Chuyện tình nơi biên giới

Đại tá Đỗ Phấn Đấu (nguyên Chính ủy Đoàn KT-QP 337)

04/03/2024 06:51

Theo dõi trên

Lê Thu Thủy là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, sinh trưởng trong một gia đình “danh gia vọng tộc” ở quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đang là sinh viên ngành vật lý năm thứ hai, là “cây văn nghệ” tài hoa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, cuối tháng 7-1980, Thu Thủy cùng đội văn nghệ xung kích của nhà trường lên phục vụ quân dân biên giới. Cô được đến biểu diễn tại Sư đoàn 337 đang chốt giữ ở hướng Lạng Sơn.

 Chỉ vài ngày ngắn ngủi gần gũi, tiếp xúc mà hình ảnh cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đang ngày đêm bất chấp gian khổ hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương đã thức dậy trong nữ giáo sinh một tình cảm thương yêu khôn xiết. Sau chuyến công tác là những ngày tháng nôn nao khó tả. Ngoài những giờ học, lòng cô lại hướng lên biên giới, tự mỉm cười mỗi khi nghĩ tới ánh mắt trìu mến mà cương nghị như “gõ cửa trái tim” của chàng trai quê Diễn Châu, Nghệ An-Thiếu úy Hà Đăng Ninh, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 anh hùng thuộc Sư đoàn 337.

dt2htn-1709477518.jpg

Vợ chồng Lê Thu Thủy - Hà Đăng Ninh. Ảnh do tác giả cung cấp.

Năm tháng chậm chạp trôi bởi những cánh thư từ biên giới về Thủ đô chỉ chưa đầy 200 cây số mà đến tay người nhận đã hoen ố màu thời gian và trải qua biết bao bàn tay chuyển phát.

Đầu năm 1983, Thu Thủy tốt nghiệp đại học. Vượt qua bao khó khăn cách trở từ cả hai gia đình, dòng họ, anh lính miền quê nghèo xa xôi lam lũ mới kết duyên được với cô giáo Hà thành tài sắc vẹn toàn.

Sau ngày cưới, Thu Thủy từ chối sự can thiệp của cha mẹ muốn con gái cưng được dạy học ở thành phố và chuyển con rể về Thủ đô công tác, cô xin lên Lạng Sơn để gia đình được đoàn tụ, để hai vợ chồng cùng yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cô giáo Thủy được điều lên Lộc Bình, cách nơi đóng quân của chồng hơn 40 cây số. Bấy giờ, quân và dân vùng biên giới phải đối mặt với muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, hiểm nguy. Đường xa cách trở, phương tiện đi lại khó khăn, phải hàng tháng trời Thu Thủy mới được bám càng hai chặng xe chở than, chở đạn hoặc xe chuyển quân của bộ đội; lại còn phải băng rừng, lầm lũi cuốc bộ hơn 4 cây số, qua các bản Pa Phiêng, Nà Lầm để đến thăm chồng. Trên đường đi, cô ghé qua chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa mua dăm quả trứng, mấy bìa đậu, vài bơ lạc... bằng đồng lương ít ỏi thời bao cấp để lên góp vui cải thiện cùng bộ đội.

Những khoảng thời gian ngắn ngủi bên chồng thực sự là niềm hạnh phúc của cô vợ trẻ, cũng là niềm vui chung của toàn đơn vị. Mọi người gọi vui cô là “sĩ quan cơ động”... Tranh thủ lúc chồng lên chốt, Thu Thủy ra mé rừng, bên bờ suối kiếm rau rừng hoặc xuống bếp lo cơm nước cùng nuôi quân. Cũng vì thế, cán bộ, chiến sĩ nuôi quân tiểu đoàn phong cô giáo là “bếp trưởng”. Hơn một năm khát khao mong đợi, với hàng chục đợt băng rừng, lội suối thăm chồng, niềm vui đã đến với đôi vợ chồng trẻ. Khi vợ mang thai, Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Hà Đăng Ninh vô cùng vui sướng. Không kìm nén nổi hạnh phúc, anh chia sẻ niềm vui ấy cùng đồng đội. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn cũng khôn xiết mừng cho vợ chồng anh.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Ngày định mệnh đớn đau ập đến... Hôm đó vào dịp 26-3-1984, cô giáo Thủy đang phụ giúp nuôi quân chuẩn bị bữa trưa thì bỗng có tiếng pháo nổ chát chúa trùm lên một vùng biên giới. Khói bụi khét lẹt phủ kín điểm cao 339-khu vực đóng quân của đơn vị sát thị trấn Đồng Đăng. Cán bộ, chiến sĩ hối hả chuẩn bị chiến đấu. Quên cả việc mình đang bụng mang dạ chửa, cô giáo Thủy vội vàng đi theo phụ giúp các anh bộ đội.

Một lúc sau, Đại úy Ninh từ phía trước chạy về tìm vợ. Anh dặn dò các phương án sẵn sàng chiến đấu để tự vệ, hôn lên má vợ rồi lại vội vã chạy lên phía trước chỉ huy bộ đội.

Thu Thủy chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh đã mất hút vào khu vực trận địa. Vậy là trong chốc lát, cô trở thành chiến sĩ. Không kịp nghĩ ngợi gì hơn, cô vội vã khoác súng lên vai, nhanh nhẹn cùng mọi người chuyển đồ đạc, giấy tờ xuống hầm trú ẩn, sẵn sàng chiến đấu.

Sau khoảng một giờ, tình hình tạm bình yên trở lại. Bộ đội trở về nơi trú quân, thấy cô giáo súng vẫn quàng vai, tay khệ nệ ôm thùng tài liệu, người ướt sũng mồ hôi, ai đó thốt lên: “Trông kìa, cô giáo đã thành chiến sĩ. Không, phải là cả hai mẹ con đều là chiến sĩ mới đúng, phải không cô giáo?”. Thu Thủy không nói gì, chỉ liếc nhìn xuống bụng mỉm cười. Bỗng cô lên cơn đau bụng dữ dội, người vã mồ hôi lạnh toát, đầu choáng váng...

Sáng hôm sau, dù người đang hâm hấp sốt nhưng Thu Thủy vẫn cuốc bộ ra đường cái xin xe về trường. Vừa đưa túi xách cho Hồng Vân, cô bạn dạy cùng trường, Thu Thủy khuỵu xuống trong vòng tay người đồng nghiệp.

Cô tỉnh dậy trong bệnh viện Lộc Bình trước ánh mắt thương cảm của các y tá, bác sĩ. Mấy cô giáo dạy chung trường cùng các thầy thuốc bệnh viện đều lảng tránh sự thật. Nhưng không thể giấu mãi được, khi sức khỏe Thu Thủy khá hơn, bác sĩ mới lựa lời cho cô biết. Hai tai cô ù đi, chỉ còn nghe loáng thoáng câu an ủi: “Em còn trẻ, hai em còn nhiều cơ hội. Quan trọng bây giờ là em phải giữ gìn sức khỏe”.

Hơn hai tháng sau, dù người vẫn còn yếu, nhưng sợ Ninh lo lắng, Thu Thủy vẫn cố gắng lên chốt thăm chồng. Lần nữa, lảng tránh mãi, đêm trước khi chia tay, cô ôm chặt lấy chồng, áp vào ngực anh thổn thức, nức nở: “Chúng mình... mất con rồi anh ạ”!

Ninh dù đã ngờ ngợ có chuyện không hay vẫn cảm thấy bàng hoàng. Song, với bản lĩnh của một người lính, anh cố gắng bình tâm, an ủi, vỗ về vợ: “Chuyện xảy ra anh cũng rất buồn, nhưng không sao em ạ. Giờ em phải giữ gìn sức khỏe, rồi chúng mình sẽ lại có con”.

Hà Đăng Ninh vẫn kiên cường cùng đồng đội, đồng bào bám trụ nơi biên giới. Còn Thu Thủy, dẫu sức khỏe giảm sút, cô vẫn tỏ ra mạnh mẽ, không muốn về tuyến sau điều trị mà muốn sát cánh bên chồng để anh yên tâm chiến đấu. Có lẽ vì thế mà thể trạng cô ngày càng suy kiệt, việc sinh nở đã có lúc tưởng như vô vọng. Thương vợ, Hà Đăng Ninh đã bỏ lại biết bao cơ hội học hành. Anh coi việc được chăm sóc người bạn đời xinh đẹp, nết na, luôn sát cánh cùng anh trên trận tuyến là niềm hạnh phúc.

Đầu năm 1988, cô giáo Thu Thủy được cấp trên tạo điều kiện cho chuyển công tác về Thủ đô để tiện cho việc điều trị, hồi phục sức khỏe. Đến năm 1993, vợ chồng Đăng Ninh-Thu Thủy đón nhận niềm vui khi cháu Hà Đăng Quang chào đời. Cũng năm này, Thiếu tá, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Hà Đăng Ninh nghỉ hưu. Anh về Hà Nội để được gần gũi, bù đắp cho người vợ hiền, cũng là để có điều kiện chăm sóc con thơ.

Hơn 20 năm sống đầy đủ, hạnh phúc giữa Thủ đô hoa lệ nhưng nỗi nhớ mảnh đất Lạng Sơn chứa chan kỷ niệm vẫn luôn cồn cào, da diết trong tâm hồn vợ chồng Ninh-Thủy. Bởi vậy mà hằng năm cứ vào dịp tháng 2 và tháng 7, vợ chồng cô lại cùng đồng đội ngược lên biên giới. Sau những nén nhang tưởng nhớ đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, Thu Thủy không quên thắp nén nhang thơm tưởng nhớ sinh linh bé bỏng, mầm sống mà vợ chồng cô đã gửi lại nơi biên thùy.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện tình nơi biên giới" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn