Ký ức về một miền quê

Nguyễn Duy Hiếu

28/08/2022 10:35

Theo dõi trên

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vết hằn bom đạn chiến tranh của giặc Mỹ vẫn chưa thể xóa nhòa trong tâm trí của những lớp người đã từng đi qua chiến tranh. Khi tôi lớn lên đã thấy quê hương mình chìm trong khói lửa.

danh-hoa-23523-1661415677-1661657638.jpg
Cổng làng Nam Sơn (4/2016). Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Hồi ấy, tôi mới 10 tuổi là cậu học sinh cấp 1 (Tiểu học bây giờ). Để tránh bom đạn của giặc, từng làng đắp vài ba lán học, xung quanh được đào giao thông hào liên hoàn với nhau. Hàng ngày, bọn trẻ con đi học theo đường hầm đó. Chiến tranh vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi của một thế hệ thanh niên, nhưng việc học tập vì tương lai đã đẩy anh em chúng tôi miệt mài với sách vở. Tết đến là những ngày sum vầy, vui vẻ bên gia đình. Niềm vui được nhân lên khi biết sẽ có ngày hết tiếng bom đạn của quân thù. Ngày lễ thiêng liêng ấy đưa tôi từ vùng sơ tán trở về với căn nhà nơi tôi lớn lên từ tấm bé. Đó là một vùng quê êm đềm, hương khói quê nhà cho tôi được thả hồn vào những ngày thanh bình. Tôi được rảo bước qua những con đường quanh co đầy bóng mát của lũy tre xanh, được sống với những người dân quê chân chất. Ngày đầu năm yên ả trôi qua trên từng bước chân tung tăng của bọn trẻ cùng vài ba tiếng pháo lẻ loi vang lên từ đầu xóm. Những cơn mưa phùn mang đến hơi gió lành lạnh đầu năm khiến người dân nghèo thu mình trong từng mái tranh nhỏ nhoi nhưng ấm cúng. Chiến tranh, đó cũng là lúc tiếng bom, tiếng súng từ trên trời xanh dồn dập rót xuống. Dọc con đường Quốc lộ 1 A, từng đoàn người lũ lượt bỏ nhà cửa rủ nhau chạy. Nhưng có nơi nào không còn vang rền tiếng súng? Chiến tranh đến tận từng ngôi nhà, từng con đường, ngõ xóm. Bom đạn từng ngày không ngừng ném xuống làng xóm êm đềm và cổ kính của quê tôi. Sau một hồi kẻng dài chát chúa trên núi Nghèn gióng lên là tiếng loa phóng thanh: “Đồng bào chú ý… máy bay địch cách… cây số… mọi người xuống hầm trú ẩn…”. Cứ như thế ngày cũng như đêm… và trong mưa, trong gió, những âm thanh ấy vẫn len lỏi đến tận từng ngôi nhà... Ngay sau đó, nhiều tốp máy bay chiến đấu được gọi đến, nó bay thấp từ đầu làng đến cuối xóm trong tiếng gầm thét đầy kinh hãi. Không phải những tiếng súng nữa mà từng loạt bom trút xuống những ngôi nhà xung quanh bờ sông, cá chết trắng xóa, đất đá ngổn ngang, cây cối bật hết gốc rễ. Gia đình tôi vội vã chạy vào hầm trú ẩn được đào sát ngay đầu ngõ. Đứa em trai của tôi mới 3 tuổi, nó chưa biết chiến tranh là gì? Nghe tiếng máy bay gầm rú, tôi liền bế nó chạy vội xuống hầm. Ngay lúc đó, phía bên ngoài cũng có mấy người hàng xóm kịp chạy vào nơi trú ẩn. Bỗng có tiếng nổ lớn vang bên tai. Tôi không còn biết gì nữa, một lúc sau mới nhận ra mình đang bị đè bẹp bởi lớp ván nặng trên lưng, căn hầm trú ẩn đã đổ nhào, đất đai vương vãi. Căn hầm bị thổi bay lớp đất dày hơn nửa mét, biến dạng và tối om. Tôi thấy đau nhức nhối cả mặt, đầu và sống lưng. Khi tỉnh ra thì chợt nghe tiếng đại bác dồn dập bắn vào làng từ phía biển. Đấy là những chiếc tàu hải quân từ Hạm đội 7 - Thái Bình Dương rót pháo vào. Sau những loạt đạn pháo là sự im lặng như nín thở của một làng quê đầy ắp tiếng cười rộn rã. 

Tôi ngồi bệt xuống trong không gian tăm tối, nóng bức, ngột ngạt và cảm thấy đuối sức không thở nổi. Chiếc áo ấm tôi đã xé từ lúc nào để tránh cái nóng hầm hập trong không gian kín bưng. Chợt tôi liếc mắt nhìn nghiêng, một tia sáng nhỏ nhoi rọi xuống từ kẽ hở trên đầu. Tôi vội lấy hết sức rút những sợi rơm lót trên bộ ván trước khi đổ lên đó một lớp đất dày, mừng rỡ nhận ra còn có chút không khí để thở. Dần dần, vẳng lên tiếng nói của ai đó đến gần. Có tiếng khóc thút thít bên trên, tiếng con Cún sủa, tiếng mẹ tôi kêu gào thét hàng xóm đến giúp đỡ. Tôi biết điều đó do mẹ tôi kể lại sau này, còn ngay lúc đó thân tôi mềm nhũn, ý thức mờ ảo, đôi mắt đỏ ngầu, không mở được vì khuôn mặt sưng vù do cây cột va đập. Ơn trời! Chiều hôm đó mẹ tôi ra khỏi nhà để đến chơi với người quen nên được an toàn. Nhưng khi trở về, nhìn xung quanh mẹ tôi thấy nhiều căn nhà cũng tan hoang như thế; có căn hầm chứa cả gia đình cũng hứng nguyên một quả bom của giặc. Khi tiếng máy bay dứt, tôi ngoi lên mặt đất, thì thấy một cảnh tượng hãi hùng, thôn xóm yên bình đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh đổ nát, đau thương khắp làng. Giờ đây, mọi người chờ đợi phút giây không còn tiếng đạn bom để bước ra khỏi nơi trú ẩn thở than nhìn xóm làng tan tác. Cơn đau khiến tôi không thể nhúc nhích và không ngủ được. Về khuya, những tiếng pháo ào ào dội về từ xa trong tiếng côn trùng nghe thiểu não. Và rồi đêm cũng qua. Từ sáng sớm, không còn gì ngoài bộ đồ dính bùn đất, tôi gắng gượng về nhà cất từng bước chân khó khăn, nặng nhọc và đau đớn. Phía trước là con đường đá gập gềnh không một bóng người qua lại. Thỉnh thoảng tôi lại lấy tay lau những giọt nước mắt, khẽ thở dài nhìn về phía xa xăm...

dh-256436346-1661415872-1661657681.gif
Ngã ba Đồng Lộc bị bom đạn cày xới, hố bom nằm san sát nhau. Ảnh: Tư liệu

Tôi còn nhớ cái đêm mùa Hè định mệnh - 55 năm về trước, đúng ngày 10-7-1967, một vùng quê đang bình yên bình, bỗng trong tích tắc đã bị máy bay Mỹ ném bom đổ nát cả làng. Chỉ sau ít phút bom rơi, đạn nổ, cả xóm bị cày xới tan hoang, tiêu điều, nhà cửa cháy, cây cối ngổn ngang. Hình ảnh những hố bom san sát, sâu hoắm vẫn ám ảnh tôi đến tận giờ. Trong trận đánh phá của máy bay Mỹ vào làng đêm đó, các cô, các chú dân quân đã nén đau thương mất mát của gia đình, trực tiếp tham gia khắc phục và ổn định đời sống người dân. 

Bà Thống, năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng những hình ảnh về ngày đau thương ập đến với gia đình vẫn hiển hiện trước mắt như mới xảy ra ngày hôm qua. Bà xúc động kể lại: Vào khoảng 20 giờ, mọi người đi làm đồng về, trời nóng hầm hập như chảo lửa, gia đình nào cũng ăn cơm muộn cho mát. Bỗng nhiên, hàng loạt tiếng nổ lớn kèm theo những ánh chớp sáng lòe, từng cột khói đen ngòm cuộn lên như những đám giông dày đặc, mùi khét lẹt. Bà nói đây là loại bom bi và bom lân tinh vừa sát thương vừa gây cháy lớn. Hôm ấy, có khoảng hơn hai chục người chết và bị thương, có gia đình chết hai người. Không khí cả làng ảm đạm, một màu trắng khăn tang. Bà Thống kể tiếp trong tiếng nấc nghẹn ngào làm đau nhói con tim người nghe: đến sáng hôm sau, bộ đội về làng cùng với dân quân làm vệ sinh, san gạt đường làng, ngõ xóm, đưa người bị thương đi cấp cứu, mai táng những người đã khuất. Khi họ làm đến khu vực đống rơm thì phát hiện một phần thân thể của ông nội bị cháy. Bà ngất xỉu... Ôi! Hôm qua cả nhà đi tìm… Ông đã vĩnh viễn ra đi. Từ đó tới nay, cả làng đều tổ chức giỗ “bom” và làm giỗ người thân trong cùng một ngày.

Trong những năm 1966 - 1967, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt với nhiều thủ đoạn mới. Trên đoạn đường quốc lộ 1A, 15A, các cầu phà và đoạn đường hiểm yếu như: cầu Treo (Minh Lộc), cầu Hạ vàng (Vượng Lộc), cầu Nghèn (Đại Lộc), cầu Dà - Cổ Ngựa (Tiến Lộc) liên tục bị máy bay đánh phá nhiều lần. Chỉ trong một thời gian ngắn, địch tập trung đánh phá dồn dập, biến thành những đoạn sình lầy, chi chít hố bom, nền đường bị xóa sổ hoàn toàn. Ngay sau khi bị địch đánh phá hư hỏng, hàng vạn người đã phân công nhau từng đoạn đường, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, bảo đảm thông xe kịp thời, không để xe bị ùn tắc, với khẩu hiệu: “Địch phá, ta sửa ta đi”; “Địch lại phá, ta lại sửa ta đi”. Thi đua với tiền tuyến giết giặc lập công, nhân dân nhiều xã đã hăng hái nhường nhà cho bộ đội làm kho, binh trạm cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm… Những lúc giặc Mỹ đánh phá ác liệt, nhân dân đã huy động hàng ngàn mét khối đất, đá, gạch, tre, củi, tình nguyện hiến những ngôi nhà gỗ tốt nhất của mình để san lấp hố bom, cứu cầu đường, với quyết tâm: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”. Điển hình như làng Hạ Lôi, xã Tiến Lộc (nay thuộc thị trấn Nghèn), đêm 13-8-1968 đã huy động phá dỡ hơn 130 ngôi nhà san đường cho xe vào Nam. Hình ảnh làm mọi người xúc động nhất là gia đình cố Ngô Đức Khuyên, cụ Lê Văn Biên, tuy tuổi đã cao nhưng xung phong đầu tiên dỡ nhà làm gương cho nhân dân trong làng. Ông Biên còn hiến tặng cỗ hậu sự (người già ở miền Trung thường đóng hậu sự trước khi chết). Tấm gương tiêu biểu, sự hy sinh cao cả của nhân dân làng Hạ Lôi, cố Khuyên, cụ Biên đã nêu cao tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Hôm nay trở về quê, lòng tôi bỗng nhẹ nhàng, sung sướng. Đi qua hố bom năm xưa giờ là những cánh đồng lúa xanh, thẳng tắp, sự sống vẫn cứ sinh sôi... làng Nam Sơn không còn lặng lẽ và yên bình giữa sự huyên náo của thị trấn, mà như một bản hòa tấu của cuộc sống mới. Vượt qua nỗi đau năm xưa, các thế hệ người dân Nghèn đã phát huy tinh thần anh dũng quật cường, giữ vững ý chí quyết tâm để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Những nếp nhà, những con ngõ của ngôi làng có lịch sử hàng trăm năm đã bắt đầu khoác lên mình gương mặt phố xá. Nhưng trong ký ức của bao người, những hành động anh hùng, quả cảm của nhân dân bảo vệ làng xóm trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ vẫn chưa hề phai mờ... Không chỉ chiến đấu tại chỗ, thị trấn Nghèn còn đóng góp hàng trăm con, em lên đường ra mặt trận và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Mảnh đất Nghèn - Làng Đỏ, giàu truyền thống cách mạng đã sản sinh nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tiêu biểu cụ Nguyễn Thị Điểm có 3 người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là đau thương, mất mát nhưng cũng là niềm tự hào của quê hương Can Lộc anh hùng.

Trải qua thời kỳ bom đạn ác liệt và những năm tháng đầy khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, người dân Nghèn trở về trong niềm vui chiến thắng. Mang trên mình còn lắm vết thương, nhưng xóm làng, phố thị lại hồi sinh… núi Nghèn vẫn còn nguyên, sông Nghèn vẫn lặng lẽ chảy về xuôi và người dân Nghèn vẫn chân thành, mộc mạc, thủy chung, tình nghĩa... Đi khắp nhiều nơi với nhiều niềm vui, nhiều điều mới mẻ, nhưng trong tôi không bao giờ nguôi ngoai niềm thương, nỗi nhớ về mảnh đất Nghèn yêu dấu. Thời gian và những kỷ niệm trên đất Nghèn đã thành một phần cuộc đời tôi. Thiêng liêng, đẹp đẽ và sâu nặng đến vô cùng… 

Tôi đến thăm Đền Linh Nha, tọa lạc trên núi Nghèn, thấp thoáng sau những màn sương mờ ảo. Bác Thư, người trông coi ở đây nói rằng: Ngôi Đền này xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Can Lộc nói chung và thị trấn Nghèn nói riêng, là sự tri ân đối với công lao các vị tiền bối. Ngày nay, tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của di sản là trách nhiệm và tình cảm của thế hệ con cháu tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân. Nắng vừa xuống đỉnh đầu, tôi vội vã đi qua Ngã ba Nghèn mới được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cụm tượng đài được xây dựng nguy nga trên khu đất gần 4 ha, lấy biểu tượng công - nông - binh làm ý tưởng khắc trên ba khối đá xanh, cao 14 m. Phía sau là nhà lưu niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (5-1930)…

Thời buổi chiến tranh mỗi người bị rơi vào một tình cảnh nghiệt ngã khác nhau, có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Nhưng trên hết, tâm nguyện của lớp người trẻ là được góp phần đem lại tương lai tươi sáng cho quê hương sau ngày chiến tranh… Thế hệ chúng tôi trải nghiệm và ước vọng như thế đó, cho nên được sống sót qua những trận bom đạn của kẻ thù là một ân huệ lớn lao - Cám ơn cuộc đời!...

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức về một miền quê" tại chuyên mục Đời sống và phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn