Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 36

PGS TS Cao Văn Liên

09/09/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 36

Vua và các đại thần về lại phòng khách sớm nay ngồi uống trà. Các gia nhân tấp nập bê các mâm thức ăn, rượu, bát đũa và cốc chén. Nguyễn Trãi sắp bát đũa, chén và rót rượu cho Lê Thái Tông và các đại thần. Lê Thái Tông nói:

-Ăn cơm ở ngoài kinh thành bao giờ cũng thấy ngon. Dạo trẫm thân chinh đi dẹp loạn ở vùng Tây Bắc, ăn lương khô, uống rượu đựng trong bầu làm bằng da bò khô mà vẫn thấy ngon.

  Cơm nước xong khi chuẩn bị về kinh đô, vua Lê Thái Tông nói:

- Khi trên đường về kinh đô ta sẽ ghé qua hành cung Lệ Chi Viên. Ở đó có bọn cung nữ và nữ tì. Khanh hãy để cho phu nhân Nguyễn Thị Lộ cùng đi để lên bảo ban dạy dỗ bọn đó cho chúng phục vụ cho tốt.

  Nguyễn Trãi đáp:

-Thần tuân chỉ.

 Nguyễn Trãi gọi Nguyễn Thị Lộ và dặn:

-Hoàng thượng muốn phu nhân cùng đi với đoàn để lên hành cung Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh) để dạy bảo cho các nữ tỳ và cung nữ ở hành cung đó.

Nguyễn Thị Lộ đáp:

-Đa tạ Hoàng thượng, đó là chức trách Lễ nghi học sĩ của thần phải làm.

  Quá giờ Ngọ, đoàn xa giá của vua Lê Thái Tông bắt đầu rời nhà Nguyễn Trãi ở Côn Sơn đi về hướng tây bắc. 5.000 quân đi trước, giữa là xa giá của nhà vua. Sau là 5 xe của 5 viên đại thần và xe của Nguyễn Thị Lộ. Tiếp theo là 5.000 cấm quân nữa đi hậu quân. Xế chiều đoàn xa giá tiến vào Lệ Chi Viên. Lệ Chi Viên nằm ở phía tây làng Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, trấn Bắc Ninh. Tương truyền khi xưa là trại trồng vải của nhà ông Điểm, sau bị nhà nước phong kiến sung công, biến thành nơi nghỉ của vua quan thời Lý, Trần đến nhà Hậu Lê khi vua quan các triều đại này đi kinh lý xứ Kinh Bắc và vùng Đông Bắc. Cung điện của nhà Lý không còn theo thời gian và biến cố, chỉ còn cung Ly Sơn của nhà Trần, cung Yên Hà của nhà Hậu Lê, thành nơi nghỉ chân của vua quan nhà Hậu Lê.

   Ăn cơm chiều xong, vua và năm đại thần từ cung Yên Hà ngắm cảnh chiều của Lệ Chi Viên. Mặt trời đã chếch hẳn về phía tây chỉ còn ló ra đỏ rực trước khi lặn hẳn, hắt lên những ánh hoàng hôn màu tím lên phong cảnh đồng bằng của Bắc Ninh. Xa xa là núi Tam Đảo mờ dần trong bóng tối, phía đông là Côn Sơn Khiếp Bạc xa mờ, một vùng đông bắc núi non cũng trùng điệp mênh mang buồn xa vắng. Thốt nhiên một cơn lốc mạnh xoáy qua, lá cờ vàng của nhà vua cắm dưới sân đổ gục rơi xuống đất. Hai con ngựa đen kéo xe của vua lồng lên gào thét. Mọi người kinh hãi. Vua Lê Thái Tông nói:

-Thôi chúng ta đi đến cung xem các cung nữ múa hát.

-Tuân lệnh Hoàng thượng.

  Mọi người đến thì bà Nguyễn Thị Lộ đã tranh thủ chỉ định bài múa hát tối nay để phục vụ Hoàng thượng và các đại thần. Các cung nữ đã trong bộ xiêm y màu xanh đỏ lộng lẫy, son phấn xinh đẹp được Lễ nghi Học sĩ dàn đội hình sẵn sàng biểu diễn. Khi  nhà vua và các đại thần đến, bà Nguyễn Thị Lộ và các cung nữ quỳ xuống hô to:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

  Nhà vua nói:

-Miễn lễ, cho biểu diễn đi.

-Tạ Hoàng thượng, tuân lệnh hoàng thượng.

  Các cung nữ múa bài “Tiên nữ hái đào ở vườn đào Vương Mẫu”. 20 cung nữ theo điệu nhạc du dương, dưới ánh đèn nến lung linh huyền ảo di chuyển ngửa nghiêng mềm dẻo, khoe những thân hình mềm mại nở nang cực kỳ lộng lẫy xinh đẹp. Tất cả làm cho cung Lệ Chi Viên như cung đình ở Thăng Long. Vua Lê Thái Tông ngồi giữa hai đại thần Nguyễn Xí  và Lê Thụ, thốt nhiên nhà vua nói với Lê Thụ:

-Ta mệt quá, gọi thái y nhanh.

 Và nhà vua gục xuống vai Lê Thụ. Lê Thụ hoảng hốt cả sợ:

-Đi gọi thái y mau. Hoàng thượng ngất xỉu rồi.

  Nhạc tắt đi và đám múa dừng lại, cả hội trường nhốn nháo, hỗn loạn, Bốn cấm vệ quân vội bế Lê Thái Tông về phòng đặt nằm xuống giường. Vừa khi đó thái y vào, ngồi xuống và cầm tay vua bắt mạch. Thái y lắc đầu:

-Mạch quá yếu, rất nguy.

Chợt Lê Thái Tông mở mắt ra nói thều thào:

-Gọi năm đại thần cùng đi vào đây.

-Dạ, chúng thần đã đủ ạ.

Lê Thái Tông lướt qua, hình ảnh năm đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Bôi, Lê Thụ, Trịnh Khả mờ mờ ảo ảo lượt qua mắt nhà vua. Lê Thái Tông dồn hết sức nói thều thào:

-Ta nay số mệnh ngắn, sắp đi về với tiên đế, ta phong năm ái khanh thành đại thần cố mệnh nhiếp chính về kinh phò tá Thái tử Lê Bang Cơ lên nối ngôi. Các khanh hãy hết sức phò trợ thái tử vì sự nghiệp của Tiên Đế, vì xã tắc của nhà Lê.                                                 Năm đại thần cúi đầu:

-Chúng thần tuân chỉ, Hoàng thượng anh minh.

Năm đại thần im lặng chờ đợi nhưng vua Lê Thái Tông vẫn im lặng, đầu vẹo sang một bên, thái y nói:

-Nhà vua đã băng hà rồi.

Ngoài cung vang lên tiếng khóc của các cung nữ. Nguyễn Xí hỏi thái y:

-Hoàng thượng sao lại ra đi đột ngột vậy, vì bệnh gì thưa thái y:

Thái y đáp:

-Hoàng thượng ra đi đột ngột có thể vì căn bệnh ở tim hoặc ở não mà không dự đoán trước được, cho dù Tuệ Tĩnh có sống lại cũng đành bó tay thôi.

Lê Bôi hỏi:

-Có dấu tích gì  Hoàng thượng băng hà do ngộ độc thức ăn hay bị trúng độc không?

Thái y đáp:

-Dạ bẩm tướng quân hoàn toàn không có. Mồm không ứa máu. Tôi đã khám kỹ rồi, Hoàng thượng mất do lao lực nhiều ngày, làm việc quá sức dẫn tới bạo bệnh.

-Đa tạ đại phu.

-Không dám.

Sau khi đại phu ra rồi, Đinh Liệt nói với bốn đại thần:

-Bây giờ phải bí mật, không được tung tin Hoàng thượng đã băng hà, bí mật đưa long thể về cung, lập thái tử lên ngôi rồi hãy phát tang.

Cả năm đại thần nhất trí:

-Cứ như vậy mà làm đi.

Rồi năm đại thần mặc áo long bào cho vua, đội vương miện, lính cấm vệ đưa thi hài ra xe ngựa, buông rèm vàng xuống, che lọng vàng, dương cờ vàng lên, giữ nguyên đội hình như cũ, im lặng đi về Đông Kinh.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 36" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn