Về nơi in dấu chân xưa

Nguyễn An Chiến

25/10/2023 20:55

Theo dõi trên

Cách đây 38 năm, tôi có dịp hành trình tới Đại Phác bằng chiếc xe đạp cà tàng hiệu Praha của Tiệp Khắc. Dù đường sá thời bao cấp còn gồ ghề, lởm chởm, nhưng với sức trẻ và lòng nhiệt huyết đạp vài chục cây số có sá gì.

1-1698229232.jpg
Tác giả Nguyễn An Chiến

Đại Phác hiện ra trước mắt tôi là một thung lũng đẹp xinh rất đáng nhớ. Ngòi Thia vắt qua xã tạo cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và trữ tình. Đại Phác là xã trung tâm của huyện Văn Yên có diện tích khiêm tốn. Một thời gian dài, Xã Đại Phác nằm chung trong xã An Thịnh. Đến năm 1967, Đại Phác tách ra khỏi An Thịnh thành một xã riêng và có tên như bấy giờ. Toàn xã chỉ có một nghìn hai trăm héc ta với hơn bốn nghìn nhân khẩu của hai dân tộc anh em Kinh và Tày sinh sống. Từ lâu đời, hai dân tộc nơi đây đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng, vun đắp cho Đại Phác ngày càng không ngừng lớn mạnh. Qua ngày hội văn hóa dân tộc Tày diễn ra vào cuối tháng sáu vừa qua càng khẳng định tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc nơi đây rất khăng khít. Ngày hội văn hóa của người Tày nhưng người Kinh đến đông như trẩy hội. Nhà văn hóa thôn gần như không còn sức chứa vì lượng người đến xem hội quá đông. Bao đời rồi mà lần đầu tiên xã tổ chức được ngày hội này. Dù còn có nét đơn sơ nhưng như thế cũng là cố gắng vì sự kiện diễn ra quá nhanh, trong khi mọi thứ liên quan tới ngày hội lại có chỉ ít ngày để chuẩn bị.


Từ sự đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc nơi đây nên Đại Phác có bước phát triển rất ngoạn mục về kinh tế, xã hội. Hàng năm, toàn xã gieo cấy 255 héc ta lúa ruộng hai vụ. Tổng thu gần 13 nghìn tấn lúa. Tiếp theo là cây ngô cũng có một vị trí rất quan trọng trong phát triển cây lương thực ở Đại Phác. Đã từ lâu, Đại Phác không bị thiếu đói, không còn cảnh tháng ba ngày tám có bữa nay phải lo bữa ngày mai. An ninh lương thực tương đối đảm bảo. Không chỉ có thế, Đại Phác đã ở một trình độ thâm canh rất cao. Cũng có thể do diện tích không lớn nên phát triển thâm canh là thượng sách. Theo dân gian: Muốn no thì phải trồng màu. Muốn giàu thì trồng cây công nghiệp. Nhưng hiện tại, Đại Phác không những giàu lên từ quế mà còn giàu lên từ cây màu thâm canh. Đồng đất màu mỡ lại có nguồn nước tưới tiêu rất thuận lợi từ Ngòi Thia, đảm bảo cho cây trồng đủ điều kiện sinh trưởng và phát triển. Nguyên tắc của xóm thôn cũng hết sức chặt chẽ. Hương ước được xây dựng từ chính người dân nên tính hợp lý rất cao. Gieo cấy hay thu hoạch đều có phường hội chứ không cứ mạnh ai nấy làm. Riêng gieo cấy, nhà nào làm nhanh cũng chỉ xong trước một tuần. Nhà nào chậm hơn cũng chỉ sau một tuần là hoàn thành. Theo những nhà kỹ thuật nông nghiệp, làm như vậy sâu bọ không có điều kiện oanh tạc khi không có những thửa ruộng chín quá sớm hoặc quá muộn. Còn khi thu hoạch, lúa có già đồng, ngô có vàng bẹ, gia đình cũng không được thu hái mà chờ ý kiến của xã thông qua Trưởng thôn truyền đạt. Như vậy, vừa đảm bảo tính tập thể cao, vừa tránh trộm cắp gây mất đoàn kết trong nhân dân. Quy ước ngặt nghèo của Đại Phác cần được nhân rộng trong huyện Văn Yên. Thậm chí là nhân rộng ra toàn tỉnh Yên Bái. Đó là nền nếp quy củ, đồng thời còn là nét đẹp mang tính truyền thống của nhân dân các dân tộc Đại Phác.

4-1698229289.jpg

Tất cả công việc làng xã đều có sự phối hợp nhịp nhàng. Lãnh đạo xã không phải việc gì cũng với tay tới tận dân mà luôn suy nghĩ, tìm những giải pháp phát triển. Công việc gắn liền nhất với nhân dân lại là các Trưởng thôn, Phó trưởng thôn. Nói có sách, mách có chứng. Hôm chúng tôi tới Đại Phác khoảng mười sáu giờ. Bóng chiều đã ngả nhưng Trưởng thôn Tân Thành Phạm Thị Lệ mới từ nhà ra kiểm tra đồng ruộng. Ngay cả khi bơm nước từ Ngòi Thia lên mương đổ về đồng ruộng cũng phải kiểm tra. Gia đình nào đủ thì thôi. Gia đình nào chưa đủ nước tưới thì bơm tiếp. Khi nào hộ cuối cùng không còn nhu cầu thì đóng máy bơm tránh lãng phí nguyên, nhiên liệu. Cô Trưởng thôn 33 tuổi này rất năng động. Thấy việc là xắn tay vào cùng lo cho dân chứ không chỉ đứng chỉ tay năm ngón. Chính vì lẽ đó, nhân dân trong thôn rất yêu quý và khâm phục cô Trưởng thôn tuổi trẻ năng động, nhạy bén, sáng tạo này.


Đi trên cánh đồng trồng bí đao cùng với Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đại Phác Phạm Văn Tiến, chúng tôi mới thấy được giá trị của việc thâm canh tăng vụ. Quả thực, từ trước đến nay, tất cả đều giao dịch ngoài chợ. Cứ thích hàng rau, củ, quả nào là mua. Chứ ít ai biết về người trồng. Không thể ngờ những giàn bí xanh sai trĩu trịt như muốn đổ giàn luôn lại đang có mặt ở xã Đại Phác. Mặc dù giàn làm bằng tre rất chắc. Bí xanh non mơn mởn. Nhung nhúc như lợn con. Phải nói là dân Đại Phác của Văn Yên có một trình độ thâm canh, chuyên canh cao không kém gì so với các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các gia đình trồng bí xanh thuộc khu vực quy hoạch đất trồng màu. Xã quy hoạch khoảng 10 héc ta cho trồng rau màu các loại và trồng dâu nuôi tằm. Phải nói rằng, chất lượng bí đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn OCOP. Thuốc trừ sâu làm bằng sinh học, an toàn mà hiệu quả. Thuốc sẵn sàng tiêu diệt những sâu bệnh hại và giữ lại những côn trùng có lợi cho mùa màng. Quả bí căng, mập, dài hàng mét. Ăn giòn, ngon, không nát. Nấu bí với thịt gà, thịt vịt, thịt ngan hay với xương hầm đều ngon. Bí luộc chấm với muối vừng cũng rất thời thượng. Ai có nhu cầu ép nước uống giải khát đảm bảo cực kỳ an toàn. Hiện tại, bí đao ở Đại Phác đang rất sẵn. Giá chỉ 5 nghìn đồng 1 ki lô gam. Ai mua độ vài yến lại được chủ vườn tặng một vài quả, như để ra vốn cho vụ sau. Gia đình anh Phạm Văn Cường thôn Tân Thành trồng một mẫu bí xanh. Theo anh tiết lộ: gia đình mới chỉ thu hoạch sơ sơ đã được khoảng hai mươi tấn. Có lẽ hết vụ cũng phải được năm mươi đến sáu mươi tấn. Đấy. Đâu chỉ no đủ từ trồng màu mà anh Cường thực sự giàu lên từ lĩnh vực này. Trực tiếp là giàn bí xanh sai trĩu trịt, nhung nhúc như lợn con.
Đại Phác là xã trung tâm của huyện Văn Yên. Từ đây, mạch máu giao thông tỏa đi và nối liền với các nơi. Những con đường nối liền với An Thịnh, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Yên Phú đi lại rất thông thoáng. Tới đây, khi cây cầu gần trăm tỷ nối liền Đại Phác với Yên Phú qua Ngòi Thia được xây dựng thì Yên Hợp, Xuân Ái và Viễn Sơn qua các nơi không thể thuận lợi hơn là đi qua Đại Phác. Trong tương lai gần, con đường từ Mỏ Vàng nối liền với Văn Chấn đưa vào sử dụng thì khoảng cách từ Mậu A đi huyện Văn Chấn chỉ còn trên 50 ki lô mét. Quá thuận lợi cho việc giao thương giữa các nơi với Đại Phác quê nhà. Xác định là xã trung tâm nên mọi thứ dường như cũng phát triển theo đúng quy luật cuộc sống. Bây giờ đến với Đại Phác, đâu chỉ là những con đường mòn của cách đây những bốn mươi năm mà mọi thứ đều khang trang, thông thoáng, sạch đẹp. Gọi là “Phố trong làng” quả cũng không sai. Giao thông là thứ quan trọng vào bậc nhất để phát triển thì xã và huyện ưu tiên hàng đầu cho lĩnh vực này. Khi có chủ trương mở rộng đường, không thể tránh khỏi nhân dân hiến đất. Mới đầu nhiều hộ cũng không muốn hiến bởi đất vàng sinh lợi hàng ngày. Xã thực hiện phương thức chỗ nào dễ làm trước, khó làm sau. Thậm chí những đoạn đường làm xong, hai bên nhà được xây dựng khang trang trông rất đẹp mắt đã thôi thúc những nơi khác làm theo. Thế là khi họp thôn vận động nhân dân, ai ai cũng đồng lòng hưởng ứng. Thế rồi đất vàng của các gia đình cũng được hiến cho ra đời những con đường đẹp ở cả hiện tại và tương lai. Phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã tạo ra những con đường rộng lớn. Đúng là đường thông, hè thoáng. Đường đi đến đâu, kinh tế, xã hội phát triển đến đấy. Đường trục cũng như các nhánh trong xã đã đạt ở cấp độ theo tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đại Phác có thể được coi là trung tâm vùng của Văn Yên mới đúng.


Vẫn theo chân Nguyên Bí thư Đảng ủy xá Đại Phác Phạm Văn Tiến, chúng tôi tới thăm đập thủy điện Đồng Sung. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những đồi quế xanh ngút mắt. Quế của Đại Phác cũng trồng khá đặc biệt. Hầu hết 600 héc ta quế đều đã cho thu hoạch. Bà con thu hoạch đến đâu trồng mới bổ sung đến đó. Cho nên rừng quế nói riêng, độ che phủ rừng của Đại Phác nói chung đạt tới 65%, là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất nhì huyện Văn Yên hiện nay. Quế ở Đại Phác chủ yếu là quế vỏ và quế sáo. Bà con thu gom quế tươi về thuê người bào, rạch phơi khô bán cho thương nhân. Đây cũng là một hình thức tạo công ăn việc làm cho bà con có thêm thu nhập. Thủy điện Đồng Sung do Công ty cổ phần Xuân Thiện (Yên Bái) làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng từ năm 2018. Đến năm 2021 cho vận hành và đưa vào sử dụng hòa lưới điện quốc gia. Công suất nhà mày là 21 MW. Sản lượng điện hàng năm đạt tới 68 triệu KW giờ. Nhà máy không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân bởi quy trình vận hành theo nguyên tắc rất nghiêm ngặt. Khoảng 10 giờ của một ngày cuối tháng sáu, chúng tôi lên đập thủy điện Đồng Sung. Khi đó hạ lưu Ngòi Thia gần như cạn nhe. Nhưng chỉ sau vài phút sả cửa cống, mực nước hạ lưu Ngòi Thía lên vù vù. Đủ điều kiện để máy bơm bơm nước tưới cho ruộng đồng của cả một khu vực Đại Phú An rộng lớn. Ở đây còn nuôi trồng thủy sản và là điểm du lịch sinh thái cho những ai có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn. Công trình này cũng tăng thêm vẻ đẹp, tạo cảnh quan cho quê hương Đại Phác trong thời kỳ đổi mới.

2-1698229327.jpg

Về Đại Phác hôm nay, mọi thứ đều thay đổi khác xa so với gần bốn mươi năm trước. Không còn cảnh những ngôi nhà lúp súp, những con đường gồ ghề ổ trâu, ổ voi, thậm chí có chỗ bùn lầy nước đọng. Đời sống của nhân dân được nâng lên đáng kể. Tất cả sự thay đổi ở đây đều do nhân dân quyết định. Phương châm Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ được phát huy tối đa.

Đại Phác đang là xã dẫn đầu tất cả các lĩnh vực của huyện Văn Yên. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy được thế mạnh từ người dân. Đảng bộ xã xây dựng các chủ trương, đề án, kế hoạch công tác. Trong đó chú trọng chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ sau năm năm bắt tay vào xây dựng, Đại Phác đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Cũng là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới khá sớm của tỉnh Yên Bái. Trên đà đi tới, Đại Phác không để tình trạng các tiêu chí chỉ hoàn thành ở mức độ tối thiểu mà tiếp tục phấn đấu là xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Vẫn là 19 tiêu chí đó thôi, nhưng đó là những tiêu chí thực chất bền vững. Cụ thể là toàn xã tập trung cho đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Cổ vũ nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để tăng thu nhập cho người dân. Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, Đại Phác không ngừng tìm tòi hướng đi sao cho có hiệu quả nhất. Làm sao tăng thu nhập tốt nhất cho bà con. Chính sự tìm tòi đã đưa Đại Phác đến với những cách làm mới. Hình thành vùng sản xuất lúa Chiêm Hương chất lượng cao. Mô hình sản xuất chuyên canh quế. Mô hình thâm canh rau màu sạch và an toàn. Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm xa khu dân cư. Sau khi lựa chọn và đưa những mô hình sản xuất áp dụng vào thực tế, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Từ chỗ thu nhập bình quân của người dân năm 2014 chỉ đạt 22 triệu đồng một năm thì đến hết năm 2022, thu nhập bình quân của người dân nơi đây đã ở mức rất cao với 50 triệu đồng một năm. Ở nông thôn mà có mức thu nhập bình quân đầu người cao như thế này cũng là rất hiếm hoi.

3-1698229372.jpg

Về Đại Phác hôm nay, tất cả các con đường dọc ngang hay đường nội đồng đều được bê tông hóa. Việc quy hoạch bài bản đã giúp cho Đại Phác có một vùng nông thôn rộng lớn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp. Gọi Đại Phác với cái tên “Phố trong làng” quả cũng không sai. Bốn mươi năm về trước, có nằm mơ giữa ban ngày cũng không tìm đâu ra một căn nhà xây nơi đây. Thế mà nay, nhà xây cứ san sát mọc lên. Nguồn lực chủ yếu dựa vào cây quế, trồng màu, chăn nuôi. Thôi thì mỗi thứ một tý đủ để cho các gia đình xây dựng cho mình căn nhà ưng ý. Chính sự quy hoạch khoa học đã giúp cho Đại Phác quy củ và không ảnh hưởng đến đất sản xuất nông, lâm nghiệp màu mỡ, phì nhiêu. Cô bạn gái Phạm Thị Luyến của tôi vất vả một nách hai con mà vẫn xây được ngôi nhà khang trang, đàng hoàng, rộng rãi, thoáng mát, mọi tiện nghi đủ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Như thế, nông thôn có kém gì những đô thị lớn đâu. Chợ nông thôn Đại Phác pha trộn giữa đô thị với miền quê. Các mặt hàng của dân tự sản xuất mang ra bán cũng nhiều mà hàng từ các nơi đổ về cũng không ít. Chợ là nơi giao thoa để Đại Phác phát triển. Hàng hóa dồi dào phục vụ nhân dân khắp làng trên, xóm dưới. Các gia đình không phải đi chợ thị trấn Mậu A mua bán, trao đổi sản phẩm xa hàng chục ki lô mét như trước đây.


Lại nói về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên chọn Đại Phác là xã duy nhất xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Rõ ràng huyện cũng đã nhìn thấy khả năng hoàn thành sớm của xã này. Sức vươn của Đại Phác cũng rất nhanh. Nghĩa là sự kỳ vọng của huyện là có cơ sở. Từ nông thôn mới nâng cao tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu là cả một quá trình phấn đấu. Sau một năm miệt mài phấn đấu, từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân trong xã đã đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả cuối cùng là tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt so bộ tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ ban hành trong giai đoạn 2021 - 2025. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Cảnh quan môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn các khu vực được đảm bảo. Thôn Tân Thành, thôn trung tâm của xã được chọn là thôn thông minh. Từ đây, Thôn Tân Thành được củng cố và nâng cấp một số hạng mục cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhà văn hóa thôn được tu sửa khang trang, đàng hoàng, có nối mạng internet và gắn biển số nhà dân trong thôn. Tiện cho việc quản lý và phù hợp với thôn thông minh thời công nghệ 4.0.  Xã đã phát huy và duy trì tốt giá trị văn hóa vùng, miền. Cũng trong tháng sáu năm 2023, ngày hội văn hóa dân tộc Tày ở Đại Phác được tổ chức. Đây là ngày hội nhằm khơi dậy nét văn hóa truyền thống dân tộc Tày nơi đây. Sống ở vùng đất có Ngòi Thia đi qua, đất đai bằng phẳng, phù sa màu mỡ đã tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Tày nơi đây với đặc thù của cư dân văn hóa bắc bộ. Trong đó nông nghiệp, nông thôn, nông dân mang tính chủ đạo. Qua ngày hội văn hóa này cũng mong muốn xã Đại Phác và huyện Văn Yên có ý thức bảo tồn nền văn hóa đặc sắc đã gắn bó với dân tộc Tày hàng nghìn đời nay đang có nguy cơ bị mai một.

5-1698229419.jpg
 

Sự bứt phá đi lên và thành công của Đại Phác được sự ủng hộ ở cả ba yếu tố: thiên thời -  địa lợi - nhân hòa. Làm đâu được đấy và rất thuận lòng dân. Sức mạnh và nguồn lực trong dân là vô cùng quan trọng. Huy động nguồn lực trong dân đã giúp cho Đại Phác đổi thay, lớn mạnh từng ngày. Tuy nhiên, Đại Phác cũng còn những khó khăn nhất định. Đó là số hộ nghèo trong xã còn chiếm tới 6,83 %. Sản xuất chủ yếu vẫn là nông, lâm nghiệp mang tính thủ công. Nguồn thu ngân sách xã còn rất hạn hẹp, ảnh hưởng lớn đến sự kích cầu đầu tư. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì nhiều nhưng chưa được khai thác triệt để. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã hợp lý nhưng còn chậm. Chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún. Chưa tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm của nhân dân làm ra. Song, bước đi của Đại Phác là phù hợp với thực tế địa phương. Trước hết là Đảng bộ và nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mỗi người dân đều hăng hái ủng hộ chủ trương lớn của Đảng bộ là xây dựng Đại Phác ngày càng phồn thịnh, phát triển và lớn mạnh. Lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của xã đang rất sung sức, vừa trẻ, khỏe, có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Sức mạnh quan trọng hơn cả là truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh và Tày nơi đây, cùng nhau xây dựng và phát triển, làm cho Đại Phác trở thành địa phương giàu đẹp. Biến khó khăn thành thuận lợi là công việc Đảng bộ và nhân dân Đại Phác đang thực hiện và rất thành công. Đó cũng là chìa khóa mở ra hướng đi cho nền kinh tế - xã hội của Đại Phác trong hiện tại cũng như tương lai. Ở một góc nhìn thông thoáng hơn, huyện Văn Yên có thể xây dựng Đại Phác thành thị tứ. Bởi nơi đây hội đủ các yếu tố cần thiết để phát triển lên thị tứ trung tâm. Như vậy, Đại Phác sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn khi có sự giao thương, giao thoa với các xã bạn và các địa phương trong tỉnh Yên Bái cũng như các nơi khác trong cả nước.
Về nơi in dấu chân xưa. Gần bốn mươi năm về trước chỉ còn lại trong tôi những ký ức kỷ niệm xưa. Đại Phác trong những năm qua và hôm nay phát triển với tốc độ cao đến chóng mặt. Mừng vì quê hương đổi mới.  “Phố trong làng” đang hiện hữu chính trên quê hương Đại Phác của Văn Yên mến yêu.


Đại Phác, tháng 6 năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Về nơi in dấu chân xưa" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn