Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 66)

PGS TS Cao Văn Liên

31/12/2023 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.           

Kỳ 66

VII. Kết luận

Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên giành được thắng lợi. Vì thế Đảng Cộng sản Liên Xô và nhân dân Liên Xô cũng tự mình khai phá con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội, tự mình sáng tạo ra mô hình một xã hội tương lai chưa từng có trong lịch sử. Để nhanh chóng có được một xã hội công bằng, văn minh, no ấm, để nhanh chóng biến Liên Xô thành cường quốc công nghiệp, đủ sức đối phó với sự bao vây và tấn công của chủ nghĩa tư bản thế giới, nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Stalin đã chọn mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung quyền lực và kế hoạch hóa để xây dựng một xã hội mới dựa trên sở hữu nhà nước và tập thể triệt để. Sự tập trung quyền lực để điều hành đất nước, cùng với việc đưa con người vào kỉ luật lao động, động viên tinh thần nghị lực, trí sáng tạo của nhân dân các dân tộc Liên Xô để xây dựng một xã hội mới theo một lý tưởng chân chính đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, nhanh chóng đưa Liên Xô thành nước cộng nghiệp khoa học kĩ thuật tiên tiến, quân sự hùng mạnh. Những nhân tố này đã tạo thành sức mạnh vĩ đại đánh bại chủ nghĩa phát xít. Như vậy mô hình chủ nghĩa kiểu tập trung quyền lực và kế hoạch hóa dựa trên chế độ công hữu tư liệu sản xuát buổi ban đầu cũng phát huy yếu tố tích cực của nó, đặc biệt trong tình trạng sẵn sàng đối phó với chiến tranh và khi tiến hành chiến tranh.

Nhưng cùng với thời gian thay đổi thì mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu trên trở nên lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của xã hội và của lực lượng sản xuất. Bộ máy nhà nước trở nên cồng kềnh, kém hiệu lực và quan liêu hóa. Đảng làm thay, bao biện chức năng nhà nước. Chủ nghĩa xã hội bao cấp bình quân đã tiêu diệt mọi hứng thú lao động sáng tạo. Nghiêm trọng nhất là chỉ chú trọng phát triển kinh tế chiều rộng, hao phí sức lao động, nguyên liệu và năng lượng. Đó là nền kinh tế của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần 1 và lần 2. Mô hình này đã loại bỏ thành tựu khoa học - công nghệ mới đã bắt đầu từ những năm 40 của thế kỉ. Trong khi đó các cường quốc tư bản đã điều chỉnh và tiếp nhận thành tựu mới này và tiến những bước nhảy vọt. Liên Xô và các nước đồng minh tụt hậu. Điều này đe dọa ngay sự tồn tại của chính hệ thống này. Cải cách mô hình này đã trở thành cấp thiết và tất yếu.

Việc từ trần của ba vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1982 đến 1985 dồn dập đã làm cho đảng và nhà nước khủng hoảng lãnh đạo. Trong tình hình đó M. Goocbachốp, một nhân vật cơ hội vô nguyên tắc bằng nhiều thủ đoạn cuối cùng trở thành người lãnh đạo cao nhất đảng và nhà nước Liên Xô và bắt đầu công cuộc cải tổ.

Công cuộc cải tổ ở Liên Xô ngay từ đầu đã đi sai quy trình. Đầu tiên là ở kinh tế nhưng lại bắt đầu tháo gỡ nền công nghiệp nặng gây nên rối loạn trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội. Thất bại trong cải tổ kinh tế, Liên Xô quay sang cải tổ thể chế chính trị, chủ yếu là cải cách đảng và nhà nước với ngọn cờ dân chủ vô hạn độ. Kết quả làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô phân liệt, tan rã, mất vai trò lãnh đạo chính quyền. Liên Xô buộc phải thừa nhận đa nguyên, đa đảng. Trong khi Đảng Cộng sản đưa nhà nước Liên bang suy yếu thì sức ép của chủ nghĩa đế quốc bên ngoài mạnh lên, sức ép của các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa mạnh lên làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên Xô tan rã. Cuộc chiến tranh “không khói súng” của chủ nghĩa tư bản quốc tế phối hợp với các thế lực chống chủ nghĩa xã hội nhằm mục đích làm sụp đổ Liên Xô đã đạt kết quả nhanh chóng, làm kinh hoàng sửng sốt toàn thế giới.

Nguyên nhân dẫn đến các sự kiện bi thảm trên là do những khuyết tật của chủ nghĩa xã hội từ lâu không được điều chỉnh đổi mới. Nhưng chủ yếu là do đường lối cải tổ và sai lầm trong cải tổ cùng với âm mưu diễn biến hòa bình thâm độc của chủ nghĩa đế quốc quốc tế.

                   Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô là một tổn thất to lớn của phong trào cách mạng thế giới, làm cục diện thế giới thay đổi có lợi cho chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên giống như những bậc tiền bối quang vinh của chủ nghĩa xã hội như công xã Pari, sự sụp đổ của Liên Xô và của các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu đã để lại những bài học kinh nghiệm quí giá cho hậu thế của những người Mác xít trong cuộc đấu tranh với mọi thế lực đen tối nhằm xây dựng một lý tưởng công bằng bác ái, giải phóng loài người, giải phóng lao động, giải phóng các dân tộc.

Kinh nghiệm tồn tại của các chế độ xã hội và kể cả chủ nghĩa xã hội dù là mô hình tập trung bao cấp kế hoạch hóa, hay là chủ nghĩa xã hội thị trường vẫn phải liên tục đổi mới và cải cách để khắc phục khủng hoảng, để gạt bỏ những nhân tố tiêu cực luôn nẩy sinh bên cạnh các nhân tố tích cực. Cho đến bây giờ chúng ta mới thấy rõ rằng khi chưa có một xã hội chủ nghĩa thực sự, khi còn ở giai đoạn quá độ thì bên cạnh sự tích cực bao giờ cũng có mặt trái là sự tiêu cực nẩy sinh. Đó là con mắt biện chứng khi nhìn nhận sự việc, khi hoạch định chính sách điều hành quốc gia. Bài học kinh nghiệm này giành cho các Đảng Cộng sản đang cầm quyền, lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, để chống lại diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc, lại vừa phải cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội: Sợ diễn biến hòa bình mà đóng cửa, không chịu cải cách đổi mới thì chủ nghĩa xã hội cũng sụp đổ, nhưng cải cải cách đổi mới không đúng quy trình thì chủ nghĩa xã hội cũng sẽ sụp đổ. Những nhà cải cách phải nhớ lời dạy của Ăng ghen. Cho nên phải cải cách đúng quy trình, đi từ nông nghiệp, đi từng bước vững chắc, sau đó mới đi đến cách ngành khác, phải tổng kết rút kinh nghiệm, phải tạo được môi trường ổn định trong nước và ngoài nước, đặc biệt là môi trường không ổn định thì cải tổ coi như đã tận số một cách bi thảm.

Để tạo thế ổn định chính trị, xã hội, kiên quyết không thừa nhận đa nguyên, đặc biệt là đa đảng. Đã là đa đảng thì các đảng đối lập nhau đều nhằm tới mục đích cuối cùng là đoạt quyền thống trị nhà nước. Khi đó, các chính khách lại chơi trò “dân chủ” diễn thuyết triền miên, lại sa vào cuộc chiến tranh “đạo luật”, thậm chí có cả xung đột chiến tranh nội chiến. Đến đó thì cải tổ đổi mới xem như là kết thúc trong thế “thiên hạ đại loạn”.

Nhưng kiên quyết giữ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản không phải là không đổi mới đảng. Đã đổi mới thì đảng phải đổi mới để tiến kịp với tiến trình lịch sử. Phải gạt bỏ chủ nghĩa kinh viện, giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm, gạt bỏ các phần tử bảo thủ, tham nhũng, tha hóa, cũng như phải đề phòng chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa nôn nóng muốn đốt cháy giai đoạn, dẫn đến từ bỏ những nguyên tắc chiến lược của cuộc đấu tranh giai cấp trong nước và trên phạm vi quốc tế.

Hãy cảnh giác với nguy cơ diễn biến hòa mình của chủ nghĩa đế quốc. Thực ra biện pháp cơ bản của chủ nghĩa đế quốc trong chiến lược diễn biến hòa bình là dựa chủ yếu vào các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội từ bên trong. Lực lượng đó không chỉ là các giai cấp thù địch đã bị đánh đổ mà có khi nó nằm ngay trong bộ máy đảng cộng sản và nhà nước vô sản: Đó là bọn cơ hội, bọn tham nhũng. Lịch sử sụp đổ của Liên Xô đã chứng tỏ rằng, chính bọn cơ hội, tham nhũng khoác áo cộng sản là những kẻ đã làm Liên Xô sụp đổ. Ở đây các đảng cộng sản cầm quyền rút ra được bài học về đường lối cán bộ. Con đường tuyển chọn cán bộ qua quen biết, qua cùng “ê kíp”, qua “quà cáp” ở thời nào cũng sẽ gây đại họa, nhà nước vô sản sẽ làm cho đảng thoái hóa, nhà nước vô sản càng quan liêu hóa và kém hiệu lực. Đánh giá vấn đề này, Trung Quốc đã tổng kết: Cơ hội và tham nhũng mặc nhiên mở cửa cho diễn biến hòa bình. Chúng làm cho công qũy quốc gia cạn kiệt, làm cho đảng và nhà nước mất uy tín, gây tâm lý bất mãn đối với nhân dân, gây tâm lý muốn thay đổi và hành động để thay đổi chế độ. Mức độ nguy hiểm của chiến lược diễn biến hòa bình là ở chỗ nó phù hợp với tâm lý muốn thay đổi của nhân dân do sự yếu kém của đảng Cộng sản cầm quyền đẩy tới.

Một bài học quan trọng nữa là đổi mới, cải cách như là cách mạng. Đã là cách mạng thì phải đòi hỏi sự sáng tạo. Đổi mới cải cách đòi hỏi đảng cộng sản cầm quyền phát huy trí sáng tạo to lớn để vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, của thời đại. Bởi vì cải cách là tự sáng tạo, khai phá một con đường mới, một mô hình mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là chủ nghĩa xã hội thị trường nên kinh tế, xã hội xuất hiện nhiều nhân tố mới, trong đó phần lớn là các yếu tố tư bản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Cải cách phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ của các nhân tố đó với nhau, khuynh hướng phát triển khách quan của chúng trong tương lai, vai trò và vị trí của chúng như thế nào đối với vận mệnh của chủ nghĩa xã hội, làm thế nào để trong một nền kinh tế thị trường luôn phân cực giàu nghèo mà lại bảo đảm được sự công bằng trong xã hội, trên cơ sở nhiều thành phần kinh tế, sẽ xuất hiện nhiều tầng lớp tư sản khác nhau, làm thế nào để giữ vững được tính chất là nhà nước vô sản để khuôn chung vào định hướng chung là chủ nghĩa xã hội.

Khi ra đời và tồn tại bằng sức mạnh chính trị và vật chất của mình, Liên Xô đã tác động và cống hiến to lớn đến tiến trình lịch sử thế giới. Ngày nay, dù đã sụp đổ, hình ảnh Liên Xô vẫn còn sống mãi trong lòng nhân loại tiến bộ. Việc rút ra những bài học kinh nghiệm, nghiên cứu những thành công và thất bại của nó là cần thiết, soi đường cho nhân loại ở hiện tại và tương lai, cải tạo và xây dựng một thế giới không có áp bức bóc lột, không có bất công, không có chiến tranh nghèo nàn bệnh tật và tội phạm, chỉ có hạnh phúc, dân chủ công bằng cho mọi người.

Sự phục sinh của Liên bang Xô Viết là điều tất yếu của lịch sử. Liên bang Xô Viết là bất diệt.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 66)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn