Bắc Kạn: Xuân về nghe hát Sli

Công Luận/Đông Bắc

02/02/2022 15:05

Theo dõi trên

Câu Sli bay bổng cất lên giữa cánh đồng, rặng tre hay bên bếp lửa ngày xuân là lời tâm sự, sẻ chia của tình bạn, là tiếng lòng yêu thương của chàng trai cô gái Nùng

Với đồng bào dân tộc Nùng ở tỉnh Bắc Kạn, mùa xuân là dịp để họ được gặp gỡ, giao lưu và đối đáp những điệu hát Sli giao duyên mượt mà. Câu Sli bay bổng cất lên giữa cánh đồng, rặng tre hay bên bếp lửa ngày xuân là lời tâm sự, là sự sẻ chia của tình bạn, là tiếng lòng yêu thương của chàng trai cô gái Nùng với ước mong về một tương lai hạnh phúc. 

 

Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng tiếng hát giao duyên của nghệ nhân Nông Văn Hồ hiện ở thôn Thôm Chản, xã Xuân Dương vẫn khỏe khoắn, hào sảng. Nghệ nhân Nông Văn Hồ là một trong số ít những người biết và lưu giữ nhiều câu hát độc đáo của đồng bào dân tộc Nùng. Biết hát Sli, Lượn từ những ngày theo các anh, các chị đi chơi chợ phiên, chợ tình; Lớn hơn một chút, ông Nông Văn Hồ đi hát khắp làng trên, bản dưới..., bởi ông quan niệm mỗi câu hát đều là văn hóa, là hồn cốt ngàn đời truyền lại.

"Tôi 16 tuổi biết hát Sli, đi cùng các chú, các bác ra chợ hát thất rất hay, thú vị, gặp nhiều người đẹp. Vợ chồng tôi vì hát Sli mà quen, biết rồi lấy nhau chứ không phải bố mẹ tìm cho, nhờ điệu Sli cả. Cái khó của hát Sli là giọng không to, không nhỏ, không biết hát thì thấy khó, biết thì dễ và không thấy xấu hổ. Bây giờ mình hát quen không thấy xấu hổ gì cả, chỉ thấy thích hát Sli thôi", ông Hồ chia sẻ.

Sli là hình thức hát thơ được biểu diễn dưới dạng đối đáp giữa đôi bên nam nữ trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, dịp lễ Tết... Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước với vai trò lĩnh xướng. Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli mời gọi thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời để đáp lại bằng lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp mà không có nhạc đệm hay vũ đạo kèm theo. Người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên tự diễn thể hiện qua nét mặt, cử chỉ để diễn tả nội dung khi hát.

Mỗi cuộc hát có cấu trúc ba chặng. Đầu tiên là những bài hát chào mời thăm hỏi, sau đó là những bài hát trao đổi tâm tình. Đây chính là phần lôi cuốn nhất của cuộc hát Sli, bởi lời đối đáp thể hiện sự tài hoa của mỗi người với những ví von ẩn chứa nhiều hàm ý hay mượn những câu hát về cây cối, trăng sao, năm tháng... để thổ lộ tình cảm của chính mình. Cuối cùng là những bài tiễn biệt dặn dò, là lúc họ trao nhau lời hẹn lại cùng đắm trong những câu Sli mượt mà, êm ái.

Bà Nông Thị Nguyện, vợ ông Nông Văn Hồ nhớ lại: “Người già, bố mẹ truyền lại thì tôi mới biết hát, sau đó mới đi hát ở các lễ hội, ngày chợ. Cũng từ hát giao duyên ở chợ mà chúng tôi mới nên duyên, hồi ấy 16, 17 tuổi rồi, hát gặp nhau mới nên vợ, nên chồng”.

Hát Sli trong những phiên chợ, những ngày hội xuân đã trở thành nét văn hóa của người Nùng ở mảnh đất Xuân Dương này. Dù vậy, sự đòi hỏi cao của kỹ thuật hát đối và môi trường, không gian diễn xướng tự nhiên dần bị mai một khiến việc bảo tồn điệu hát Sli gặp không ít khó khăn; số lượng người biết, am hiểu, thực hành hát Sli ngày càng hạn chế, chủ yếu trong lứa tuổi từ 45 trở lên.

Trước thực trạng đó, ông Nông Văn Hồ và những người yêu thích hát Sli ở xã Xuân Dương đã thành lập CLB hát Sli của xã. Lo câu hát của cha ông bị thất truyền, các thành viên Câu lạc bộ đã chép lại nhiều bản thảo để lưu giữ, truyền dạy cho con cháu. Ngoài sưu tầm sách hát từ cổ nhân, các thành viên CLB còn tự sáng tác, đặt lời mới và phiên dịch từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt để nhiều người cùng biết, cùng hát.

Anh Bế Đức Diễn, Chủ nhiệm CLB hát Sli xã Xuân Dương, huyện Na Rỳ cho biết: "Nhằm bảo tồn, duy trì hoạt động của CLB hát Sli, chính quyền địa phương và CLB đã lên kế hoạch, phương hướng lồng ghép với các buổi sinh hoạt ở thôn bản. Qua các cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của xã cũng lồng ghép vào. Chúng tôi đặt mục tiêu sinh hoạt ít nhất mỗi tháng 1 lần vừa để tuyên truyền, vừa trau dồi kiến thức cho các thành viên".

Điệu hát Sli là một làn điệu dân ca đặc trưng của người Nùng ở Na Rì (Bắc Kạn), song mỗi nhánh dân tộc Nùng lại không hoàn toàn giống nhau. Nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Phàn Slình có Sli Phàn Slình, Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu… Không chỉ mang tính giải trí, giao duyên, điệu Sli còn chứa đựng nội dung tư tưởng mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tôn kính, biết ơn ông bà tổ tiên của người Nùng. Với những giá trị đó, ngày 9/3/2021 hát Sli của người Nùng xã Xuân Dương, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Ông Lương Thanh Luyện, Trưởng phòng VHTT huyện Na Rỳ cho biết: "Điệu hát Sli của người Nùng đã được bà con lưu truyền qua nhiều thế hệ, thời gian qua huyện cũng đã cố gắng bảo tồn, gìn giữ và đã xây dựng được 2 Câu lạc bộ hát Sli. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu huyện, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc bảo tồn thông qua thành lập mô hình các câu lạc bộ".

Tại mỗi phiên chợ tình ở Xuân Dương, điệu hát sli độc đáo vẫn được cất lên trong những cuộc giao lưu văn nghệ và được nhiều người, nhiều lứa tuổi yêu thích. Từ những cuộc hát Sli, tình đoàn kết cộng đồng, tình bạn và cả những mối nhân duyên được vun đắp giữa các chàng trai, cô gái Nùng đến với ngày hội Xuân./.

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Kạn: Xuân về nghe hát Sli" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn