Hoạt động Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh thời kỳ 1985 -1995

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm Nhạc TP.HCM

25/09/2023 06:36

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận của Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm Nhạc TP.HCM, nhan đề "Hoạt động Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh thời kỳ 1985 -1995 " tổ chức ngày 22/8/2023.

Chúng tôi đa số là những sinh viên của các trường Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) mà cũng là những Đoàn Trưởng các Đoàn Văn nghệ của trường, được các anh Ns Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trần Văn Ánh qui tụ lại với nhau để tổ chức nhiều đêm diễn văn nghệ cho các cơ sở, tại các trường Đại học, các xóm nghèo lao động, trên các công trình Thanh niên… Và từ đó, chúng tôi đã quen nhau và gắn bó nhau, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Đăng Khương, Vũ Hoàng, Nguyễn Đức Trung, Vy Nhật Tảo, Lê Văn Lộc, Thế Hiển .v.v… Rồi sau đó, qua những lớp bồi dưỡng kiến thức âm nhạc ngắn hạn do các anh tổ chức, chúng tôi thành những nhạc sĩ sáng tác trẻ đầy nhiệt huyết đi khắp các công trình của thanh niên để động viên họ qua những ca khúc rất thực tế gắn liền với cuộc sống.

Năm 1978, chúng tôi chính thức là Nhóm Sáng tác Trẻ của Thành Đoàn TP.HCM. Những tác phẩm ra đời từ những năm tháng đó và luôn đượcyêu quý, được hát vang lên bây giờ như:Ơi ! Cuộc sống mến thương, Ngọn lửa trái tim, Nụ hoa và cây súng (Nguyễn Ngọc Thiện), Những lời em hát, Mùa Xuân tình yêu, Tình em rực sáng (Từ Huy), Chiều biên giới, Như mây trắng bay (Nguyễn Văn Hiên), Con đường đến trường, Vầng trăng cổ tích (Phạm Đăng Khương), Gởi lại em, Hương tràm, Hương thầm (Vũ Hoàng), Bản tình ca của chúng ta, Đêm rừng Dak mil (Nguyễn Đúc Trung), Em đi qua cầu cây, Thằng bạn tôi (Lê Văn Lộc), Mùa Xuân yêu thương, Chiếc lá (Vy Nhật Tảo), v.v…

Năm 1981, chúng tôi hay ghé số 81 Trần Quốc Thảo để có dịp gặp mặt những nhạc sĩ mà chúng tôi mến mộ như nhạc sĩ Xuân Hồng (Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh, Nắng Sài Gòn), nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Lá đỏ, Đồng đội), Phạm Trọng Cầu (Biển sáng, Cho con), Diệp Minh Tuyền (Hát mãi khúc quân hành, Tình cờ) và đặc biệt là thầy Thế Bảo (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), vì về sau, chúng tôi lần lượt được thầy giúp đỡ để thi vào Nhạc viện TP.HCM họcĐại học Sáng tác.

Năm 1982, chúng tôi, các thành viên của nhóm Sáng tác trẻ, lần lượt được kết nạp hội viên Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Hằng ngày, lúc rảnh chúng tôi vẫn thường ghé Hội gặp các anh uống cà phê và nói chuyện phiếm về các bài hát mới và nghe các anh góp ý về những bài hát mới của chúng tôi. Lúc này chúng tôi vẫn tiếp tục sáng tác: Người mẹ, Như khúc tình ca (Nguyễn Ngọc Thiện), Hành trình tuổi 20, Những giọt sương trắng (Nguyễn Văn Hiên), Một thoáng quê hương, Chiều về (Từ Huy), Bụi phấn, Thầy tôi (Lê Văn Lộc), Phượng Hồng (Vũ Hoàng), Hát về anh, Nhánh lan rừng (Thế Hiển), v.v...

Năm 1985, Đại hội Hội Âm nhạc lần 1, đặc biệt của kỳ Đại hội này là Nguyễn Văn Hiên, Trưởng Nhóm Sáng tác Trẻ Thành Đoàn Tp. HCM, được giới thiệu ứng cử vào Ban chấp hành Hội Âm nhạc Thànhphố Hồ Chí Minh và kết quả anh đã đắc cử vào Ban Chấp hành. Nhiều nhiệm kỳ sau này cũng vậy. Chúng tôi, bây giờ đã là những hội viên của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh,cũng vẫn qua Hội gặp các anh uống cà phê và trao đổi sôi nổi tìm ý tưởng sáng tác, phương pháp thể hiện và kể cả “phương án” cho tác phẩm mới có cơ hội ra mắt công chúng. Lúc này, bên trong khuôn viên của Liên Hiệp Các Hội Văn học Nghệ Thuật (số 81 Trần Quốc Thảo) thường xuyên có chương trình Văn nghệ có bán vé hằng đêm và khách đến xem rất đông, nhất là vào những ngày cuối tuần. Nhưng, để giới thiệu các sáng tác mới của các Nhạc sĩ Hội viên ra mắt với công chúng vẫn là một vấn đề nan giải, nhất là đối với các nhạc sĩ trẻ chúng tôi. Tuy vậy, năm 1984, tôi được Biên tập của Xí nghiệp Sài gòn Audio, một cơ sở chuyên sản xuất băng Cassette duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đó, nhận về làm phụ tá Biên tập để học hỏi và về sau sẽ biên tập cho Xí nghiệp các chương trình ca nhạc trẻ trung dành cho lứa tuổi thanh niên.

Năm 1990, Đại hội Hội âm nhạc lần 2 và kỳ này, tôi được các anh giới thiệu ra ứng cử vào Ban chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và tôi đã được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 1990 – 1995. Lúc này tôi đã tốt nghiệp Đại học Sáng tác năm 1984 - 1989 và cũng vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết nạp là Hội viên. Dù như vậy, hằng ngày tôivẫn là một Bác sĩ làm việc trong biên chế của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương – Thành phố Hồ Chí Minh. Ở nhiệm kỳ này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên được tín nhiệm bầu vào Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc của một Ủy viên Ban chấp hành cũng chưa nhiều, một năm chỉ họp 2 lần, chủ yếu là để kết nạp các Hội viên mới.

Mỗi tuần cứ vài ba hôm, sau khi làm việc ở bệnh viện xong sớm, tôi hay ghé vào Hội (81 Trần Quốc Thảo) lúc 11g00,chủ yếu là để uống cà phê và gặp mặt các bạn bè nhạc sĩ và chờ xem có tin tức gì mới mẻ, đột phá trong việc đưa các sáng tác mới ra với công chúng không. Lúc này, tôi đã được Xí nghiệp Sài Gòn Audio giao cho thực hiện vài chương trình ca nhạc cho lứa tuổi thanh niên,và như vậy việc tôi ghé qua Hội thường xuyên cũng phù hợp để tôi có dịp gặp các anh nhạc sĩ, nhất là các nhạc sĩ trẻ để xin các ca khúc thich hợp về làm các chương trình băng Cassette cho Xí nghiệp. Đây là cơ hội cho các tác phẩm mới của các Hội viên Hội Âm nhạc đến tai công chúng. Nói thì nghe dễ dàng, nhưng có đi sâu vào lãnh vực băng dĩa thời bấy giờ, quả thật rất là gian nan! Do công nghệ thu âm của chúng ta lúc bấygiờ so với thế giới quả tình rất lạc hậu về máy móc và kỹ thuật, chưa kể phần trình bày mỹ thuật bên ngoài quá đơn giản nên khi ra thị trường không thể cạnh tranh với băng Cassette nhập lậu của Thái Lan và luồng băng nhạc của hải ngoại được in sang lậu đang bày bán công khai ở chợ trời đường Huỳnh Thúc Kháng! Thế là tôi lại phải dấn thân hơn nữa trong mọi khía cạnh với trăm mưu ngàn kế để làm sao ra được sản phẩm không thua kém sản phẩm của đối phương về âm thanh, về hình thức mỹ thuật thật là bắt mắt (cũng vì việc này mà tôi bị Giám đốc Xí nghiệp đuổi việc đúng 3 lần, nhưng cứ vài tháng sau lại được gọi vào làm Biên tập tiếp tục). Qua các chương trình băng Cassette, công chúng biết thêm nhiều bài hát hay mới của các tác giả gạo cội như Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Phạm Minh Tuấn, Trương Quang Lục, Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân, Trịnh Công Sơn, và các tác giả tuổi đời trẻ hơn như Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Vũ Hoàng, Lê Văn Lộc, Vy Nhật Tảo, Phạm Đăng Khương, Lương Bằng Vinh, Lê Quốc Thắng, v.v…

Cũng cùng suy nghĩ ấy, một nhóm Hội viên thân nhau đã thành lập nhóm Những Người Bạn gồm 7 nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên đã được thành lập vào đúng ngày 08/3/1991 để ngồi lại với nhau và động viên nhau viết thêm nhiều ca khúc thật hay theo các thể loại pop rock để ra mắt công chúng. Lúc này, nhóm đã có một sân khấu hằng đêm ở nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh và ra được 5 chương trình ca nhạc bằng băng Cassette, đồng thời với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp “Mạnh thường quân”, nhóm đã đi diễn nhiều nơi, rất nhiều lần: Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội…

Tạp chí Sóng Nhạc, một chuyên san đầu tiên về lãnh vực âm nhạc của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh được ra đời với nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền làm Tổng Biên tập và nhạc sĩ Vũ Hoàng làm Thư ký Tòa soạn vào năm 1991. Đây cũng là một mảnh đất tốt để phổ biến các ca khúc mới cho Hội viên đến với công chúng. Cứ thế, tạp chí Sóng Nhạc đến tay các Hội viên và công chúng đều đặn hằng tháng thông qua các Đại lý bán lẻ khắp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khắp cả nước.

Cũng trong thời gian này, các tụ điểm ca nhạc ở các Quận, Huyện được hình thành với sự quản lý của các Cán bộ của Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời cũng là hội viên của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Các tụ điểm ca nhạc 126 Cách Mạng Tháng Tám, Phú Thọ (sân vận động Phú Thọ), Trống Đồng (Công viên Tao Đàn và là một phần của sân khấu kịch Công Đoàn) v.v… cũng là nơi dành cho công chúng yêu âm nhạc có dịp được tiếp cận gần gũi với các nghệ sĩ mà mình yêu mến và được thưởng thức những bài hát haycủa các nhạc sĩ kỳ cựu cùng các nhac sĩ trẻ. Các buổi diễn cuối tuần trở thành nơi giao lưu giữa người yêu nhạc thành phố với các nhạc sĩ, ở đó, những sáng tác mới được giới thiệu từ những người sáng tác đã tạo sự đồng cảm cũng như là nơi mở lối cho sáng tác trẻ đi đến với khán giả. Tụ điểm ca nhạc,sân khấu ngoài trời ca nhạc đã tạo nên một bức tranh đủ màu sắc phong phú và hấp dẫn khán giả, cũng là một góc riêng của đời sống âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh mà trong đó có sự đóng góp, chia sẻ, cũng như tạo nên thành công của những nhạc sĩ trẻ - hội viên Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

"Theo Kỷ yếu Hội thảo Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh”

Bạn đang đọc bài viết "Hoạt động Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh thời kỳ 1985 -1995" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn