Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 34)                      

PGS TS Cao Văn Liên

01/03/2024 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.         

Kỳ 34.

3. Thời kỳ cận đại (từ đầu thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX)

   Đầu thế kỷ XVIII, thương nhân Hà Lan là những người đầu tiên xâm nhập vào Iran, tiếp đó người Pháp đã vào và ký Hiệp định buôn bán với Iran. Năm 1800, Anh cũng đạt được một hiệp định về chính trị và thương mại ở vương quốc này. Năm 1807 Iran ký hiệp định mới với Pháp, năm 1809 Iran ký hiệp định sơ bộ và năm 1814 “Hiệp ước về một nền hoà bình vĩnh viễn” với Anh. Iran còn phải ký với Nga hiệp ước Gulistan năm 1813, hiệp ước năm 1828 theo đó Iran mất nhiều đất đai cho Nga, biên giới thuộc địa Nga đến tận sông Araks, còn phải bồi thường cho Nga 20 triệu rúp chiến phí. Năm 1841 Iran lại phải ký với Anh và với các nước tư bản châu Âu khác những hiệp ước bất bình đẳng mà trong đó qui định họ được hưởng những quyền lợi ở Iran như nước Nga. Với những hiệp ước bất bình đẳng đó Iran dần dần mất độc lập và bị biến thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến.

   Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Iran, thủ công nghiệp và nông dân phá sản vì không cạnh tranh được với hàng hoá phương Tây. Nạn tham nhũng hoành hành trong bộ máy nhà nước. Chính quyền phong kiến bất lực trước nạn tham nhũng và không bảo vệ được đất nước. Toàn thể nhân dân bất mãn và mâu thuẫn gay gắt với chính quyền phong kiến. Vào những năm 70 của thế kỷ XIX Iran hoàn toàn phụ thuộc vào Anh và Nga. Hai cường quốc Anh và Nga chia nhau xâu xé Iran, Nga làm chủ miền Bắc, Anh làm chủ miền Nam. Iran phụ thuộc về kinh tế dẫn đến phụ thuộc về chính trị vào Anh- Nga. Iran trở thành thị trường tiêu thụ hàng hoá, cung cấp lao động và nguyên vật liệu rẻ mạt cho Anh –Nga và các nước tư bản châu Âu.

   Bộ máy nhà nước phong kiến Iran cũng buộc phải cải tổ. Tại triều đình bấy giờ lập thêm các bộ: Bộ nội vụ, Bộ tư pháp, Bộ giáo dục, Bộ bưu điện điện báo. Quan lại quần thần Iran bây giờ trang phục theo kiểu châu Âu. Cố vấn Anh-Nga tham gia vào bộ máy nhà nước. Quân đội Iran phụ thuộc vào Nga-Pháp.

   Trước đời sống khổ cực và nguy cơ mất nước, phong trào của nhân dân Iran chống phong kiến và thực dân bùng lên mạnh mẽ. Lớn nhất là phong trào Babit. Đây là phong trào của một tôn giáo tôn thờ đấng cứu thế gọi là Mahdi, đòi xây dựng một xã hội công bằng, tiêu diệt chế độ tư hữu, xây dựng chế độ công hữu. Năm 1850 phong trào bị đàn áp và thất bại.

   Sự chuyển biến về kinh tế với những nhân tố tư bản chủ nghĩa đã dẫn đến sự chuyển biến về xã hội, giai cấp tư sản dân tộc Iran ra đời. Tư sản Iran bao gồm thương nhân nhỏ, chủ xưởng thủ công. Đây là giai cấp mới và tiên nhất của xã hội Iran thời kỳ cận đại, là giai cấp sẽ lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ chống đế quốc phong kiến, xây dựng Iran thành một quốc gia tư sản độc lập.

  Dưới sự lãnh đạo của tư sản, sự tham gia của nông dân, thợ thủ công và thị dân, năm 1901-1905 cách mạng dân chủ tư sản ở Iran bùng nổ. Nhưng do sự can thiệp của Anh và Nga, cách mạng chỉ thu đuợc những thắng lợi hạn chế, thủ tiêu nền quân chủ chuyên chế, thiết lập nền quân chủ nghị viện, những nhiệm vụ cơ bản của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ chưa giải quyết đựơc, giai cấp phong kiến vẫn nắm quyền thống trị và kinh tế. Các đế quốc Anh-Nga vẫn giữ vững khu vực ảnh hưởng của chúng: Nga phía Bắc, Anh phía Nam. Quân đội nước ngoài tiếp tục chiếm đóng Iran. Nhà nước phong kiến thành công cụ để Anh-Nga sử dụng bóc lột đàn áp nhân dân hơn nữa.

4. Thời kỳ hiện đại (1921-2009)

Trong Đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) hầu như toàn bộ lãnh thổ Iran bị quân đội nước ngoài chiếm đóng: miền Bắc quân đội Nga, miền Nam quân đội Anh, miền Tây quân đội Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai bên kẻ thù của nhau, quân Đức và Thổ với bên kia là Anh -Nga đều có mặt tại Iran. Đại chiến thế giới thứ nhất kết thúc với sự thất bại của phe Đức-Thổ-Áo- Hung, sự chiến thắng của phe Anh, Pháp, Mỹ… Năm 1919, 27 nước chiến thắng đã họp Hội nghị tại Versailles (Pháp) để chia nhau thế giới. Một trật tự thế giới mới đuợc thiết lập, trật tự Versailles -Washington đã khiến Iran thành một quốc gia độc lập vào năm 1921, đứng đầu là quốc vương Reza Pahlevi. Nhưng quốc vương Pahlevi ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề vào Đức.

   Tháng 9-1939 đại chiến thế giới thứ II (1939-1945) bùng nổ do ba nước phát xít Đức-Ý-Nhật phát động để làm bá chủ thế giới. Để giữ vững vùng Cận Đông, tháng 8 năm 1941 Liên Xô và Anh buộc chính phủ Iran phải trục xuất kiều dân Đức ra khỏi Iran. Ngày 17-9-1941 quân đội Liên Xô và quân đội Anh tiến vào Tehran, buộc Iran phải đứng về phe Đồng Minh chống phát xít. Tháng 9 năm 1943 Iran tuyên chiến với Đức. Tại Tehran năm 1943 đã có cuộc gặp giữa những người đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Anh, Mỹ: Stalin, Churchill, Roosevel để quyết định những vấn đề quan trọng đi đến kết thúc đại chiến II mà thắng lợi đã  rõ ràng thuộc về phe Đồng Minh.

   Đại chiến thế giới thứ II kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của phe phát xít Đức, Ý, Nhật. Năm 1946 quân đội Liên Xô, Anh, Mỹ rút khỏi Iran. Ngày 19-8-1953 Mỹ làm cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Mossadegh, thiết lập chế độ độc tài do Sahh Palevi đứng đầu. Ngày 5-8-1954 Chính phủ Iran ký hiệp định cho phép “Tổ hợp các công ty dầu mỏ” mà Mỹ chiếm phần lớn thị phần được phép khai thác dầu mỏ ở Iran trong 25 năm. Ngày 3-11-1955 Iran tham gia khối hiệp ước Baghdad. Mỹ viện trợ cho Iran nhiều, chỉ đứng số 2 sau Israel nhưng phần lớn để xây dựng quân đội, mua sắm vũ khí chiếm 80 tỉ USD trong số 100 tỉ USD. Iran đứng hàng thứ 7 về chi phí quân sự, đứng đầu các nứơc Trung Đông về quân số: 413.000 người[1]. Iran còn là thành viên của khối quân sự CENTO, thành sen đầm khu vực của Mỹ.

   Tiến thêm một bươc củng cố chế độ độc tài, tháng 5 -1961 Shah giải tán Quốc hội khoá XX, nắm toàn bộ quyền lực và tiến hành cải cách ruộng đất, cải cách quân sự và văn hoá. Lịch sử gọi đây là “Cuộc cách mạng trắng” nhằm tư bản hoá đất nước, mở đường cho Mỹ xâm nhập mạnh mẽ hơn nữa vào Iran. Cải cách làm cho nông dân mất ruộng đất phá sản, nông nghiệp đình trệ. Iran phải nhập khẩu tới 60% lương thực, công nghiệp phát triển què quặt, mất cân đối, truyền thống văn hoá dân tộc bị phá vỡ. Thu nhập quốc dân tăng nhưng nhân dân không được lợi ích gì, vẫn trong tình trạng nghèo đói. “Cách mạng trắng” đã bần cùng hoá nhân dân lao động. Địa vị kinh tế và chính trị của giới tăng lữ cũng bị xâm phạm. Iran thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Cách mạng Hồi giáo 1979: Cộng hòa Hồi giáo Iran. Chính sách của chế độ Palevi làm cho nhân dân, kể cả giới tăng lữ Hồi giáo chống lại. Từ năm 1963 phong trào đấu tranh chống chính quyền do Giáo chủ Khomeini lãnh đạo bắt đầu lan rộng. Bị chính quyền Palevi đàn áp, Khomeini chạy ra nước ngoài nhưng vẫn lãnh đạo cuộc đấu tranh trong nước. Năm 1978 chính quyền Palevi thiết quân luật trong toàn quốc nhưng vẫn không ngăn cản được làn sóng cách mạng. Từ tháng 1-1979 bãi công, biểu tình của nhân dân và của sinh viên lan rộng trong toàn quốc. Ngày 16-1-1979 vua Palevi chạy ra nước ngoài. Ngày 1-2-1979 giáo chủ Khomeiin về nước với sự đón tiếp của 1 triệu nhân dân Tehran. Ngày12-2-1979, Khomeiin tuyên bố thành lập Hội đồng cách mạng do ông đứng đầu. Ngày 1-4-1979 Hội đồng cách mạng tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

  Hội đồng cách mạng thực hiện những biện pháp cứng rắn để Iran thoát khỏi phụ thuộc vào chủ nghĩa đế quốc về kinh tế, chính trị. Hội đồng cách mạng mang lại ruộng đất cho nông dân, quốc hữu hoá các ngân hàng, các công ti bảo hiểm tư nhân, tài sản của hoàng gia. Về đối ngoại, Chính phủ Cộng hoà Hồi giáo Iran cắt đứt quan hệ với Mỹ, đuổi 40.000 cố vấn quân sự Mỹ về nước, đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Iran, xoá bỏ các hiệp ước bất bình đẳng, trong đó có hiệp ước quân sự với Mỹ. Iran ra khỏi khối quân sự CENTO, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestin, cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sadad (Egypt), với Israel, cực lực phản đối thoả thuận Đavit giữa Egypt, Mỹ, Israel nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Paletstin.

   Cộng hòa Hồi giáo Iran là nhà nước Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu chính phủ. Tổng thống do nhân dân bầu cử, nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội một viện gồm 274 nghị sĩ nắm quyền lập pháp. Tòa án tối cao nắm quyền tư pháp. Cơ cấu lãnh thổ Iran đơn nhất gồm 24 tỉnh và khu vực hành chính trực thuộc trung ương. Quốc khánh ngày 1-2-1979.

(Còn nữa)

CVL

-----------------------

[1] .Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Lịch sử Trung -Cận Đông. Nxb Giáo dục. H. 2004. Tr. 302.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 34)                      " tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn