột ở từng quốc gia, vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. AU chủ trương đẩy mạnh thương mại nội địa giữa các nước châu Phi, vấn đề phát triển nông nghiệp. AU cũng đã dành nhiều thời gian trong các hội nghị thượng đỉnh bàn về cơ cấu tổ chức, cải tổ bộ máy AU nhằm thúc đẩy xây dựng một bộ máy hoạt động có hiệu quả. Liên minh châu Phi là một tổ chức đoàn kết thống nhất châu Phi nhằm mục đích xây dựng một châu Phi hòa bình, no ấm hạnh phúc cho mọi người dân ở mọi quốc gia,thúc đẩy hợp tác chính tri, kinh tế  đa phương của các nước thành viên, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia châu lục, chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức. Trên trường quốc tế, Liên minh châu Phi là tổ chức đầy đủ tư cách pháp nhân đại diện cho toàn châu lục để quan hệ với các tổ chức ở các châu lục và các khu vực trên thế giới như với Liên minh châu Âu, Tổ chức các nước châu Mỹ, với Liên hợp quốc. v.v. Liên minh châu Phi còn có cơ chế đối tác AU+1 như AU với Mỹ, AU với Pháp, AU với Trung Quốc, AU với Nhật Bản …Trên diễn đàn thế giới, AU còn là người đại diện cho tiếng nói của hơn 55 quốc gia châu lục.

Ngày nay, trừ một số quốc gia, còn hầu hết lục địa chìm trong tình trạng đói nghèo, dịch bệnh, xung đột, chiến tranh bất ổn, tham nhũng, tàn phá môi trường, nạn khủng bố, sự xâm nhập từ bên ngoài… Tất cả đang đặt ra những nhiệm vụ lịch sử hết sức nặng nề cho Liên minh châu Phi. Liên minh châu Phi và các quốc gia của châu lục này đang đứng trước những thách thức mới của  thế kỷ mới. Con đường đi tới tương lai tươi sáng của nhân dân châu Phi duy nhất là con đường hòa bình, hữu nghị đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, diệt trừ tham nhũng, bệnh tật, tận dụng và phát huy nguồn lực sẵn có của mình để phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai. Lịch sử không lặp lại nhưng lịch sử dạy cho ta những bài học sâu sắc. Lịch sử cận đại châu Phi anh dũng, đầy máu và nước mắt nhưng đã để lại bài học bất di bất dịch cho lịch sử hiện đại châu Phi:Tương lai của người châu Phi do người châu phi quyết định.

CVL
(còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 52)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn