Phát huy giá trị của hương ước trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc hiện nay

TS. Nguyễn Hữu Mùi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long

25/10/2023 14:14

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận Phát huy giá trị của hương ước trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc hiện nay tại Hội thảo “"Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” tổ chức ngày 21/10/2023.

cac-dai-bieu-du-hoi-thao-1698200894.jpg

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” ngày 21/10/2023

1. Mở đầu

Hương ước là sự sáng tạo văn hóa của một cộng đồng người nhất định, nơi biểu hiện rõ nhất cho hệ giá trị cũng như chuẩn mực đạo đức của văn hóa làng xã, trở thành dấu ấn có tính chất đặc trưng cho mỗi dân tộc. Ở Việt Nam, trải qua sự phát triển của đất nước cho thấy, trong các làng xã cổ truyền của người Việt, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hương ước vốn tồn tại dưới nhiều hình thức mà khởi đầu là những quy định bằng miệng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Song để tránh “khẩu thiệt vô bằng”, người dân đã chuyển sang một hình thức khác là cố định hóa bằng văn bản. 
Đến thế kỷ thứ XV, ở nước ta bắt đầu xuất hiện một số bản hương ước được cố định hóa bằng văn bản, viết bằng chữ Hán, gọi là hương ước cổ, trong đó văn bản cổ nhất còn ở dạng nguyên bản, khắc trên bia, ghi tiêu đề là Trăn Tân từ lệ bi ký 臻 津 祠 例 碑 記, tạo niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487), đặt tại đền Trăn Tân, xã Phú Thọ, huyện Thiện Tài, ghi về một số quy định của các xã thuộc hai huyện Thiện Tài và Gia Định, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc trong việc thờ vị thần Lã Nam Để Đế .
Từ đó trở đi, hương ước xuất hiện ngày càng nhiều tại các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tên gọi như hương ước, khoán ước, cựu ước, ước lệ, cổ lệ, tục lệ… Tuy vậy, tên gọi phổ biến nhất vẫn là hương ước. Tức đây là những quy định của mỗi làng xã về các vấn đề dân sự, hình sự, các quy tắc ứng xử trong việc giữ gìn đạo lý, phong tục, tập quán để mọi người trong cộng đồng tuân thủ. 

2. Thực trạng về hương ước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Tọa lạc trong không gian văn hóa xứ Đoài, tiếp xúc với Kinh thành Thăng Long – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục lớn trong cả nước nên từ rất sớm người dân Vĩnh Phúc đã biên soạn hương ước làm công cụ duy trì sự ổn định và phát triển của mỗi làng xã. Cũng như các địa phương khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hương ước cổ của người dân Vĩnh Phúc được viết bằng chữ Hán, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong số hương ước hiện còn, bản cổ nhất được xác định là của xã Phù Lập, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Phù Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường), soạn niên hiệu Chính Hòa thứ 22 (1701), đời vua Lê Hy Tông (1676-1705).
Bản hương ước này khắc trên bia, đặt tiêu đề là Lập thạch bi truyền vạn đại 立 石 碑 傳 萬 代, với nghĩa là hương ước khắc trên bia đá lưu truyền muôn đời. Nội dung là những quy định của bản xã về một số vấn đề, như long mạch tại các xứ đồng, nếu người nào phá hoại thì phải tạ lễ Thổ thần bằng 1 con lợn, 1 mâm vàng mã (Điều 1); Các nơi có hình thế nghiên, bút, bảng, ấn, cờ, trống… phải thường xuyên được tu bổ (Điều 2); Các vị quan viên, Xã trưởng trong xã, người nào đến 50 tuổi được miễn lao dịch (Điều 3) … Bắt đầu từ đây hương ước cổ của tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều tại các làng xã thuộc địa bàn, có nơi viết trên giấy, có nơi khắc trên bia, với số lượng 22 bản . 
Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, trên địa bàn tỉnh xuất hiện loại hương ước viết bằng chữ Quốc ngữ hoặc chữ Nôm hoặc xen kẽ bằng chữ Pháp, gọi là Hương ước cải lương. Hương ước cải lương được biên soạn theo Nghị định của Chính quyền thuộc địa Pháp ban hành vào ngày 12 tháng 8 năm 1921, với hướng dẫn: “Sổ hương ước cần phải làm rất giản dị, lời lẽ phải thích đáng và ý nghĩa phải phân minh để dân làng ai đọc cũng dễ hiểu, như thế thì tránh khỏi được sự hàm hồ và tránh khỏi được các việc kiện tụng lôi thôi về sau”. Hương ước cải lương của tỉnh hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, tổng cộng gồm 201 văn bản của các làng xã thuộc 5 huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và Yên Lạc .
Khác với hương ước cổ, hương ước cải lương do được hướng dẫn của chính quyền thuộc địa nên mỗi văn bản được biên soạn thành 2 phần, là Phần “Điều lệ tổng cục” và Phần “Tục lệ của làng”. Phần Điều lệ tổng cục bao gồm các mục: Chính trị, Sổ thu thuế, Bổ thuế nhà nước, Sự kiện cáo, Tuần đinh, Tuần đồng, Sự cấp cứu, Sự vệ nông, Sự sửa sang cầu cống, Sự vệ nông… Phần Tục lệ của làng bao gồm các mục: Sự quân cấp điền thổ, Giá thú, Lễ cheo, Tang lệ, Lệ hiếu… Những hương ước ở đây được biên soạn thành từng điều, có làng chỉ vài điều, nhưng cũng có làng biên soạn thành 87 điều .
Sau hương ước cải lương đến hương ước biên soạn trong thời kỳ đổi mới, viết bằng chữ Quốc ngữ, gọi là hương ước mới. Vào năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện của đất nước thì những giá trị về văn hóa từng bước được phục hồi, trong đó có việc ban hành hương ước dựa trên kết quả của cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới trong toàn quốc. Hội nghị Trung ương khóa 7, ngày 25 tháng 3 năm 1994 đã ra Nghị quyết ban hành việc xây dựng hương ước ở nông thôn nước ta. Sau đó hương ước tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều Văn kiện, Chỉ thị, Thông tư mà quan trọng nhất là Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về “ Xây dựng hương ước/quy ước” cho các địa phương nước ta thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, vào năm 2004, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 33/2004/NQ-HĐ về định hướng nội dung hương ước của thôn, làng, bản, khu dân cư trên địa bàn của tỉnh. Kết quả điều tra, điền dã của chúng tôi cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được hương ước mới trên cơ sở tiếp thu tinh hoa từ hương ước cổ và hương ước cải lương do người dân biên soạn trước đó. Cụ thể mỗi thôn, làng, bản, tổ dân phố đều có một bản hương ước, như huyện Bình Xuyên: 135 bản; huyện Lập Thạch: 189 bản; huyện Sông Lô: 146 bản; huyện Tam Dương: 130 bản; huyện Tam Đảo: 103 bản; huyện Vĩnh Tường: 178 bản; huyện Yên Lạc: 157 bản; thành phố Phúc Yên: 91 bản; thành phố Vĩnh Yên: 111 bản. Tổng cộng gồm 1.240 văn bản của 9 huyện, thị trên địa bàn của tỉnh.

Hiện tại, mỗi bản hương ước của tỉnh được xây dựng theo kết cấu: ngoài phần Mở đầu, đều có 5 chương: Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hóa; Chương 3: Quản lý đời sống và xây dựng kinh tế; Chương 4: Về an ninh trật tự; Chương 5: Tổ chức thực hiện. Mỗi chương bao hàm một số điều, tổng cộng có từ 25 đến 28 điều, với khoảng 8-9 trang, chế bản vi tính, in trên giấy khổ A4. 
3. Phát huy giá trị của hương ước mới trên địa bàn tỉnh
Như đề cập, hương ước mới của tỉnh biên soạn trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay đã tiếp thu tinh hoa, loại bỏ yếu tố tiêu cực từ hương ước cổ và hương ước cải lương, xây dựng thành hương ước mới của tỉnh, với số lượng 1.240 bản.
Thực tế điều tra, điền dã cũng cho thấy mỗi địa phương trên địa bàn Vĩnh Phúc, dù là thôn, làng, bản, tổ dân phố hay khu dân cư thì mỗi nơi đều có 1 bản hương ước hoặc quy ước. Độ “phủ sóng” như thế nói lên sự thành công trong công tác biên soạn hương ước của các cấp các ngành trên địa bàn của tỉnh. Không chỉ vậy, những bản hương ước hoặc quy ước của tỉnh hầu hết đã được bổ sung, sửa chữa và được UBND huyện, thị phê duyệt, đóng dấu, dùng làm căn cứ thi hành. Nhờ đó hương ước mới của tỉnh hiện đang phát huy tác dụng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực. 
Trước tiên cần khẳng định, hương ước mới của tỉnh thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc quản lý gián tiếp của nhà nước đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Nói cách khác, hương ước mới đã đóng vai trò điều chỉnh, giải quyết các mối quan hệ của thôn, làng, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh mà pháp luật chưa điều chỉnh. Như thế cho thấy giữa “phép vua” và “lệ làng” ở địa bàn Vĩnh Phúc có sự rạch ròi, không “lấn sân” của nhau. Chính điều này đã góp phần đưa pháp luật của nhà nước vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước bằng pháp luật.  
Bên cạnh đó, hương ước mới đã góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống, phong tục tốt đẹp của người dân Vĩnh Phúc, như tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn…Những nhân tố này được tiếp thu từ hai loại hương ước có từ trước đó, đặc biệt là hương ước cổ. 
Hương ước mới cũng góp phần hình thành các giá trị chuẩn mực đặt ra trong giai đoạn hiện nay, như vấn đề khuyến học, khuyến tài, khuyến nông… phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân trong tỉnh nhờ tiếp thu từ thực tế trong hương ước cổ và hương ước cải lương.
Cũng qua hương ước mới cho thấy vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong tỉnh tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Đây chính là điểm mới mà hương ước mới của tỉnh đã phát huy tác dụng một cách mạnh mẽ trong suốt thời gian qua.
4. Cần chỉnh sửa, bổ sung những bất cập của hương ước mới áp dụng cho mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh
Mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” là sự sáng tạo, mang tính đột khởi, có ý nghĩa nhân văn cao cả của người dân Vĩnh Phúc. Theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, ngày 05 tháng 5 năm 2023 của tỉnh, mô hình này sẽ xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn “ trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh, giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc”. Mục tiêu là “ Đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí  của “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Song, trong 60 làng thuộc diện quy hoạch “Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh tính từ nay đến năm 2030 hiện đang sử dụng hương ước mới, giống như hương ước mới của các làng còn lại chưa đưa vào diện “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Mà hương ước mới, ngoài những giá trị được phát huy như trình bày, hiện còn bộc lộ một số khiếm khuyết. Trong bối cảnh này, cần hoàn thiện những điểm còn khuyết khuyết cho phù hợp với mô hình “ Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh. Cụ thể như sau:
+ Về hình thức văn bản
- Xác định tên gọi:
Khảo sát một cách tổng thể sự hiện diện của hương ước mới trên địa bàn tỉnh cho thấy khá nhiều hương ước hiện đang có thêm một tên gọi khác là “quy ước”. Tên gọi này đặt song song với tên gọi “hương ước” và được ngăn cách với nhau bằng một dấu phảy . 
Thực tế cho thấy “ hương ước” hoặc “quy ước” đều là danh từ, dùng một trong hai tên gọi đều bao hàm nội dung như nhau. Trong khoản 4, Điều 5, Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước áp dụng đối với cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn và cấp tương đương cũng ghi rõ: “ Việc chọn tên gọi “hương ước” hoặc “quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định”. Do vậy, chỉ cần dùng một trong hai tên gọi là phù hợp.
- Lời nói đầu
Qua khảo sát cho thấy, tất cả Lời nói đầu của hương ước mới trong tỉnh đều viết dài, trung bình là 1 trang, nhiều nơi viết hơn 1 trang , nhưng không đúng trọng tâm. Phần này, hầu như các bản đều mở đầu giống nhau, đại loại như nêu lịch sử của thôn/ làng được thành lập từ bao giờ, vị trí địa lý ra sao, làng có mấy thôn, diện tích bao nhiêu km2, dân số bao nhiêu người, đình, chùa, miếu, mạo ra sao, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng có bao nhiêu bộ đội nhập ngũ, bao nhiêu bà mẹ Việt Nam anh hùng… Sau đó mới nói đến việc biên soạn hương ước thì lại viết quá ngắn, không nêu bật được mục đích, ý nghĩa của công việc này. 
Trước đây,  Lời nói đầu của hương ước cổ trong tỉnh được viết ngắn gọn, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc biên soạn hoặc chỉnh sửa hương ước, lấy đoạn trích dưới đây làm ví dụ: “ Ngày mùng 3, tháng 2, niên hiệu Đồng Khánh thứ nhất (1886), các vị kỳ lý thôn Tiền Quan, xã Đạm Xuyên, tổng Bạch Trữ, phủ Yên Lãng hội họp tại đình bàn việc lập hương tục. Nghe rằng: Dân thôn là một ấp nhỏ, đất xấu, người nghèo, phong tục thuần hậu, đương thời từng một hai lần chỉnh sửa hương tục, lấy đó thi hành, rành rành trước mắt, tốt đẹp thấy rõ nhưng do lâu ngày sinh tệ, thuần ngoa hỗn tạp, tốt xấu lẫn lộn. Nay mừng đất nước yên bình, chỗ tốt thì chọn lấy tinh hoa, chỗ xấu thì bỏ không dùng, trên không trái với pháp luật hiện hành, dưới mang lại phong tục thuần hậu cho dân, thuận ý nhiều người, liên quan đến phong tục…” . Do vậy, cần tu chỉnh ở phần Lời nói đầu theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nắm bắt nội dung của việc biên soạn hoặc tu sửa hương ước.

- Lỗi chính tả
Mỗi hương ước trên địa bàn của tỉnh dù được giao cho một Hội đồng biên soạn công phu, sau đó lại được người dân trong địa bàn góp ý và thông qua rồi trình xã/ phường/ thị trấn xem xét. Tiếp đến cấp huyện hoặc thành phố phê duyệt, chuyển về địa phương làm căn cứ thi hành.
Tuy nhiên, hương ước của tỉnh hiện đang mắc khá nhiều lỗi chính tả, như “sáp nhập” viết thành “sát nhập”; “sung vào quỹ công” viết thành “xung vào quỹ công” ; “truyền thống” viết thành “chuyền thống” ; “tập trung” viết thành “tập chung”, “xử sự” viết thành “ sử sự” … Những lỗi này cần được khắc phục.
+ Về nội dung văn bản
- Đặt ra tiêu chí chưa phù hợp
Đây đó, khi tiếp xúc với hương ước của tỉnh, một số nơi đặt ra quy định: “ Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 02 con” Nhưng theo Điều 10, Pháp lệnh dân số 2003 (được sửa đổi bởi Điều 1 Pháp lệnh 08/2008/PL-UBTVQH12 thì Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tại điểm 2 ghi: “Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Điểm 4 tại Quyết định số 22/2018/TTg của Chính phủ cũng quy định:“ Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới”. Do vậy, tiêu chí mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con cần được sửa thành mỗi cặp vợ chồng sinh từ một đến hai con là phù hợp với Pháp lệnh dân số hiện hành.
    - Đặt ra lệ phí thu tiền
    Khá nhiều hương ước hiện ghi rằng:“ Trước khi tổ chức đám cưới, đại diện hộ gia đình đặt cược 500.000đ nộp về UBND xã” . Hoặc:“ Trước khi cải táng, đại diện hộ gia đình phải cược bằng tiền, mức 1.000.000đ” . Trong khi tại Điểm 5, Quyết định số 22/2018/TTg quy định: “Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất”. Những khoản lệ phí này cần phải loại trừ.
+ Bổ sung chỗ còn thiếu
Vĩnh Phúc có khá nhiều làng nghề truyền thống, như nghề rèn, nghề mộc, nghề gốm…, trong đó có làng nghề hiện đã đưa vào diện “ Làng văn hóa kiểu mẫu” như làng Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường. Đây là làng rèn có lịch sử mấy trăm năm, với sản phẩm đa dạng, bền và đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Lời nói đầu của hương ước thôn Bàn Mạch cũng khẳng định: “ nghề rèn chiếm khoảng 90% dân số” nhưng không có điều khoản nào đề cập đến nghề rèn của làng. Tại đây cần bổ sung một số điều nói về sự hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất nghề rèn vốn được coi là truyền thống và là thế mạnh của làng. Sắp tới những làng có truyền thống về nghề mộc, nghề gốm… nếu được đưa vào diện “ Làng văn hóa kiểu mẫu” thì cũng cần bổ sung một số điều thuộc thế mạnh của địa phương để từ đó góp phần xây hương ước của tỉnh vừa có điểm chung của cư dân làm nông nghiệp cổ truyền, vừa có nét riêng của làng nghề truyền thống, làm nên bản sắc văn hóa trong hương ước của tỉnh.
4. Kết luận
Hương ước mới của tỉnh Vĩnh Phúc ra đời từ năm 1986 đến nay đã phát huy giá trị trên nhiều lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần của người dân. Cùng với sự đổi mới trong nhận thức, mô hình “ Làng văn hóa kiểu mẫu” ra đời thì hương ước mới cũng cần thay đổi bằng cách chỉnh sửa những chỗ bất cập, chưa phù hợp với pháp luật, đồng thời bổ sung những chỗ còn thiếu mà hương ước mới chưa đề cập, chủ yếu là ở các làng nghề truyền thống trong tỉnh. Điều này đặt ra như một việc làm cần thiết và tất yếu phục vụ sự nghiệp phát triển xã hội của tỉnh nói chung và xây dựng đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục ở cơ sở nói riêng trong điều kiện cả nước bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế hiện nay.
Tài liệu tham khảo:  
1. Nguyễn Quỳnh Anh (2017), Nghiên cứu văn bản tục lệ phủ Yên Lãng (Thuộc huyện Mê Linh, TP. Hà Nội). Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Nguyễn Quỳnh Anh (2022), “Từ hương ước cũ góp phần xây dựng hương ước mới trên địa bàn huyện Vĩnh Tường”, in trong: 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022), Vĩnh Tường, năm 2022.
3. Bùi Xuân Đính (1985), Lệ làng phép nước, Nxb. Pháp lý, Hà Nội.
4. Bùi Thị Huyền (2013), “ Tìm hiểu vài nét về hình thức văn bản hương ước cải lương huyện Yên Lạc”, Vĩnh Phúc xưa và nay, số 6, tr.34-36.
5. Nguyễn Hữu Mùi (2023, chủ biên), Nghiên cứu về hương ước ở Vĩnh Phúc từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX và đề xuất giải pháp xây dựng hương ước trên địa bàn của tỉnh trong giai đoạn hiện nay (đề tài cấp tỉnh).
6. Nghị quyết số 33/2004/NQ-HĐ ngày 21 tháng 12 năm 2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về định hướng nội dung hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
7. Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 05 tháng 5 năm 2023 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “ Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
8. Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 05 tháng 5 năm 2023 của HĐND tỉnh về xây dựng “ Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030.
9. Nguyễn Anh Ngọc (2012), “ Hương ước các làng, xã ở Phúc Yên”, Vĩnh Phúc xưa và nay, số 3, tr.33-36.
10. Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước/ quy ước.
11. Quyết định số 10/2022/QĐUBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 07 tháng 4 năm 2022 về việc định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
12. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2012), Địa chí Vĩnh Phúc, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
    
    
    


    
 

Bạn đang đọc bài viết "Phát huy giá trị của hương ước trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” ở Vĩnh Phúc hiện nay" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn