SỰ GỤC NGÃ VÀ ĐÔI ĐIỀU RÚT RA TỪ NHỮNG VỤ "QUAN THAM" NHẬN HỐI LỘ

Vũ Xuân Bân

03/05/2024 10:16

Theo dõi trên

Danh sách những “quan tham” gần đây nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự tiếp tục nối dài từ cựu bí thư, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đến cựu Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; cựu bí thư, chủ tịch các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi;  cựu chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy- Hà Nội)… Đặc biệt trường hợp ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị cơ quan điều tra bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi do liên quan vụ án Tập đoàn Thuận An, tiếp tục gây chấn động dư luận xã hội.

dt1adang-1714703610.jpg

Tóm tắt:

Bài viết phản ánh tiếp tục cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng và các biện pháp mạnh cần thực hiện trong thời gian tới để loại trừ “quốc nạn” tham nhũng đến tận gốc rễ. Đồng thời phản bác luận điệu xuyên tạc về chống tiêu cực, tham nhũng , lật tẩy chiêu trò "lập lờ đánh lận con đen", hòng gây tâm lý hoài nghi, hoang mang, làm giảm niềm tin của nhân dân để từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta thực hiện quyết liệt, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo được niềm tin đối với nhân dân.

Từ khoá: Sự gục ngã. Tham nhũng

Chọn con đường thanh liêm hay vào trại giam ?

Những cán bộ lãnh đạo đứng đầu tỉnh, cán bộ ở trung ương và cở sở bị gục ngã nêu trên cho thấy sự tham nhũng liên quan đến quan chức nhận hối lộ không chỉ là vấn đề của cá nhân mà còn là một vấn đề hệ thống. Nó ảnh hưởng đến mọi tầng lớp xã hội và gây ra những thiệt hại không thể phục hồi được cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch là điều cực kỳ quan trọng để thu hút đầu tư và tạo ra sự phát triển bền vững.

Qua các vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, một vấn đề đặt ra là các “đại gia” lấy tiền đâu đưa hội lộ cho những cán bộ “thân hữu”?

Điều có thể khẳng định được ngay, đương nhiên không phải các đại gia Hậu Pháo (Tập đoàn Phúc Sơn), Nguyễn Thuận Hưng (Tập đoàn Thuận An) lấy tiền túi ra hối lộ mà chỉ là “tay không bắt giặc”, hay nói cách khác là “lấy mỡ nó rán nó”, hoặc như dân gian đúc kết “Thả con sắn sắt bắt con cá rô”. “Mỡ” chính là số tiền Nhà nước đầu tư cho dự án dùng để “rán” những cán bộ không kiềm chế được lòng tham. Muốn có tiền chia chác nhau chỉ bằng cách là nâng tổng số vốn đầu tư dự án lên thật cao rồi rút ruột công trình. Dự án do những người đứng đầu thời điểm đó phê duyệt, quyết định. Cán bộ cấp dưới tham gia dự án cấu kết với các Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An tạo thành “nhóm lợi ích”.

Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan, gồm 7 bị can, trong đó có ông Phan Thái Hà đang được khẩn trương làm rõ.

Riêng đối với nhóm lợi ích liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn do đại gia Hậu Pháo cầm đầu đã có 23 bị can bị khởi tố, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao tại các địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi; cơ quan chức năng cũng thu hồi được 55 tỉ đồng và 1,6 triệu USD do các bị can nộp lại. Nổi bật trong vụ án này liên quan đến những dự án 9 Km Nam Sông Trà (Quảng Ngãi) xảy ra cách nay hơn chục năm trước với mức đầu tư gần 1000 tỷ đồng tưởng chừng như đã đào sâu chôn chặt và dự án đường giao thông 28 Km tả ngạn Sông Hồng (Vĩnh Phúc) với mức đầu tư 1.500 tỷ đồng cũng đã kéo dài hơn chục năm nay vẫn chưa xong mà không ai chịu trách nhiệm tưởng như rơi vào quên lãng. Nhưng rồi “cái kim trong bọc có ngày lòi ra”. Những cán bộ lãnh đạo là bí thư, chủ tịch những tỉnh này dù đã nghỉ hưu hay đương nhiệm bị dính đến tiêu cực, tham nhũng đều phải bày, dính vào vòng lao lý. Hãy nhìn  những cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng như Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đương nhiệm phải tra tay vào còng số 8 để mà sợ, mà dừng bước. Về hưu đừng tưởng đã “hạ cánh” an toàn. Còn những ai đang đương chức có quyền quyết định dự án đầu tư hãy xem vụ nhận hối lộ của Tập đoàn Phúc Sơn là bài học lớn cho quan lộ. Chọn con đường thanh liêm hay chọn con đường vào trại giam như lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc… ?

Việc bắt các vị “quan tham” này lại thêm một minh chứng thuyết phục, góp phần gây dựng lòng tin của nhân dân trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, được xác định là “giặc nội xâm” đe doạ sự tồn vong của Đảng vả chế độ. Đây là xu thế không thể đảo ngược và sẽ không dừng lại ở những vụ việc đó và cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng vẫn tiếp tục. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ giữa "xây" và "chống", xây dựng, hoàn thiện thể chế để "bịt kín" những "kẽ hở", "lỗ hổng" với thực hiện các giải pháp phòng ngừa; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử thi hành án; giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, quyết liệt đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.

Không thể xuyên tạc

Thế nhưng bất chấp những nỗ lực và kết quả đạt được, các thế lực thù địch, phản động lại thường xuyên đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, cố tình phủ nhận thành quả chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực, lấy cớ kích động chống phá đường lối đúng đắn của Đảng và chế độ. Chúng rêu rao “càng chống tham nhũng, tiêu cực thì càng tham nhũng, tiêu cực”. khi các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được khởi tố điều tra, xét xử thì các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lại suy diễn là do “đấu đá nội bộ”, “phe phái thanh trừng”…

Khi các bản án nghiêm minh được công bố, họ lại vu cáo đó là do “bị triệt hạ”; còn nếu bản án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ thì họ mỉa mai “có tiêu chuẩn kép”, “tham nhũng chỉ tắm từ cổ”! Từ đó vu cáo công cuộc phòng, chống tham nhũng chỉ là hình thức, không có kết quả, đâu lại vào đó… Họ tung ra nhiều quan điểm, luận điệu xuyên tạc hết sức tinh vi, xảo trá nhằm làm giảm sút, xói mòn niềm tin của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo. Từ đó, đòi phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động tâm lý bất mãn trong một bộ quận quần chúng, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.  Đó là những chiêu trò “lập lờ đánh lận con đen” để chống phá Đảng, Nhà nước ta của những kẻ thiếu thiện chí với Việt Nam.

Cần phải nhận thức rằng tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện, nó ra đời và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của xã hội, là hiện tượng xã hội tiêu cực mà chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, chứ không phải riêng có ở Việt Nam. Do đó, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, không để quyền lực bị tha hóa, lạm dụng. Bất kỳ quốc gia nào cũng quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, tuỳ vào đặc điểm và các mức độ khác nhau.

Đảng, Nhà nước ta rất quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo được niềm tin đối với nhân dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, toàn diện. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2020. Đó chính là tiền đề, cơ sở chính trị, pháp lý góp phần đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều công dân kịp thời phản ánh, tố giác những hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền... góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh này; nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đã được xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước xét xử nghiêm minh. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo. Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%).

Vì vậy, luận điệu xuyên tạc về chống tiêu cực, tham nhũng nêu trên là hoàn toàn sai lệch, lật tẩy chiêu trò "lập lờ đánh lận con đen", hòng gây tâm lý hoài nghi, hoang mang, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân để từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước, xã hội. Việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta thực hiện rất quyết liệt, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và không có vùng cấm, không có ngoại lệ; công tác điều tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tạo được niềm tin đối với nhân dân.

Cần các biện pháp mạnh mẽ loại trừ “quốc nạn” tham nhũng

Tuy nhân dân hoan nghênh và mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng nhưng cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để loại trừ “quốc nạn” tham nhũng đến tận gốc rễ.

Qua thực tiễn công tác nhân sự tuy được làm rất kỹ nhưng vài ba nhiệm kỳ vừa qua, nhiệm kỳ nào cũng phải xử lý hàng loạt cán bộ cấp cao. Như công tác nhân sự Đại hội Đảng các khoá gần đây đều đã lọt những người không đạt tiêu chuẩn và không phải họ mới mắc khuyết điểm mà  bây giờ mới phát hiện ra. Câu hỏi hiển nhiên là ai chưa bị phát hiện ? Bởi giờ lãnh đạo Đảng đang chuẩn bị nhân sự cho khoá 14 và vì tham nhũng có muôn hình vạn trạng, dễ thấy nhất là tham nhũng quyền lực, tham nhũng tiền bạc … với hàng dài danh sách các vị bị phát hiện mắc tội tham nhũng, nhận hối lộ.

Do vậy, muốn loại trừ tận gốc phần lớn nạn tham nhũng  thì quan trọng nhất là cải cách thể chế, cải cách phương thức quản lý Nhà nước, thay đổi phương thức tuyển chọn nhân sự. Cách tuyển chọn nhân sự hiện tại thực tiễn 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây cho thấy đã để lọt vào Trung ương rất nhiều Uỷ viên Trung ương như trường hợp gần đây nhất là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan, kể cả Uỷ viên Bộ chính trị không đủ tài, kém phẩm chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân, gây thiệt hại to lớn cho Nhà nước và nhân dân. Nhiều ý kiến từ cơ sở đề nghị xem xét lại cách làm nhân sự gần đây. Vì cách làm nhân sự này không chỉ dẫn đến tình trạng thế hệ lãnh đạo sau không bằng thế hệ lãnh đạo trước mà nguy hiểm hơn là việc bảo vệ và duy trì quyền lực dẫn đến nguy cơ làm gia tăng tham nhũng quyền lực.

Cũng có ý kiến cho rằng cần cải tổ con đường rèn luyện thực tiễn bằng cách thuyên chuyển cán bộ để tránh hình thức và lãng phí, tạo ra tình trạng không biết việc, ngồi không nóng chỗ, không hành động để tránh va chạm, cuối cùng là không hiệu quả.

Lại có ý kiến cho rằng, công tác Đoàn thanh niên cộng sản và các đoàn thể khác như công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận tổ quốc tuy quan trọng nhưng cán bộ đoàn thể ít hoặc không đối mặt với các tình huống khó khăn ngàn cân treo sợi tóc, hay một mất, một còn nên không thể hiện được tài năng lãnh đạo. Tuyển chọn nhân sự qua con đường đoàn thể  cần xem xét lại vì thực tiễn cho thấy các cán bộ cấp cao thăng tiến từ con đường đoàn thể chẳng những không có năng lực mà còn vi phạm khuyết điểm với tỷ lệ không nhỏ, trong đó  gần đây nhất Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thịu Thuý Lan, rồi cựu bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi là một trong những trường hợp đó.

Với những điều rút ra từ những vụ án tham nhũng gần đây, chúng ta cần thực hiện những biện pháp cụ thể để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, nhất là nạn quan chức “không vượt qua được chính mình” nhận hối lộ bị gục ngã đau đớn. Điều cấp thiết là phải tăng cường, củng cố hệ thống kiểm soát và giám sát quyền lực, tăng cường giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, và thực thi pháp luật một cách nghiêm ngặt đối với những kẻ phạm tội. Cần phải  tạo ra một môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể giúp giảm thiểu cơ hội cho sự tham nhũng và hối lộ.

V.X.B

Bạn đang đọc bài viết "SỰ GỤC NGÃ VÀ ĐÔI ĐIỀU RÚT RA TỪ NHỮNG VỤ "QUAN THAM" NHẬN HỐI LỘ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn