Thuyền trưởng Tàu không số Phạm Văn Phí: Kỳ 1: Sự hy sinh bi hùng của Tầu 603 Đoàn Tầu không số

Tống Hồng Quân

24/02/2024 15:10

Theo dõi trên

Kính tặng Thuyền trưởng Tàu không số Phạm Văn Phí nhân sự kiện vợ chồng ông cùng nhận huy hiệu 60 năm tuổi đảng (Viết theo lời kể của các CCB đoàn tàu không số)

Nhật Lệ là tên một loại tầu vận tải của đoàn 125 Hải quân. Loạt tầu 10 chiếc được đánh số từ 1 đến 10 - Nhật Lệ V601, Nhật Lệ V602... Nhật Lệ V609, V610.

Năm 1972, chiến sự đang nóng lên từng ngày. Tin tình báo của ta ở nước ngoài cho biết, Mỹ sẽ dùng B52 đánh miền Bắc.

dt1ahs-1708761919.jpg

Thuyền trưởng V603 Phạm Văn Phí.

 

Đoàn 125 vừa lập phương án sơ tán vừa tiếp tục thực hiện các chuyến tầu sẵn sàng chở hàng vào miền Nam.

Thiếu úy Phạm Văn Phí là thuyền trưởng tầu V603.

Vào cái ngày định mệnh 16/4/1972, tầu thả neo trên sông Cấm, ngang Lò Rèn phía Thủy Nguyên - Hải Phòng.

Trên tầu đã chất đầy 200 tấn súng, đạn, thuốc men, dụng cụ y tế. Tầu đang chờ lệnh lên đường vào Nam.

dt2ahs2-1708761856.jpg

Tác giả Tống Hồng Quân (bên phải) cùng Thuyền trưởng Phạm Văn Phí tại tư gia tháng 2/2024. Cả 2 ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thuyền trưởng Phạm Văn Phí lên bờ trực ban tác chiến ở tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 3 theo lịch. Thuyền phó Nguyễn Văn Lanh trực chiến tại tầu. Hôm trước thuyền phó Lanh tâm sự và báo cáo thuyền trưởng xin đổi lịch trực ban. Anh sẽ trực ngày 16/4 thay cho ngày 1/5 vì ngày 1/5 vợ anh lên thăm. Hai vợ chồng lấy nhau gần 5 năm mà chưa có con. Thuyền trưởng Phí vui vẻ đồng ý.

14 giờ ngày 16/4/1972, còi báo động vang lên. Tiếng loa phóng thanh vang khắp thành phố:

- Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hải Phòng 50 km về phía đông. Các lực lượng vũ trang sẵn vàng chiến đấu. Đồng bào nhanh chóng bào hầm trú ẩn!

Chỉ mươi phút sau, bầu trời như bị xé rách bởi tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Hàng đàn máy bay Mỹ sẹt tới. Pháo cao xạ của sư đoàn phòng không 363, trung liên, đại liên và súng bộ binh của các đơn vị dân quân đồng loạt bắn vào đàn máy bay Mỹ bay rất thấp, nhìn rõ cả số hiệu máy bay. Tiếng gầm rít của máy bay, tiếng pháo phòng không lục bục trên bầu trời.

Bom, rốc két của Mỹ bắn như đổ lửa vào tầu 603. Tầu trúng bom, đạn, cháy ngùn ngụt, khói đen trùm kín con tầu. Thủy thủ Phạm Hồng Hải bị đạn gãy tay, đau quá kêu ầm ĩ. Thợ máy Chúc bị mảnh bom phạt vào mông, máu chảy đầm đìa. Một thủy thủ khác không bị thương nắm thắt lưng hai người đẩy xuống sông. Chỉ mươi phút sau một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Thuốc nổ trong tầu nổ, đạn trong hầm hàng nổ. Con tầu nị lật úp. 8 thủy thủ trên con tầu hy sinh cùng lúc. Xác không còn nguyên vẹn. Tầu 609 neo bên cạnh cũng trúng tên lửa và bị bộc phá của tầu 603 làm bị thương. 5 người trên tàu 609 hy sinh. Con tầu bị rách, thủng to như cái mẹt. Nước vào đầy khoang lái.

Tầu Nhât Lệ 603, 609 và một số tầu thuyền khác của dân đang neo đậu trên sông, nằm trong vệt bom B52 bị trúng bom, tên lửa Mỹ cháy rừng rực. Mươi phút sau, bộc phá cảm tử gắn trên tầu bị kích nổ. Thuyền trưởng Phạm Văn Phí đang trực ban trên tiểu đoàn 3, nhìn thấy một cột khói cao như cái nấm trên bầu trời kèm những tiếng nổ long trời. Sức công phá của gần 3 tấn thuốc nổ cùng đạn trong hầm hàng đã xé tầu V603 tan thành ngàn mảnh. Đuôi tầu úp sấp xuống mặt sông, bánh lái như chiếc chong chóng vàng đen, trồi trên mặt nước. Mảnh tầu văng lên đầy mặt đê. Các hòm hàng nặng hàng tạ văng lên cả Quốc lộ 5. Chiếc cần cầu trên tầu nặng hàng tấn mà bị văng lên bờ cách nơi tầu neo vài trăm m. Sóng do bom tạo nên trào lên ào ạt cả hai bờ sông Cấm. Ba thủy thủ Phạm Hồng Hải ( Hà Nội) phụ trách 12ly7 ở mũi tầu bị trúng mảnh bom, gãy cánh tay phải. Nguyễn Văn Chức ( Thái Bình ) bị thương vào mông) họ đau đớn kêu cứu ầm ĩ. Máu chảy đỏ cả boong tầu. Y tá Nguyễn Văn Khoa túm thắt lưng hai thủy thủ đẩy xuống sông. Không biết họ tự bơi hay sóng đánh mà dạt vào bờ, được bộ đội dân quân cấp cứu. Cán bộ thủy thủ trên tầu hy sinh 8 người, chỉ còn 4 người sống sót, trong đó có 2 người bị thương.

Ngay khi máy bay Mỹ bay đi. Cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 3 và bộ đội dân quân ào đến cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người hy sinh. 7 người trên tầu mất xác, chỉ còn những mảnh phổi đỏ hồng nổi trên mặt sông. Một xác chết không đầu vướng vào bụi sú dưới cảng K20. Nhờ tấm chứng minh thư Quân đội trong túi áo, người ta mới biết đó là báo vụ Hà Văn Động quê ở Thủy Nguyên - Hải Phòng.

Tầu 609 neo bên cạnh cũng trúng bom bị rách, thủng vỏ tầu, cháy nghi ngút. Thuyền trưởng Nguyễn Đình Tư ( Tư tỏi ) bị thương vào bụng. Thuyền phó Nguyễn Văn Vịnh cùng 4 thủy thủ hy sinh ngay trên tầu.

Trong trận bom ngày 16/4/1972, 13 cán bộ chiến sỹ tầu 603 và 609 đã hy sinh. Tầu 603 tan thành ngàn mảnh chìm dưới lòng sông CẤM Hải Phòng.

Ngay tối hôm đó, thuyền trưởng Phạm Văn Phí được điều động sang làm thuyền trưởng tầu 609. Ông đưa tầu về cảng Đá Bạc sửa chữa tạm rồi đưa sang xưởng lớn, lên đốc sửa chữa.

Vào những buổi CCB đoàn Tầu không số TP Hải Phòng gặp mặt, thân nhân của liệt sỹ Hà Văn Động và các liệt sỹ tầu 603, 609 đều được mời đến dự.

Sự kiện ngày 16/4/1972 ghi đậm trong tâm trí người dân Hai bờ sông Cấm Hải Phòng và cán bộ chiến sỹ đoàn tầu không số, đoàn 125 Hải quân.

Tầu 603 ra đi bi hùng ngay tại sông Cấm Hải Phòng như vậy đấy.

( Còn tiếp )

T.H.Q

Bạn đang đọc bài viết "Thuyền trưởng Tàu không số Phạm Văn Phí: Kỳ 1: Sự hy sinh bi hùng của Tầu 603 Đoàn Tầu không số" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn