Kỳ 46.
Vào thế kỷ VII đạo Hồi do nhà Tiên tri Mohamed sáng lập ở Arabia Saudi. Việc thống nhất tôn giáo, thờ một vị thần là thánh Allah đã làm cho thế giới Arab thống nhất quốc gia và chính trị. Arab thành một đế quốc Hồi giáo hùng mạnh bành trướng khắp Trung Đông, Trung Á. Từ Bắc Phi những đoàn thương nhân đã dùng lạc đà xuyên qua sa mạc Sahara đến Tây Phi dùng hàng hóa đổi lấy vàng. Ngược lại người Tây Phi cũng đã qua sa mạc bằng lạc đà dùng vàng đổi lấy muối ở Bắc Phi. Lâu dần ở rìa phía Nam thuộc Tây Sahara hình thành những thị trấn nhỏ do những người Phi đứng đầu chuyên đổi vàng để lấy muối, một sản phẩm quí hơn cả vàng đối với người Tây Phi. Nhờ việc giao lưu buôn bán, thế kỷ VIII vương quốc Ghana càng trở nên hùng mạnh do kiểm soát được mỏ vàng gần sông Senegal. Sự giao lưu buôn bán đã làm cho vương quốc Ghana liên kết được với mạng lưới kinh tế chính trị thế giới. Tây Phi đã tiếp xúc với thương nhân và những nhà truyền bá Hồi giáo thế kỷ XI, mở đường cho Hồi giáo xâm nhập Tây Phi, trong đó có Ghana. Năm 1076 người Alnoravit chinh phục Ghana. Vương quốc Ghana suy yếu. Nhưng bắt đầu từ đây, vùng thảo nguyên phía Nam sa mạc Sahara trở thành một bộ phận của tuyến đường mậu dịch liên kết Tây Phi với thế giới Hồi giáo. Các vị vua và không ít cư dân của các vương quốc Tây Phi, trong đó có Mali trở thành tín đồ của thánh ALa.[1]
Sau Khi đạo Hồi du nhập vào Tây Phi, các vương quốc vùng này, trong đó có Mali bước sang thời kỳ trung đại- phong kiến.
2.3.Thời kỳ Trung đại. `
-Vương quốc Mali: Bắt đầu thời kỳ phong kiến của Tây Phi là vương quốc Mali thay thế vương quốc Ghana với sự thống trị của vua phong kiến Hồi giáo và những quan lại qúy tộc theo tôn giáo này. Ngay từ khi mới ra đời vào thế kỷ XII Mali đã trở thành một vương quốc hùng mạnh nhất châu Phi. Mali cường thịnh nhất vào thế kỷ XIII dưới vương triều Xunđia Caayta. Thế lực của vương quốc bao trùm lên cả phía Bắc sông Niger. Mali đạt đỉnh cao của quyền lực vào thế kỷ XIV. Trong thời gian tồn tại của vương quốc Mali, các thành phố lớn đã được xây dựng như Dienne, Timbuktu…Những thành phố này đã trở thành những trung tâm thương mại và học thuật Hồi giáo với những học giả có kiến thức uyên bác hiểu biết nhiều ngoại ngữ. Cuối thế kỷ XIV vương quốc Mali suy yếu do những mâu thuẫn chia rẽ nội bộ. Vương quốc này được thay thế bằng vương quốc Songhai.
-Vương quốc Songhai: Tộc người Songhai sinh sống ở miền Tây Bắc Tây Phi. Vào thế kỷ XI người Songhai đã theo Hồi giáo. Thế kỷ XII người Songhai đã làm chủ vùng đồng bằng sông Niger. Songhai dần dần thoát khỏi sự khống chế của Mali và làm chủ toàn bộ miền Đông vương quốc Mali.
Vào năm 1591 người Maroc do Judar Pasha chỉ huy tấn công xâm lược Songhai. Vương quốc Songhai thất bại và sụp đổ. Trong khi đó các cường quốc phương Tây đã thiết lập những tuyến thương mại đường biển. Vương quốc Songhai diệt vong cộng với sự ra đời của những tuyến đường biển này đã đánh dấu sự suy tàn của những con đường thương mại xuyên sa mạc Sahara sau gần 9 thế kỷ tồn tại. Cũng trong những thế kỷ này trên đất Mali thống nhất xưa nay bị chia thành nhiều tiểu vương quốc như Xeegu, Caacta của người Bambara trên lưu vực sông Niger, còn có vương quốc của người Maxibra, vương quốc của người Phunbe. Những vương quốc qua một thời gian đấu tranh đã thống nhất lại thành hai vương quốc lớn là Enkhatđi Omai và Xamori vào thế kỷ XIX. Nhưng thế kỷ XIX là thế kỷ bi thảm của lịch sử châu Phi nói chung và Tây Phi nói riêng. Đây là thời kỳ các cường quốc tư bản châu Âu đẩy mạnh xâm lược châu Phi sau ba thế kỷ xâm nhập. Châu Phi bước vào trang lịch sử cận đại đầy máu và nước mắt.
3.Thời kỳ cận đại.
Thực dân Pháp xâm lược Mali: Thời kỳ cận đại của lịch sử thế giới bắt đầu từ cuộc cách mạng tư sản Anh năm 1640, kéo dài tới năm 1917 là năm bùng nổ và thắng lợi của cách mạng vô sản Nga. Cách mạng tư sản Anh kết thúc lịch sử trung đại (phong kiến) thế giới, mở ra một thời đại mới mà nội dung là thời kỳ quá độ từ phong kiến lên chủ nghĩa tư bản, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp xem ai thắng ai giữa giai cấp quý tộc phong kiến và giai cấp tư sản tiến bộ mới ra đời trên phạm vi toàn thế giới.
Cuộc vật lộn giữa hai giai cấp quý tộc phong kiến phản động với giai cấp tư sản tiến bộ nhất trong thời đại đó diễn ra suốt hai trăm năm với những cuộc cách mạng tư sản và phong trào tư sản rầm rộ trên toàn thế giới, đã lật nhào chế độ và nhà nước phong kiến thối nát ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Chủ nghĩa tư bản chiến thắng và xác lập thành một hệ thống kinh tế chính trị thế giới. Hình thái kinh tế xã hội tư bản tiến bộ hơn đã thay thế hình thái kinh tế xã hội phong kiến già cũ.
Trong khi châu Âu, Mỹ chủ nghĩa tư bản được xác lập thì ở châu Á, châu Phi do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà không có tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng cho những cuộc cách mạng tư sản bùng nổ (trừ Nhật Bản). Vì thế châu Á, châu Phi vẫn chìm đắm trong sự thống trị của chế độ phong kiến phản động, tàn bạo tham lam già cũ. Châu Á, châu Phi giàu có mà lạc hậu trở thành miếng mồi ngon cho các cường quốc châu Âu đang thèm khát thị trường thuộc địa. Các cường quốc châu Âu từng xâm nhập châu Phi từ những thế kỷ trước và đến cuối kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã đẩy mạnh và hoàn thành xâm lược châu Phi. Cường quốc số một về thuộc địa là Anh, thứ hai là Pháp. Pháp đã làm chủ nhiều thuộc địa ở châu Á và châu Phi.
Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, Pháp đã xâm lược Tunisia, Algeria ở Bắc Phi. Ở Tây Phi, Pháp mở rộng xâm lược lưu vực sông Niger một phần Congo và Sahara, Madagasca. Trong những năm 90 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp mở rộng xâm lược Senegal, Tây Soudan, Gine và nhiều khu vực khác. Năm 1890 Pháp xâm lược Mali và đầu thế kỷ XX đã hoàn thành xâm lược quốc gia Tây Phi này. Mali nằm dưới sự cai trị của Pháp, trở thành một phần của “Soudan thuộc Pháp”. Đến năm 1904, Mali bị sáp nhập vào cái gọi là “Tây Phi thuộc Pháp”. Năm 1920 Mali mang lại tên “Soudan thuộc Pháp”.
Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, nhân dân Mali đã đấu tranh anh dũng chống xâm lược và giải phóng dân tộc. Trong đó phải kể đến những cuộc kháng chiến chống Pháp của các vương quốc Seechscu, Amađu, Xamuritore. Nhưng những cuộc kháng chiến đó đã thất bại vì hoàn cảnh quốc tế và trong nước chưa đầy đủ những tiền đề chín muồi cho công cuộc giải phóng đất nước. Lịch sử không thể cứ muốn là được, không thể duy ý chí mà phải biết chờ đợi. Lịch sử sẽ có cách đi của nó để giải quyết tất cả những nhiệm vụ gì đang đặt ra cho nó (Marx) nhưng không phải là chủ quan đốt cháy giai đoạn.
(Còn nữa)
CVL
----------------------
[1] Bách khoa lịch sử thế giới .Nxb Văn Hóa-Thông Tin. Ha Nội.2004.T.231