Học trò thời chiến

Hoàng Trọng

16/03/2024 08:44

Theo dõi trên

Thời hắn còn nhỏ, không có hệ mẫu giáo. Trẻ con chừng 5, 6 tuổi, được vào học Vỡ lòng, rồi sau đó vào cấp 1. Làng hắn nằm bên bờ sông Gianh, những đứa trẻ chưa đến tuổi học Vỡ lòng, mặt mũi, da dẻ đen đúa, tóc đỏ quạch như râu bắp, nước mũi, nước dãi lòng thòng, mặc cái áo củn cởn, hết lê la nghịch đất, nghịch cát lại nhảy ra sông tắm, hoặc theo cha mẹ ra đồng chơi đùa.

Năm đó, người anh trai thứ hai của hắn được phân công về dạy cấp một ở làng Ba Cồn, bên kia bờ sông. Mỗi buổi chiều anh bơi thuyền qua sông dạy học, hắn lại xin đi theo chơi. Chiếc thuyền nhỏ, anh cầm chèo lái, hắn ngồi giữa thuyền, con thuyền tròng trành ngày ngày đưa anh em hắn băng qua sông Gianh. Dòng sông êm đềm, nước trong xanh, sóng gợn lăn tăn, hắn khoái lắm. Cũng có những lúc gặp sóng to gió lớn, chiếc thuyền chao đảo, nhấp nhô, nước bắn tung tóe, áo quần ướt sủng, sợ xanh mặt, nhưng rồi hắn vẫn thích đi theo anh.

dt1aab-1710553370.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Lớp học nằm trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ Giáp Tam. Vài ba chục học sinh đủ mọi lứa tuổi cùng vào học lớp một. Nhiều đứa đã lớn tướng, buổi sáng đi chài lưới, chiều về đi học. Anh hắn dạy học phía trước, hắn thơ thẩn ngồi chơi một mình ở cái bàn phía sau cùng. Những tiếng đọc ê, a, i, t,... những câu ca dao, tục ngữ mượt mà, sâu lắng, những mẩu chuyện cổ tích ly kỳ, cuốn hút mà anh truyền dạy cho học trò cứ in vào tâm trí hắn. Những bài học đầu đời đó đã theo hắn suốt cả cuộc đời. Dần dà, hắn cũng viết được, đọc được. Thấy vậy, bố hắn mừng lắm, đi đâu cũng khoe với mọi người: “Thằng Chó Con nhà tui chưa đi học mà đã đọc được sách báo!”

Trong nhà, hắn được bố mẹ và các anh chị gọi là Chó Con. Anh Kính lớn hơn hắn ba tuổi là Chó Nậy. Cái tên Chó Con thành tên thường gọi của hắn. Nghe bố khoe với mọi người, hắn sướng lắm, lại thèn thẹn, đỏ cả mặt, chui vào sau vạt áo của bố.

Rồi hắn đến tuổi vào học Vỡ lòng. Lớp Vỡ lòng làng Cồn Vượn lúc đầu đặt tại nhà anh trai thứ ba của hắn. Anh trai hắn được Hợp tác xã giao đảm nhiệm luôn việc dạy học cho lũ trẻ. Gọi là lớp cho oai, thực ra chỉ có dăm sáu đứa cỡ tuổi hắn và lớn hơn hắn vài ba tuổi cùng đến đó để học tập đánh vần, ghép vần, viết chữ. Đến lớp, bên cạnh việc tập đọc, tập viết, bọn hắn được chạy nhảy, chơi đùa thỏa sức. Được khoảng dăm bảy tuần thì lớp học tan rã. Một vài đứa xin lên học cấp một. Số còn lại về nhà để năm sau học tiếp.

Lớp học vỡ lòng tan rã, bố xin cho hắn vào học lớp một tại trường cấp I xã Quảng Minh ở xóm Nam Minh Lệ.

Chuẩn bị đi học, mự mua cho hắn một cái túi vải hai ngăn, màu xanh sẫm, có quai mang qua vai để đựng sách vở. Mỗi buổi sáng trước khi đến trường, hắn được mự gói cho khi là củ khoai lang, khi là cái bắp ngô luộc. Trưa về, mự ưu ái nấu riêng phần cơm vào cái nồi đồng nhỏ (cái niêu mốt), không phải độn khoai, sướng lắm. Học trò cùng lớp, nhiều đứa đã lớn tướng. Có đứa lớn hơn hắn cả năm sáu tuổi, nhiều khi bị tụi bạn lớn hơn ăn hiếp, phát khóc mà không làm gì được.

Bốn năm học cấp một, thường một buổi đến trường, một buổi cùng lũ bạn đi chăn bò, cắt cỏ, mót lúa, mót khoai. Thích nhất vẫn là những ngày hè nóng bức, được nghỉ hè tha hồ chạy nhảy, nô đùa, hết đánh khăng, đánh đáo, đến chọi dế, chọi cá lia thia. Chơi chán mệt nhoài, mồ hôi chảy lòng thòng, cả bọn nhảy ùm xuống sông ngụp lặn. Tuổi thơ cứ thế trôi qua. Sau hai kỳ thi quyết liệt: Tốt nghiệp và Chuyển cấp, hán được xét vào trường cấp 2 Quảng Minh.

Cuộc sống của làng quê hắn thanh bình, yên ả là thế, nhưng tất cả bị đảo lộn, bởi những trận không kích kinh hoàng của máy bay Mỹ. Một buổi trưa, hắn cùng lũ bạn đang chăn bò ở Hói Đồng thì nghe tiếng gầm rú dữ dội trên bầu trời, những tiếng nổ rền vang như sấm sét, đinh tai nhức óc. Nhìn về hướng Phà Gianh, thấy những chiếc máy bay phản lực đang nhào xuống, lao lên điên cuồng, kèm theo những tràng tiếng nổ ì ầm vọng lại. Lũ bạn nháo nhào chui vào các lùm cây, các mô đất trên đồng để trốn. Một lúc lâu, ngừng hẳn tiếng máy bay, cả bọn lóp ngóp bò ra, lùa bò về nhà, thấy mọi người đang hối hả đào hầm trú ẩn. Mấy người lớn bàn tán với nhau: máy bay Mỹ ném bom vào Cảng Gianh, vào Đồng Hới, phải gấp rút làm hầm, đào hào đề phòng chiến tranh!

Đó là ngày năm tháng tám năm một chín sáu tư, ngày mở đầu cho một thời kỳ khốc liệt trong thời học trò của hắn.

Năm hắn bắt đầu vào học trường cấp 2 xã Quảng Minh cũng là lúc các cuộc ném bom của máy bay Mỹ vào quê hương hắn càng ngày càng khắc nghiệt. Trường không còn ở tập trung một chỗ mà các lớp phân tán rải rác trong các căn nhà mượn của dân. Thời gian đầu máy bay Mỹ chỉ ném bom vào ban ngày, nhà trường tổ chức cho học sinh học ban đêm. Mỗi học sinh đi học phải mang theo một cái đèn dầu hỏa. Hàng hóa khan hiếm, không mua được đèn, người ta đã sáng tạo ra nhiều kiểu đèn khác nhau: một cái chai, một lọ mực, một ống thủy tinh đựng thuốc tiêm, một quả bom bi quả dứa đã đục hết thuốc súng bên trong, lấy một nhúm bông xoắn lại để làm bấc (tim) …là có được một cái đèn như ý. Máy bay đánh phá ác liệt, không thể mua được dầu hỏa, phải dùng dầu mazut vét được từ các canô, xà lan bị bắn chìm nằm rải rác trên bờ sông. Đèn đốt bằng dầu mazut không sáng như đèn dầu hỏa, mà lại rất nhiều khói. Khói đen bay mịt mù, mùi khét nồng nặc... khói bám vào mui4thanh2 một lớp đặc quánh, đen ngòm.

Mấy tháng sau, máy bay tăng cường bắn phá cả vào ban đêm. Tối đến, tiếng máy bay gầm rú, pháo sáng sáng rực cả bầu trời. Tiếng bom nổ, tiếng đạn rít. Đủ các loại máy bay: F4, F115, cánh cụp cánh xòe… Đủ các loại bom đạn: Bom tọa độ, bom nổ ngay, bom nổ chậm, bom từ trường, thủy lôi, bom khoan, bom chùm, bom bi, bom Napal, hỏa tiễn, rôc ket, 20 ly…Làng nào cũng thấy nhà cháy, cũng nghe tiếng khóc thương, gào thét. Việc đi học đêm đã trở nên vô cùng nguy hiểm, trường lại chuyển sang học ban ngày. Lớp học là những căn nhà do cha mẹ học sinh cùng nhau đi rừng chặt cây, dựng nên. Mái nhà được lợp bằng toóc (rạ) đan lại do gia đình học sinh đóng góp. Trần nhà được đổ một lớp đất dày, xung quanh phòng học là những vách đất (đất dẻo, ướt được quết trộn với rơm khô đắp lên thành tấm vách), để chống bom bi, chống mảnh bom, đạn. Phía ngoài vách đất là bốn dãy hầm chữ A, và những đường hào đào thông ra ngoài đồng. Nếu đang học, máy bay đến ném bom thì học sinh chui vào hầm chữ A tránh bom, sau đó tản ra theo hào giao thông sơ tán về các hướng. Phòng học, hầm, hào đều do thầy trò và phụ huynh cùng lao động xây dựng mà có. Mỗi lớp học cách nhau chừng vài ba trăm mét, nằm rải rác trong xóm. Mỗi lần đổi tiết, các thầy cô lại phải đi mất vài chục phút, có khi lạc đường tìm không ra lớp học.

Sách, vở, bút mực lúc bấy giờ đều là những thứ hàng xa xỉ. Sách giáo khoa chỉ các thầy cô mới có. Tụi hắn chưa bao giờ thấy mặt mũi cuốn sách tròn dẹt thế nào. Năm đầu chiến tranh còn có vở, có bút, mực. Nhưng khi chiến tranh trở nên khốc liệt thì gạo cơm còn không có ăn, lấy đâu ra bút mực. Những cái bút máy Trường Sơn cũ kỹ được dùng đi dùng lại từ năm này qua năm khác, đầu lưỡi bị mòn như những lưỡi cày. Mực là những sản phẩm được chế tạo từ nước giã lá bàng hoặc trái mồng tơi. Giấy viết là loại giấy bù vàng sẫm như lá bầu khô. Để giấy dùng được nhiều lần, tụi hắn ngâm những tờ giấy đã viết kín đặc vào chậu nước vôi, sau đó vớt ra phơi khô cho bay hết chữ để dùng lại.

Sách vở, bút mực thiếu thốn là thế, việc ăn gì để đến trường còn khổ hơn nhiều. Dân làng hắn chủ yếu làm ruộng, nhưng việc ra đồng gặp trở ngại do máy bay thường xuyên bắn phá. Bà con nông dân thường tranh thủ lúc chưa hửng mặt trời hoặc lúc choạng vạng tối để ra đồng. Nhiều thửa ruộng bị bom đạn cày xới. Cánh đồng chi chit hố bom, hố đạn tên lửa. Con đê ngăn nước mặn và mấy cái cống bị máy bay ném bom phá sạch. Mùa mưa, nước mặn, nước lụt từ sông tràn vào đồng, lúa khoai chết héo. Mùa hè, cánh đồng khô hạn, nứt nẻ không một giọt nước tưới. Cái đói bao trùm làng xóm. Dân làng hè nhau vượt núi băng rừng về các xã vùng núi: Cao Mại, Đồng Lê, Khương Hà, Phù Mỵ, Troóc, Chay…để mua sắn, mua ngô về cứu đói. Nhưng những vùng này cũng không khá gì hơn, nhiều tuần lễ cả nhà phải ăn lớ (cám), ăn củ chuối, gốc đu đủ để sống. Lũ học trò cũng chung số phận, có đứa bỏ học, nhưng hầu hết vẫn cố đến trường, mong có cái chữ để đổi đời.

Để che mắt máy bay và để tránh thương tích vì bom, đạn, trường yêu cầu mỗi học sinh phải có vòng ngụy trang và đội mũ rơm. Mũ rơm thì đứa nào cũng được cha mẹ làm cho một cái và dùng được khá lâu. Còn vòng ngụy trang thì thật bất tiện, vừa lôi thôi, khó bảo quản, lại mau bị khô héo, bị hỏng, phải thay liên tục. Thế là người ta nghĩ ra một loại ngụy trang mới: những chéo dù pháo sáng hoặc những tấm mùng hỏng được may lại, nhuộm bằng nước giã từ lá bàng thành những tấm vải ngụy trang màu xanh vừa tiện sử dụng, vừa không bị hỏng. Nhiều đứa con gái lại còn dùng tấm vải nguỵ trang để làm dáng. Đường đến trường nhiều lần bị máy bay bắn phá, phải trở về nhà, những hôm đó mỗi lớp chỉ còn hơn chục học sinh. Lại nhiều hôm đang học, máy bay ném bom, cả lớp chui xuống hầm tản ra các hào giao thông, buổi học cũng kết thúc.

Sướng nhất đối với tụi hắn có lẽ là việc chỉ phải học… rất ít môn. Thiếu giáo viên, nhà trường chỉ dạy hai môn chính Văn, Toán và một vài môn phụ. Thời gian chủ yếu còn lại là lao động, hết làm nhà lại làm hầm, hết quết rơm lại đào hào …Đi học bữa được bữa không. Về nhà thời gian yên tĩnh, không có tiếng bom đạn để có thể học bài cũ hiếm lắm, thường phải chui vào hầm để học. Tối cũng ngủ trong hầm. Nhà nào cũng có 4-5 cái hầm. Hầm chữ A, hầm chữ L, hầm hàm ếch, hầm nổi, hầm chìm, hầm nửa chìm nửa nổi. Hầm làm trong nhà, hầm làm quanh nhà, hầm làm rải rác ngoài đồng, xung quanh bờ ruộng. Mùa nắng nằm hầm nóng nực, ngột ngạt đã khổ, mùa mưa nằm hầm ẩm mốc, nhầy nhụa, nhớp nháp còn khổ hơn nhiều. Ba bốn đứa bạn cùng lớp thường ngủ một hầm với nhau, để tiện học bài. Con cái trong một nhà phải chia ra ngủ với nhà hàng xóm để lỡ bom trúng hầm thì trong nhà còn có người sống sót.

Nằm hầm ngoài đồng vẫn thích hơn hầm trong nhà. Khí trời thoáng đảng, mát mẻ. Trong hầm nóng bức thì chui ra khỏi hầm hóng mát. Mỗi lần ra khỏi hầm là thấy bầu trời sáng rực. Cái sáng của pháo sáng hòa với cái sáng của nhà cháy, cái sáng của bom nổ, của những làn đạn bắn đuổi theo máy bay. Nhà cửa, làng mạc bị tàn phá. Cái chết rình rập bất cứ lúc nào. Thôn trên, xóm dưới đâu đâu cũng nghe tiếng khóc thương rền rĩ, thảm thiết. Những đám ma vội vã, lặng lẽ, không kèn không trống, không người đưa tiễn. Có nhiều lúc nhìn thấy máy bay bị bắn cháy, kéo theo một vệt lửa dài lao ra biển, những phi công nhảy dù treo lơ lửng trên bầu trời, dân làng lại vỗ tay reo hò ầm ỹ. Cũng có những lúc yên tĩnh, ngớt tiếng máy bay, tiếng bom đạn, tụi hắn lân la đến những ụ chiến đấu của các anh chị dân quân. Làng nào cũng có năm ba ụ chiến đấu như vậy. Dân quân trong làng được trang bị những khẩu súng 12 li 7, súng đại liên, trung liên …để trực chiến suốt ngày đêm bắn trả máy bay Mỹ. Được các anh chị cho tập ngắm, tập bắn, tụi hắn khoái lắm.

Trong hầm, chong ngọn đèn dầu mazut phập phù lúc sáng, lúc tắt cũng gắng học. Các thầy cô cũng kiểm tra, cũng điểm danh, cũng rèn luyện đức, trí, thể, mỹ… Mà các thầy cô chấm điểm thoáng lắm, không chi li như bây giờ. Bài kiểm tra được tính theo thang điểm 5. Bài giỏi, khá, trung bình, yếu, kém lần lượt được tính là 5, 4, 3, 2 và 1 điểm. Nếu đạt mức khá, trung bình, yếu mà nhỉnh hơn một chút thì thêm dấu cộng (+), còn nếu hơi yếu thì thêm dấu trừ (-). Kết quả học lực cuối năm cũng tính điểm tương tự để nhà trường xét cho học sinh lên lớp.

HT

Chuyện làng quê 

Bạn đang đọc bài viết " Học trò thời chiến" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn