Ngày Di sản, kiến nghị về vấn đề bảo tồn Di sản

Trần Hữu Sơn

23/11/2023 18:59

Theo dõi trên

Hiện nay ở nhiều địa phương (cả đô thi đến nông thôn miền núi) nhận thức về di sản và văn hóa phi vật thể chưa đúng, phương pháp bảo tồn di sản còn chắp vá, thậm chí chỉ tìm mọi cách để giải ngân chứ ít chú ý đặc trưng di sản. Nhân ngày di sản Việt Nam, tôi có một số kiến nghị cụ thể về vấn đề này tới các cơ quan hữu quan.

Tình trạng chung ở các địa phương và cả cơ quan nghiên cứu, quản lý trung ương chưa nhận thức được đặc trưng của di sản phi vật thể. Do đó, một số di sản phi vật thể quốc gia đặt tên chưa đúng, hồ sơ xây dựng di sản của các địa phương còn thiếu tính khoa học. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là vấn đề nhận thức về mối quan hệ các thành tố di sản còn phiến diện, thiếu tôn trọng đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp của di sản phi vật thể.

b1di-san1-1700740574.jpg

Ảnh minh họa: Nghi lễ Rước kiệu của các phường, thị trấn trong lễ hội đền Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

 

Trước hết, ở nhiều địa phương và một số nhà nghiên cứu tránh né thành tố quan trọng, hồn cốt của di sản là tôn giáo tín ngưỡng. Sự “tránh né” này phản ánh cả trong bộ Luật Di sản năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 đều không đề cập đến vai trò của tôn giáo tín ngưỡng với di sản văn hóa. Đây là một “khoảng trống” lớn của chế thể chính thức. Trong thực tiễn, nhiều cơ sở đảng, chính quyền các xã vùng dân tộc thiểu số coi các hoạt đông tín ngưỡng tôn giáo của người dân là mê tín dị đoan, thậm chí bài xích, ngăn cấm. Nhiều địa phương không phân biệt được giữa tín ngưỡng và mê tín. Ngay ở các công trình nghiên cứu, các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chưa phân biệt một cách khoa học tín ngưỡng và mê tín. Do đó, ở cấp dưới càng lúng túng khi chỉ đạo thực tiễn.

Hiện nay, một hiện trạng khá phổ biến trong ngành văn hóa thể thao là không nắm chắc được cấu trúc và đặc trưng của di sản. Quá trình nhận diện di sản, đặt tên gọi di sản đến vấn đề bảo tồn, phát huy di sản còn nhiều hạn chế. Trong việc nhận diện và đặt tên di sản thì có nhiều di sản bị đặt tên sai. Ví dụ như di sản “Pút Tồng” của người Dao là di sản nhảy đồng – một phương thức nhập đồng để tiếp xúc với thần linh. Vì đón thần linh, tiếp xúc với thần linh trong quá trình nhập đồng, người Dao ở Sa Pa, Lào Cai đã sáng tạo ra hơn 50 điệu múa, nhảy khác nhau. Nhưng muốn tiếp xúc với thần linh thì con người của các thầy đồng phải trở nên “sạch sẽ”. Vì thế, họ phải nhảy vào lửa, họ phải tắm than đang đỏ hồng. Vì vậy, không thể gọi di sản này là nhảy lửa, là lễ hội nhảy lửa như các địa phương đã gọi. Tương tự như vậy, không thể gọi di sản nghi lễ cúng hồn lúa, rước hồn lúa của người Dao, Cao Lan, Khơ – mú... là lễ hội cầu mùa. Trong thực tiễn, rất nhiều việc gọi tên của di sản ở vùng dân tộc miền núi đều sai vì không hiểu được cấu trúc, đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp của di sản.

Vấn đề nhận diện sai loại hình của di sản, thậm chí đặt tên sai cho di sản không còn là vấn đề cá biệt mà gần như phổ biến ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là không hiểu được cấu trúc và chức năng của di sản đó. Trong thực tiễn ở nhiều tỉnh khi xây dựng hồ sơ di sản đều không chú ý đến các yếu tố thiêng, cốt lõi nhất là các tôn giáo tín ngưỡng. Vì thế, họ chỉ lấy tên của bộ phận phản ánh di sản (các thành tố văn hóa nghệ thuật). Hàng loạt nghi lễ Pút Tồng (nhảy đồng) của người Dao, người Pà Thẻn; các lễ gọi là cầu mùa của các dân tộc thiểu số cũng là điển hình của sự nhận diện sai di sản vì các dân tộc đều có niềm mong ước “được mùa”, trở thành giá trị của di sản. Từ giá trị này đã được thể hiện qua các nghi lễ, qua các hành động thực hành tín ngưỡng và các thành tố nghệ thuật. Nhưng ở các địa phương không nhận diện rõ cấu trúc của di sản, do đó cứ đặt tên chung chung là cầu mùa. Khi các Sở Văn hóa trình hồ sơ di sản hoặc đem một phần của di sản đi trình diễn, Ban Tổ Chức có hỏi tên di sản thì đều nói chung chung là cầu mùa, hồ sơ di sản cũng ghi cầu mùa. Đúng ra mỗi một dân tộc gọi nghi lễ cầu mùa với mỗi tên gọi khác nhau chứ không gọi chung một mục đích là cầu mùa. Nguyên nhân của tình trạng trên là do không làm rõ được cấu trúc và đặc trưng của di sản. Trong đó, bộ phận thiêng (tôn giáo tín ngưỡng, nghi lễ…) đều né tránh hay bỏ qua. Suốt một thời gian dài ở miền núi từ cải cách dân chủ năm 1959 đến trước đổi mới (trước năm 1986) các hoạt động văn hóa đều không công nhận cái thiêng. Hầu hết các di sản thuộc loại hình thiêng đều bị bỏ qua, coi nhẹ hoặc không chấp nhận. Ở nhiều địa phương có những chủ trương, chính sách mang tính cực đoan đối với việc thực hành tín ngưỡng và các không gian thiêng. Họ cấm lễ hội mang tính chất thiêng như cấm lễ Gầu Tào của người Mông ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai; cấm nghi lễ cấp sắc của người Dao ở các tỉnh có đông người Dao cư trú. Cộng đồng người Mông, người Dao muốn tổ chức các lễ hội này đều phải tiến hành bí mật. Các thầy cúng – những người thực hành tín ngưỡng chủ chốt đều bị bắt đi cải tạo hoặc lao động công ích. Tâm lý “né tránh” này đến ngày nay vẫn còn rơi rớt. Trong Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn đều không đề cập đến tôn giáo tín ngưỡng. Trong khi đó, các thành tố khác của di sản văn hóa phi vật thể đều được đề cập (như tiếng nói, chữ viết, ngữ văn truyền miệng, tri thức dân gian…). Năm 2022, các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch hướng dẫn về bảo tồn làng văn hóa dân tộc thiểu số cũng đều không có nội dung cần bảo tồn tôn giáo tín ngưỡng.

Các không gian thiêng tuy chưa cấu trúc thành loại hình văn hóa nghệ thuật của di sản nhưng nó lại là một bộ phận cực kỳ quan trọng của di sản. Bất cứ một di sản nào cũng đều gắn chặt với không gian (không gian thiêng hoặc không gian trần tục). Ví dụ: di sản “Thực hành nghi lễ Then” thì phải gắn với bàn thờ Then; di sản “Hát trống quân Đức Bác” phải gắn với ngôi đình – trung tâm thiêng của lễ hội Cầu Đinh; di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ” phải gắn với các không gian thiêng là các đền, phủ. Nhưng khi bảo tồn di sản, ở nhiều địa phương lại không chú trọng về không gian. Bảo tồn di sản “Thực hành nghi lễ Then” ở nhiều nơi lại coi vai trò của các ông Then, bà Then cũng như không gian thờ Then là mê tín, dị đoan nên không chú trọng mà chỉ coi trọng phần nghệ thuật biểu diễn như hát Then, đàn tính. Hoặc bảo tồn di sản “Hát xoan” (thời kỳ đầu) lại không chú ý đến nghi lễ hát ở cửa đình mà chủ yếu tập hát phổ cập cho học sinh ở các trường học. Tương tự như vậy, bảo tồn di sản “Hát trống quân Đức Bác” lại không xây dựng ngôi đình cũng như phục dựng lễ hội Cầu Đinh mà chỉ tập luyện các điệu hát trống quân. Những hiện tượng bảo tồn trên đã phá vỡ cấu trúc của di sản, thậm chí, làm cho di sản biến dạng.

Các dự án bảo tồn làng nhưng lại không bảo tồn các không gian thiêng của làng, dẫn đến tình trạng chỉ bảo tồn một vài yếu tố vật thể mang tính hình thức (bảo tồn các ngôi nhà – mỗi làng chỉ chọn từ 4 đến 5 nhà để bảo tồn). Tiêu chí lựa chọn ngôi nhà bảo tồn lại chỉ chú trọng đến kết cấu mái, kết cấu tường vách… mà không chú ý đến không gian, nhất là không gian thiêng trong từng ngôi nhà. Nhiều làng ở miền núi phía Bắc, miền núi phía Trung hoặc Tây Nguyên không coi trọng bảo tồn các không gian thiêng công cộng. Các làng đồng bào dân tộc thiểu số người miền núi đều coi trọng rừng, có lễ cúng rừng, có rừng thiêng. Ở người Dao, người Hà Nhì, khu rừng thiêng thờ cả những người thành lập làng hoặc thờ vị thần rừng gắn với thần làng. Nhưng rất tiếc, toàn bộ không gian thiêng đó không được bảo tồn dẫn đến nạn phá rừng diễn ra nghiêm trọng.

Các di sản còn bị chi phối bởi thời gian thiêng. Các nghi lễ, lễ hội chỉ có nhiều giá trị, chỉ thăng hoa, chỉ phát huy được sự đặc sắc nhờ có yếu tố thời gian thiêng. Lễ cúng rừng cấm của các dân tộc miền núi phía Bắc thường diễn ra vào một ngày nhất định của tháng giêng hoặc tháng hai âm lịch; lễ Pút Tồng của người Dao ở Sapa, Lào Cai chỉ diễn ra vào ngày mùng một Tết; các nghi lễ thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, thờ Mẫu, thờ ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười... đều có thời gian cụ thể. Ngay hát cửa đình, thực hành tín ngưỡng Then... cũng dựa vào một thời gian nhất định – đó chính là thời gian thiêng. Thời gian thiêng gắn liền với không gian thiêng tạo cho giá trị di sản ngày càng được phát huy.

Di sản có cấu trúc gồm ba bộ phận: giá trị hạt nhân của di sản; các yếu tố thiêng trở thành hồn cốt của di sản; các thành tố văn hóa nghệ thuật phản ánh di sản. Các bộ phận của di sản có quan hệ mật thiết với nhau theo đặc trưng chỉnh thể nguyên hợp. Vì vậy, khi nhận diện, xây dựng hồ sơ hoặc bảo tồn, phát huy di sản đều phải tôn trọng cấu trúc của di sản. Trong cấu trúc di sản, yếu tố thiêng đóng một vai trò rất quan trọng, thậm chí là hồn cốt của loại hình di sản mang tính tôn giáo tín ngưỡng, cần coi trọng tính thiêng. Về mặt thể chế của nhà nước và chính quyền địa phương đều cần chú trọng đến yếu tố thiêng, nhất là yếu tố thiêng trong loại hình di sản tôn giáo tín ngưỡng.

Bạn đang đọc bài viết "Ngày Di sản, kiến nghị về vấn đề bảo tồn Di sản" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn