Ký ức tự hào

Đào Như Lý

17/03/2022 21:35

Theo dõi trên

Những bậc cầu thang vẫn còn đó nhưng dáng vóc thoăn thoắt xưa, giờ đã liêu xiêu rồi. Bao nhiêu năm bươn chải nhưng mỗi khi nhìn lại, tôi không giống như nhiều người là rùng mình về những gì họ đã trải qua. Tôi thấy rất bình thường. Con người sống là phải làm việc, người ta làm được thì mình cũng làm được - để hôm nay, không có gì là cao siêu, không phải là đại gia nhưng cũng hài lòng với những gì đang có.

dao-nhu-ly-1647527588.jpg
Ảnh chụp lúc còn đi làm cho người ta (ở Quán Nhật)

 

Hôm nay có việc đi qua bến tàu Springpfuhl - bến tàu rất quen thuộc với tôi của hơn 28 năm trước.

Trên đường đời xuôi ngược, nếu bất chợt bạn gặp lại một người, một cảnh hay một sự việc đã qua lâu rồi, dù có không muốn nhớ thì ký ức vẫn cứ trở về.

Tôi cũng không ngoại lệ ...

Ngày ấy, tôi đi làm cho một nhà hàng Tàu, chồng là người Ấn Độ, vợ là người Đức.

Nhà hàng nằm ở một quận trung tâm, phần Tây Berlin. Đông khách du lịch nên mở cửa từ 11 giờ trưa đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Chia làm 2 ca sáng và chiều. Công nhân thay nhau đổi ca hàng tuần.

Khi đó nước Đức vừa thống nhất được vài năm. Số lượng người Việt có ô tô chưa nhiều. Phần lớn vẫn phải đi làm bằng phương tiện công cộng.

Ngày nào tôi cũng phải qua lại bến tàu này 2 lần và thêm 2 lần đổi tàu điện nữa.

Nếu làm ca sáng thì cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, lượt đi, lượt về, lúc nào cũng nhìn thấy bến tàu nườm nượp người qua lại.

Còn khi làm ca chiều?

Lúc đi thì còn sớm như ban ngày đi làm. Bến tàu đông đúc. Tan ca là 4 giờ sáng ngày hôm sau. Ấy là lúc công nhân trong quán hò nhau thật nhanh chạy ra bến tàu gần đó cho kịp chuyến đầu tiên trong ngày. Chạy ra đến bến là chào nhau mỗi đứa nhảy lên một tàu, chả ai cùng hướng với ai. Vì là chuyến đầu tiên nên một mình một toa tàu là chuyện rất bình thường. Chừng 40 phút tàu chạy thì đến bến này. Tôi xuống tàu rồi lại leo cầu thang lên đường đổi sang tàu điện để về nhà.

Thời gian đó gia đình tôi, lúc ấy mới có 3 người ( 2 vợ chồng và con trai lớn) đang ở quận Marzahn, một quận nổi tiếng chống đối người nước ngoài, cụ thể là bọn đầu trọc ngang nhiên hành hung, đâm giết người Việt. Khách đến nhà hàng ăn uống hoặc bất kỳ ai biết tôi ở quận này cũng đều ái ngại cho tôi. Vậy mà hàng đêm đi làm về, thường xuyên ngồi một mình trong 1 toa tầu, lạ thay, tôi không hề sợ hãi.

Những ngày xuân, hạ hay thu ấm áp đi làm đêm về không để lại ấn tượng như những ngày đông giá rét. Có những hôm tuyết rơi trắng trời. 4 giờ sáng tan ca. Chạy ra bến tàu. Sau 40 phút xuống tàu. Cả sân ga chỉ có một mình. Thoăn thoắt leo cầu thang lên đường đổi sang tàu điện để về nhà. Cả bến tàu điện trên đường cũng chỉ có 1 người đứng chờ tàu - ấy là mình. Nhìn tứ bề tuyết phủ trắng xóa. Im ắng không cả tiếng côn trùng. Những lúc ấy tự nhiên nhớ về bộ phim "Người Bắc Kinh ở  New York". Thấy đồng cảm lắm cho thân phận của những kẻ tha hương...

Cứ lan man đến lúc tàu đến. Lên tàu chừng 2O phút thì về đến nhà. Vệ sinh cá nhân xong, vào phòng ngủ là thấy anh chồng mở tấm chăn ấm sẵn choàng lên người vợ. Thế là ngon giấc đến chiều lại vào ca làm việc mới.

Tôi đi làm cho người ta đến năm 1998 thì vợ chồng tôi tự kinh doanh mở Thai Ha quán đến bây giờ.

Cũng năm 1998 chúng tôi chuyển nhà về trung tâm Berlin cho tiện công việc làm ăn. Tôi tạm biệt bến tàu Springpfuhl từ đó.

Nay đi qua bến tàu này, ký ức xưa trở về, cảm xúc thật khó tả - thân thương và có phần tiếc nuối. Những bậc cầu thang vẫn còn đó nhưng dáng vóc thoăn thoắt xưa, giờ đã liêu xiêu rồi. Bao nhiêu năm bươn chải nhưng mỗi khi nhìn lại, tôi không giống như nhiều người là rùng mình về những gì họ đã trải qua. Tôi thấy rất bình thường. Con người sống là phải làm việc, người ta làm được thì mình cũng làm được - để hôm nay, không có gì là cao siêu, không phải là đại gia nhưng cũng hài lòng với những gì đang có.

Có lẽ tôi được thừa hưởng nết tần tảo của mẹ và nghị lực của cha.

 

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức tự hào" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Huy bui

Huy bui

13:04 19/03/2022

Bài viết hay