Từ quan lang người Mường trở thành 1 Chỉ huy trong đoàn quân Tây Tiến

Phạm Thúy Hậu

25/12/2021 22:33

Theo dõi trên
dinh-cong-niet-1640446242.jpg
Ảnh, Minh họa... liên quan đến Lính cả xưa và nay do tác giả chọn lọc

 

Được biết, ông Niết thuộc dòng họ Đinh Công ở vùng đất Mường Cời -Tân Vinh - Lương Sơn (Hòa Bình) vốn là một chi nhánh chia tách của dòng họ Đinh Công ở Mường Động đời thứ 19. Anh em ông - họ Đinh Công xuất thân là Quan Lang: Đinh Công Huy, Đinh Công Niết, sau khi được giác ngộ lý tưởng cách mạng đã từ bỏ tước vị Quan Lang để trở thành những chíến sĩ cách mang và yêu nước. Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Đinh Công Niết được bầu làm Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Lương Sơn; sau đó ông Niết là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 162 trực thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến. Sau này Tiểu đoàn 162 được đổi tên thành Tiểu đoàn Đinh Công Niết.

  Theo ghi chép lịch sử, sau khi đánh chiếm và bình định xong các địa bàn chủ yếu (Thu Đông năm 1947 – 1948), quân Pháp đã thiết lập một hệ thống đồn, bốt dày đặc nhằm kiểm soát địa bàn dọc theo tuyến đường số 6, đường 12, đường 21. Đồng thời, chúng tăng cường đưa quân đi càn quét, đánh phá các khu du kích và vùng tự do hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta. Để làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của giặc Pháp, ta đã chủ trương tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, phát động toàn dân đánh giặc. Trong đó, lực lượng nòng cốt là các đội du kích tập trung. Vì vậy, các khu du kích trong tỉnh lần lượt được thành lập, trong đó có khu du kích huyện Lương Sơn. Khi đó, Ban cán sự Đảng tỉnh giao nhiệm vụ cho ông Đinh Công Niết, Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Lương Sơn làm khu trưởng khu du kích. Các đội du kích dưới quyền chỉ huy của ông đã khuấy động một vùng rộng lớn; đánh nhiều trận diệt xe cơ giới, tiêu hao sinh lực địch. Quân lính đồn trú ở các bốt Đồng Bái, Gò Cời, Đồng Chúi, Rổng Vòng, Núi Chòm... đều khiếp sợ trước uy thế của quân du kích do Đinh Công Niết chỉ huy.

-  Vào tháng 3.1949, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 quyết định thành lập Tiểu đoàn Đinh Công Niết và chỉ định Đinh Công Niết làm tiểu đoàn trưởng. Có lẽ đây là tiểu đoàn duy nhất của nước ta trong kháng chiến chống Pháp mang tên một vị xuất thân là Quan Lang người Mường.

  Cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn hầu hết là những người dân tộc thông thạo địa hình rừng núi, họ án ngữ cả vùng cửa ngõ Tây Bắc. Các đơn vị Vệ quốc đoàn tiến lên nơi sơn lam chướng khí này đều được bảo vệ, tiếp tế. Còn giặc Pháp bạt vía kinh hồn trước những chiến binh Mường thoắt ẩn, thoắt hiện của Tiểu đoàn Đinh Công Niết.

  -  Ông Đinh Công Niết (1913 - 1994) tham gia cách mạng từ rất sớm: tháng 3.1945 được kết nạp vào Mặt trận Việt Minh, chỉ huy giành chính quyền ở châu Lương Sơn tháng 8.1945.

-  Ngày 1/7/1947, Hồ Chủ tịch, TM Chính phủ đã khen ngợi ông Đinh Công Niết, Nguyên Chủ tịch châu Lương Sơn (Hòa Bình):

“Tôi thay mặt Chính phủ, gửi lời khen ông đã tận tâm làm việc kháng chiến, và đã kêu gọi đồng bào Lương Sơn hăng hái tham gia kháng chiến. Mong ông cố gắng hơn nữa, Chính phủ sẽ ghi nhớ công trạng của ông. Chào quyết thắng Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh”.

-  Trước đó, vào ngày 6.6.1947, ông Đinh Công Thiết đã được Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tặng giấy khen.

-  Tháng 9.1949, ông Đinh Công Niết được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương

 -  Những người lính Tây Tiến biết rõ Đinh Công Niết khi làm Trung đoàn phó Trung đoàn 12 đã phụ trách tác chiến, tham gia chỉ huy giải phóng Hòa Bình, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 1954, chuyển về Hà Nội, ông công tác tại Ủy ban Dân tộc miền núi cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 60.

  *** Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Tư lệnh Quân đoàn I, Tiểu đoàn phó của Tiểu đoàn Đinh Công Niết, đã viết về người chỉ huy của mình:

“Không ngày nào quân Pháp và ngụy binh đi lại, vận chuyển trên đường số 6 mà không bị mìn đổ xe hoặc bị bắn tỉa chết và bị thương vài tên. Anh Đinh Công Niết đã bỏ nhiều công lao sức lực đi đến các đơn vị động viên bộ đội và luôn là đầu mối quan trọng kết hợp Đảng - chính - quân - dân ở địa phương”.

  -  Khi đất nước thống nhất, nghe tin ông Đinh Công Niết ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), tướng Nguyễn Hòa tới thăm. Ông xót xa vì không ngờ gia cảnh ông bà Quan Lang năm xưa lại khó khăn đến thế. Tướng Nguyễn Hòa viết:

“Hai ông bà già sống trong một căn phòng 9 m2, lương hưu 300 đ/tháng. Đồ đạc trong nhà chỉ có 2 tấm phản thô. Duy nhất trên bức tường loang lổ vì căn nhà chưa quét vôi lại, vẫn được treo trang trọng 2 bức thư: Một của Bác Hồ viết cho anh Đinh Công Niết ngày 1.7.1947, một của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho anh ngày 6.6.1947, khen ngợi ông đã giúp đỡ các đoàn vệ quốc tiến về phía Tây giết giặc Pháp”.

Tướng Nguyễn Hòa liền phản ảnh trực tiếp với Chủ tịch Quốc hội lúc đó về hoàn cảnh của gia đình Đinh Công Niết. Đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán Nhâm Thân (1992), ông Nông Đức Mạnh đã đến thăm và chúc tết gia đình ông Đinh Công Niết. Đó là một chút niềm vui sưởi ấm lòng ông bà lúc tuổi già bóng xế chiều; bởi sau đó 2 năm ông Niết đã qua đời (1994)

***Tuy nhiên, không biết vì sao mãi đến ngày 1/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình mới quyết định công nhận ông Đinh Công Niết là người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa và ngày 20/3/2018 mới trao QĐ cùng tiền trợ cấp cho con gái ông Niết. (theo báo điện tử Tỉnh ủy Hòa Binh-NST ).

Trần Chân PHH sưu tầm và giới thiệu- nguồn TL chính Báo Hòa Bình

Nguồn: Mỗi ngày một câu chuyện lịch sử

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Từ quan lang người Mường trở thành 1 Chỉ huy trong đoàn quân Tây Tiến" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn