Vĩnh Phúc: Miếu Khâu và sự tích tướng Lỗ Văn Hũ

Tiến Dũng

01/09/2021 12:23

Theo dõi trên

Miếu Khâu thuộc tổ dân phố Đồng Khâu, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thờ vị tướng thứ 5, Lỗ Văn Vũ, là một trong 7 vị tướng (7 anh em họ Lỗ) có công giúp nhà Trần đánh đuổi giặc Mông Nguyên. Đây là tích tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng năm 2015.

mieu-khau1-1630448411.JPG
Di tích lịch sử văn hóa miếu Khâu

Di tích Miếu Khâu có lịch sử xây dựng từ lâu đời, khi xưa chỉ là một ngôi nhà nhỏ 3 gian bằng gỗ được bố trí theo chiều dọc, nằm xa khu dân cư, ngoài xứ Đồng Khâu. Đây là nơi thờ Lỗ Văn Vũ , người thứ 5 trong 7 anh em họ Lỗ, còn được gọi là Lỗ Đinh Sơn, Thất vị đại vương, có công đánh giặc Mông Nguyên bảo vệ đất nước thời Trần ở thế kỉ XIII, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Cùng với nhiều di tích khác trên địa bàn. Miếu Khâu gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Vĩnh Yên.

mieu-khau4-1630448411.JPG
Mỗi khi tiệc hay ngày rằm, mùng một người dân  lại sắm lễ mặn hoặc lễ ngọt để dâng lên ngài

Tiệc chính của làng diễn ra vào ngày 11 tháng giêng âm lịch nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ các vị thần nhân có công với đất nước. Ngoài ngày lễ chính 11 tháng giêng, nhân dân còn tổ chức lễ tiệc vào các ngày: Mồng 3 tết tiệc khai quốc, 12/2 tế Xuân, 15/4 tiệc Dưa, và 15/7 tổ chức tiệc giỗ 7 anh em họ lỗ.

Về Danh tướng - Lỗ Đinh Sơn thất vị Đại vương được lưu truyền và sử sách ghi lại rằng: Bảy anh em nhà họ Lỗ đều là con ông Lỗ  Trọng và bà Khổng Thị Liên, người quê ở xã Bồ Lí, huyện Lập Thạch, vốn có nghề hái thuốc nam chữa bệnh. Khi lớn lên, bảy anh em đã có một thời không thần phục triều Trần, nhưng rồi được Thái sư Trần Thủ Độ thu dùng, sáu anh trai được phong chức quan Điển binh thị nội, người em út Lỗ Thị Bồ được phong làm Tham mưu việc quân.

Tháng Chạp năm Đinh Tị (đầu năm 1258), tướng giặc Nguyên Mông là Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân theo đường lộ Đại Lí (Vân Nam, Trung Quốc) xâm lăng nước Đại Việt, tiến đến Sông Thao. Bảy anh em nhà họ Lỗ nhập vào đoàn quân cứu nước do Trần Thủ Độ chỉ huy và đều được phong chức Tướng quân.

Ngày 12 tháng Chạp, quân Nguyên Mông tiến đến địa điểm Bình Lệ Nguyên (nay thuộc xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên). Vua Trần Thái Tông tự thân đốc chiến. Bảy anh em nhà họ Lỗ khi ấy cũng đang đón đánh giặc ở sông Lô (sông Hồng ngày nay), liền đem quân đến cứu, nhận lệnh đóng quân cản giặc ở động Tam Dương, huyện Tam Dương. Còn đại binh của quân Nguyên Mông đã tiến đến xã Nhật Chiêu. huyện Yên Lạc.

Ngày mồng 2 Tết năm Mậu Ngọ (1258), vua Trần Thái Tông ban cho sáu người anh mỗi người mệt thanh long đao, người em út được một đôi bảo kiếm. Mỗi người được một con ngựa chiến và một áo chiến bằng gấm, cùng một vạn quân tinh nhuệ để ra trận. Đến buổi đêm, bảy anh em cho quân sĩ giết gà, lập đàn thề ước,tuyển mộ thêm quân sĩ ở quê hương là các xã Bồ Lí, Hữu Thủ bổ sung quân cho nhà vua.

Sáng ngày mồng 3, đến xã Nhân Ngoại, huyện Tam Dương đội quân được nhân dân tưng bừng tiếp đón, mổ lợn khao quân, đương lúc tưng bừng thì được tin tiền đạo quân Nguyên Mông đang tiến đến gần, bảy vị Tướng quân kịp truyền lệnh dùng số thịt lợn còn chưa được nấu chín đó khao quân, còn tiết lợn thì dùng xoa lên trán quân sĩ để tỏ lòng quyết chiến tới cùng.

Trận chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, quân Nguyên Mông phải rút chạy về cố thủ ở xã Nhật Chiêu. Đạo quân của bảy vị tướng quân cấp tốc vây kín quân giặc, chém được hơn 1.000 tên. Số quân giặc do khiếp sợ nhảy xuống sông chết đuối, khiến dòng nước sông Lô có lúc tắc lại.

Ngày ca khúc khải hoàn, bảy vị đều được vua Trần phong tước Đại vương. Riêng bà Lỗ Thị Bẩy được ban tước hiệu: Đô dũng thống chế đại vương, đại tướng quân, lại còn được ban thưởng rất hậu và phong đất ngụ lộc ở vùng Đinh Sơn (Núi Đanh), nên gọi là Thất vị Lỗ Đinh Sơn.

Về sau, cả bảy vị đều mất ở núi Đanh. Tuy ngày mất có khác nhau, nhưng triều đình cho lấy ngày mồng 4 tháng giêng là ngày cúng giỗ chung. Sắc phong đề là Lỗ Đinh Sơn thất vị Đại vương. Lại phong riêng cho bà Bẩy là Ả lợi chàng lê hùng nữ công chúa.

Bộ Lễ triều Lê chép sự tích bảy anh em họ Lỗ vào mục Sơn thần của nước Nam được tôn thờ. Đền thờ chính: Xã Tích Sơn huyện Tam Dương. Có 5 di tích: Đình Cả thôn Vĩnh Ninh (về sau là phố Đồng Thái) thờ ba vị: Lỗ Văn Cường, Lỗ Văn Dũng và Lỗ Văn Mẫn; Miếu Đậu thôn Lông Đậu thờ vị Lỗ Văn Dực; Miếu Khâu làng Khâu (thôn Sơn Đồng) thờ vị Lỗ Văn Vũ; Miếu Sậu làng Sậu (sau là phố Sơn Tuyền) thờ vị Lỗ Văn Đài; Miếu Tướng xóm Tiếc thôn Vĩnh Ninh thờ vị Lỗ Thị Bồ, hiệu: Đô dũng thống chế đại vương, Lỗ Thị Bồ đệ nhất đại tướng quân. Nay đều thuộc về thành phố Vĩnh Yên.

Các di tích khác cùng thờ cúng có: Làng Miêu Duệ thờ ở đình Láng, Làng Hữu Thủ thờ ở đình Hữu Thủ, Làng Hướng Đạo thờ ở đình Hướng Đạo, Làng Hán Nữ, Làng Định Trung thờ ở thôn Yên Lập và đình thôn Thiện Kế, Làng Xuân Trường thờ ở đình thôn Mĩ Hổ, đều là vùng xung quanh núi Đanh có tới 18 điềm thờ tự.

Các lễ hội dân gian quanh vùng núi Đanh ngày nay còn in đậm dấu ấn một thời chinh chiến với tục cúng lễ bằng sinh huyết (tiết sống), sinh nhục (thịt sống), lệ tục kéo cờ, kéo dây, đánh gậy làm sống lại khí thế của ngày ra quân Tết năm Mậu Ngọ (1258).

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Miếu Khâu và sự tích tướng Lỗ Văn Hũ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn