Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 69)

PGS TS Cao Văn Liên

03/01/2024 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành. 

Kỳ 69.

Song, xét mặt khác, xu hướng đối đầu đang giảm đi, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại mềm dẻo hơn và đang trong quá trình đổi mới, đi vào cơ chế thị trường và mở cửa. Do đó, ngày nay bên cạnh xu hướng bạo lực, xu hướng hợp tác ngày một tăng lên vì trong thời đại ngày nay, không một quốc gia nào muốn phát triển mà lại không bắt buộc hợp tác quốc tế, không hợp tác với các quốc gia khác. Đó là sự đòi hỏi tất yếu. Sự hòa hoãn và mềm dẻo về chính trị đã tạo điều kiện để thực hiện quá trình hợp tác tất yếu đó. Tóm lại, đây là thời kỳ quá độ trong quan hệ quốc tế, trật tự thế giới cũ đã tan vỡ, trật tự thế giới mới đang hình thành theo xu hướng một cực hay đa cực? Điều đó còn chờ thời gian phân giải.

3. Nguyên nhân sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô

Từng nước có từng nguyên nhân riêng biệt và diễn biến sự sụp đổ khác nhau, nhưng có những nguyên nhân chung: xét tổng quát có thể thấy ba nguyên nhân chính sau đây:

Về nguyên nhân sâu xa: các Đảng Cộng sản cầm quyền, các nhà nước xã hội chủ nghĩa để quá lâu mà không khắc phục những nhược điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội theo cơ chế bao cấp toàn diện. Bên cạnh những ưu điểm, cơ chế bao cấp không đáp ứng được những quy luật khách quan, không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân lao động về dân chủ, về nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân theo nhu cầu của thời đại, coi nhẹ quy luật kinh tế hàng hóa thị trường. Bộ máy quản lý nhà nước xã hội chủ nghĩa nặng nề, kém hiệu lực, mệnh lệnh và thiếu tính năng động thực tiễn, lại sản sinh bọn tham nhũng, bọn tha hóa bòn rút của cải của công và của nhân dân sống cuộc sống xa xỉ. Cơ quan pháp luật kém hiệu lực, pháp chế không nghiêm minh, cơ quan Đảng bao trùm làm thay hết chức năng của cơ quan nhà nước. Với tất cả các nhược điểm trên, khi động lực và nhiệt tình cách mạng giai đoạn đầu qua đi, giai đoạn sau này của chủ nghĩa xã hội mất dần khả năng và động lực phát triển, cơ chế xã hội chủ nghĩa trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của sản xuất, của khoa học kỹ thuật và của xã hội, biểu hiện trực tiếp là đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân sa sút. Tất cả những điều đó đưa các nước xã hội chủ nghĩa vào cuộc khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng. Cải tổ đổi mới, điều chỉnh chủ nghĩa xã hội cho phù hợp với điều kiện của thời đại để nó tồn tại và phát triển là một đòi hỏi bức thiết của lịch sử và là một tất yếu khách quan.

Nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ là sự sai lầm của đường lối cải tổ. Trong lịch sử phát triển của các chế độ thời cận, hiện đại như chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, khủng hoảng kinh tế, chính trị hay khủng hoảng toàn diện là một điều dễ hiểu, nó xẩy ra do những nhược điểm trong lòng chế độ đó khi các cơ chế đi ngược lại quy luật. Trong mỗi thời kỳ khủng hoảng, người ta phải tập trung toàn bộ trí tuệ để đề ra các biện pháp khắc phục khủng hoảng, điều chỉnh đường lối, cơ chế cho phù hợp với quy luật, gạt bỏ bớt những nhược điểm để cứu vãn sự tồn tại của chế độ. Chủ nghĩa tư bản trong quá trình ra đời, phát triển đã nhiều lần đương đầu và khắc phục được khủng hoảng. Như vậy, khủng hoảng có thể đe dọa một chế độ xã hội nhưng chưa có khả năng làm cho xã hội đó sụp đổ nếu như các chính trị gia có đường lối đúng đắn, có biện pháp hữu hiệu để cứu vãn nó.

Do nhiều nhược điểm bên trong vào những năm 80 của thế kỷ 20, chủ nghĩa xã hội bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và ở Liên Xô nhất định phải sụp đổ. Chủ nghĩa xã hội sẽ vượt qua được cơn bệnh nguy kịch nếu như người ta có được một đường lối đúng đắn, hữu hiệu để cứu chữa nó. Muốn như vậy, phải có một lãnh tụ thiên tài. Và cải tổ thành công hay thất bại ở Liên Xô có tính quyết định vận mệnh của chủ nghĩa xã hội thế giới.

Sau cái chết của Tréc Nhen Cơ năm 1985, các cán bộ trụ cột trong Bộ Chính trị ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đều đã già nua cả. Vấn đề phải tìm một người làm Tổng Bí thư UBTU Đảng Cộng sản Liên Xô trở thành cấp bách. Những trụ cột khi đó của Đảng và của Nhà nước Liên Xô là Grômicô, Aliép v. v… đều nhất trí lựa chọn Mi khi in Xécgây êvích Goóc Ba Chốp, con người tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1932), có khả năng cầm lái để thực hiện công cuộc cải tổ. Trong Đại hội lần thứ 26 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Goóc Ba Chốp được bầu làm Tổng Bí thư ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Việc lựa chọn người vào chức vụ này là một việc cực kỳ hệ trọng, nó quyết định sự tồn tại hay diệt vong của Liên Xô. Thậm chí của cả phe xã hội chủ nghĩa. Ấy vậy mà trong một công việc quan trọng có tính chất sống còn này, cả Bộ Chính trị, cả ủy ban Trung ương, cả Ban Tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô đều phạm sai lầm khi chọn Goóc Ba Chốp. Đó là nguyên nhân trước tiên làm cho Liên Xô sụp đổ. Grô-micô và các cán bộ chủ chốt lão thành, cả Đại hội lần thứ XXVI của Đảng vào 1985 đều phải chịu trách nhiệm và trước khi toàn bộ phe chủ nghĩa phải trả giá cho sự sai lầm đó thì bản thân Grômicô là người chịu hậu quả trước tiên.

Nói như vậy, chúng tôi phải minh chứng được rằng: chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và ở Đông Âu có nhiều nhược điểm, song do tiềm lực to lớn của mình, bằng trí tuệ và nghị lực to lớn của mình, nhân dân các nước đó đã xây dựng được một đời sống no ấm đầy đủ, có cuộc sống văn hoá tinh thần phong phú, có một xã hội tương đối bình đẳng, không có nhiều người thất nghiệp, không có sự phân cực quá sâu sắc kẻ giàu, người nghèo, an ninh xã hội được bảo đảm, các dân tộc sống với nhau hữu nghị, hoà thuận. Cuộc sống và xã hội của nhân dân Liên Xô và các nước Đông Âu là niềm mơ ước còn lâu mới đạt được của nhân dân các nước nghèo khổ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Sự sụp đổ của Liên Xô và của các nước Đông Âu không phải do mâu thuẫn giai cấp gay gắt và do xung đột giai cấp dẫn đến cách mạng như tất cả các cuộc cách mạng mà lịch sử đã từng biết đến. Sự sụp đổ này là do sai lầm trong đường lối chính trị của Goóc Ba Chốp.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 69)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn