Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 47)

PGS TS Cao Văn Liên

14/03/2024 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.         

Kỳ 47.

4.Mali thời kỳ hiện đại.

Năm 1939, chủ nghĩa phát xít Đức- Ý- Nhật phát động chiến tranh thế giới thứ II nhằm làm bá chủ thế giới. Phe Đồng minh  và nhân dân toàn thế giới do Liên Xô làm trụ cột đã đánh bại và tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức –Ý –Nhật năm 1945. Một trong những ý nghĩa lịch sử to lớn của việc Đồng minh chiến thắng chủ nghĩa phát xít là mở ra một giai đoạn mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa châu Á, châu Phi. Phong trào trong giai đoạn mới này mạnh mẽ, có lãnh đạo, có tổ chức, đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở đó xây dựng lực lượng vũ trang và tấn công mạnh mẽ vào chủ nghĩa thực dân cũ của các cường quốc phương Tây. Ở châu Á và châu Phi, hệ thống thuộc địa kiểu cũ sụp đổ từng mảng và cuối cùng sụp đổ hoàn toàn vào những năm 60 của thế kỷ XX. Hàng trăm quốc gia độc lập ra đời ở châu Á, châu Phi với những hình thức và mức độ khác nhau. Hòa chung với dòng thác đó, phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Mali bùng lên mạnh mẽ. Trong đấu tranh đã ra đời những tổ chức cách mạng lãnh đạo phong trào. Năm 1946 Đảng Liên minh Soudan được thành lập dưới sự lãnh đạo của Modibocayta. Cùng năm 1946 một tổ chức chính trị chung của thuộc địa Tây Phi và châu Phi xích đạo của Pháp được thành lập, đó là tổ chức “Tập hợp dân chủ người Phi” do P.U. Phuiet Boanhi lãnh đạo. Cuộc đấu tranh của nhân dân Mali càng phát triển mạnh buộc thực dân Pháp phải nhân nhượng, cho thành lập “Hội đồng dân cử” ở các thuộc địa,  hủy bỏ đạo luật cưỡng bức ở Tây Phi, người Phi được quyền bầu cử nghị viện Pháp, năm 1952 Pháp lập Hội đồng địa phương. Tại Hội đồng này người Phi có quyền thảo luận những vấn đề kinh tế, tài chính của đất nước.

Vào những năm 50 của thế kỷ XX, sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ ở châu Phi đã trở thành một điều tất yếu, rõ ràng, không gì có thể cứu vãn được. Đầu năm 1959 Mali sau đó là Cộng hòa Mali và Senegal hợp nhất  thành lập Liên bang Mali. Ngày 20-6-1960 Liên bang Mali giành được độc lập từ tay Pháp. Tháng 8 -1960 Senegal tách khỏi Liên bang Mali.[1] Ngày 22-9-1960 nhà nước Mali độc lập được thành lập. Modibo Keita được bầu là Tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa. Nhà nước một Đảng lãnh đạo bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự do Moussa Traore cầm đầu tháng 11 năm 1968. Traore thiết lập chính phủ quân sự. Hạn hán, đói khát, bất ổn dẫn tới bạo động lật đổ chính phủ quân sự năm 1991. Nhà nước đa đảng được thành lập do Tổng thống dân cử Alpha Oamar đứng đầu năm 1992, đưa đất nước vào thời kỳ ổn định. Năm 2002 Oamar từ chức, một chính phủ dân cử do Amadou Toumani đứng đầu điều hành đất nước tiếp tục chính sách đúng đắn của chính phủ tiền nhiệm. Vì thế Mali trong suốt một thập kỷ là một quốc gia tương đối ổn định  chính trị và xã hội ở châu Phi.

Tuy nhiên vào những năm 10 của thế kỷ XXI do những nhân tố bên trong và bên ngoài đã mang lại sự bất ổn cho Mali. Bên ngoài các cường quốc phương Tây đã nhòm ngó những khoáng sản giàu có và quý giá của Mali. Mali đứng thứ 3 thế giới về khai thác vàng, đứng đầu thế giới về Urani, nguyên liệu của nhà máy điện nguyên tử và chế tạo vũ khí hạt nhân. Họ muốn có một Mali bất ổn để can thiệp quân sự. Nhân tố thứ hai là mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Queda tại khu vực Bắc Phi (AQIM). Trong khi đó ở Bắc Mali có phong trào đấu tranh dân tộc của người Touareg đòi quyền tự trị hoặc đòi thành lập một nhà nước độc lập. Xung đột sắc tộc đã diễn ra ở miền Bắc Mali vào các năm 2011-2012. Nhưng sau đó tổ chức Phong trào dân tộc Azavat của người Touareg đã tuyên bố đàm phán với chính phủ Mali, từ bỏ mục đích độc lập mà họ vừa tuyên bố. Sự việc này làm cho AQIM tức giận và đến lượt mình người Touareg bị AQIM tấn công dữ dội. Quân khủng bố đã hủy hoại nhiều mộ cổ, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều công trình văn hóa ở Timbuktu. Cuộc tấn công của quân khủng bố ở miền Bắc Mali đã làm 50 vạn người  tị nạn gây ra thảm họa nhân đạo.

Trong khi đó đã diễn ra một cuộc đảo chính quân sự tháng 3 năm 2012 lật đổ chính phủ của Tổng thống Mali Amadou Tomani Toure. Tuy nhiên sau đảo chính quân sự, giới cầm quyền Mali vẫn chia làm hai quan điểm trước cuộc khủng hoảng ở miền Bắc. Một phái kịch liệt phản đối sự can thiệp quân sự của Phương Tây vào Mali, chỉ ủng hộ sự can thiệp của các nước châu Phi, phái kia thì ủng hộ sự can thiệp của các cường quốc Phương Tây. Bất đồng quan điểm lại dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự tiếp theo vào tháng 12 năm 2012, Thủ tướng Mali Mai. Sh Motdibo Diarra bị giới quân sự phế truất.

Ngày 20 tháng 12 năm 2012 Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc đã  thông qua nghị quyết 2085 phê chuẩn việc can thiệp quân sự vào Mali. Theo nghị quyết này các nước châu Phi (AFISM) triển khai 5.000 quân và lực lượng quốc tế 3.300 quân vào Mali.

Đầu tháng 1 năm 2013 quân khủng bố AQIM ở miền Bắc mở cuộc tấn công quân sự xuống miền Nam Mali. Ngày 7 tháng 1-2013 quân AQIM đánh chiếm thành phố Cona ở miền Trung Mali.

Ngày 1-1-2013 Quyền Tổng thống Mali Dionkunda Traore tuyên bố tổng động viên và áp dụng tình trạng khẩn cấp cả nước. Ngày 11-1-2013, 3.000 quân Pháp với máy bay hiện đại, xe bọc thép, vũ khí tối tân đổ bộ xuống Mali cùng với lực lượng quân sự của một số nước khác. Cuộc can thiệp quân sự vào Mali mà quân Pháp đóng vai trò chủ yếu bắt đầu.  

Tóm lại, lịch sử Mali từ cổ đại cho đến ngày nay vận hành theo qui luật thăng trầm, “tan hợp” nhưng theo chiều hướng phát triển đi lên, theo xu hướng  xã hội sau thay thế cho xã hội trước, nhà nước sau thay thế cho nhà nước trước. Những nhân tố bên trong mà trước hết là nhân dân Mali là động lực quyết định nhất sự phát triển của lịch sử ở các giai đoạn. Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, những nhân tố thế giới, nhân tố bên ngoài có tác động to lớn đến tiến trình lịch sử Mali. Đạo Hồi vào thế kỷ VII đã đưa Mali hội nhập với thế giới và bước vào xã hội phong kiến. Chủ nghĩa tư bản phương Tây thế kỷ XIX đã nối Mali với phương Tây nhưng đã biến Mali thành thuộc địa của thực dân Pháp. Nhân dân Mali đã kiên cường đấu tranh anh dũng nhằm giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh đã thắng lợi nhờ gắn với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi bùng lên như dòng thác sau đại chiến thế giới thứ II (1939-1945) nhấn chìm chủ nghĩa thực dân cũ. Và thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, bắt đầu vào năm 2012, Mali đang bất ổn cũng do những nhân tố bên ngoài. Về lâu dài nhân dân Mali mới là người định đoạt cuộc sống và dòng chảy lịch sử của mình. Lịch sử sẽ có cách đi và phương pháp đi của nó để hoàn thành nhiệm vụ mà thời đại và dân tộc đang đặt ra.

(Còn nữa)

CVL 

Tài liệu tham khảo.

1.Lịch sử Mali. Wkipedia.Tiếng Việt.

2.Cao Văn Liên. Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.Nxb Thời Đại. Tái bản. Hà Nội. 2011.                                          3. Bách khoa Lịch sử thế giới. Nxb Văn Hóa-Thông Tin. Hà Nội. 2004

 

[1] .Bách khoa lịch sử thế giới. Nxb Văn Hóa-Thông Tin. Hà Nội. 2004. Tr.1067.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 47)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn