Những điều lý thú về đàn guitar

Tiểu Vũ (th)

23/09/2021 08:16

Theo dõi trên

Đàn guitar (ghi ta) là nhạc cụ đã quá quen thuộc với con người. Ở Việt Nam, dù xuất hiện chưa lâu, nhưng đàn ghi ta đã trở thành một nhạc cụ phổ biến trong các cuộc biểu diễn sân khấu, hay lúc tiệc tùng, hội họp, lúc ngồi một mình.

dan-ghita-1632319599.jpg
Đàn ghi ta. Ảnh internet

Có tài liệu nói, đàn ghi ta xuất phát từ Tây Ban Nha, tuy nhiên, Tây Ban Nha chỉ là nơi cho loại nhạc cụ này được hoàn thiện và phát triển hơn.

Đàn ghi ta có thời gian được chơi ở cung đình, nhưng dần bị loại bỏ một thời gian vì cho rằng, người bình dân cũng hay chơi nhạc cụ này.

Cũng như nhiều nhạc cụ dây khác, đàn ghi ta cũng được cho là có nguồn gốc từ cây cung, được giải thích khi dây cung được căng ra rồi chùng lại thì tạo ra âm vang. Tuy vậy, đó cũng chỉ là một giả thuyết.

Wikipedia chép: “Từ "guitar" bắt nguồn từ chữ cithara. Cây đàn guitar đầu tiên có lẽ xuất hiện ở Ai Cập và Babylon từ 1000 năm trước Công nguyên. Trải qua nhiều biến đổi, nó được những đạo quân xâm lược mang đến châu Âu khoảng thế kỷ thứ 8 và phát triển rực rỡ vào thế kỷ 14, đặc biệt tại Tây Ban Nha. Người ta không biết từ guitarra xuất hiện ở Tây Ban Nha từ khi nào. Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ 14, có hai loại nhạc cụ mang tên guittara là đàn guittara Latina và guittara Morisca đã chiếm ngôi vị độc tôn ở xứ sở bò tót”.

antonio-de-torres-jurado-1632319723.jpeg
Antonio de Torres Jurado. 

“Antonio de Torres Jurado (13 tháng 6 năm 1817 tại Almería, Andalucía - 19 tháng 11 năm 1892) là nhà sản xuất đàn guitar và một nhạc công guitar Tây Ban Nha, và là "nhà sản xuất đàn guitar Tây Ban Nha quan trọng nhất của thế kỷ 19. Nhờ những thiết kế của ông các cây đàn guitar cổ điển mới ra đời. Hầu hết guitar acoustic sử dụng ngày nay là các biến thể của các thiết kế của ông”.

Một nguồn tin khác từ Việt Thương cho biết thêm về đàn ghi ta: “Giả thuyết thứ nhất cho rằng, tổ tiên của các nhạc cụ dây ngày nay đều xuất phát từ cây cung săn bắn. Khi bắn, dây cung phát ra âm thanh, và người xưa tình cờ phát hiện ra điều thú vị đó, Theo thời gian, bằng cảm quan thẩm mỹ, để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, con người thực hiện một bước chuyển đổi chức năng bằng cách gắn thêm một số dây vào cung. Đây có lẽ là cơ sở đầu tiên mà người xưa đã tạo nên cây đàn cổ nhiều hơn một dây. Những cây đàn cổ này là hạc cầm hoặc đàn lia (lyre) có đến mười mấy dây.

dan-guitar-1632319756.jpg
TK XIII, tại Tây Ban Nha đã có hai loại đàn: guitarra và guitarra latina mà hình dạng của nó giống như ghi ta ngày nay. Ảnh internet

Ngành khảo cổ Pháp, trong quá trình khai quật cũng tìm được hình vẽ của người tiền sử Cromagnon ở hang Lascaux với hình người cầm cây cung nhạc cách ngày nay khoảng 4000 năm. Những cứ liệu đó vừa có tính hiện thực, vừa có tính phỏng đoán hoặc nhiên và đôi chút có tính thực dụng, nhưng theo đó, nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận ý kiến cho rằng, cây đàn ghi ta cũng được hình thành trên cơ sở ấy. Giả thuyết thứ hai, căn cứ vào bức tượng đá của người Hittite thuộc Ai Cập cổ cách đây 4000 năm tr.CN, bức vẽ cho thấy một người nhạc công đang đứng đánh đàn kithara cổ. Từ cứ liệu này, một số nhà nghiên cứu cho rằng, đàn ghi ta từ đây mà hình thành, và nó thuộc về nhánh nhạc cụ có cần đàn. Như vậy đàn ghi ta xuất hiện từ thời cổ đại, rồi phải trải qua nhiều thời kỳ với những tìm tòi cải tiến không ngừng của con người, để đạt tới mức độ hoàn thiện như ngày nay. Giả thuyết thứ ba trái ngược với hai giả thuyết trên, cho rằng đàn ghi ta được chế tác hoàn toàn riêng biệt, không phải trải qua nhiều biến đổi để hoàn thiện.

Bởi TK XIII, tại Tây Ban Nha đã có hai loại đàn: guitarra và guitarra latina mà hình dạng của nó giống như ghi ta ngày nay. Ba giả thuyết trên cho thấy, ghi ta là loại đàn cổ, nó có nguồn gốc từ châu Âu chứ không phải xuất phát từ các nước châu Á. Ngày nay, ghi ta có hình dạng như hình số 8. Cần đàn chia thành 19 phím. Hộp cộng hưởng được tạo bởi hai mặt đàn có lỗ phóng âm ở phía trước. 6 dây với các âm: mi – la – rê – xon – xi – mi được vít bởi các khóa (ở đầu cần đàn) và ngựa đàn (ở phần cuối hoặc nửa cuối của hộp cộng hưởng). Ghi ta có mặt ở các nước với các tên gọi: ketharah (người Dan Đê ở Babylon xưa), kithara (Hy Lạp, Ai Cập), kuitra hay gitar (Hà Lan), gitaar (Ba Lan), kitara (Tiệp), chitara (Ý), gitarre (Đức), guitare (Pháp)…”.

Bạn đang đọc bài viết "Những điều lý thú về đàn guitar" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn