Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 60)

PGS TS Cao Văn Liên

25/12/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.   

Kỳ 60

Xung đột giữa Adecbaidan và Acmenia tranh chấp vùng Nagornưi - Karabac trước đó, vào tháng 7-1989 lại bùng lên. Liên bang phải điều động xe tăng, khống chế các tuyến đường giao thông.

Về sau toàn Liên Xô đã có 72 điểm nóng về xung đột sắc tộc.

Đến tháng 8-1989, trừ Belarutxia và Kiecghidia, ở các nước Cộng hòa tham gia Liên bang đều nổ ra xung đột với mức độ khác nhau. Đồng thời với việc tuyên bố độc lập và chủ quyền, xuất hiện hiện tượng nghiêm trọng là mệnh lệnh của Tổng thống Liên Xô và của Xô Viết tối cao Liên Xô không có hiệu lực, các nước Cộng hòa hoặc là phủ định hoặc là không chấp hành. Ba nước Bantich sau khi tuyên bố độc lập, coi mệnh lệnh của Tổng thống Liên Xô không có hiệu lực. Sau đại hội 28, tình trạng như vậy càng nhiều hơn. Ví dụ như ngày 29-7-1990 Tổng thống Goocbachốp ra lệnh trong 15 ngày phải giải tán mọi tổ chức vũ trang phi pháp trên toàn bộ lãnh thổ Liên Xô, nếu không sẽ dùng biện pháp cứng rắn. Acmenia công khai chống lại sắc lệnh này.

Ngày 9-8-1990 Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Nga ra quyết định “Bảo vệ nguyên tắc chủ quyền về kinh tế của Liên Bang Nga” bao gồm khống chế vàng, dự trữ ngoại tệ và các tài nguyên chiến lược khác của nhà nước. Ngày 23-8 Tổng thống Goocbachốp tuyên bố quyết định đó không có hiệu lực, ngày 25 Xô Viết tối cao Nga lại tuyên bố mệnh lệnh của Goocbachốp không có giá trị pháp lý.

Tình hình biến đổi mạnh mẽ buộc ban lãnh đạo Liên Xô thấy rằng muốn duy trì nước Cộng hòa trong Liên bang phải có bổ sung hình thức và nội dung mới về Liên Bang. Qua nhiều lần đàm phán giữa Goocbachốp với lãnh đạo các nước Cộng hòa đưa ra “Hiệp ước một Liên bang mới” nhưng chưa được kí kết thì nổ ra sự kiện 19-8-1991.

Sự kiện ngày 19-8-1991 được nhiều tài liệu gọi là cuộc “đảo chính” nhằm lật đổ địa vị hợp pháp cầm đầu nhà nước của Goocbachốp do nhóm Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp tiến hành. Nhưng theo nhiều tài liệu của các nhân vật tham gia hoặc chứng kiến khẳng định đó không phải là cuộc đảo chính. Đó chỉ là cố gắng cuối cùng của các quan chức chóp bu trong nhà nước Liên Xô muốn cứu vãn Liên bang khỏi sụp đổ trong khuôn khổ được ủy quyền của Goocbachốp cho phó Tổng thống Liên Xô ban bố tình trạng khẩn cấp. 70% dân cư Liên Xô tán thành với hiệu triệu của “UBNN về tình trạng khẩn cấp”([1]). Chứng tỏ đại đa số nhân dân muốn cứu vãn số phận của Liên Xô.

Cuộc “đảo chính” đó đã thất bại do “Ủy ban nhà nước” về tình trạng khẩn cấp phạm nhiều sai lầm, có thể do cả sự phản bội của Goocbachốp. Enxin đã phản công thắng lợi. Tất cả các thành viên trong ủy ban đều bị bắt, bị cầm tù và bị kết tội “phản quốc”.

Sự kiện ngày 19-8-1991 là trận quyết chiến giữa hai thế lực quyền lực trung ương và quyền lực các nước Cộng hòa muốn ly khai mà đại diện hùng mạnh nhất là Cộng hòa Liên bang Nga. Kết cục với sự thất bại của phái quyền lực Trung ương. Trước 19-8, quyền lực chủ yếu vẫn ở trong tay Trung ương của phái Goocbachốp. Họ tuy không còn chịu sự ràng buộc của Đảng Cộng sản nhưng xét về ý nghĩa nào đó họ vẫn thể hiện vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau 19-8 quyền lực chuyển vào tay phái quyền lực địa phương, phái cánh hữu mà đại diện là nước Cộng hòa Nga do Tổng thống Enxin cầm đầu. Tổng thống Goocbachốp bị vô hiệu hóa buộc phải thỏa hiệp để đóng vai trò lần chót là đập tan Đảng Cộng sản Liên Xô, hạt nhân liên kết các nước Cộng hòa thành Liên bang Xô Viết.

Ngày 22-8-1991, từ Crưm về Matxcova, Goocbachốp tổ chức ngay cuộc họp báo và tuyên bố: “Tôi phải đền bù xứng đáng và đặt lên vị trí hàng đầu lập trường nguyên tắc của Quốc hội Nga, các đại biểu nhân dân Nga, chính phủ Nga và vai trò xuất sắc của Tổng thống Nga B. Enxin”([2])

Ngày 19-8-1991 tại kỳ họp bất thường XVTC Liên Xô, Goocbachốp tuyên bố từ chức Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và đề nghị Ủy ban Trung ương Đảng tự giải tán. XVTC Liên Xô đã thông qua nghị quyết tạm đình chỉ mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô trên toàn lãnh thổ và niêm phong toàn bộ tài sản của Đảng, các Đảng Cộng sản ở các nước Cộng hòa tự quyết định vận mệnh của mình.

Lợi dụng sự kiện 19-8, phái quyền lực Nga - Enxin thúc đẩy Liên Xô tan rã. Trước 19-8 Goocbachốp cố duy trì Liên Bang bằng một Hiệp ước đó chưa kí kết thì 8-12-1991 lành đạo ba nước Cộng hòa Liên bang, Belarut và Ucraina đã họp nhau tại Minxco ký Hiệp nghị riêng rẽ, thành lập “Cộng đồng các quốc gia độc lập” bất chấp nguyện vọng của hơn 70% dân số Liên Xô muốn duy trì Liên Bang Xô Viết. Họ tuyên bố Liên Xô với tư cách là thực thể chủ thể và địa vị chính trị, theo luật pháp quốc tế chấm dứt tồn tại.

21-12-1991 tại AnmaAta, 11 nước Cộng hòa kí nghị định thư Hiệp nghị “Cộng đồng các quốc gia độc lập” và ra tuyên ngôn AnmaAta tuyên bố Liên Xô không tồn tại nữa.

Xô Viết tối cao Liên Xô và tổng thống Liên Xô Goocbachốp buộc phải chấp nhận sự việc đã rồi. 25-12-1991, Goocbachốp tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô. “Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử hiện đại trường hợp Tổng thống từ bỏ Đảng đã trao quyền lực cho ông. Nhân dân đánh giá hành động đó là sự phản bội”([3])

Tất cả đã kết thúc bằng sự phá sản của một đất nước vĩ đại, sự đổ vỡ của Đảng Cộng sản Liên Xô, sự thất bại về chính trị của nhà cải tổ chủ chốt.

Goocbachốp cùng những người trong Bộ Chính trị đã ra những quyết định quan trọng nhất về vận mệnh đất nước trong 6 năm cải tổ phải chịu trách nhiệm. Tội rất lớn còn nằm trên vai những người dân tộc chủ nghĩa địa phương, những kẻ li khai và những phần từ quá khích.

(Còn nữa)

CVL

-------------------

[1] Vich to Aphanexep, Quyền lực thứ tư và Bốn đời Tổng bí thư, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 174.

[2] Liên Xô trước đảo chính, trang 18.

[3] Vich to Aphanaxep, Quyền lực thứ tư và Bốn đời Tổng Bí thư, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 175

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 60)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn