Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 38)

PGS TS Cao Văn Liên

05/03/2024 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.       

Kỳ 38.

3.2. Trận Thermopyles.

Sau thất bại ở Marathon, Darius I chết, con là Xerces nối ngôi. Xerces chuẩn bị 10 năm trời tấn công Hi Lạp xâm lược và phục thù. Về phía Athens cũng đã chuẩn bị kháng chiến. Biết chỗ mạnh của Athens là hải quân cho nên Quan chấp chính Themistocle đã vận động Đại hội công dân Athens thông qua một khoản tiền lớn để xây dựng hải quân, đóng mới 200 chiến thuyền, xây dựng hải cảng Peris thành quân cảng tốt nhất. Từ đây Athens có hải quân mạnh nhất Hi Lạp. Athens còn lôi cuốn toàn bộ Hi Lạp vào cuộc kháng chiến. Toàn Hi Lạp đã kết thành một đồng minh chiến đấu gồm 30 thành bang đặt dưới quyền tổng chỉ huy của thành bang Sparta, một thành bang hùng mạnh về quân sự, điều mà trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chưa làm được. Athens cũng đã xây dựng lực lượng bộ binh mạnh mẽ. Theo sử gia cổ đại Hi Lạp Thucydides “Themistocle là người có khả năng thấy trước được kết quả tốt hay xấu của sự việc, cái kết quả mà còn ẩn mình trong bóng tối của tương lai”[1].

          Mùa xuân năm 481 TCN, Xerces thân chinh chỉ huy một lực lượng lớn chưa từng thấy gồm 1.700.000 bộ binh, 1.027 chiến thuyền tấn công xâm lược Hi lạp lần thứ hai. Quân thuỷ bộ Ba Tư tấn công vào phía Bắc Hi Lạp. Bộ binh đi dọc theo bờ biển Tơraxơ, còn hải quân tiến sát theo bờ biển để yểm trợ cho bộ binh và phối hợp tác chiến. Quân Ba Tư đã chiếm miền Bắc Hi Lạp.

          Các thành bang Hi Lạp điều động quân đội chống Ba Tư xâm lược. Từ miền Bắc muốn tiến xuống miền Trung và miền Nam Hi Lạp quân Ba Tư phải qua đèo Thermopyles, một cửa ngõ hiểm yếu thông xuống miền Trung. Tại đây 800 quân tinh nhuệ Sparta và 4.000 quân của các thành bang do vua Sparta Leonidas chỉ huy đã dũng cảm đánh lui nhiều đợt tấn công dữ dội của quân Ba Tư. Sau hai ngày mà không công phá được đèo Thermopyles, quân Ba Tư phải nhờ một tên phản bội Hi Lạp dẫn đường đi vòng qua núi đánh vào sau lưng quân Hi Lạp. Tình thế vô cùng nguy ngập, Leonidas ra lệnh cho hầu hết binh sĩ rút ra khỏi phòng tuyến, lui về đánh địch ở phía sau, chỉ để lại 300 quân tiếp tục chiến đấu bảo vệ Thermopyles. Leonidas đã hi sinh cùng 300 dũng sĩ. Herodotus (484-425 TCN) đã viết “Họ đã ra sức bảo vệ bằng kiếm khi họ còn kiếm, hơn nữa họ dùng cả tay và chân khi họ chưa bị ngã gục dưới mũi tên”[1]. Ngày nay qua đèo Thermopyles, trên một tấm bia đá người ta đọc thấy câu: “Hỡi người đi qua đuờng! nếu người có về Sparta thì xin nhớ nhắn lại cho cha mẹ vợ con bạn bè thân thích của chủng tôi rằng chúng tôi đã tuân theo lời thề căn dặn của người thân lúc ra đi, đã xả thân trên chiến trường để bảo vệ tổ quốc yêu quí”[1].

3.3.Trận Salamis.

Năm 480 TCN, quân Ba Tư lại sang xâm lược Hi Lạp lần thư 3. Hải quân ba Tư gồm 1.200 chiến thuyền do Xerces chỉ huy hành quân dọc bờ biển Thessali tiến xuống vùng biển quần đảo Eubee để giáp trận với những chiến thuyền Athens. Nhưng một trận gió lốc nổi lên làm chìm 400 chiến thuyền, hạm thuyền Ba Tư chỉ còn lại 800 chiếc. Bộ binh Ba Tư tràn vào miền Bắc Hi Lạp. Sau khi chọc thủng phòng tuyến Thermopyles, quân Ba Tư tràn xuống miền Trung và miền Nam, đốt phá thành phố, nhà cửa, đền thờ và giết sạch những người dân còn lại trong thành phố. Thành phố Athens bị tàn phá nặng nề. Cũng may mà trước đó  Quan chấp chính Athens Themistocle đã cho cư dân bao gồm người già phụ nữ, trẻ em sơ tán sang Peloponneus, đảo Salamis, còn tất cả trai tráng đã ra mặt trận. Mất miền Bắc, miền Trung và miền Nam, quân Hi Lạp lui về cố thủ ở phòng tuyến cuối cùng Corinth để bảo vệ bán đảo Peloponneus, hải quân thì lui về vịnh Salamis.

          Hải quân Ba Tư do vua Xerces chỉ huy tiếp tục tiến về vịnh Sa lamis nhằm tiêu diệt hải quân Hi Lạp do Quan chấp chính Athens Themistocle chỉ huy. Trong đêm tối hải quân Ba Tư lọt vào trận địa mai phục của hải quân Hi Lạp. Một cuộc hải chiến lớn đã diễn ra tại vịnh Salamis. Hạm đội Athens với những chiến thuyền nhẹ nhàng đã tiến công dữ dội vào những chiến thuyền cồng kềnh nặng nề của Ba Tư vận động chậm chạp vì vịnh Salamis có địa hình hẹp. Thế trận của hải quân Ba Tư rối loạn và hạm đội  bị tiêu diệt, một số chiến thuyền và đô đốc Ariabignhe, em trai vua Xerces bị bắt. Sau trận Salamis, dù còn hàng vạn bộ binh và nhiều chiến thuyền nhưng tinh thần quân xâm lược Ba Tư đã mất, mối lo sợ bị tiêu diệt làm hàng chục vạn quân rời rạc, không còn sức chiến đấu. Xerces phải ra lệnh cho quân đội rút về Tiểu Á. Liên quân các thành bang Hi Lạp lại thắng lớn ở trận Plataea. Tướng khét tiếng của đế chế Ba Tư Mardonius bị giết. Quân Ba Tư hoảng loạn tháo chạy, lục địa Hi Lạp được hoàn toàn giải phóng.

          Năm 479 TCN, hải quân Hi Lạp thừa thắng kéo sang Tiểu Á, tiêu diệt nhiều chiến thuyền của Ba Tư ở mũi Mycale. Các đảo Thasos, Lesbos, Camos, Chios được giải phóng đã gia nhập đồng minh Hi Lạp. Đồng minh Delos được mở rộng. Đồng minh tấn công Ba Tư ở vùng Henlexponxo để chặn đường Quân Ba Tư sang châu Âu. Các vùng được giải phóng ở Tiểu Á và ở các đảo tuyên bố thành lập các thành bang. Đồng minh lên tới 200 thành bang do Athens đứng đầu lấy Delos làm trung tâm. Đồng minh có quân đội riêng, có thu nhập hàng năm lên đến 460 ta lăng vàng, càng tăng cường sức chiến đấu chống Ba Tư xâm lược.

          Những thất bại đã làm cho đế quốc Ba Tư kiệt quệ, không thể tiếp tục chiến tranh được nữa đành phải ký hoà ước thừa nhận quyền độc lập của các thành bang Hi lạp. Giấc mộng bành trướng xâm lược Nam Âu của các hoàng đế Ba Tư bị chôn vùi. Thất bại ở Hi Lạp để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với đế quốc, nó mở đầu cho sự suy yếu của Ba Tư và nhanh chóng bị đế chế Macedonia của Alexander (356-323 TCN) tiêu diệt năm 330 TCN.

3. Kết luận:                  

3.1. Ý nghĩa chiến thắng của Hi Lạp: Trong nhiều thập kỷ của thế kỷ V TCN, đế quốc Ba Tư đã huy động những lực lượng to lớn với hàng triệu bộ binh, kỵ binh và hàng nghìn chiến thuyền để xâm lược những thành bang nhỏ bé Hi Lạp. Cả ba lần Ba Tư đã bị thất bại thảm hại. Thắng lợi của nhân dân Hi lạp đã đập tan mưu đồ bành trướng của Ba Tư sang Nam Âu, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, bảo vệ được thiết chế chính trị dân chủ, quyền được làm người. Thắng lợi này đã bảo vệ được người dân Athens nói riêng và Hi Lạp nói chung khỏi thảm họa  bị biến thành nô lệ. Chiến thắng đã làm cho Hi Lạp mở rộng con đường  vươn lên đỉnh cao về chính trị, kinh tế, văn hoá. Hi Lạp đã bảo vệ được nền văn hoá của mình và trở thành một trong những cái nôi của nền văn minh cổ đại. F. Engels (1820-1895) đã viết rằng sau chiến thắng vào thế kỷ V TCN, Athens đạt đỉnh cao nhất của sự hưng thịnh về mọi mặt trong đó có nền văn minh. F. Engels cũng nói rằng không có nền văn minh Hi Lạp thì không có nền văn minh La Mã, không có nền văn minh Hi Lạp-La Mã thì không có nền văn minh châu Âu cận đại. Như vậy văn hoá Hi Lạp đặt nền tảng cho nền văn minh châu Âu. Với ý nghĩa đó chiến thắng của người Hi Lạp đã bảo vệ gốc rễ cho nền văn hoá châu Âu. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm hi sinh bảo vệ tổ quốc.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 38)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn