Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 76)

PGS TS Cao Văn Liên

11/01/2024 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.                                                                                                                                  

Kỳ 76.

Gần 50 năm sau công xã Pari, ngày 7/11/1917 (lịch Nga: 25-10) giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Lênin vĩ đại và Đảng Bôn sê vích đã "xông lên chọc trời" và đã "đoạt được trời". Tiếng gầm vang của đại bác trên chiến hạm Rạng Đông bắn vào cung điện Mùa Đông là tiếng còi báo hiệu bình minh của một thời đại mới. Thời đại cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, thời đại suy vong và sụp đổ chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng tháng Mười vĩ đại đã lật đổ đế quốc Nga, đập tan nhà nước của giai cấp tư sản và phong kiến. Trên đống tro tàn của nó nhà nước Xô Viết - nhà nước kiểu mới của vô sản được thiết lập. Lần đầu tiên trên thế giới, giai cấp vô sản nắm được chính quyền trở thành giai cấp thống trị ở một quốc gia rộng lớn chiếm 1/6 quả địa cầu.

Khác với cách mạng tư bản, khi giai cấp tư sản giành được "tòa lâu đài" nhà nước vào tay thì kết thúc, cách mạng vô sản coi việc giành chính quyền vào tay vô sản chỉ là bước đầu. Giai cấp vô sản Nga sau khi nắm được nhà nước thì dùng nó làm công cụ sắc bén để tước đoạt tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản và phong kiến. Tức là tước đoạt của kẻ đi tước đoạt và trả lại cho nhân dân lao động dưới hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể; tiêu diệt tất cả các giai cấp bóc lột và xây dựng một xã hội mới: Xã hội xã hội chủ nghĩa. Ở nước Nga như Lênin đã nhận định: Sau vấn đề ruộng đất, vấn đề dân tộc có một ý nghĩa đặc biệt, vì nước Nga Nga Hoàng "là nhà tù của các dân tộc". Sau cách mạng Tháng Mười, Lênin và Đảng Bôn sê vích đã vạch ra cương lĩnh dân tộc đúng đắn trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, đã giải quyết đúng đắn và triệt để vấn đề dân tộc. Nội dung cơ bản của cương lĩnh đó là quyền bình đẳng, quyền tự quyết, quyền tự do phát triển của các dân tộc. Kết quả của việc thực hiện cương lĩnh đó giai cấp vô sản Nga đã đập tan ách áp bức bóc lột dân tộc, lập nên Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, một nhà nước kiểu mẫu về sự hợp tác và đoàn kết của các dân tộc. Cách mạng tháng Mười đã mở ra con đường giải quyết vấn đề dân tộc sâu sắc và triệt để nhất trong lịch sử.

Cách mạng tháng Mười đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Từ cách đặt vấn đề và giải quyết được những vấn đề cấp bách mà thời đại đang đặt ra: Giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc, xây dựng một xã hội mới theo học thuyết Mác - Lênin cũng là làm cho cách mạng tháng Mười Nga thành một mẫu mực của cách mạng thế giới và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Đúng như Lênin đã nhận định rằng: Ý nghĩa quốc tế của cách mạng tháng Mười biểu hiện trên hai mặt, thứ nhất là ảnh hưởng của nó đến phong trào cách mạng trong các nước và mặt khác là sự lặp lại tất cả những đặc điểm chủ yếu của cách mạng Nga trên phạm vi quốc tế.

Quả như vậy, cách mạng tháng Mười đã cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi cho giai cấp công nhân các nước tư bản đứng dậy làm cách mạng vô sản; Cách mạng tháng Mười đã mở ra thời đại mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Với cách giải quyết vấn đề dân tộc ở Nga của chính quyền Xô Viết, cách mạng tháng Mười là một tấm gương sáng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có một cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế". Cách mạng tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và của cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Đánh giá ý nghĩa này, Nê-ru lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Ấn Độ viết" Cách mạng Xô Viết đã đưa xã hội loài người tiến xa lên phía trước và đốt sáng ngọn đuốc đỏ rực không thể bị dập tắt. Nó đã đặt nền tảng cho một nền văn minh mà thế giới có thể tiến tới".

Từ khi rơi vào ách nô dịch của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã anh dũng vùng dậy đấu tranh nhưng rút cuộc đều thất bại. Lý do chủ yếu nhất là do thiếu một đường lối đúng đắn. Cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 khủng hoảng đường lối lãnh đạo. Cách mạng tháng Mười đã mở đường giải phóng cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có Việt Nam, đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc phải gắn liền với cách mạng vô sản và do giai cấp vô sản lãnh đạo. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong năm 1920 khi nghiên cứu Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đã viết: "Muốn cứu nước phải giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Đi theo con đường cách mạng tháng Mười đặt ra, nhân dân Việt Nam đã tham gia vào sự nghiệp vĩ đại của cách mạng thế giới và thu được những thắng lợi vẻ vang, tạo nên những bước nhẩy vọt vĩ đại trong lịch sử tiến hóa của dân tộc, đã chiến thắng oanh liệt các thế lực đế quốc quốc tế, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng tháng Mười còn mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ Liên Xô- Việt Nam. Đến với quê hương cách mạng Tháng Mười, đồng chí Nguyễn Ái Quốc không chỉ đi tìm ánh sáng của cuộc cách mạng đó để soi đường cho cách mạng Việt Nam mà còn là người đặt hòn đá tảng cho tình hữu nghị Việt - Xô. Từ đó, cách mạng Việt Nam trực tiếp nhận được sự giúp đỡ to lớn có hiệu quả của nhân dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc Pháp - Mỹ, cũng như trong hòa bình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong tác phẩm: "Cách mạng tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc" viết nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Việt Nam có câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn", càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ và cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và cuộc Cách mạng tháng Mười". Thực vậy, không chỉ những đường nét chính của lịch sử dân tộc mà ngay trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta đều mang dấu ấn và hàm ơn sâu đậm Cách mạng tháng Mười.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 76)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn