Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 32)

PGS TS Cao Văn Liên

28/02/2024 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.           

Kỳ 32.

VIII.   IRAN - NHỮNG TRANG LỊCH SỬ                                             

Cộng hoà Hồi giáo Iran ở phía Tây Nam châu Á, giáp biển Caspin, Turkey, Iraq, vịnh Péc xích, vịnh Oman, biển Ả rập, Afghanistan, Pakistan. Diện tích 1.648.000km2. Dân số Iran khoảng 64.070.000 người, gồm 30 dân tộc tộc người, trong đó người Iran chiếm 51%, còn có người Algeria, người Kur, người Ả rập, người Azerbaijan. 93 % dân cư theo Hồi giáo, dòng Shiit. Ngôn ngữ chính là tiếng Iran. Dân cư đô thị chiếm 57%, dân cư nông thôn chiếm 43 %. Thủ đô Tehran khoảng 8.000.000 người. Iran là quốc gia giầu có nhờ dầu mỏ và khí đốt. Tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người 3.716 USD. Đồng Rial là đơn vị tiền tệ của nước cộng hoà.

   Iran là một trong những quốc gia nổi tiếng cả trong thời kỳ cổ đại cũng như trong thời kỳ hiện đại. Thời cổ đại Iran từng là trung tâm của đế quốc Ba Tư. Thời hiện đại Iran nổi tiếng với cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, với chương trình hạt nhân gây tranh cãi, làm khó chịu các cường quốc phương Tây. Bài viết này nhằm hệ thống hóa lại chiều dài lịch sử Iran, giúp bạn đọc nắm sơ lược đại cương nhưng rõ ràng lịch sử của quốc gia Trung Đông nổi tiếng này.

1.Thời kỳ cổ đại (thế kỷ 30 TCN đến thế kỷ VI TCN)   

1.1. Cuộc thiên di của người Arya: Khoảng 3.000 năm TCN, những bộ tộc người thuộc ngữ hệ Ấn-Âu-người Arya còn trong tình trạng công xã thị tộc nguyên thuỷ sinh sống ở biên giới phía Bắc biển Caspi và biển Ural. Các tộc người Arya là những cư dân du mục chăn nuôi gia súc, nay đây mai đó. Khoảng 2.000 năm TCN, một bộ phận tộc người Arya di cư về phương Nam, đến Ấn Độ, Iran và họ trở thành cư dân của hai quốc gia này. Danh từ Iran cũng xuất phát từ danh từ Arya. Trong số các tộc người di cư mạnh hơn cả là người Medes và người Ba tư. Họ thờ thần lửa (Bái hỏa giáo). Đây là tôn giáo dân gian thuộc bái vật giáo nhưng Bái hỏa giáo có kinh thánh Avesta, họ coi ngọn lửa là tiêu biểu cho sự quang minh, chính đại.

   Khi thiên di vào Iran, các tộc người Iran vẫn trong tình trạng xã hội nguyên thuỷ, thị tộc mẫu quyền và sau đó là thị tộc phụ quyền. Cùng với sự phát triển của công cụ sản xuất như cung tên và các công cụ bằng kim loại đồ đồng, đồ sắt thì toàn bộ nền kinh tế của các tộc người Iran cũng thay đổi. Họ đã định cư để sản xuất, xuất hiện các ngành nghề mới như chăn nuôi gia cầm, gia súc, nghề nông nghiệp, nghề thủ công nghiệp. Công cụ sản xuẩt mới với sự phân công lao động, chuyên môn hoá lao động đã đưa sản xuất phát triển chưa từng thấy, sản phẩm có dư thừa. đàn ông đóng vai trò chính trong lao động sản xuất dẫn đến họ đóng vai trò điều hành thị tộc. Chế độ thị tộc phụ quyền, phụ hệ thay thế cho chế độ thị tộc mẫu quyền, mẫu hệ. Năng suất lao động cao và chế độ phụ quyền xuất hiện làm cho công xã thị tộc của người Arya dần dần tan vỡ. Từng gia đình riêng rẽ xuất hiện và xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và trên cơ sở đó xuất hiện giai cấp. Ba yếu tố trên: Năng suất lao động cao, sản phẩm  dư thừa, xã hội phân hóa giai cấp là tiền đề kinh tế, xã hội cho nhà nước xuất hiện. Nhà nước ra đời còn là nhu cầu bức thiết để quản lý xã hội ngày càng phát triển với những mối quan hệ phức tạp. Nhà nước còn là công cụ kỳ diệu của giai cấp giàu có-giai cấp chủ nô, giúp cho họ dù chỉ là thiểu số trong dân cư nhưng vẫn có thể thống trị, áp bức, bóc lột, đàn áp được đại đa số dân cư, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp giàu có. Nhà nước với quân đội trong tay giúp cho giai cấp chủ nô tiến hành chiến tranh thống nhất đất nước hoặc chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ quốc gia. Việc này xẩy ra vào thế kỷ thứ VI TCN trong các tộc người Iran. Đó là xã hội và nhà nước chiếm hữu nô lệ. Trang lịch sử cổ đại Iran bắt đầu như vậy.

1.2. Vương quốc Medes -thế kỷ VII đến thế kỷ VI TCN

Trong số các bộ tộc người Iran, người Medes là tộc người dựng nước đầu tiên. Năm 612 TCN, người Medes đã thành lập một vương quốc ở phía Đông sông Tigrơ, lãnh thổ bao gồm toàn bộ cao nguyên Iran, chạy dài đến Armenia ở phía Bắc. Vương quốc Medes tồn tại đến thế kỷ VI TCN thì bị đế quốc Ba Tư thôn tính.        

1.3. Đế quốc Ba Tư- kỷ VI và kỷ IV TCN

 Trong khi vương quốc của người Medes đang tồn tại thì thế kỷ VI TCN, một tộc người Iran khác là người Ba Tư đã lập nên vương quốc Ba Tư. Năm 550 TCN, vua Ba Tư là Cyrus II đã thôn tính và sáp nhập Vương quốc Medes vào Ba Tư, vương quốc Medes diệt vong. Nhà nước Ba Tư bắt đầu xâm lược bành trướng, phát triển thành đế quốc Ba Tư. Năm 546 TCN, vua Cyrus II chiếm Lydia ở Tiểu Á, đánh chiếm các thành bang Hi Lạp trên biển Địa Trung Hải, chiếm Syria. Năm 538 TCN, Ba Tư chiếm vương quốc Babilon-Lưỡng Hà. Đến những năm 30 của thế kỷ VII TCN, Ba Tư đã làm chủ toàn bộ miền Tây Á. Năm 525 TCN, con của Cyrus II là Cambyses II kế vị ngai vàng tiếp tục đường lối chiến tranh xâm lược. Ba Tư chiếm Ai Cập. Năm 490 TCN, trong cuộc xâm lược vào bán đảo Hi Lạp, toàn bộ bộ binh của quân Ba Tư đã bị người Hi Lạp tiêu diệt ở đèo Maraton. Ba Tư còn bị người Hi Lạp đánh bại trong cuộc xâm lược lần hai năm 480 TCN, phần lớn thuỷ quân Ba Tư đã bị tiêu diệt ở eo biển Xalamin. Bước tiến của quân đội Ba Tư bị chặn đứng ở Nam Âu.

  Tuy vậy dưới thời Darius I đế quốc cổ đại Ba Tư phát triển cực thịnh, lãnh thổ phía Đông của đế quốc đến sông Ấn (Ấn Độ), phía Tây đến bờ biển Egée, phía Bắc đến Aran, Caspi, Hắc Hải, phía Nam đến vịnh Ba Tư, Ai Cập. Kinh đô của đế quốc Ba Tư khi đó là SuSa, Đông đô là Perspolis. Darius I chăm lo phát triển mở mang đường sá giao thông từ thủ đô đi các địa phương thuận tiện cho việc cai trị và vận chuyển của cải thuế má, vận chuyển quân đội thực hiện nhiệm vụ quân sự. đất nước thống nhất, giao thông thuận tiện đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, văn hoá trong đế quốc phát triển và giao lưu với các quốc gia Tây Á, các quốc gia phương Đông khác.

  Thiết chế chính trị của nhà nước Ba Tư cổ đại là nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế.

   Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Hi Lạp thế kỷ V TCN và nhiều lý do khác đã làm cho đế quốc Ba Tư suy yếu vào thế kỷ IV TCN. Năm 330 TCN, đế quốc Ba Tư bị Alexanderia, hoàng đế Mazedona xâm lược.

   Sau khi đế quốc Alexanderia sụp đổ, xã hội chiếm hữu nô lệ của Ba Tư vẫn được duy trì dưới triều đại Sasanit. Nhà nước Sasanit có lãnh thổ rộng lớn gồm Iran, Lưỡng Hà, tây Ấn Độ, Kuzestan. Thế kỷ VII vương quốc Sasanit bị đế quốc Ả rập tấn công xâm lược. Vương quốc Sasanit sụp đổ, bị sáp nhập vào đế quốc Ả rập. Chế độ chiếm hữu nô lệ Ba Tư chấm dứt, kết thúc thời kỳ cổ đại, lịch sử Iran bước sang thời kỳ trung đại: Lịch sử xã hội phong kiến.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 32)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn