Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 21

PGS TS Cao Văn Liên

25/08/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 21

Lê Khôi đáp:

-Vấn đề này thần cũng đã suy nghĩ từ lâu. Lê Tư Tề đã lớn, đã trưởng thành, từng trải qua chinh chiến, nhưng qua những lần thay Hoàng thượng nắm quyền đã tỏ ra nhiều nhược điểm của một bậc quân vương cai trị đất nước. Hai đại thần phò tá Lê Tư Tề đã bị gian thần vu cáo mà chết hẳn là tác động không nhỏ đến Lê Tư Tề. Nếu Lê Tư Tề kế vị hắn sẽ có những cuộc tắm máu trả thù những người liên quan. Lê Nguyên Long còn nhỏ nhưng đã bộc lộ bản chất, có năng lực của một quân vương.

 - Ta cũng nghĩ như khanh, Khanh gọi đem bút mực giấy ra đây.

-Dạ.

Lê Khôi gọi:

-Người đâu.

Một thị nữ xuất hiện

-Dạ.

-Đem giấy, bút, mực ra đây.

-Dạ.

Có giấy bút mực rồi, Lê Khôi đỡ Lê Thái Tổ ngồi dậy, lấy miếng ván đặt lên hai đùi của nhà vua để ông viết. Sau khi viết xong, Lê Thái Tổ đưa cho Lê Khôi và nói:

-Ái khanh cất đi, bao giờ ta mất hãy thiết triều đọc cho triều thần nghe, đưa Lê Nguyên Long lên nối ngôi.

-Thần tuân chỉ.

-Khanh cho gọi quan nội thị vào đây.

-Thần tuân chỉ.

Lê Khôi cho gọi quan nội thị vào, Lê Thái Tổ nói với quan nội thị:

-Khanh cho gọi Nhập nội Tư khấu Lê Sát, Tư không Lưu Nhân Chú, Nhập nội Tư mã Nguyễn Lý, Nhập nội thiếu úy Bùi Quốc Hưng vào đây.

-Thần tuân chỉ.

Canh giờ sau bốn vị Đại thần bước vào, cả bốn quỳ dưới long sàng và nói:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Thiếu úy Lê Khôi đỡ Lê Thái Tổ dậy, mệt nhọc nói;

-Bốn ái khanh nghe chỉ.

-Chúng thần nghe chỉ.

-Các ái khanh hãy đem Kim sách và ý chỉ của trẫm lập Lương Quận Công Lê Nguyên Long làm hoàng thái tử kế vị ngai vàng khi ta nằm xuống.

Bốn đại thần nhận cố mệnh, khóc mà nói:

-Chúng thần tuân chỉ.

Lê Thái Tổ lại nói:

-Dặn lại vua mới đối với các khai quốc công thần không được ngược đãi họ. Phải ưu đãi con cháu của Lê Lai. Khi làm giỗ phải cho giỗ Lê Lai trước trẫm một ngày, hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, rõ chưa?

- Chúng thần tuân chỉ. Chúng thần ghi nhớ.

Khi bốn đại thần đi ra, Lê Khôi còn giúp Lê Thái Tổ ngồi tựa viết tờ chiếu thứ hai, phế truất chức vụ Quốc vương của Lê Tư Tề. Lê Tư Tề chỉ còn là Quận vương sau tờ chiếu này. Hai tờ chiếu quyết định vận mệnh cho hai con trai ông được nhà vua viết vào cuối tháng 9. Ngày 5 tháng 10 năm 1433,  Lê Thái Tổ qua đời tại Đông kinh, thọ 49 tuổi, trị vì 5 năm (1428-1433).                   Hôm sau, tại điện Kính Thiên, bá quan văn võ thiết triều. Theo thông lệ, khi vắng Lê Thái Tổ thì Quốc vương Lê Tư Tề chủ trì nhưng hôm nay Thiếu Úy Lê Khôi tự lên đứng cạnh ngài vàng không  có vua và nói:

-Ta thông báo cho bá quan văn võ một tin buồn là Hoàng Thượng đã băng hà chiều hôm qua. Để tổ chức quốc tang phải lập Hoàng thượng mới. Quan nội thị tuyên chiếu.

Quan nội thị giở di chiếu của Lê Thái Tổ ra đọc: “ Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Ta nay di chiếu lại cho Thái tử Lê Nguyên Long là người kế vị ngai vàng, hãy xứng đáng là đấng minh quân trị vì thiên hạ. Khâm thử. Niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 5-1433.”.

Sau đó các đại thần cố mệnh như Lê Sát, Lê Ngân dìu Lê Nguyên Long, cho mặc áo bào, đội vương miện và ngồi trên ngai vàng. Bá quan văn võ quỳ xuống hô to:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Lê Nguyên Long nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

- Tạ hoàng thượng.

Lê Nguyên Long nói tiếp:                                                       

-Ta nay lên ngôi Hoàng đế, niên hiệu Đại Bảo, năm 1433 là năm Đại Bảo thứ nhất. Truy phong Lê Thái Tổ thụy hiệu là Thái Tổ Cao Hoàng Đế, an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn Thọ Xuân, Thanh Hóa. Truy phong thân mẫu Phạm Thị Ngọc Trần là Cung Từ quốc Thái mẫu. Nay trẫm mới lên ngôi nên xuống lệnh Đại xá thiên hạ.

Bá quan văn võ lại quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế, Hoàng thượng anh minh.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng.

Tiếp đó Lê Thái Tông nói tiếp.

Quan Nội thị tuyên chỉ thứ hai của Lê Thái Tổ.

Bá quan văn võ lại quỳ xuống, quan nội thị đọc tờ chiếu thứ hai:

“ Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết: Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, thế mà con trẫm là Lê Tư Tề không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, kinh nhờn trời đất, không theo đạo của các đấng quân vương. Nay giáng Tư Tề xuống tước Quận vương. Vậy bố cáo cho thiên hạ biết. Khâm thử”. Thuận Thiên năm thứ 5, 1433”. Thì ra đó là một tờ sắc tuyên bố bãi chức của Lê Từ Tề, các đại thần văn võ bá quan sửng sốt nhưng cũng đành phải hô:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

Lê Thái Tông nói:

-Các đại thần cố mệnh nghe chỉ.

Bốn đại thần cố mệnh Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn, Nguyễn Xí quỳ xuống.

-Chúng thần nghe chỉ.

-Nay tuyên bố cho thiên hạ biết Quốc tang trong 10 ngày. Cho các khanh thời hạn 5 ngày chuẩn bị nghi lễ, xe ngựa, tang phục, quân đội, điếu văn đưa thi hài Lê Thái Tổ về Lam Kinh an táng. Không được sơ suất.

-Chúng thần tuân chỉ.

-Quan Hành khiển Nguyễn Trãi nghe chỉ.

- Thần nghe chỉ.

Ái khanh chuẩn bị bài văn bia khắc vào bia Vĩnh Lăng dựng cạnh mộ Lê Thái Tổ ở Lam Kinh,

-Thần tuân chỉ.

-Lê Thụ, Nguyễn Xí nghe chỉ:

-Chúng thần nghe chỉ.

-Hai ái khanh chỉ huy quân đội và cùng với quân cấm vệ bảo vệ kinh thành trong khi triều đình, hoàng gia và trẫm đưa phụ hoàng về an nghỉ ở Lam Kinh.

-Chúng thần tuân chỉ.

Bãi triều

5 ngày sau buổi thiết triều của vua mới Lê Thái Tông, hoàng gia, văn võ bá quan và 5 vạn quân đội đưa thi hài của Lê Thái Tổ về quê. Đó là một đám tang vĩ đại chưa từng có, cờ tang rợp trời, quân đội hoàng gia và văn võ bá quan đều trong tang phục trắng xóa bước đi dằng dặc trên đường thiên lý từ Đông Kinh đến Thanh Hóa suốt 300 dặm. Thi hài Lê Thái Tổ được mai táng ở Vĩnh Lăng, Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bài Văn bia trên bia Vĩnh Lăng của Hành khiển Nguyễn Trãi biên soạn đã ca ngợi công lao của đức Thái Tổ đối với đất nước, đối với dân tộc. Đời sau cũng tôn vinh ông là anh hùng dân tộc do công lao giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của ngoại bang và đã đề ra những chính sách kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự, văn hóa, Pháp luật để xây dựng và phát triển đất nước trong thời hòa bình, đặt nền tảng để sau này cháu ông là Lê Thánh Tông xây dựng và phát triển Đại Việt thành một cường quốc, Đại Việt lên đỉnh cao nhất của chế độ quân chủ tập quyền phong kiến, đó là giai đoạn nhà Lê Sơ (1428-1527).

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 21" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn