Quái kiệt Lưu Đình Tòng - Tòng “cháy” (1930 – 2015)

Hồ Công Thiết

15/12/2021 14:37

Theo dõi trên

Năm 1963, tại giải Thống Nhất (giải vô địch toàn miền Bắc), trên sân vận động Hàng Đẫy, có một tai nạn nghiêm trọng với Quái kiệt Lưu Đình Tòng khiến cầu thủ hai đội cùng khán giả trên sân bàng hoàng và dư luận quan tâm đặc biệt.

267371257-3078265059119282-4294828549944872386-n-1639470744.jpg
Ông Lưu Đình Tòng

Trận đó Công an Hà Nội đấu với Tổng cục Bưu điện. Hà Nội lúc đó có 2 đội bóng của lực lượng võ trang là Thể công và Công an Hà Nội. Đội Thể Công thành lập năm 1954, Công an Hà Nội năm 1956. Năm 1957 thành lập đội Đường sắt Việt Nam và sau mấy tháng, đội Tổng cục Bưu điện ra đời, đem đến cho người hâm mộ Hà Nội những trận derby hàng tuần đầy cuốn hút trên sân vận động Hàng Đẫy, và cả trên sân Manzin (do sân nằm dưới chân Cột cờ thành Hà Nội nên sân này cũng được gọi là sân Cột cờ).

Trên sân Hàng Đẫy, trung vệ Đỗ Tấn Lực (bố của Đỗ Dũng, giám đốc bóng đá Viettel bây giờ) phá bóng lên giữa sân. Bóng đến chân ông Diệp Phú Nàm. Chỉnh một nhịp, tiền vệ Diệp Phú Nàm xoay người, phất quả dài qua đầu trung vệ Tô Giới Pháp của CAHN lúc ấy đang nhô cao. Ông Lưu Đình Tòng (Tòng “cháy”) từ biên trái chạy về bọc lót cho trung vệ như ông vẫn thường ứng cứu cho khung thành đội nhà như mọi khi. Tiền đạo Huỳnh Ngọc Ẩn của TCBĐ từ ngoài biên, chạy chéo sau lưng ông Tô Giới Pháp để đón quả lốp bóng quen thuộc của ông Diệp Phú Nàm. Ông Tòng “cháy” nổi danh sân cỏ với quả tung người móc bóng, nhiều khi ngay trên vạch vôi của khung thành. Lần này gấp quá, ông đành nhảy lên đánh đầu để ngăn ông Ẩn khống chế được bóng. Lúc đó ông Tô Giới Pháp đã kịp quay về, cũng cố tung chân cao hết cỡ để phá bóng. Phá xong quả bóng nguy hiểm bằng đầu thì mặt ông Tòng “cháy” cũng lĩnh trọn cú đá của ông Tô Giới Pháp. Giày đá bóng hồi đấy làm bằng da thuộc, cứng đanh, cộng thêm bộ tăm pông làm bằng những miếng da nhỏ rồi đóng đinh cố định vào đế giày nên sức công phá của nó cực khủng khiếp.

265886313-3078265205785934-651156977559325129-n-1639470836.jpg
Ông Lưu Đình Tòng và gia đình

Ông Tòng “cháy” gục ngay tại chỗ, mặt bê bết máu. Xe đưa ông đến Bệnh viện Xanh Pôn, bác sỹ thăm khám và phát hiện cả 4 cái răng cửa của ông đã bị rơi mất. Hết trận, cả đội nán lại, xin được bật đèn rồi dàn hàng ngang bới từng ngọn cỏ để tìm răng cho ông Tòng mà không thấy. Sáng sớm hôm sau, cả đội lại kiếm tìm, nhặt được đủ 4 cái răng và cho người mang đến bệnh viện Xanh Pôn, nơi ông Tòng “cháy” đang nằm điều trị. Cụ Lê Nghĩa, Phó giám đốc Sở công an Hà Nội triệu tập cuộc họp lãnh đạo đội để kiểm điểm ông Tô Giới Pháp. Chi ủy đội bóng lúc đấy có ông Tô Hiền, ông Vũ Văn Hạc và ông Tô Giới Pháp nhưng thời đấy nếu đảng viên sai phạm thì sẽ bị xử nặng hơn những quần chúng bình thường. Cụ Lê Nghĩa không chịu được cảnh cầu thủ con cưng của mình và cũng là cầu thủ con cưng của cả nước phải chịu chấn thương đến vậy.

Nghe chuyện, ông Tòng “cháy” trốn bệnh viện về, xin được tham gia cuộc họp kiểm điểm ông Tô Giới Pháp. Giọng thều thào nhưng nhẫn nại, ông kể chi tiết tình huống cho lãnh đạo Sở công an nghe, và một mực minh oan cho ông Pháp bằng cách tự nhận lẽ ra mình phải né ra để ông Pháp phá bóng bằng chân. Câu chuyện này, các lão làng còn lại hiện nay của đội bóng CAHN như các ông Sơn “min”, Thọ “gáo”, Ba Đài, Dư “còng”, Trần Đức…đến nay vẫn còn nhớ và đều cảm phục đàn anh Tòng “cháy” đã hết mình bảo vệ đồng đội.

Mấy năm trước tôi theo cụ Minh “mã” (cựu tuyển thủ quốc gia) và đội FC Bách khoa Hà Nội vào Nam thi đấu, có ông Huỳnh Ngọc Ẩn cùng tham gia Đoàn. Ông Ẩn cũng kể lại giây phút sững sờ khi thấy ông Tòng “cháy” bị đá thẳng vào mặt trong tình huống đấy. Ông Ẩn cho biết thêm: “Đời cầu thủ đá tuyến trên thời đấy mấy ai qua được ông Tòng. Ông bắt bài được hết. Ông được quyền chủ động phá bóng, còn tiền đạo phải lo giữ bóng để qua người. Vậy mà chưa bao giờ ông chứng kiến ông Lưu Đình Tòng bị phạt thẻ đỏ trong đời cầu thủ của mình”.. Ông tâm sự: “Ông Tòng “cháy” tốt lắm. Bọn tao lúc có bóng chỉ nhăm nhe qua người. Lúc đấy hậu vệ muốn đưa bọn tao đi viện lúc nào cũng được mà ông Tòng không thế. Ông thương đồng nghiệp. Cả lứa bọn tao, dù tuổi có khi chỉ xêm xêm nhau, nhưng đa phần chúng tao đều coi ông Tòng “cháy” là đàn anh, cả trên sân cỏ lẫn ngoài đời”.

*

* *

Khi còn theo nghiệp bóng đá, ông đảm nhiệm vị trí hậu vệ trái đội bóng đá Công an Hà Nội và tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông được giới bóng đá và người hâm mộ đương thời suy tôn là Đệ nhất Hậu vệ mọi thời đại. Ông sinh năm 1930 tại Hà Nội, là trai phố Hàng Gai nhưng có nước da đen bóng do suốt ngày chạy phơi dưới nắng nên còn có biệt danh sân cỏ là Tòng “cháy”.

Hồi Pháp thuộc, ông tham gia đội bóng Hoàng Diệu, là đội mạnh của Hà Nội thời bấy giờ. Sau Tòa Thị chính chuyển cả đội cho Sở cảnh binh quản lý, lấy tên là đội Cảnh binh Hà Nội. Cùng lứa với ông có các ông Nghẽn, Luyến, Thưởng, Tuất, Phú “tí”, Hợi “toe”… Đến năm 1956, khi đội bóng đá Công an Hà Nội được thành lập, các ông là lứa đầu tiên, nòng cốt của một tượng đài về bóng đá của Thủ đô.

267028241-3078265292452592-475018385776607822-n-1639470836.jpg
Đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1956 (ông Lưu Đình Tòng, đứng hàng đầu, thứ 4 từ trái sang)

Ngày 1/1/1960, thể thao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có cuộc bình chọn lần đầu tiên vận động viên tiêu biểu của nước nhà, ông được đơn vị khởi xướng và tổ chức cuộc bình chọn là báo Thủ đô ( sau báo này hợp nhất với báo Thời mới thành báo Hà Nội mới như bây giờ), vinh danh là cầu thủ số 1 của bóng đá Việt Nam, vượt qua những danh thủ Trương Tấn Nghĩa, Diệp Phú Nàm, Nguyễn Thành Đô, Trần Tương Lai, Ngô Xuân Quýnh…

Năm 1956, đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chuyến xuất ngoại đầu tiên thi đấu tại Trung Quốc. Theo sơ đồ WM, đội hình chính thức của tuyển quốc gia là thủ môn Đức “ba xương”, dự bị là ông Nghĩa “min” và ông Koóng. Hậu vệ 3 người gồm ông Te bên phải, Tòng “cháy” bên trái và ông Nghẽn trung vệ. Tiền vệ có ông Luyến, Thưởng, Nghĩa, Bảy, Tuất cùng 2 tiền đạo là Tiền và Ba Len.

Với đội hình này, các ông đã thi đấu ngang ngửa với các đội mạnh của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc lúc đấy đã gọi ông Tòng “cháy” là Quái kiệt của nước Nam. Cánh trái đội tuyển lúc đó có ông và ông Nghẽn, cặp bài trùng của đội Công an Hà Nội đá cực kỳ “ăn jơ” do đã sát cánh bên nhau nhiều năm. Suốt cả chuyến du đấu, các tiền đạo của Trung Quốc tìm đủ mọi cách vẫn không thể dắt được bóng qua cánh ông trấn giữ để xuống biên ngang tạt bóng cho đồng đội.

Năm 1960, Việt Nam tổ chức Giải bóng đá Việt – Trung – Triều – Mông trên sân Hàng Đẫy. Trận gặp đội Trung Quốc vừa tập huấn tại Liên Xô về với những cầu thủ nổi tiếng như Trương Tuấn Tú, Niên Duy Tứ, Phương Nhuận Thu, Trương Hồng Căn… Phút 86, khi đó đội Việt Nam đang bị dẫn 3 – 2 thì được hưởng quả đá phạt ngay sát vạch 16,50m. Ông Tòng “cháy” được giao đá phạt. Thủ môn huyền thoại Trung Quốc Trương Tuấn Tú bắt bài ông sẽ đá chân trái vì cả trận, nơi hành lang cánh trái, ông cũng sử dụng chân trái một cách thuần thục. Không ngờ ông lấy đà rồi tung cú sút bằng chân phải cực mạnh. Bóng liếm xà ngang rồi đập vào lưới trong tiếng reo hò phấn khích của hơn hai chục ngàn người trên sân Hàng Đẫy.

263810577-3078265439119244-3470914148215643140-n-1639470836.jpg
Đứng hàng đầu, từ phải sang: Ông Vũ Văn Hạc, ông Lưu Đình Tòng, ông Lê Nghĩa cùng các học trò của thầy Tòng, thầy Hạc.

Ông Tòng “cháy” đá hậu vệ biên nhưng nổi tiếng với những pha tung người móc bóng cứu thua ngay sát vạch cầu môn. Cú tung người móc bóng ấy, tiếng Pháp gọi là Ciseau, tiếng Brazil là Chilena hay Pele kick và tiếng Anh gọi là Bicycle kick, còn dân ta thì gọi là “xi-dô”, “ngả bàn đèn” hay “móc Sài Gòn”. Ông được gọi là quái kiệt một phần cũng nhờ cú móc bóng điệu nghệ ấy. Giống như nghệ sỹ xiếc, ông tung người lên nhưng khi thân đã bật lên cao, đến đúng độ dừng, ông mới quăng chân để đá bóng. Đường bóng đi, có những khi thẳng căng như được đá lúc trụ vững trên sân. Dù cơ thể ông lúc đó đang lộn vòng, nhưng cái chân của ông như có mắt, lần nào cũng đá đúng tâm bóng để lái nó đi theo hướng ông muốn.

Ông Tòng “cháy” là một hậu vệ, rất cần sự quyết liệt khi tranh cướp bóng nhưng những đồng đội và cả những đối thủ của ông trên sân cỏ đều cực kỳ nể phục. Đôi chân dẻo như ma thuật, tài phán đoán chính xác khiến ông ít phải dùng sức khi đấu tay đôi với tiền đạo đội bạn. Nghỉ thi đấu đỉnh cao, ông làm công tác huấn luyện cho đội lớn rồi đội trẻ. Văn Hùng, Tuấn Sơn, Phi Hùng, Thông “héo”, Thọ “ô mai”, Dũng “xoăn”, Cường “kinh”, Việt “hổ”, Hoà C, Khanh “ốc”, Bình “mẩu”… Cả một lứa do ông đào tạo đều trở thành trụ cột của đội CAHN đoạt chức vô địch quốc gia năm 1984.

Ông đã cùng đội CAHN vô địch giải hạng A toàn miền Bắc năm 1962 và 1964. Cũng năm 1964, ông cùng đồng đội đoạt tiếp Cúp vô địch Giải Thống nhất ngay trên sân Hàng Đẫy.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Quái kiệt Lưu Đình Tòng - Tòng “cháy” (1930 – 2015)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn