Ngày qua còn mãi

Truyện Ký: Phạm Huy Liệu

07/03/2024 10:15

Theo dõi trên

Trung đội thông tin có anh Tuyến, quê Bắc Ninh, làm trung đội trưởng. Anh đẹp trai, da trắng trông rất thư sinh. Sống tình cảm nên tôi rất quý anh, coi anh như anh trai mình. Còn anh cũng quý tôi như em trai của anh vậy.

Nhiều đêm anh đi họp về muộn, liền vào giường tôi cùng ngủ. Khi giở mình mới biết là anh Tuyến.

Thế rồi anh được điều lên làm chủ nhiệm thông tin E57 ở chợ Môi. Khi anh đi rồi, nhiều đêm tôi giật mình quờ tay không thấy anh mà xốn xang lạ kì. Cảm thấy như mình mất đi một thứ gì đó rất quý giá…

dt1ah-1709781232.jpg

Tác giả CCB Phạm Huy Liệu.

 

Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Tưởng anh Tuyến quên thằng em này rồi. Thì đột nhiên anh gọi điện, cũng là lúc đang gác tổng đài. Nghe tiếng anh tôi mừng rơn. Anh hỏi thăm mọi thứ, rồi chuyển sang tâm sự:

- Trước kia còn có trường hạ sĩ, thì anh sẽ cho em đi học. Khi có quân hàm hạ sĩ mới được đi học sĩ quan. Giờ em là binh nhất không thể đi học sĩ quan được. Hay là em đi học báo vụ. Khi về sẽ được phong hạ sĩ.

- Hiện nay có một lớp báo vụ của trung đoàn và lớp của QK3. Em muốn đi học lớp nào…

Tôi xin anh cho đi học lớp báo vụ của QK3. Cũng từ đây xa sự giúp đỡ quý báu của anh.

Lớp báo vụ có Nguyễn Văn Cương quê ở Thọ Vực Hoàng Long, ngay bờ bắc cầu Hàm Rồng. Là người duy nhất thu báo bỏ được 4 chữ. Tức là khi nghe tín hiệu mooc xơ đến chữ thứ 5 mới đặt bút viết chữ tín hiệu thứ nhất, gọi là thu nước chẩy. Nghe đâu trên thế giới cũng chỉ ít người bỏ được 5 chữ. Riêng Việt Nam có đại uý Hoàng Hồng bỏ được 5 chữ. Mà thu nước chẩy thì tốc độ phát trên trăm chữ phút, vẫn thu bình thường lại ít sai. Còn phát tín hiệu nào thu tín hiệu đó, gọi là thu chộp. Thu chộp chỉ đạt dưới một trăm chữ phút, lại hay bị sai sót.

Tôi phấn đấu hết mức cũng chỉ bỏ được 3 chữ thôi. Nhưng phần học thông báo lại khá nhất lớp. Mà đánh giá kết quả trình độ báo vụ viên khi ra trường, dựa vào khả năng thao tác máy và thực hành liên lạc, để kết luận người đó phải kiến tập với thời gian là bao lâu…

Lớp học đã ở đây trên hai tháng, đóng quân gần bến Đục, bên dòng sông Đáy, cách lối vào chùa Hương 2 km. Chiều chiều thả mình giữa dòng sông trong vắt mát rượi mà thấy đã đời. Đang yên ổn thì có lệnh chuyển trường.

Buổi sáng hôm đó, trời oi nồng, sang chiều đã thấy vần vũ mây đen. Kiểu này dễ tối nay bị mưa mất. Nên A trưởng Phan Huyền dặn mọi người:

- Hãy chuẩn bị quân tư trang thật gọn gàng, đi giầy cao cổ cho đỡ trơn trượt...

Mãi sau một thời gian sau chúng tôi mới biết rõ tên thật của anh là Phàn, tức Phan huyền Phàn.

Đến gần tối xuất phát. Mỗi tiểu đội có một bộ máy 15w, gồm máy thu phát 102E vỏ sắt nặng trên 25kg. Một máy phát điện gọi là ra gu nô, bằng sắt vuông vắn như cục gạch gần 25kg. Một bộ chân máy phát điện, cũng bằng sắt ngót 20kg nhưng dài đeo nhũng nhẵng khó chịu lắm.

Trong tiểu đội tôi là diện khoẻ, nên tự giác xung phong đeo máy thu phát, còn hai người nữa đeo ra gu nô và chân máy.

Năm giờ hơn xuất phát. Khi đeo máy xong, đứng dậy thì không tự cúi xuống lấy ba lô được, phải nhờ người đưa ba lô cho để đeo. Lúc này ba đứa nhìn nhau, cứ cười khúc khích… (vì đây là lần đầu đeo ba lô đằng trước như bà bầu mà).

Đi khoảng 30 phút, thì qua bến Đục. Tuy ở đây, nhưng chưa đứa nào đến thăm chùa Hương, vì bận học. Đơn vị đi vòng theo bờ sông Đáy vượt qua khe núi sang Kim Bảng Hà Nam.

Trời đã tối dần, bầu trời bỗng xám xịt, sấm chớp ầm ầm, nghe như những loạt bom... Rồi tiếng mưa, mỗi lúc một nặng hạt. Đường đất đang khô đã bao ngày, nay mưa tuôn làm nhão nhoét như bùn.

Cứ dò dẫm từng bước, từng bước, giẫm đạp nối nhau, càng trơn trượt hơn. Bởi đất đồng chiêm trũng quý người ghê gớm, cứ bám chặt đế giầy, khó lòng mà dứt ra được.

Trời về khuya, nhiều mây nên càng tối. Mọi người bám theo nhau kẻo lạc, nếu chẳng may ngã thì có người kéo đứng dậy mới đi tiếp được.

Khi qua huyện Thanh Liêm để sang Duy Tiên, cũng quá nửa đêm. Hai chân giờ đã rã rời, chẳng khác gì chân của người ta cho mượn. Hơn nữa đất cứ bám chặt lấy đế giầy như muốn kéo lại, không cho đi. Giờ thì bụng đói lép, mồm miệng phì phò tranh nhau thở, chả đứa nào còn trêu đùa, hay tếu táo được nữa…

Dừng lại nghỉ giải lao, A trưởng Phan Huyền lấy trong ba lô ra lọ đường kính, dúm cho mỗi đứa một dúm, bảo ngậm cho nó tỉnh. Dúm đường anh vừa thả vào miệng tôi, mà tự nhiên thấy người tỉnh lại, tưởng như ở trần đời này, chưa từng có vị ngọt nào ngon đến thế. Tôi cố chỉ ngậm cho được lâu, để mà chiêm nghiệm. Đúng như các cụ ta nói, “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Quả không sai.

Nhìn đội hình hành quân lúc này sao mà thảm hại. Riêng ba thằng đeo máy chúng tôi vẫn cố gọ gẵng đi được. Còn mấy chàng thư sinh nhỏ con thì thở phều phào, nói đứt hơi, người phờ phạc, lấm lem như ma chôn, ma vùi... Cứ ngã là nằm, chả thèm dậy nữa. Các A trưởng đến động viên, rồi mang đỡ đồ, mà chân không lê nổi bước đi.

Tôi về vào đoạn giữa, chắc hơn 5 giờ, còn hậu quân phải hô hào mấy đồng chí khỏe ra hỗ trợ mới về tới đích.

Cuộc hành quân chuyển trường vô cùng gian khổ có một không hai, còn khắc sâu trong kí ức đời lính, mãi không phai mờ trong tâm trí tôi!…

5 - CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI LÍNH

Thế là sắp hoàn thành khoá học báo vụ QK3. Giờ đã là những tháng cuối năm 1966. Nên gấp rút chuẩn bị cho sát hạch ra trường. Chủ yếu là chương trình thu phát báo. Kết quả được đánh giá chính là thành tích học thông báo (còn gọi là thực hành liên lạc) xem ai phải kiến tập với thời gian là bao lâu. Có người kiến tập cả tháng vẫn chưa đảm nhiệm trọn vẹn phiên việc. Trong giấy giới thiệu tôi kiến tập một tuần.

Nhận giấy giới thiệu về tiểu đoàn cao xạ 37 ly của BTL Phòng Không, đóng quân ở Mỗ Lao thị xã Hà Đông, bảo vệ vòng ngoài Hà Nội.

Đến quân lực chỉ xuống gặp tổ đài 15w. Người tôi gặp là đài trưởng Mai Đăng Khoa, nhập ngũ 2/1964, quê Hải Hậu Nam Định. Anh dẫn tôi nhận chỗ nghỉ xong, đưa vào nơi để máy. Cũng là lúc có phiên việc. Anh bảo:

- Đồng chí vào mở máy rồi chỉnh máy.

Tôi trả lơi:

- Rõ.

Nhìn tôi thao tác máy nhanh, chính xác đạt công suất tốt, làm anh hài lòng và bảo tiếp tục lên máy gọi đài bạn. Tôi gọi và được đài bạn trả lời đạt công suất QSA4.

Chính vì thấy tôi lần đầu bắt liên lạc đảm bảo phiên việc rất hoàn hảo, nên giao ngay cho tôi:

- Từ ngày mai đồng chí phụ trách đài, không phải kiến tập một tuần như giấy giới thiệu…

Tổ đài có ba báo vụ là Lã Xuân Định quê Trung Dương Kiêu Kỵ Gia Lâm Hà Nội - Lê Văn Dy ở Tống Xá Quyết Tiến Phù Cừ Hưng Yên - Nguyễn văn Hưng - Đông Tân Đông Hưng Thái Bình và quay viên là anh Nhiêm quê Ý Yên Nam Định.

Được khoảng hai tháng thì có lệnh về Phủ Lý Hà Nam, đóng quân bên bờ sông nhỏ phía tây thị xã.

Hơn chục ngày sau, có lệnh chuyển tổ đài về D1 cao xạ, đóng quân ở phía nam cầu Lèn. Là tiểu đoàn cơ động số một trực thuộc QK3. Chủ yếu bảo vệ dọc Quốc lộ Một, từ Ninh Bình đến giáp Nghệ An. Nhiệm vụ chính là phối thuộc cùng E228 bảo vệ cầu Hàm Rồng, cầu Tào, cầu Lèn, phà Ghép, rồi đi bảo vệ pháo bờ biển ở Hoằng Hoá, cửa Hới, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia…

Một thời gian sau được lệnh về Đông Tân Đông Sơn, bảo vệ phía nam cầu Hàm Rồng. Nhà tôi ở, có cô bé nhỏ xinh, mới mười ba tuổi. Nhưng rất lạ, chỉ khi nào một mình tôi ngồi trực máy, mới lẻn vào ngồi cùng, rồi áp tai vào một bên tai nghe của máy để cùng nghe tín hiệu tịch tà... còn tỷ tê hỏi đủ chuyện. Nhưng khi có người về là lủi ra ngay.

Lính báo vụ không hiểu sao ai cũng ngủ khiếp ghê. Đặt đồng hồ báo thức phiên 12 giơ đêm, để ngay đầu giường mà nhiều đêm không ai nghe thấy, nếu bỏ mất phiên 12 giờ là rất nguy hiểm, vì hay có điện đột xuất.

Tuần này anh Khoa ra QK họp, nên tôi đã bàn với mọi người, muốn không bị mất phiên liên lạc 12 giờ đêm, chỉ còn một cách, là tối không ai được đi tiểu trước khi đi ngủ, để nửa đêm sẽ có người thức dậy, xem đồng hồ, nếu qua 12 giờ thì lấy lại chuông phiên 4 giờ sáng, rồi báo tôi dậy gọi đài canh, xem QK có điện gì cho D1 không.

May quá phiên 12 giờ, vừa mở máy đã nghe trưởng mạng báo có điện “tối khẩn” (TK). Tôi vội vàng trả lời là đã sẵn sàng nhận điện. Trưởng mạng phát một mạch và tôi cũng thu hoàn chỉnh bức điện. Xong xuôi vội vã sang đưa cho anh Phong cơ yếu dịch...

Khoảng 20 phút sau có lệnh cơ động về bảo vệ cầu Lèn gấp.

Tổ đài nhanh chóng thu gọn quân tư trang, máy thu phát, dây anten đưa ra xe gát 51 của D bộ hành quân.

Chúng tôi được bố trí nhà ở ngay sườn núi, cách cầu Lèn khoảng 1km, bên kia cánh đồng. Tiểu đoàn đóng quân ở bờ nam cầu Lèn.

Khi nhận xong chỗ ở... nơi đây là sườn núi, nên đất đá rắn khó đào hầm máy, mà ở đây đã có sẵn công sự và giao thông hào ngay đầu nhà, nên tôi đặt máy vô tuyến điện (VTD) ngay cạnh giường ngủ. Xong xuôi tranh thủ làm một giấc.

Đang mơ màng thì kẻng báo động. Mọi người bổ chửng dậy... đã nghe tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng nổ giòn tan của pháo cao xạ và các hoả lực của dân quân tự vệ.

Cả bầu trời cầu Lèn ầm vang tiếng máy bay, tiếng bom, tiếng rốc két... cùng tiếng nổ của pháo phòng không và dân quân tự vệ ta bắn trả mãnh liệt. Suốt từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, máy bay không ngừng oanh tạc, nhưng không đạt được như mong đợi của chúng. Kết quả ta bắn rơi tại chỗ hai máy bay, bắn cháy nhiều chiếc khác và giữ nguyên vẹn cây cầu.

Theo nhận định của cấp trên ngày mai máy bay Mỹ sẽ đánh báo thù dữ dội hơn hôm nay. Lệnh yêu cầu các đại đội củng cố trận địa ngay trong đêm.

Quả đúng như nhận định. Mới lờ mờ sáng hôm sau, mặt trời còn ngái ngủ, thì từng đàn... từng đàn đủ loại máy bay phản lực như thần sấm F105, F100, F8, A4, rồi con ma F4H... bổ nhào tấn công tất cả các trận địa ta bằng mọi hướng, nên quay nòng pháo hướng nào cũng có máy bay... Một số ít tấn công ở tầm thấp, còn toàn bộ ở độ cao 4 - 5 km, quá tầm khống chế của pháo 37 ly.

Từ tít trên cao chúng quan sát các trận địa, theo ánh chớp đầu nòng của quả đạn, rồi giội bom, phóng rốc két, tên lửa xuống như mưa hòng huỷ diệt các trận địa pháo của ta.

Đến gần trưa anh Phong đưa cho tôi bức điện "Tối Khẩn", bảo:

- Bằng mọi giá phải chuyển ngay!

Tôi gọi hai người vào quay máy phát điện, rồi yêu cầu đài canh báo trưởng mạng nhận điện "Tối Khẩn" nhưng được đài canh trả lời trưởng mạng đang bận phải chờ. Thế này thì gay go to rồi. Nên bảo:

- Hai người ra hầm trú ẩn để tôi còn nghĩ cách...

Vội mở máy thu tìm đài trưởng mạng, thì một loạt bom nổ ngay cuối ngôi nhà. Mảnh bom, đất, cát bay rào rào, khói đen mù mịt... Với phản xạ tự nhiên, tôi vội ôm chặt máy thu phát báo. Khi hết tiếng bom, kiểm tra máy không sao, lại tiếp tục dò tìm đài trưởng mạng và rất may là trưởng mạng đang phát điện, ( Bởi các báo vụ viên chỉ nghe tiếng gõ ma níp tịch tà đã đoán được người đó là ai, nam hay nữ, tính nết, nóng nẩy hay hoà dịu, tác phong, tình cảm, của từng báo vụ viên. Nên khi nghe tín hiệu đã đoán ngay đài trưởng mạng, đang chuyển điện cho E228 Hàm Rồng. Tôi nẩy ra ý táo bạo, ngoài chương trình đã học, vội chỉnh máy phát, đặt sóng của tôi đè lên sóng trưởng mạng, làm nhiễu phá sóng... Liền gọi hai người vào quay tiếp, để chèn sóng trưởng mạng, làm mạng viên bị nhiễu, không thu được điện của trường mạng, phải yêu cầu chuyển dịch sóng ra khỏi chỗ nhiễu, như vậy là trưởng mạng sẽ làm thủ tục xê dịch sóng, rồi để mạng viên gọi lại, báo đã được chưa mới tiếp tục phát tiếp. Chỉ chờ có thế, tôi vội mở máy thu tìm về khu vực tần số của mạng viên ( vì tần số của từng mạng viên khác nhau), tôi dò tìm thì thấy mạng viên đang gọi tên trưởng mạng. (Vì thủ tục mạng viên phải gọi tên trưởng mạng ba lần, nên kịp nhận ra mạng viên). Quá may mắn, liền chỉnh máy phát, cho đè sóng của tôi lên sóng mạng viên và liên tục réo gọi trưởng mạng D1 có điện “Tối Khẩn”.

Với cách xử lý ngoài sách vở, để đạt mục đích cuối cùng (chắc chưa từng có đài 15w nào của quân đội ta dám làm như vậy), bằng mọi giá phải chuyển được bức điện “Tối Khẩn”.

Trưởng mạng bị tôi làm nhiễu, không thu được điện của E228 Hàm Rồng, biết tôi cố tình yêu cầu nhận điện của D1, ưu tiên ba, nhưng là điện “Tối Khẩn” (sau cả E250 đang bảo vệ nhà máy dệt Nam Định), nên phải đồng ý cho tôi phát điện, và yêu cầu E228 “ZMO” tạm dừng ít phút. Chỉ chờ có thế, tôi bảo quay viên hãy cố quay mạnh lên một chút, và thật đều tay cho ra tín hiệu tốt nhất để trưởng mạng thu... Thế là tôi phát một mạch, hết bức điện. May mà trưởng mạng cũng thu trọn vẹn, không phải hỏi lại nhón điện nào. Tôi thở phào nhẹ nhõm, và tự hào mình đã làm được một việc không tưởng. Rồi bảo:

- Hai người ra hầm trú ẩn...

Tôi tiếp tục mở đài canh, xem có bức điện nào gửi cho D1 không. Sau này được biết nội dung của bức điên: (Cơ số đạn sắp hết. Yêu cầu QK cấp đạn gấp cho D1 tiếp tục chiến đấu).

Máy bay Mỹ vẫn đánh phá không ngừng. Đứng ở trên sườn núi nhìn xuống trận địa pháo, nhìn thấy khói bay mù mịt. Mỗi lần có máy bay lao vào, là nhìn rõ ánh chớp đầu nòng của các khẩu pháo, cũng nhìn rõ từng tốp máy bay ở tầm cao phóng rốc két, tên lửa, chủ yếu nhắm vào trận địa pháo 57 ly và pháo 100 ly mà thấy thương các đồng đội!

Riêng đại đội pháo 57 của D1, đến chiều không còn đủ người chiến đấu... Phải gọi Tiểu đoàn bộ xuống hỗ trợ. Cũng từ sau trận này, D1 cao xạ không còn đại đội pháo 57 ly nữa…

Đây là trận chiến khốc liệt nhất, mà đời lính của tôi trực tiếp tham gia, với cương vị giữ thông liên lạc cho trận đánh. Hình ảnh máy bay Mỹ từng tốp, từng tốp, đủ loại, bay trắng bầu trời cầu Lèn, bom, rốc két, tên lửa, như mưa giội lên đầu đồng đội!

Biết bao kỷ niệm của một thời chiến đấu với không lực Hoa Kỳ. Cũng là trận chiến khốc liệt nhất có một không hai trên đời, mà tôi tham gia, rồi tận mắt nhìn thấy… không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Dù có viết hàng trăm câu chuyện, hàng nghìn bài thơ cũng không ca ngợi hết sự gian khổ, ác liệt, hi sinh chiến đấu anh dũng, kiên cường, của những người chiến sĩ pháo cao xạ. Nó ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Trong những giấc mơ vẫn luôn ùa về, nhìn thấy từng tốp, từng tốp máy bay, cái thấp, cái cao, cái to cái nhỏ, đủ loại... bay trắng bầu trời. Thôi thúc tôi cầm bút ghi lại những gì mình đã trải qua, đã từng chứng kiến. Để nhắn gửi con cháu sau này, hình dung phần nào, sự hi sinh của cha ông, mà trân trọng và đừng bao giờ quên quá khứ!...

P.H.L

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết " Ngày qua còn mãi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Phạm Huy Liệu

Phạm Huy Liệu

18:12 14/03/2024

Cám ơn đã đăng bài của ủa tôi!