Đến xứ sở Nhân Sâm

Trọng Bảo

02/01/2024 08:33

Theo dõi trên

Khi là phóng viên, tôi thường được giao nhiệm vụ đi công tác với lãnh đạo. Có những chuyến theo Bộ trưởng Quốc phòng đi kiểm tra các đơn vị dọc tuyến biên giới phía Bắc, phía Nam, Tây Nguyên, bay trực thăng ra trạm bảo vệ dầu khí ở bãi cạn trên vùng biển Cà Mau, bay ra đảo Phú Quý (Bình Thuận). Lần đầu tiên được đi công tác nước ngoài là đến “Xứ sở nhân sâm” tức là CHDCND Triều Tiên.

b1-bao-1d-1704158549.jpg

Trọng Bảo (bên trái) và Cố Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê tại  chân núi Kim Cương, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Triều Tiên.

Những ngày ở Triều Tiên, chúng tôi được bạn đưa đi thăm rất nhiều nơi. Bạn đưa đoàn ta vào các nhà máy quốc phòng, sân bay ngầm trong lòng núi, đi thăm các đơn vị ở phía Bắc, ở giới tuyến phía Nam, khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, đến các học viện, nhà trường quân sự, đi xuống ga tàu điện ngầm và trèo lên đỉnh “Tháp Chủ thể” ở thủ đô Bình Nhưỡng, đi mua nhân sâm ở cửa hàng bách hóa tổng hợp.... Đến các đơn vị quân đội, các trận địa phòng thủ bạn đều yêu cầu không quay phim, chụp ảnh còn các khu danh lam, thắng cảnh thì thoải mái. (Tuy vậy, ở cửa hàng bách hóa tổng hợp, khi tôi giơ máy ảnh định chụp cảnh người dân xếp hàng dài mua hàng cũng bị nhân viên an ninh che ống kính ngăn không cho chụp). Trước khi đi tôi đã mua sẵn mấy cuộn phim chụp ảnh có độ nhạy cao. Lúc vào sân bay ngầm trong lòng núi chỉ cần lén mở nắp ống kính cái máy ảnh lắp ống kính góc rộng, lấy sẵn nét vô cực đang đeo trên ngực bấm nút mấy lần là tôi đã chụp được vài kiểu ảnh rồi. Ngày ấy không có máy ảnh hiện đại và điện thoại thông minh chụp ảnh đẹp như bây giờ. Chụp ảnh ở nơi thiếu ánh sáng phải dùng đèn Plass. Lúc về nước, khi tôi tặng ảnh cho Trung tướng Trần Hanh, Phó Tổng Tham mưu trưởng lúc đang gặp bạn là phi công sang giúp Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Trung tướng Trần Hanh ngạc nhiên vì trong sân bay ngầm họ cấm chụp ảnh mà tôi vẫn chụp được.

Hôm đoàn ở biên giới phía Nam trở về, khi đến cửa đường hầm để đi vào căn cứ tàu ngầm nằm sâu trong lòng núi thì chỉ các thành viên chính thức mới được vào. Đoàn tùy tùng và phóng viên báo chí không được vào căn cứ tàu ngầm. Mấy anh em chúng tôi đành trở về Bình Nhưỡng trước. Buổi tối, đoàn chính thức về các anh kể lại rằng đường hầm dẫn vào giữa lòng núi thì thấy một hồ nước rất rộng. Một chiếc tàu ngầm nổi lên. Bạn đưa đoàn ta xuống tàu ngầm. Tàu ngầm lặn xuống, lúc nó nổi lên thì đã ở ngoài biển. Triều Tiên là đất nước không giàu nhưng quốc phòng của họ thì rất mạnh. Họ có vũ khí hạt nhân và đủ các loại tên lửa tầm xa, tầm gần, bắn thử liên tục khiến Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng phải lo lắng. Làm được như vậy cần phải có trình độ khoa học công nghệ rất cao. Khoa học công nghệ cao, tiên tiến không phải là cứ nhiều người có bằng cấp giáo sư, tiến sĩ mà cần những người có trình độ thực sự mới làm được. Ngày ấy, đoàn chúng tôi được họ cho đi thăm nhiều nơi, tôi ghi chép được rất nhiều chuyện. Khi về nước Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, phó Chủ nhiệm TCCT gọi tôi mang lên để ông xem. Đọc xong, ông dặn tôi: “Đem về cất kỹ đi nhé!”.

Gần 10 ngày ở “xứ sở nhân sâm” tôi chụp được nhiều ảnh. Tôi mang mấy chục cuộn phim chụp ảnh báo chí và chủ yếu là ảnh kỷ niệm cho đoàn công tác. Sau khi đoàn ta đến chào Chủ tịch Kim Nhật Thành về tôi phải nhờ tùy viên quốc phòng của ta ở Triều Tiên đem ngay đi tráng thử một cuốn phim, thấy chất lượng phim tốt mới thật yên tâm, vì sợ bị họ soi chiếu làm hỏng. Mấy cuốn phim đã chụp và chưa chụp tôi phải bảo quản thật cẩn thận, luôn đem theo bên người cho đến khi rời khỏi xứ nhân sâm. Tôi có thói quen không bao giờ xin chụp ảnh chung với lãnh đạo cấp cao. Tôi nhớ có lần ở hội trưởng Bộ Tổng tham mưu có một hội nghị quan trọng. Giờ giải lao TBT Đỗ Mười chụp ảnh kỷ niệm với các đoàn xong liền nói: “Bây giờ chụp ảnh với các nhà báo nhé!”. Thế là đông đảo các nhà báo liền chạy đến đứng cạnh lãnh đạo. chỉ có một mình tôi đứng chụp ảnh. Anh em phóng viên đặt máy ảnh la liệt xung quanh tôi, ai cũng bảo tôi bấm giúp máy của họ một phát. Tôi chỉnh đội hình rồi giơ máy ảnh lên lấy nét bấm mấy kiểu rồi hô: “Chụp xong rồi ạ!”. Các phóng viên chạy ra lấy máy ảnh của mình và trách sao tôi không bấm máy ảnh của họ một kiểu. Tôi bảo: “Trời nắng nóng thế này để lãnh đạo đứng lâu quá không nên. Tôi đã chụp đây rồi, ai cần ảnh cứ điện thoại nhé!”. Bức ảnh trong bài viết này là chụp khi đoàn công tác của Bộ Quốc phòng ta đi thăm núi Kim Cương, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Triều Tiên. Hôm ấy, sau khi tôi chụp xong ảnh kỷ niệm cho các thành viên trong đoàn, Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê liền bảo: “Mình đã chụp ảnh với tất cả anh em trong đoàn rồi, chỉ còn Bảo là chưa…”. Tôi đưa máy ảnh nhớ anh em trong đoàn nhờ bấm cho một kiểu chụp chung với bộ trưởng. Ảnh không được nét lắm nhưng là một kỷ niệm ở xứ sở nhân sâm…

Hà Nội, ngày 19/12/2023

Tr. B

Bạn đang đọc bài viết "Đến xứ sở Nhân Sâm" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn