Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 62)

PGS TS Cao Văn Liên

27/12/2023 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.         

Kỳ 62

Những thành tựu to lớn với tốc độ tiến bộ nhanh chóng của Liên Xô đã chỉ ra rằng mô hình tập trung và kế hoạch hóa của Chủ nghĩa Xã hội không phải tỏ ra nhược điểm ở tất cả thời gian, ở tất cả các giai đoạn của lịch sử mà ở giai đoạn đầu đã tỏ rõ tính ưu việt của nó. Mô hình này càng tỏ rõ thích ứng với tình hình sẵn sàng đối phó với chiến tranh và bước vào chiến tranh. Ai cũng đã rõ là ngày 22/6/1941 chiến tranh Xô Đức bùng nổ, nước Đức tấn công Liên Xô bằng toàn bộ sức mạnh tiềm năng không chỉ của nước Đức mà cùng với tiềm năng sức mạnh của cả 12 nước châu Âu mà Hítle đã xâm lược được từ tháng 9/1930 đến trước tháng 6//1941. Suốt toàn bộ cuộc chiến tranh vệ quốc, Liên Xô phải đối phó với toàn bộ tiềm lực, bộ máy quân sự 13 triệu tên lính của phát xít Đức. Theo lời của Hítle, chiến tranh với Liên Xô không chỉ đơn thuần là cuộc chiến tranh thực hiện âm mưu bá chủ thế giới của chủ nghĩa phát xít, nhằm chiếm đất đai, lãnh thổ mà còn là cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ không đội trời chung với nhau. Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng sản, một cuộc chiến tranh chỉ có chiến thắng hay là chết.

Liên Xô đã gánh chịu gánh nặng của chiến tranh mà không một quốc gia nào thời kỳ đó có thể chịu đựng được, đã vượt qua bước hiểm nghèo mà không một dân tộc nào có thể vượt qua được, đã đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu nền văn minh nhân loại, đã tiêu diệt 10 triệu quân trong tổng số 13 triệu quân Đức mà Hítle đã huy động trong suốt cuộc chiến tranh, đã tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và phát xít Nhật Bản, kết liễu chiến tranh thế giới, đã giải phóng 12 nước châu Âu. Chiến thắng oanh liệt trong đại chiến hai tỏ rõ sức mạnh vĩ đại của Liên Xô, sức mạnh của chế độ tập trung quyền lực, chỉ huy thống nhất theo kế hoạch, sức mạnh của cơ sở vật chất, chính trị mà chế độ đó đã đạt được trong gần 15 năm xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Trong chiến tranh chế độ tập quyền càng được phát triển hơn nữa do nhu cầu của thời chiến và nó càng tỏ rõ sức mạnh của mô hình này trong thời chiến.

Sau chiến tranh thế giới 2, Liên Xô tuy chiến thắng nhưng bị tàn phá nặng nề, 30 triệu người chết, thiệt hại cơ sở vật chất đến 4. 000 tỉ rúp. Các chuyên gia tư bản cho rằng với thiệt hại này phải 100 năm Liên Xô mới khôi phục được hậu quả. Muốn nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chạy đua để cân bằng thế lực với các nước tư bản trong cuộc chiến tranh lạnh, Liên Xô càng tăng cường củng cố mô hình tập trung quyền lực và kế hoạch hóa. Trong giai đoạn từ 1945 đến những năm 70, mô hình này vẫn còn phát huy tác dụng, nó giúp Liên Xô nhanh chóng khôi phục hàn gắn các vết thương chiến tranh, đạt được những thành tựu to lớn trong kinh tế. Liên Xô là nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo và đưa người lên vũ trụ. Vào những năm 80 Liên Xô đạt thế cân bằng chiến lược hạt nhân với Mỹ. Liên Xô thành cường quốc hạt nhân và cường quốc vũ trụ.

Cũng sau 1945, Chủ nghĩa Xã hội vượt khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới. Dù hình thức nhà nước các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, một số nước châu Á như Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam có khác nhau nhưng thực chất cũng là mô hình Chủ nghĩa Xã hội tập trung kế hoạch hóa quan liêu bao cấp. Trong công cuộc xây dựng xã hội mới, các nước này cũng đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt.

Nhưng bước vào những năm 70, Liên Xô và các đồng minh của mình bước vào cuộc khủng hoảng của mô hình Chủ nghĩa Xã hội tập trung quan liêu kế hoạch hóa.

Nhà nghiên cứu Mác xít Nhật Bản Kazu Oshil dẫn lời của Goocbachốp: “Trước đây, Đảng coi nguồn gốc tư tưởng của mình là chủ nghĩa Mác - Lênin. Thế nhưng bản thân học thuyết này đã bị điều chỉnh méo mó, mất phương hướng để cho nó phù hợp với chủ trương thực dụng trước mắt và đã biến thành một kinh thánh”. Sự đánh giá này không phải chỉ một ý kiến của Kazu Oshil mà là của khá đông các nhà nghiên cứu kể cả các nhà nghiên cứu Mác xít. Thực ra, khi nói mô hình Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô và của các nước Xã hội Chủ nghĩa là không đúng mô hình Chủ nghĩa Xã hội, người ta cũng chưa có một mô hình Chủ nghĩa Xã hội hoàn chỉnh nào để so sánh. Khi nói nó không đúng khuôn mẫu thì gười ta phải có khuôn mẫu để so sánh đối chiếu. Chủ nghĩa Xã hội trên thực tế chưa có khuôn mẫu mô hình nào để so sánh. Chủ nghĩa Xã hội thời kỳ “Chính sách kinh tế mới” của Liên Xô đáng tiếc quá ngắn ngủi, chưa đủ thành một mô hình rõ rệt và điển hình, chưa minh chứng được đường hướng phát triển của nó trong tương lai.

Chúng ta đã biết thiết chế tập quyền, kế hoạch hóa dựa trên cơ sở hữu hóa nhà nước và tập thể lâu dần trở thành cơ chế quan liêu hóa, hành chính nặng nề và kém hiệu lực, trì trệ, không ai chịu trách nhiệm trước ai, không cơ quan nào chịu trách nhiệm trước cơ quan nào trong điều hành hoạt động bộ máy nhà nước và trong việc thực thi các nhiệm vụ. Đó là cơ chế không được xây dựng trên cơ sở nhà nước pháp quyền cho nên vận hành tùy tiện, vi phạm dân chủ, vi phạm Hiến pháp. Đó là cơ chế mà đảng làm thay chức năng nhà nước là đề ra các chủ trương không phù hợp với qui luật khách quan, là duy ý chí. Trong xã hội nó tạo nên một lớp người lãnh đạo đảng và nhà nước đầy đặc quyền, đặc lợi về kinh tế và chính trị do nắm được quyền lực và nắm được quyền kiểm soát tư liệu sản xuất do ở chế độ sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể.

Sự xơ cứng trì trệ trên thượng tầng kiến trúc tác động đến hạ tầng cơ sở. Kinh tế Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa chỉ chú trọng mở rộng quy mô sản xuất, phát triển công nghiệp nặng, không tiếp cận và đưa được thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ ba vào sản xuất; kết quả là kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa và Liên Xô lạc hậu, năng suất lao động tụt hậu so với các nước tư bản. Đời sống nhân dân vì thế mà giảm sút. Địa vị cường quốc của Liên Xô bị thách thức nghiêm trọng.

Sự trì trệ và bảo thủ của các Đảng Cộng sản cầm quyền không dám cải cách điều chỉnh chủ nghĩa xã hội làm cuộc khủng hoảng càng thêm sâu sắc trầm trọng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 62)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn