Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 35)

PGS TS Cao Văn Liên

02/03/2024 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.                                    

Kỳ 35

Cách mạng Iran năm 1979 là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ chống phong kiến và giải phóng dân tộc khỏi chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Cách mạng đã lập nên nhà nước cộng hoà, chấm dứt chế độ quân chủ hàng nghìn năm, mở ra một trang mới trong tiến trình phát triển của lịch sử Iran. Cách mạng đã giáng đòn mạnh vào chiến lược và thế lực của Mỹ ở Trung Đông. Cách mạng Iran có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực dưới góc độ đấu tranh giành độc lập dân tộc khỏi bị chi phối bởi các cường quốc, dưới góc độ tôn giáo, đặc biệt là những nước đa số tín đồ hồi giáo Shiit như Irắc, Bahrain, Kuwait, Lebanon, Saudi Arabia.

   Chiến tranh Iran-Iraq ( 1980-1988): Năm 1980 bùng nổ cuộc chiến tranh Iran và Iraq do tranh chấp biên giới lãnh thổ, do mâu thuẫn giữa hai phái trong Hồi giáo là phái Shiit của Iran và dòng Shiai chiếm thiểu số nhưng nắm chính quyền ở Iraq. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1988, cả hai bên đã dùng vũ khí thông thường nhưng rất hiện đại như tên lửa… do đó cả hai bên đều thiệt hại nặng nề. Riêng Iran, cuộc chiến tranh đã làm cho nạn thất nghiệp gia tăng, cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ lại bùng phát. Trong hoàn cảnh đó, ngày 3-6-1989 lãnh tụ cách mạng Hồi giao Iran Giáo chủ Khomeiin từ trần. Ngày hôm sau 4-6-1989 ông Kameni được phong Giáo chủ. Ngày 28-7-1989 ông Hashemi Rafsantami nhậm chức Tổng thống. Ông là người ôn hoà, thực dụng và hiện đại. Chính phủ của ông đã cho tự do nền kinh tế tư hữu, khuyến khích nước ngoài đầu tư vào Iran, tư hữu hoá nền công nghiệp, mềm mỏng hơn và xích gần các nước phương Tây. Ngày 27-9-1990 Iran thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Anh.

   Tuy nhiên vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI quan hệ giữa Iran và các nước Phương Tây lại căng thẳng do vấn đề hạt nhân của Iran. Iran có lập trường cứng rắn về chủ quyền quốc gia, quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích dân sự. Nếu đúng như vậy thì quyền lợi của Iran là chính đáng. Nhưng các nước phương Tây lo ngại Iran sẽ dùng thành tựu hạt nhân để chế tạo đầu đạn hạt nhân, phục vụ cho mục đích quân sự. Tốn  nhiều giấy mực và thời gian tranh cãi để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra những nghị quyết về vấn đề trừng phạt và giám sát chương trình hạt nhân của Iran. Ngày 21-10-2009 trong vòng đàm phán thư 3 giữa các cường quốc với Iran đã đi đến một thoả thuận, theo đó Iran phải đưa Uranium của mình sang Nga để làm giàu sau đó đưa trở lại cho Iran sử dụng vào mục đích dân sự. Thoả thuận này  đáp ứng được quyền sử dụng hạt nhân của Iran vào mục đích dân sự, đồng thời đáp ứng được sự giám sát của các cường quốc về chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng cuối tháng 10-2009 Quốc hội Iran đã bác bỏ thoả thuận trên.

5. Kết luận

 Iran là quốc gia có lịch sử lâu đời mà chủ nhân làm nên lịch sử là người Arya-Ba Tư thuộc ngữ hệ Ấn-Âu. Lịch sử Iran cũng tuân theo qui luật chung của lịch sử nhân loại, trải qua các thời kỳ cổ đại, trung đại, cận và hiện đại. Lịch sử hình thành quốc gia Iran cũng bị chi phối bởi đấu tranh giữa thống nhất và chia cắt, chia cắt chỉ là tạm thời, còn thống nhất là chủ yếu và là xu hướng chủ đạo để đến thời kỳ cận hiện đại hình thành một quốc gia thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay.

    Tuy nhiên lịch sử cận hiện đại Iran bị chi phối bởi qui luật đặc thù của lịch sử châu Á, chế độ phong kiến tồn tại lâu dài, khủng hoảng và phản động, giam hãm đất nước trong vòng đói khổ và lạc hậu, nhân dân kiên cường, bất khuất luôn đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, giành quyền sống, quyền tự do,hạnh phúc, quyền dân sinh dân chủ. Lịch sử Iran cổ -trung đại, đặc biệt là lịch sử cận -hiện đại với hai cuộc cách mạng dân tộc dân chủ 1905-1911 và cách nạng Hồi giáo 1979 đã nói lên chân lý đó. Lịch sử Iran là một bộ phận của Lịch sử Trung Đông và đang hòa vào dòng chảy chung của lịch sử nhân loại, đang vươn tới để thực hiện khát vọng tự do, ấm no, hạnh phúc và bình đẳng. Cuối cùng bị chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm lược, Iran bị biến thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng Iran thời kỳ cận hiện đại có nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, bao hàm cách mạng tư sản và cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới.

   Về lịch sử thiết chế chính trị cũng là những bước phát triển cùng với tiến trình đi lên của lịch sử Iran. Từ nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền thời chiếm hữu nô lệ, thời phong kiến chuyển sang nền quân chủ lập hiến khi cách mạng tư sản bùng nổ nhưng kết quả không triệt để do sự can thiệp của nước ngoài và cuối cùng là nền cộng hòa Hồi giáo khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ hoàn thành một cách triệt để trong thời kỳ hiện đại vào năm 1979.

   Đặc điểm lớn nhất trong cách mạng dân tộc dân chủ Iran là mang màu sắc tôn giáo. Các tăng lữ, giáo sĩ đạo Hồi là những người khởi xướng và lãnh đạo cách mạng 1979. Tuy nhiên, thực chất của cách mạng là cách mạng dân tộc dân chủ. Cách mạng này có nguyên nhân và tiền đề kinh tế xã hội, tư tưởng được hình thành trong hoàn cảnh lịch sử cận hiện đại của Iran. Nó nằm trong xu thế chung của trào lưu cách mạng dân tộc dân chủ ở châu Á và châu Phi trong cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 35)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn