Hiếu kính với tiền nhân

Nguyễn Năng Lực

18/09/2023 09:59

Theo dõi trên

Hiếm có nhân vật lịch sử nào mà ngay sau khi qua đời đã được dân lập đền thờ. Gần 700 năm qua, bảy ngôi đền thờ Hoàng Giáp, Đại doãn Kinh sư, Tể tướng Trần triều Nguyễn Trung Ngạn vẫn tồn tại trong lòng Phố cổ Hà Nội, nhiều ngôi vẫn đèn nhang không tắt.

ma-nhai-1695005450.jpg

“Ma Nhai kỷ công bi văn” khắc trên vách núi đã gần 700 năm. Ảnh: Năng Lực

 

Ngày 20/3/2009, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Ban Chỉ đạo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội và Dòng họ Nguyễn Hiền - Nguyễn Trung Ngạn phối hợp tổ chức Hội thảo “Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc: “Đại doãn Kinh sư Thăng Long, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn là một trong những danh nhân văn hóa góp phần không nhỏ vào việc tạo nên truyền thống văn hóa của mảnh đất văn hiến và thanh lịch này”.

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, quê làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đương thời, ông được coi là "thần đồng", 12 tuổi vào Quốc Tử Giám học thi Thái học sinh, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) cùng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Bảng nhãn Bùi Mộ, Thám hoa Trương Phóng.

Nguyễn Trung Ngạn là tấm gương tiêu biểu trong "thế hệ vàng" của trí thức Đại Việt Thế kỷ XIV, có tài kinh bang tế thế, kiến thức uyên thâm, là nhà quản lý tài năng, hội đủ cả Nhân - Trí - Dũng.

Với 66 năm phụng sự nhà vua và quốc gia Đại Việt, là đại thần trải 5 đời vua Trần: Anh Tông (1293 - 1314), Minh Tông (1314 - 1329), Hiến Tông (1329 - 1341), Dụ Tông (1341 - 1369), Nghệ Tông (1370 - 1372), ông có nhiều công trạng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học, văn học…

Về văn học, ông là người sáng tạo thể thơ sáu chữ (lục ngôn thể), sau này được Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm vận dụng sáng tác. Ông để lại cho hậu thế tập thơ “Giới Hiên thi tập”, được sử gia Phan Huy Chú ca ngợi: “Lời thơ hùng hồn mạnh mẽ, sở đắc nhiều phong cách thơ của Đỗ Thiếu Lăng (tức Đỗ Phủ đời Đường)”.

Mùa Đông năm Ất Hợi (1335), phụng mệnh Thượng hoàng Trần Minh Tông, ông đã viết bài văn và đôn đốc dân phu mài đá, khắc “Ma nhai kỷ công bi văn” tại vách núi thôn Trầm Hương, huyện Tương Dương, châu Nghệ An (nay thuộc huyện Con Cuông, Nghệ An), ghi lại công tích thắng giặc Ai Lao. Trải qua gần 700 năm, đến nay “Ma nhai kỷ côngbi văn ” còn rõ chữ trên sườn núi, là bài văn bia ma nhai cổ nhất nước ta và là một trong  những bài văn bia khắc trên đá núi cổ nhất thế giới.

den-huongtuong-1695005450.jpg

Đình Hương Tượng ở phố Mã Mây thờ Đại doãn kinh sư Nguyễn Trung Ngạn. Ảnh: TL

 

Về luật pháp, ông cùng Trương Hán Siêu phụng mệnh vua biên soạn hai bộ luật “Hình triều đại điển” và “Hình thư” để ban hành cho cả nước thực hiện. Năm 1332, làm An phủ sứ Thanh Hóa, ông lập ra Bình doãn đường để xét kiện, không việc nào bị oan uổng.

Về kinh tế - xã hội, năm 1336, giữ chức An phủ sứ Nghệ An kiêm Quốc sử viện Giám tu quốc sử, Hành Khoái Châu lộ Tào vận sứ, lo việc vận chuyển lương thảo, ông cho lập hệ thống Tào thương (kho chứa thóc) để chẩn cấp cho dân nghèo, được vua khen, xuống chiếu sai các lộ cứ thế theo làm.

Về quân sự, năm 1342, làm Hành khiển Tri Khu mật viện sự, ông cho đặt Cấm quân, vốn thuộc Thượng thư sảnh, về dưới sự quản lãnh của Khu mật viện, nêu gương cải cách hành chính cho đời sau.

Trên lĩnh vực ngoại giao, Nguyễn Trung Ngạn luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc. Năm 1314, Trần Anh Tông truyền ngôi cho Thái tử Trần Mạnh (Oanh), tức Trần Minh Tông, lúc ấy Nguyễn Trung Ngạn mới 26 tuổi, được nhà vua cử tiếp đón sứ thần nhà Nguyên và đi sứ đáp lễ. Với tài ứng đối và trí tuệ mẫn tiệp, ông được vua quan nhà Nguyên nể trọng.

Năm 1324, vua Nguyên Thái Định Đế sai Mã Hợp Mưu (Mahmud) và Dương Tông Thụy mang chiếu sang Đại Việt. Chúng ngông nghênh đi đến tận cầu Tây Thấu Trì không chịu xuống ngựa. Quan nha tiếp từ giờ Thìn đến giờ Ngọ không thuyết phục được, vua sai Thị Ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra, dùng lý lẽ bắt bẻ, sứ giả nhà Nguyên phải xuống ngựa, bưng chiếu đi bộ vào cung yết kiến vua ta.

pho-nguyen-trung-ngan-12564-1695005450.jpg

Hiện trạng con ngõ mang tên Nguyễn Trung Ngạn. Ảnh: St

 

Nhờ ân đức với dân chúng thành Thăng Long, Đại doãn Kinh sư Nguyễn Trung Ngạn được người dân tôn làm nhân thần, thờ phụng ở 7 đền thờ tại vùng Thọ Xương, nay là khu Phố cổ quận Hoàn Kiếm.

Đó là Đền Hương Tượng ở 64 Mã Mây (đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia), Đền Tiên Hạ ở 46A ngõ Phất Lộc (tương truyền là nơi thờ Nguyễn Trung Ngạn ngay sau khi ông mất), Đền Hương Nghĩa ở 13 Đào Duy Từ, Đình Hương Bài ở 90 Trần Nhật Duật. Những nơi này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý. Các ngôi Đình Mỹ Lộc ở 45 Nguyễn Hữu Huân, Đình Phúc Lộc ở số 6 Lương Ngọc Quyến và Đình  Ưu Nghĩa ở 2A Nguyễn Hữu Huân cũng thờ phụng Nguyễn Trung Ngạn nhưng đều đã xuống cấp, biến dạng.

Ghi nhận công lao của Tể tướng, Đại doãn Kinh sư Nguyễn Trung Ngạn, năm 1945, Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai đã lấy tên ông đặt thay cho đường 272. Phố Nguyễn Trung Ngạn dài 46m, rộng 3m, thông từ phố Nguyễn Công Trứ sang phố Lò Đúc.

Tiếc thay, nay con phố mang tên Danh nhân chỉ là con ngõ cụt dài 30m.

nguyen-nawng-luc-1695005861.jpg

Tác giả và Tiến sỹ Nguyễn Đình Hy (áo đỏ) trước “Ma nhai kỷ công bi văn”(ảnh để tham khảo)

 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Hy, hậu duệ đời thứ 26 của Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, từ năm 2010 đến nay, Sở Văn hoá - Thể thao (VH-TT) Thành phố đã hai lần lập hồ sơ trình các cấp đề nghị đặt tên phố Nguyễn Trung Ngạn tại Khu đô thị Cầu Giấy.

Lần đầu, tên ông và danh nhân Vũ Phạm Hàm được kiến nghị đặt cho con phố tại phường Trung Hòa. Vì phố này chỉ dài 750m nên Hội đồng Nhân dân (HĐND) Thành phố quyết định chỉ đặt tên Vũ Phạm Hàm.

Năm 2011, Sở VH-TT lập hồ sơ đề nghị đặt tên Phố Nguyễn Trung Ngạn cho đoạn đường từ Tòa nhà Keangnam đường Phạm Hùng đến Tòa nhà Công ty Mobifone dài 990 mét rộng 40 mét thuộc phường Dịch Vọng Hậu. Tại phiên họp thường kỳ UBND Thành phố ngày 27/10/2011, nhằm xem xét Tờ trình về việc đặt, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố, công trình công cộng trên địa bàn Thành phố năm 2011 trước khi trình HĐND Thành phố tại Kỳ họp thứ 3, tuyến phố duy nhất được đổi tên là Phố Nguyễn Trung Ngạn. (Báo Hànộimới điện tử ngày 27/10/2011 và Báo Kinh tế và Đô thị ngày 28/10/2011). Ngày 7/11/2011, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo với Thường trực Thành ủy, ông Phạm Quang Nghị là Bí thư, thì không được thông qua. Sau đó, con đường này được mang tên Dương Đình Nghệ.

Tên tuổi Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn đã được đặt cho nhiều đường phố tại nhiều địa phương trong cả nước như TP Huế, TP Vinh (Nghệ An), TP Đà Nẵng, TP Nam Định, TP Rạch Giá (Kiên Giang), TP Hưng Yên, Thị trấn Ân Thi (Hưng Yên). Riêng TP Hồ Chí Minh, tại 2 quận có đường, phố Nguyễn Trung Ngạn là quận 1 (phường Bến Nghé) và quận 8 (phường 7).

Mới đây, ngày 17/8/2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành Quyết định số 4136/QĐ-UBND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài 52 đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Trong danh sách vẫn không có tên Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn.

“Uống nước nhớ nguồn”, mong lãnh đạo Thành phố xem xét để sớm có một con đường xứng đáng với công lao của Danh nhân Văn hóa - Lịch sử Nguyễn Trung Ngạn, tỏ cái đạo lý hiếu kính với tiền nhân.

Sử gia Phan Huy Chú đánh giá Nguyễn Trung Ngạn là một trong mười "Người phò tá có công lao, tài đức" đời Trần, cùng với Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán. (“Nhân vật chí” - “Lịch triều hiến chương loại chí”)

Nhận định về ông, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Về sau hai lần sung chức Hựu sảnh (Nội mật viện). Đến đời Trần Dụ Tông vào triều, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi”.

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết "Hiếu kính với tiền nhân" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn