Nhớ nhà giáo, nhạc sĩ Phan Văn Bích

Phạm Việt Long

19/11/2021 20:04

Theo dõi trên

Nhà giáo, nhạc sĩ Phan Văn Bích từ giã cõi đời đã 6 năm, nhưng những giá trị văn hóa mà anh để lại vẫn hiện diện trong đời sống đương đại. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển giới thiệu lại bài viết về Phan Văn Bích khi anh vừa đột ngột ra đi.

phan-van-bich-1637327033.jpg
 

 

NGỪNG CHẢY MẤT RỒI, DÒNG HỢP LƯU VĂN HÓA PHAN VĂN BÍCH!

Rạng sáng ngày 12/1/2015, nhà giáo, nhạc sỹ Phan Văn Bích, người được mệnh danh là “kẻ hợp lưu văn hóa” đã đột ngột ra đi tại nhà riêng, phố Hào Nam, Hà Nội, sau 67 năm mải miết hòa trong dòng đời.

Dạy tiếng Nga, viết ca khúc có nhiều bài theo âm hưởng Nga, tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật kết nối tình hữu nghị Việt – Nga, góp phần truyền bá văn hóa Nga tới công chúng Việt, Phan Văn Bích xứng đáng là một dòng hợp lưu ấm áp của văn hóa Việt – Nga.

Yêu văn thơ và âm nhạc, từ sớm, Phan Văn Bích đã sáng tác ca khúc. Do vậy, khi sang Liên Xô học tập, bên cạnh bộ môn văn học được đào tạo chính thức, anh còn học thêm chuyên ngành sáng tác âm nhạc.

Để rồi anh liên tục sáng tác các ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi, trong đó có nhiều ca khúc dịch lời thơ của các nhà thơ nổi tiếng Nga, viết theo phong cách Nga.

Quê ở Bình Định, mảnh đất giàu truyền thống văn võ, có nhiều làn điệu dân ca ngọt ngào, Phan Văn Bích tiếp thu được tính chất đằm thắm từ văn hóa thôn quê, cho nên những tác phẩm âm nhạc của anh nồng ấm tình Việt, mềm mại chất dân gian.

Một số ca khúc được khán giả yêu thích như Đêm Hội An (thơ Nghiêm Nhan), Đêm trăng hạ huyền (thơ Đặng Hữu Hưng), Vẫn dòng sông xưa (thơ Hoàng Gia Cương) hay Anh về theo mùa gặt (thơ Ngọc Chính) đoạt giải thưởng khán giả bình chọn, do ban tổ chức cuộc thi “Giai điệu trái tim” – Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng năm 2000.

Trong số này, Đêm Hội An có thể được gọi là tuyệt phẩm, bởi trong một cấu trúc âm nhạc gọn ghẽ, chặt chẽ, Phan Văn Bích đã thể hiện được cái ngọt ngào, đằm thắm của một vùng đất trữ tình qua hình tượng âm nhạc lung linh, huyền ảo.

Đài Truyền hình Việt Nam đã giới thiệu tác phẩm Đêm Hội An trong chương trình tác phẩm mới. Nhiều sàn diễn, đặc biệt là các sân khấu ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã vang lên Đêm Hội An.

Lãnh đạo Quảng Nam dành cho Phan Văn Bích nhiều lời ngợi khen và phần thưởng, bởi nhờ sức hút của Đêm Hội An mà nhiều người biết đến, đi đến chiêm ngưỡng Hội An hơn.

Giống như nhiều nhạc sĩ khác, Phan Văn Bích viết về Hà Nội bằng sự cảm nhận của riêng mình. Nồi bật trong chùm 5 ca khúc viết về đề tài này là Hà Nội trong tôi (thơ Nguyễn Huy Hoàng), mà tác giả Nguyễn Hứu Đức đã viết trong một bài báo như sau: "Nổi bật trong chùm 5 ca khúc viết về Hà Nội, phải kể đến nhạc phẩm Hà Nội trong tôi (thơ Nguyễn Huy Hoàng), với giai điệu da diết, sâu lắng đầy tâm trạng, mang phức cảm đan xen giữa hoài niệm xưa cũ lẫn nhịp sống hối hả, vui tươi của thời đại mới. Cái tứ của ca khúc thật đáng yêu, tường chừng như phi lý: Đứng giữa Hà Nội mà lòng cứ không nguôi nhớ về Hà Nội! Với nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, ẩn sâu trong cảm xúc về vẻ đẹp thâm trầm và hiện đại của Hà Nội, là một nỗi đau có thực của tác giả “Chỉ dòng nước Sông Hồng là vẫn thế/ Sóng vô tình xoáy vào nỗi riêng tôi…”.

Phải chăng nỗi đau mà nhà thơ phải gánh chịu chính là ông bị thất lạc đứa con gái bé bỏng ngay tại quê hương thứ hai - nơi mà ông đã học tập và thành danh như ngày nay. Lời thơ và âm nhạc như hòa quyện vào nhau, tạo cho người nghe một cảm xúc vừa mới lạ vừa thân quen.

Bài hát Hà Nội trong tôi như một bông hoa nhỏ của nhạc sỹ góp vào vườn hoa âm nhạc đầy màu sắc, hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. (Theo Sóng Nhạc)

Có thể nói, Phan Văn Bích là tác giả có nhiều ca khúc nhất viết về đề tài Nga, phổ nhạc thơ Nga và mang âm hưởng Nga. Một số bài tiêu biểu trong số này là: Tôi nhớ (thơ X. Exenhin), Tỉnh Mộng (thơ A.X.Puskin), Hoài niệm (thơ Ana Akhomatova) .v.v. Một số bài hát song ngữ mang âm hưởng “hợp lưu” Nga – Việt, như Mơ mùa thu Hà Nội (thơ Đào Thị Côi, Lê Đức Mẫn), Có một nàng dâu Nga… đã không ít lần đánh thức trong lòng khán giả Nga nỗi nhớ quê hương da diết, có người cảm động đến rơi nước mắt.

Có điều lạ ở Phan Văn Bích, là anh viết thể loại nào ra thể loại ấy. Với những bài hát Việt, ca khúc của anh thấm đẫm chất dân ca Việt thuộc các vùng quê khác nhau, đậm đà nhất là chất dân ca Trung Trung bộ.

Với những bài hát về đề tài Nga, ca khúc của anh lại đậm đà âm hưởng Nga. Chính vì vậy, qua âm nhạc, Phan Văn Bích góp phần truyền lại hơi thở ấm áp của tâm hồn Nga nhân hậu cho lớp người trẻ tuổi ở Việt Nam, những người mà do hoàn cảnh lịch sử thay đổi không có điều kiện tiếp xúc với con người Nga, văn hóa Nga nhiều như lớp cha anh.

Một bài hát, có thể nói là một tuyên ngôn của Phan Văn Bích về mối quan hệ bền chặt Việt – Nga, là bài Tiếng Nga mãi mãi cùng ta. Âm nhạc bài hát đậm đà âm hưởng Nga, còn tinh thần bài hát  lại thấm đượm bản sắc Việt – thủy chung như nhất.

TIẾNG NGA MÃI MÃI CÙNG TA

Tác giả Nguyễn Hữu Đức viết về trường hợp này như sau: Quá trình hoạt động sáng tác âm nhạc cũng như truyền bá văn hóa Nga – Việt, trong con mắt của nhiều người, Phan Văn Bích đã trở thành “Kẻ hợp lưu văn hóa” đúng như lời nhận xét của ngài A. Iu. Lavrenev , tham tán Đại sứ quán LB Nga tại Việt Nam, trong thư cảm ơn viết: “…Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, tình yêu nước Nga và sự nhiệt tình của Ông và các đồng nghiệp Việt Nam không chỉ là minh chứng cho tình cảm hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Nga, mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp thanh niên…”

 Góp ích cho đời bằng tác phẩm, Phan Văn bích còn góp phần dựng xây cuộc sống bằng những hoạt động vô tư và hiệu quả của mình.

Là giáo viên tiếng Nga, anh nổi tiếng về dạy phát âm rất chuẩn. Trò của anh say học với anh vì vừa được học một người thày tính tình hiền hòa, hồn hậu, hóm hỉnh, lại vừa được nghe thày đàn hát, mà qua đàn hát, thầy giúp trò vui hơn, nắm bài chắc hơn.

Những lớp học bài hát bằng tiếng Nga, câu lạc bộ Bạch Dương, những chương trình ca nhạc thể hiện tình hữu nghị Việt – Nga… được anh tổ chức, nay vẫn đang tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng tốt đẹp trong cuộc đời này…

Một kỷ niệm với Phan Văn Bích: DỊU HIỀN EM

Bài thơ Dịu hiền em của tôi được Phan Văn Bích phổ nhạc. Viết xong, anh xách đàn cùng một bạn trẻ là Huy sang nhà tôi để tấu cho tôi nghe.

Tôi đã ghi hình buổi tối hôm ấy, không ngờ bây giờ lại trở thành kỷ niệm của sự cách trở âm dương! Sau này, Dịu hiền em được nhiều ca sĩ như Trọng Tấn, Đức Long, Văn Giáp thể hiện, và thường vang lên trong buổi ca nhạc đêm của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

 

DỊU HIỀN EM

NhẠC: Phan Văn Bích, thơ: Phạm Việt Long, hát: Trọng Tấn

Dịu hiền là đôi mắt em

Mênh mông sâu thẳm một miền yêu thương

Dù đời còn lắm trái ngang

Ghét ghen, danh lợi vẫn thường quanh ta

Trước em sẽ phải nhạt nhòa

Như màn đêm trước chan hòa bình minh!

 

Dịu hiền em

Là nhựa sống cho cây vươn mầm xanh lộc biếc

Dịu hiền em

Là mật ngọt cho đời, cho người mãi thương nhau

Dịu hiền em

Ngọn lửa hồng tỏa lan khi lòng anh lạnh giá

Khi đời anh gặp phong ba

Dịu hiền em đó bến bờ bình yên

 

Dù đời còn lắm bon chen

Thì em vẫn cứ dịu hiền... nghe em!

HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM GIỚI THIỆU VỀ NHẠC SĨ PHAN VĂN BÍCH - CHUYÊN NGÀNH SÁNG TÁC

 Nhạc sĩ Phan Văn Bích sinh ngày 10 tháng 5 năm 1948, quê quán: Mỹ Lợi, Phù Mỹ, Bình Định..

Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Rôxtôp-trên-Sông-Đông, Liên Xô (cũ), học thêm chuyên ngành II tại Khoa Âm nhạc Trường Đại học Văn hóa thành phố Rôxtôp-trên-Sông-Đông.

Nguyên công tác tại Khoa Tiếng Nga Trường Đại học Ngoại ngữ  (nay là Đại học Hà Nội) đã nghỉ hưu tại Hà Nội.

Ông say mê và tham gia hoạt động âm nhạc từ thời  phổ thông và đại học. Dịch và phổ nhạc nhiều ca khúc trên nền thơ Nga, có nhiều ca khúc (tiếng Nga, Việt) được giới thiệu trên sóng phát thanh và truyền hình Việt Nam.

Ông sáng tác ca khúc từ khi còn khá trẻ, với ca khúc đầu tay Miền Nam ơi, chúng con đây!, nhân hưởng ứng lời kêu gọi Chống Mỹ cứu nước của Hồ Chủ tịch (1967).

Năm 1985, đoạt Giải Nhất cuộc thi “Người nước ngoài trình diễn nhạc phẩm Nga hay nhất”, được tổ chức tại thành phố Ôđexa (Cộng hòa Ukraina) với bài hát Cánh đồng Nga. Năm 2000, đoạt Giải khuyến khích cuộc thi viết ca khúc mang tên “Giai điệu trái tim” do Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với ca khúc Anh về theo mùa gặt. Năm 2006, Huy chương Vàng ca khúc viết về ngành Giáo dục và Đào tạoNgôi sao dẫn đường…

 Năm 2001, xuất bản CD âm nhạc đầu tiên có kèm theo sách với tựa đề Tôi nhớ gồm 12 ca khúc (tiếng Nga, Việt) do Nhà xuất bản Thanh niên và Hồ Gươm Audio ấn hành.

Năm 2006, bài hát Đêm Hội An được giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới” của Đài Truyền hình VTV1, VTV3 và VTV4.

Nhiều ca khúc đáng chú ý khác: Mỗi lúc chiều buông, Tiếng Nga mãi mãi cùng ta, Theo hướng mặt trời…

Nhạc sĩ Phan Văn Bích từ trần hồi 2 giờ 26 phút sáng ngày 12 tháng 01 năm 2015.

Lễ viếng vào lúc 16 giờ ngày 12 đến 14 giờ ngày 13 tháng 12 năm 2015 tại 89 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội.

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ nhà giáo, nhạc sĩ Phan Văn Bích" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn