Lâm Thượng, về chốn an yên

Phan Anh*

03/01/2024 21:52

Theo dõi trên

Giờ đây Lâm Thượng như một công chúa xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc vừa bừng tỉnh sau giấc nồng say nhưng vẫn đang còn bỡ ngỡ, e thẹn duyên dáng trước những đôi mắt mê mẩn của lữ khách tình si cảnh lạ.

 duong-ve-ban-tong-pinh-cai-tho-mong-1-1704290120.jpgĐường về bản Tông Pình Cài thơ mộng

            Yên Bái là một điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều cảnh quan đẹp như tranh. Hồ Thác Bà được ví như vịnh Hạ Long trên núi với non nước hữu tình. Mù Căng Chải nổi tiếng với ruộng bậc thang uốn lượn trên sườn núi, lúc vàng óng lúa chín, lúc lấp lánh nước đổ như tấm gương phản chiếu bầu trời. Tà Xùa thu hút du khách bởi núi rừng hoang sơ, kỳ vỹ, với sống lưng khủng long chọc trời trong mây. Những bản làng của đồng bào H’Mông ở Cu Vai, của người Thái ở Tú Lệ mang vẻ bình yên, thơ mộng. Nhưng còn có Lâm Thượng, một thung lũng xinh đẹp, nơi người Tày huyện Lục Yên sống chậm, hòa mình với thiên nhiên, dường như bị bỏ quên!

          Thung lũng Lâm Thượng cách chợ đá quý Lục Yên khoảng mười lăm cây số, giáp với huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang. Từ bao đời nay thung lũng luôn trù phú, nằm ẩn mình dưới những tán rừng xanh mướt bốn mùa và được bao bọc bởi các núi đá vôi thoai thoải kéo dài tựa như bức trường thành che chắn cả bốn phía; lại được những con suối, ngọn thác quanh năm mang dòng nước trong lành mát ngọt nuôi đất dưỡng người nên cảnh sắc nơi đây lúc nào cũng tươi đẹp, tràn trề nhựa sống. Ấy vậy trong suốt những năm dài, thung lũng ấy dường như bị bỏ quên trên tấm bản đồ du lịch của Yên Bái. Mấy năm trước đây vùng đất này vẫn giống như một “nàng công chúa ngủ quên trong rừng” bởi chưa được nhiều người biết đến. Thế rồi một ngày những tín đồ đam mê xê dich, thích khám phá chán ngấy những cảnh núi non trập trùng, rừng thẳm hang sâu, biển rộng sông dài, hồ hoang nước biếc … muốn tìm cho mình một chốn thanh an, trong lành, yên tĩnh, thư thái để xả bỏ những bức bối, ồn ào, căng thẳng nên đã rong ruổi khắp các bản làng ở chốn rừng sâu núi khuất mà phát hiện ra vẻ đẹp bình yên, xanh tươi, trong trẻo, mộng mơ, đáng yêu của Lâm Thượng. Và rồi những tấm ảnh tuyệt đẹp về nơi non xanh nước biếc với đủ cả đồng cỏ như thảo nguyên với núi đồi, hang động với muôn hình thạch nhũ lung linh, thác reo suối chảy xanh trong nhìn soi thấu đáy, nhà sàn mái cọ thấp thoáng bên đồi hoặc ẩn hiện giữa ruộng lúa nương ngô xanh tươi mát mắt ... xuất hiện trên mạng xã hội làm người ta thích thú, truy tìm và đưa nhau đến. Cứ như thế mà nơi miền xanh khuất nẻo được thức dậy với một sức sống tiềm tàng dư sức hút hồn không ít người qua, cả tây lẫn ta, khiến cho bao kẻ thi thoảng lại phải bỏ phố tìm về để vừa tìm kiếm cho mình một trải nghiệm tươi mới vừa rũ bỏ mọi phiền muộn cho thân tâm được thanh lọc.

ben-dong-suoi-nam-chan-2-1704290602.jpg
Bên dòng suối Nậm Chắn 

          Giờ đây Lâm Thượng như một công chúa xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc vừa bừng tỉnh sau giấc nồng say nhưng vẫn đang còn bỡ ngỡ, e thẹn duyên dáng trước những đôi mắt mê mẩn của lữ khách tình si cảnh lạ. Núi đồi và những thảm cỏ xanh tươi, ruộng nương và những cây lá xanh ngát của thế giới tự nhiên ở Lâm Thượng cùng hòa trong sắc màu của những bộ trang phục lam chàm lấp lánh ánh kim hay dịu dàng trong màu xanh nõn chuối của những cô gái bản kiều diễm với làn da trắng ngọc trắng ngà làm cho khắp cả không gian trong thung sâu ngập tràn một màu xanh đa sắc, hữu tình để mà gợi lên trong lòng người ta cảm giác về một vẻ đẹp trong lành, tươi mát, mê say, sảng khoái với một lực hấp dẫn khó cưỡng khiến bước chân người qua dễ bị níu kéo. Từ trên cao nhìn xuống, giữa màu xanh bát ngát, trập trùng ấy lại được điểm xuyết bởi thấp thoáng những nhà sàn mái cọ màu nâu hay những con đường bê tông như những sợi chỉ quanh co nối ngõ này sang ngõ khác, làng nọ đến làng kia của Bản Lẹng, Bản Khéo, Bản Tông Cại, Bản Tông Pắng A, Bản Tông Pắng B, Bản Tông Pình, Bản Nặm Chắn, Bản Hin Lạn A, Bản Hin Lạn B, Bản Thâm Pất, Ban Chang, Bản Nà Pồng, Bản Nà Kèn, Bản Nà Bẻ, Bản Nặm Chọ, Bản Muổi, Bản Thâm Lay, Bản Nà Kéo. Cứ như thế, Lâm Thượng ru hồn người ta bằng cái cảnh sắc chân quê, bình dị, nhẹ nhàng nhưng rất ma mị, đầy khơi gợi, quyến rũ ngọt ngào bởi không chỉ ở những vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng mà còn ở cái không gian mang đậm chất cổ xưa. Nó khác hẳn nhịp sống hiện đại với những vội vàng, hối hả, tất bật, ồn ào, xô bồ đầy rẫy những áp lực khiến con người cảm thấy bức bối, khó chịu. Cảnh và người Lâm Thượng như thế bảo sao người đến không khỏi nao lòng, hoài cổ; bảo sao người ta lại cứ thích ở mãi; bảo sao người đến đã về rồi lại ước ao có ngày được trở lại!

          Có một thực tế, khi xã hội càng phát triển thì con người ngày càng có xu hướng quay trở lại với thiên nhiên như thể tìm về cội rễ. Bởi vậy những năm gần đây trong ngành công nghiệp không khói, loại hình du lịch sinh thái rất được quan tâm và yêu thích. Hẳn là, đến với du lịch sinh thái người ta sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên, được tận hưởng bầu không khí trong lành của người mẹ hiền vĩ đại ... Chính cái sức hút mạnh mẽ ấy đã làm cho không ít nhà đầu tư quay về xây dựng các khu du lịch sinh thái ở khắp mọi nơi từ biển khơi cho đến núi rừng, từ thành thị cho đến nông thôn. Ở những khu du lịch ấy người ta đã phải kỳ công tạo dựng nhưng cảnh quan giả mà như thật với những “Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng/ Dải nước đen giả làm suối, chẳng thông dòng/ Len dưới nách những mô gò thấp kém” để cho du khách có cảm giác được trải nghiệm, có cái cảm giác được hòa mình vào mẹ thiên nhiên. Chẳng sao. Trải nghiệm thế cũng tốt. Có vẫn hơn không. Dù sao những sinh thái ấy phần nào cũng giúp tâm hồn người ta được chút thảnh thơi, làm cho mệt mỏi cũng được rũ bỏ phần nào. Nếu so sánh sinh thái ấy với môi sinh của Thượng Lâm hẳn người ta sẽ thấy nơi đây là một thiên đường trên mặt đất. Một sự thật hiện hữu với những tuyệt mỹ từ bản làng, cây cỏ đến rừng núi, hang động, thác, suối … Tất cả mọi thứ, cái gì cũng có, cũng gợi lên một cảm giác mãn nhãn với vẻ thanh bình, trong lành khiến ai đã đến thì đều chẳng muốn rời đi. Này nhé, ví như ngọn thác và dòng suối Nậm Chắn hiện lên trong tầm mắt như một bức tranh thủy mặc về một vùng sơn cước với vẻ đẹp tuyệt trần, tựa tuyệt tình cốc. Quanh năm thác nước tung bọt trắng xóa, cấp cho con suối dòng nước trong xanh văn vắt đưa về các bản làng. Thác, suối Nậm Chắn ấy đến giờ vẫn giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ cùng với những núi đá và rừng cây xen lẫn lau lách rậm rịt dọc bên đôi bờ. Men theo lối mòn lên đỉnh thác ta sẽ được hòa mình vào thế giới tự nhiên không chỉ với cây rừng, hoa lạ mà còn có cả với những thanh âm róc rách của tiếng nước chảy, tiếng líu lo của chim hót khiến cho tâm hồn được phiêu thả theo bản hòa tấu của đất trời giữa thiên nhiên kỳ vĩ. Chẳng những thế, cuối năm bên dòng Nậm Chắn còn là mùa bông lau. Những chòm hoa phất phơ, rung rinh bên suối lại càng khiến cho núi rừng Lâm Thượng đẹp đến ngỡ ngàng. Những bông lau bên suối ở Lâm Thượng không mọc nhiều thành bãi mênh mông như thể bên triền đồi hay bãi sông mà thành từng chòm dưới chân các khe đá. Những đám lau cao vút, vượt quá đầu người, uốn câu đung đưa sắc trắng của những cánh hoa li ti đong đưa trong gió tựa như một dải lụa uyển chuyển, bồng bềnh dưới nền xanh mướt của rừng tre làm cho bao người xao xuyến, mê mẩn. Vẻ đẹp hút hồn của những chòm lau khiến bao cô nàng không nỡ rời bỏ một cách lạnh lùng mà phải chụp cho mình một tấm hình bên chòm hoa trắng rung rinh như thể tranh thủ ghi lại một khoảnh khắc của cuộc đời được hòa mình, tan chảy bên dòng suối mơ mộng, giữa rừng già cao cả thâm u.

cung-hoa-lau-ben-suoi-nam-chan-3-1704290602.jpg
 

          Có thời đất Lâm Thượng có tên gọi là Minh Khai và Gia Tự … Vùng đất ấy cứ vậy mà tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra, hết Tây Sơn rồi lại Hồng Phong, cuối cùng lại trở về với tên gọi rút gọn Lâm Thượng. Nói trở về là bởi lẽ thủa xưa, khi còn là vùng phên dậu của Đại Việt vào thời Lê Sơ vùng đất Đông Bắc châu Lục Yên, trấn Tuyên Quang này vốn có tên gọi là Lâm Trường Thượng. Nghe kể, sau khi trung hưng, nhà Lê đã đưa dân từ Hải Dương lên vùng biên viễn Đông Bắc (trong đó có Lâm Thượng) cùng đồng bào bản địa vừa khẩn hoang phát triển kinh tế vừa trấn giữ bờ cõi đất nước. Cho nên sau này dù nhà Mạc có xưng vương ở khu vực này thì dân Lâm Thượng vẫn theo Vũ Văn Mật (người đưa dân đi khẩn hoang) “phò Lê diệt Mạc”, dấu tích còn lại là đình Lâm Thượng ngoài thờ các thiên thần tự nhiên, thành hoàng thì còn thờ cả Đức vua Lê Thái Tổ, vua Lê Thái Tông và công thần Lê Lai. Cái tên Lâm Thượng theo triết tự có nghĩa là rừng trên. Có lẽ là rừng đầu nguồn chăng? Lâm Trường Thượng phải chăng là rừng dài ở bên trên, phía đầu nguồn, nơi có thác nước chảy ra. Mải mê ngẫm nghĩ triết tự về địa danh bỗng sực nhớ có lần được nghe người già nơi đây kể rằng: ở Lâm Thượng tên bản, tên làng vẫn giữ nguyên tên gọi ngày xưa, không thay đổi theo cách đánh số để người sau còn biết về lịch sử vùng đất quê mình. Theo đó mỗi bản là một câu chuyện lý giải đầy sức hấp dẫn. Thâm Quang là nơi hươu nai rủ nhau về để cùng nhau ngụp lặn, tắm mát giữa những ngày hè oi bức. Thâm Lay là nơi tụ hội của họ nhà lươn nhà trạch. Thâm Pấc là đầm lầy ngày xưa vịt trời thường bay về tắm gội. Nà Kèn là chỗ hang động có mạch nước chảy róc rách đêm ngày tựa như tiếng kèn vang lên trong những ngày hội rộn ràng. Tông Pình Cài là làng có nhiều cây vải lớn. Bản Chỏi là nơi có nhiều ánh nắng mặt trời … Cứ thế tên bản, tên làng làm người ta hình dung ra Lâm Thượng là cả một thế giới tự nhiên vô cùng phong phú, hấp dẫn. Nơi đó từng là chốn hội tụ của muôn loài, mọi vật với đầy đủ sự nguyên vẹn ban sơ. Nghĩ thế đã thấy sự trong lành, an yên của một miền đất.

mot-khuc-suoi-tua-nhu-ho-boi-o-nam-chan-nuoc-trong-xanh-nhin-thau-day-4-1704290602.jpg
 

          Lâm Thượng là vậy. Bình dị và an yên từ ngày xửa ngày xưa cho đến tận ngày nay. Chốn thung sâu này vẫn còn nguyên đó cái trong veo của khí trời, cái mát lành của suối nguồn, cái thơm thảo của cây lá. Nơi ấy cũng có thể là một chốn tìm về cho ai đó muốn chữa lành, dung dưỡng hay tái tạo năng lượng cho thân tâm; hóa giải được mọi phong bế; khai mở được luân xa … Thung lũng ấy đúng là nơi con người và đất trời có thể giao hòa vào nhau, nói như người phương Đông là làm cho tiểu vũ trụ hòa vào trong đại vũ trụ. Về Lâm Thượng thả hồn trong những bản làng còn nguyên vẹn nét ban sơ ta mới thấy trân quý cái cái bầu dưỡng khí trong lành, thanh bình, yên ả cùng với cảnh quan xinh xắn, tươi xanh có thể đạt tới cảnh giới của cuộc sống hiện hữu trên mặt đất. Nhưng rồi lại chợt nghĩ cái cảnh giới ấy liệu giữ được bao lâu trong cơn lốc kiếm tiền bằng mọi cách của xã hội thời nay. Nghĩ thế lại cầu trời người Lâm Thượng sau này hãy học người xưa mà giữ lấy môi sinh cho muôn đời con cháu. Nghĩ vậy và hy vọng thế.

tren-mot-tang-thac-hoang-so-o-nam-chan-5-1704290602.jpg
 

          P/s: Thung lũng ấy đẹp. Người trong thung lũng ấy cũng đẹp, giàu tình, hiếu khách. Về đến nhà mà bên tai vẫn văng vẳng đâu đó câu khắp coọi lúc chia tay: "Trăng lặn tháng sau trăng lại mọc/Người xa người biết gặp lại khi nào”. 

           Cuối năm về miền đất Ngọc, 31/12/2023

__________________________________________________                                              *Trung tâm GDNN – GDTX Hoài Đức, TP Hà Nội

 

Bạn đang đọc bài viết "Lâm Thượng, về chốn an yên" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn