Hữu ích từ Câu lạc bộ dành cho bệnh nhân và người nhà người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai

Phụng Thiên

06/04/2024 00:16

Theo dõi trên

Với hình thức tổ chức CLB một cách sinh động và thiết thực tại các đơn vị điều trị trong Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã hào hứng tham gia và trở thành một trong những hoạt động thường quy không thể thiếu trong bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc toàn diện người bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban giám đốc.

Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Công tác xã hội đã làm đầu mối tổ chức được 30 buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tại các đơn vị trong Bệnh viện Bạch Mai như: Trung tâm Phục hồi chức năng, Trung tâm Nhi khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, Trung tâm Thận Tiết niệu và Lọc máu, Trung tâm Hô hấp, Trung tâm Hồi sức tích cực, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Trung tâm Tiêu hóa  Gan mật, TT Phẫu thuật Tiêu hóa gan mật tụy, Trung tâm Cơ xương khớp, Viện Sức khỏe Tâm thần, Đơn vị C9 - Viện Tim mạch… 

z5319082787891-0c413c68cfa2603dfbd5e2c8260d593a-1712326040.jpg

Ảnh minh họa.

Nội dung các buổi sinh hoạt CLB phong phú với nhiều hình thức sinh động thu hút bệnh nhân và người nhà tham dự cùng với các cán bộ nhân viên Phòng Công tác xã hội, các đơn vị trong Bệnh viện và sinh viên thực tập bộ môn Công tác xã hội của một số Trường Đại học như Công đoàn, Y tế công cộng, Kiến trúc cùng nhiều tình nguyện viên, các nhà hảo tâm. Dự kiến từ nay đến hết năm, Phòng vẫn tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động và gắn kết với công tác xã hội lâm sàng trong bệnh viện.
Một trong những nội dung cơ bản của CLB là truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến y học thường thức tới bệnh nhân và người nhà theo từng chuyên đề, từng mặt bệnh tại các đơn vị điều trị, giúp người bệnh và người nhà có thêm những kiến thức, những hiểu biết cơ bản để phòng bệnh, chữa bệnh và tự theo dõi sức khỏe đúng cách như theo dõi huyết áp tại nhà, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, các bệnh lây nhiễm, chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp cho bệnh nhân tim mạch, ung thư, bệnh đường tiêu hóa, bệnh cơ xương khớp, bệnh tự miễn, bệnh nhân suy thận mạn tính, suy hô hấp; những kỹ năng chăm sóc người bệnh, những kiến thức về bảo hiểm y tế ....Các báo cáo viên là các y bác sĩ, điều dưỡng đã trình bày những nội dung hết sức dễ hiểu, kết hợp với trình chiếu hình ảnh sinh động để người nghe lĩnh hội, ghi nhớ và nắm bắt thông tin được dễ dàng.
Nội dung thu hút và hấp dẫn người tham dự là những sinh hoạt mang ý nghĩa bồi đắp về tinh thần văn hóa - văn nghệ tại các khoa, phòng như đàn hát, đọc sách, ngâm thơ, vẽ tranh, học tiếng Anh…Các cán bộ nhân viên phòng Công tác xã hội, các tình nguyện viên bên ngoài xã hội như văn nghệ sĩ, các bạn sinh viên, các nhà từ thiện và các bệnh nhân, người nhà cùng tham gia và hòa mình vào không khí vui tươi, hào hứng đem lại niềm lạc quan, yêu đời. Nhiều bức tranh tươi mới, sắc màu đầy sức sống, nhiều giai điệu lời ca tha thiết đã hình thành ngay tại các bệnh phòng, góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực, giúp người bệnh có những giờ thư giãn, giảm lo âu căng thẳng. Bên cạnh những nội dung mang màu sắc văn hóa - văn nghệ, chương trình còn tổ chức những trò chơi như đố vui, vun trồng cây điều ước, chia sẻ tâm tình, tháo gỡ khó khăn, tâm sự giải tỏa lo âu.

z5318538009866-8970dc2c211cad536a05ba0b4ef7f2bf-1712326049.jpg

Cũng tại các bệnh phòng, hoặc tại hội trường của các trung tâm, khoa, phòng, nhiều lượt bệnh nhân và người nhà đã được hướng dẫn nhiều phương pháp và kỹ năng rèn luyện thể lực như tập Thiền, Yoga cười, tập thở, dưỡng sinh, xoa bóp, thể dục.....  góp phần vào việc phục hồi chức năng sau khi người bệnh lành bệnh trở về cuộc sống. Không chỉ có nhiều nội dung phong phú, CLB dành cho bệnh nhân còn là nơi giao lưu, là cầu nối yêu thương giữa các người bệnh với nhân viên y tế, với người nhà bệnh nhân, với cộng đồng ngoài xã hội. Thông qua những gặp gỡ và tâm tình tại CLB, nhân viên y tế hiểu thêm nhiều hoàn cảnh của người bệnh để có những hỗ trợ kịp thời, kêu gọi cộng đồng cùng san sẻ, cùng người bệnh và người nhà tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình điều trị và sau khi khỏi bệnh, trở về cuộc sống đời thường. Ngay tại CLB, nhiều món quà thiết thực đã được gửi tới bệnh nhân và người nhà.
Các CLB được tổ chức luân phiên và có chú trọng tới nhóm bệnh nhân yếu thế như bệnh nhân nhi, phụ nữ, người già, người cô đơn không nơi nương tựa, nhóm bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV, suy thận giai đoạn cuối, tâm thần ... Tại Trung tâm Huyết học và truyền máu, trong tuần qua, CLB dành cho người bệnh lại tiếp tục được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các BN mắc bệnh ung thư máu. Trong buổi sinh hoạt CLB, người bệnh đã được hai chuyên gia là bác sĩ đến từ TT Huyết học và truyền máu và TT Dinh dưỡng lâm sàng tư vấn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện trong thời gian điều trị tại bệnh viện và sau khi điều trị trở về gia đình dưỡng bệnh. Qua nhiều câu hỏi, chia sẻ và giải đáp băn khoăn thắc mắc của người bệnh, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên cụ thể cho nhiều trường hợp. Đặc biệt, buổi sinh hoạt còn có sự tham gia của một nhân vật truyền cảm hứng, đó là anh Nguyễn Việt Thành đến từ Hưng Yên, một vận động viên chạy nghiệp dư. Sau thời gian điều trị ung thư máu, khi bệnh thuyên giảm rõ rệt và anh đã tham gia các giải thi chạy và có những thành tích đáng ghi nhận.
Anh Thành đã chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ: Sau khi đi nhổ răng, có sự cố phải đi xét nghiệm, tôi biết mình mắc bệnh ung thư máu. Lúc đó, tất cả đối với tôi sụp đổ hết, thật quá sốc khi với mình mọi việc đang diễn ra rất ổn thỏa. Khi phát hiện ung thư, bác sĩ đã động viên tôi là có thể chữa khỏi được vì đang ở giai đoạn sớm. Tôi đã được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột và sau 1 năm điều trị hóa trị, bệnh đã lui hoàn toàn. Trải nghiệm kinh hoàng nhất với tôi là 52 ngày nằm trong phòng cách ly hoàn toàn, nhiều ý nghĩ tiêu cực chưa biết sống chết ra làm sao đã ám ảnh tôi. Nhưng rồi tôi phải tự vực dậy về tinh thần để qua được giai đoạn thử thách nhất, luôn có ý thức tập luyện, rèn luyện thể lực, ăn uống đầy đủ chất, cân bằng dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ để sức khỏe dần hồi phục. Bằng tất cả nghị lực, anh Thành đã lấy lại cho mình niềm lạc quan, nghị lực sống. Sau khi ghép tế bào gốc, anh Thành đã tham gia trở lại đường chạy Marathon Long Biên 21 km và cán đích với thành tích xếp số 84/3032 vận động viên. Chưa dừng lại ở đó, anh Thành tiếp tục tham gia giải chạy Full Marathon 42 km, với đường chạy 5h đồng hồ vào ban đêm và đạt được thành tích cao.
Qua câu chuyện của nhân vật truyền cảm hứng, vốn là người trong cuộc, từng trải qua những ngày cam go phải chống chọi với bệnh tật, những người bệnh tham gia câu lạc bộ đã hiểu thêm về việc rèn luyện thể chất, chế độ dinh dưỡng và di dưỡng tinh thần. Với sự tiến bộ vượt bậc của y học, nhiều BN ung thư máu đã được chữa khỏi, trở lại cuộc sống bình thường, trong đó có những BN trẻ, sau khi khỏi bệnh đã lập gia đình và sinh con.