Ký ức chiến tranh: Vào trận - P48

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

29/06/2023 06:07

Theo dõi trên

Tôi nói đùa với mấy anh em cùng đi: "Phải cảm ơn thằng lính đã ngủ quên dưới bụi tre. Nếu không thì một trong hai tình huống đã xảy ra, hoặc bị bắt sống hoặc đã "nằm lại" vĩnh viễn trên Gò Nổi rồi".

Lần ấy, sau khi trở về “cứ”, tôi trực tiếp đề xuất ý kiến lên tiểu đoàn bộ. Nội dung là phê phán thói quan liêu, duy ý chí coi nhẹ sinh mạng chiến sỹ của cán bộ tiểu đoàn. Suýt nữa đã đưa chúng tôi đến cái chết vô ích. Lẽ ra hôm đó, nếu phải bám địch thì tiểu đoàn phải có kế hoạch để chúng tôi chủ động đi sớm khi địch chưa nống ra. Đằng này, để chúng ra kiểm soát địa bàn rồi mới lệnh chúng tôi đi. Quả là một sự kém cỏi và chủ quan trong chỉ đạo tác chiến. Nhất lại là những cán bộ đã có thâm niên chiến trường như các vị ấy. Hôm ấy, chúng tôi thoát chết là điều nằm ngoài sự hình dung!

b1td1adh-1687955701.jpg

CCB Vương Khả Sơn thời tại ngũ.

 

Hôm sau, cũng tại cứ "Trốn lính" này, một tình huống động trời đã xẩy ra. Số là hôm trước, lúc vội vàng lên xuồng để rút nhanh ra khỏi tầm hoả lực của địch ở Gò Nổi, tôi đã nhúng toàn bộ bó liều phóng B40 xuống nước. Sáng hôm ấy, sau khi cơm nước xong, thấy vẫn hồng một lò than củi, tôi cẩn thận để bó liều phóng trên bếp cho nhanh khô. Không ngờ, chỉ ít phút sau, một đốm tàn lửa nào đó bắt vào liều phóng. Một tiếng x...ẹ…t...! Khói cuộn lên như có một bàn tay khổng lồ nào đó ném xuống vườn vú sữa một núi bông trắng xoá. Rồi trong chớp mắt, khói trùm kín cả vườn vú sữa nơi chúng tôi trú quân. Khói trắng dày đặc đến mức chỉ đứng cách nhau vài bước chân mà không thể nhìn thấy được nhau. Tất cả chúng tôi kinh hoảng vì tình huống diễn ra quá đột ngột, ngoài tầm kiểm soát. Kinh hoảng hơn là nhất định phen này sẽ không thể nào thoát khỏi bởi pháo, trực thăng và bom. Vì ở đây chỉ cần một sơ suất nhỏ, để lọt một tia khói hay tiếng động là lập tức pháo bầy đến ngay. Lệnh của tiểu đoàn phải chuẩn bị chiến đấu. Nơi chúng tôi trú quân thật bất lợi. Trước mặt là con rạch dẫn lên Gò Nổi. Phía bên trái là cánh đồng bưng trống trải. Sau lưng và bên phải cũng là đồng bưng. Phía đó cách chừng 200 mét là sông Vàm Cỏ Đông. Tàu địch thường xuyên tuần tiễu. Chúng tôi ở vào cái thế "cá nằm trên thớt". Không còn cách nào khác là ai nấy đều nín thở chờ đợi... Không khí căng thẳng như lúc chờ địch vào. Năm phút... Mười phút... Rồi ba mươi phút... không gian im lặng như nén đặc lại. Không hề nghe một tiếng đại bác hay tiếng trực thăng. Kỳ lạ quá! Chúng tôi nhìn nhau, chẳng ai tin vào tai mình nữa. Thời gian cứ dần trôi… mọi người cứ thấp thỏm, nơm nớp… Một giờ... Rồi hai giờ... trôi qua. Vẫn im lặng. Một sự im lặng đáng sợ! Cuối cùng, buổi sáng cũng đi qua mà không hề có động tĩnh gì. Rồi cả buổi chiều hôm đó cũng trôi qua trong im lặng. Tất cả chúng tôi thở phào. Thế là ổn! Không ai có thể cắt nghĩa được hiện tượng có một không hai này.

Chiều hôm đó rồi cả ngày hôm sau và mấy ngày sau nữa cũng không có hiện tượng gì xảy ra. Lần ấy, nếu như mọi khi, chúng tôi sẽ no đòn vì bom, pháo. Và không biết hậu quả sẽ như thế nào. Đây cũng lại là một tình huống hy hữu, nằm ngoài quy luật của chiến sự vùng này.

Tôi bị đại đội họp kiểm điểm vì tính chủ quan, bất cẩn, may mà chưa gây hậu quả. Đó là bài học xương máu cho tất cả chúng tôi ở chiến trường…

Tại “cứ” này, tôi còn một kỷ niệm đối lập khác. Hồi ấy rất hiếm báo chí, sách vở, vì trong điều kiện chiến đấu. Chúng tôi "khát" báo lắm. Hôm ấy, tôi được một đồng chí du kích trao cho tờ báo Quân Giải Phóng, trong đó in trọn vẹn bài thơ Nước non ngàn dặm của Tố Hữu. Tôi đọc liền một mạch và duy nhất chỉ một lần với bài thơ dài như vậy mà thuộc ngay. Đến bây giờ sau mấy chục năm, tôi vẫn thuộc nằm lòng không sót một từ hay một câu nào trong bài thơ ấy. Tờ báo được chuyền tay nhau đọc đến nhàu nát. Vũ Duy Tòng cũng đọc và thuộc ngay bài thơ. Sau này khi trở thành thầy giáo dạy Ngữ Văn trung học phổ thông, đến phần thơ ca chống Mỹ, tôi thường kể lại kỷ niệm này và trích đọc bài thơ cho các em học sinh nghe. Những ánh mắt, những gương mặt hiện lên vẻ xúc động pha lẫn tự hào. Và ngay bài thơ Nước non ngàn dặm cũng có nhiều đoạn nhiều câu, làm dẫn dụ, cứ liệu cho các giờ giảng cũng hết sức sát đúng, sinh động, gần gũi và có sức truyền cảm, lay thức tâm hồn các em. Có thể nói, những năm tháng binh lửa ấy là nguồn cảm xúc và là vốn tư liệu sống dồi dào mà các thế hệ đồng nghiệp của chúng tôi, những người không kinh qua chiến tranh, dễ gì có được trong giờ giảng!...

...Tình hình ngày một căng thẳng hơn. Đơn vị nhận được lện cấp trên qua tin tình báo cho hay, địch đang rắp tâm huy động một lực lượng lớn càn ra cứ Gò Nổi và Lộc Giang. Chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị trận địa và phương án chờ đánh địch, đồng thời dự kiến các tình huống có thể xảy ra.

Đúng như nhận định, ngày 30-7-1974, địch tập trung hai tiểu đoàn Bảo an cùng các đơn vị địa phương quân càn ra Gò Nổi, Lộc Giang. Từ sáng sớm, chúng gọi pháo từ Hậu Nghĩa, Đức Hoà, bắn dọn đường. Những trận mưa pháo liên tiếp dội lên trận địa chúng tôi. Khói lửa mù mịt. Gò Nổi và cứ Lộc Giang cây cối vốn khá rậm rạp, vậy mà sau mấy đợt pháo kích dữ dội, địa hình trống hoác, cây cối đổ ngổn ngang. Chúng tôi biết đây là một trận càn lớn vì địch đã đánh hơi được lực lượng chúng tôi. Trận này, chúng quyết đánh bật chúng tôi ra khỏi Gò Nổi. Hôm ấy, tôi và Trần Quốc Em (Hậu Lộc, Can Lộc) cùng chung công sự. Em bắn trung liên RPĐ. Cậu ta là học sinh trường Cấp III Nguyễn Văn Trỗi, nay là trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Can Lộc). Quốc Em học xong lớp 10 rồi gia nhập quân đội. Ngày còn đi học, Em học rất giỏi nhưng chưa kịp thực hiện ước mơ vào đại học thì có lệnh gọi nhập ngũ. Cậu ta vẫn thường tâm sự với tôi về những khát vọng của mình. Trần Quốc Em có dáng người thấp đậm, da ngăm đen, tóc dựng đứng, đặc biệt mặt lúc nào cũng đầy mụn trứng cá. Mắt một mí, ti hí trông buồn cười lắm. Hội họp, cậu ta siêng phát biểu và hay lí sự. Đó là một đặc điểm làm cho mọi người dễ nhớ. Trần Quốc Em hy sinh trong trận bám địch sau đó. Anh dẫm phải trái mìn B40 do du kích tự tạo gài để chặn địch. Bị thương cụt đùi phải mà vẫn tỉnh táo lắm. Lúc xuồng chở đi, Em nghẹn ngào trong nước mắt: "Tao... chắc không... sống nổi... Sơn ạ". Tôi vội quay mặt đi để giấu dòng nước mắt của mình trước người đồng hương bị thương nặng đang trong giờ hấp hối. Tôi động viên Em: "Không sao đâu mà! Cậu cứ yên tâm mà đi viện, nhất định sẽ qua khỏi!". Nói vậy nhưng tôi linh cảm rằng Em không thể nào qua nổi vì vết thương quá nặng. Quả nhiên, đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Em. Đến trạm phẫu trung đoàn, Trần Quốc Em trút hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Long An.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P48" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn