Nghệ sĩ Piano- PGS- TS Nguyễn Huy Phương - tái ngộ trong “Đối thoại” tại Amour Resort

Thuý Hằng (thực hiện)

05/12/2023 11:42

Theo dõi trên

Khái niệm thành công ở mỗi người dường như mang khuôn mặt khác nhau. Nhưng khó mà thành công nếu không có nỗ lực. Với nghệ sĩ Nguyễn Huy Phương dường như với anh không có chữ "thành công" trong định hướng của mình. Và thật trân trọng người nghệ sĩ này khi hằng ngày anh vẫn rèn luyện để đạt tới trạng thái tự do trong tư duy và biểu cảm. Đánh thức sức mạnh trí tuệ, bằng cảm xúc âm nhạc. Và mong đợi trong phát triển giáo dục âm nhạc đạt tới giá trị hoàn mỹ.

1piano-huy-phuong-1701750443.jpg
 

Dù rất bận rộn với công việc chuyên môn,vậy mà nghệ sĩ Huy Phương rất cởi mở khi dành cho tôi chút thời gian hiếm hoi để chia sẻ về chương trình mà anh làm đạo diễn âm nhạc tới đây tại Amour resort Ba Vì chủ đề “ĐỐI THOẠI”.

- 2023 không hẳn là năm u ám của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bởi xét cho cùng thì mảng âm nhạc thị hiếu vẫn cực kỳ hoành tráng và tạo nên sức hút mạnh mẽ. Cơ duyên nào khiến anh nhận lời tham gia cùng hoạ sĩ Lê Thiết Cương trong chương trình nghệ thuật có chủ đề “Đối Thoại” tại Amour resort trong vai trò là đạo diễn âm nhạc?

Tôi nhận lời tham gia chương trình từ một người bạn, anh Ngọc Xuyên, Kiến trúc sư đã thiết kế xây dựng khu resort Amour.

Anh Xuyên có tham dự một số chương trình biểu diễn của tôi, trong đó có đêm diễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Anh đã đề nghị tôi làm đạo

diễn âm nhạc cho chương trình triển lãm tranh trong workshop của hoạ sĩ Lê Thiết Cương và tôi đã nhận lời.

Đêm nhạc cổ điển đặc biệt diễn ra vào lúc 20g ngày 8.12.2023 giới thiệu đến công chúng yêu nhạc những tác phẩm nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới (Đức, Ý, Mỹ, Argentina...), với những giai điệu quen thuộc  , sáng tác theo phong cách âm nhạc từ lãng mạn đến phong cách thế kỷ XX cho nhiều hình thức biểu diễn từ solo, duo, trio, đến hoà tấu dàn nhạc.

ĐỐI THOẠI - Một sự kiện nghệ thuật đặc biệt của hoạ sỹ Lê Thiết Cương và nhóm HS G39 cùng pianist Huy Phương và Band.

Tôi cũng rất kì vọng chương trình lần này đem đến một cái nhìn mới mẻ cho người yêu nghệ thuật về sự kết nối giữa âm nhạc cổ điển và nghệ thuật trừu tượng. Qua đó cũng là niềm hy vọng sẽ tạo được niềm tin cảm hứng cho những nghệ sĩ trong nước, và đem đến cái nhìn đa dạng hơn về nghệ thuật cho người thưởng thức.

- Theo góc nhìn của anh. Anh có cho rằng, sự kết hợp giữa âm nhạc và hội họa, là một nhánh mới giúp người trong giới có thêm không gian thỏa mãn niềm đam mê, giúp khán giả có thêm lựa chọn và quan trọng hơn cả văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung sẽ có sự phát triển đa dạng? 

Trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới, hội hoạ và âm nhạc luôn có mối quan hê mật thiết. Các trào lưu phong cách lớn trong âm nhạc và hội hoạ đều bắt nguồn thường đầu tiên từ văn học rồi đến hội hoạ và âm nhạc.

piano-huy-phuong-1701750443.jpg
 

 

Hội hoạ giải thích sự kiện, phản ảnh hiện thưc hoặc thể hiện cảm xúc bằng  hình ảnh, còn âm nhạc thì bằng âm thanh. Trong quá khứ đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thế giới đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng sau khi đi xem các triển lãm tranh. Ví dụ như nhạc sĩ Pháp C.Debussy đã tạo ra trào lưu âm nhạc ấn tương trong âm nhạc sau khi xem triển lãm tranh của hoạ sĩ Monet, hay M. Mussorgsky đã viết cả một tổ khúc Bức tranh trong phòng triển lãm cho đàn piano dựa trên chủ đề các bức tranh của nhà thiết kế, kiến trúc sư Viktor Hartmann.

Chính vì vậy, việc kết hợp âm nhạc là rất tự nhiên, nó không phải là trào lưu mới mẻ trên thế giới, nó có thể tương đối lạ lẫm cho khán giả yêu nghệ thuật VN. 

- Nghệ thuật không đơn thuần là sự biểu hiện sống sượng của cảm xúc. Một trong những yếu tố quan trọng biến cảm xúc thành nghệ thuật lại chính là sự chế ngự cảm xúc bằng lý trí, trí tuệ, thông qua ý tưởng, quan niệm, hình thức nghệ thuật. Anh có nghĩ như vậy không?

Nghệ thuật rất đa dạng và nhiều màu sắc và được các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo, các học sĩ thể hiện dưới góc nhìn của riêng mình.  Nhưng phong cách nghệ thuật hàn lâm có chiều sâu phát triển hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ thường có chiều sâu, có nền tảng lý luận, và quy định, quy tắc nghiêm khắc, chặt chẽ về hình thức biểu hiện. Ngược lại, những trào lưu mới trong nghệ thuật thế kỷ XX thường tìm đến những hình thức thể hiện mới, cố gắng xoá đi những quy tắc cũ để tạo ra những cảm xúc mới lạ cho người thưởng thức. Đôi khi trong quá trình tìm kiếm những cách thức mới trong thể hiện, không tránh khỏi những sư lệch lạc, đôi khi cực đoan hoặc tầm thường. Theo tôi đó là điều bình thường trong giai đoạn phát triển của văn hoá nghệ thuật hiện nay.                                          

- Có nhận xét về anh: Nghệ sĩ Nguyễn Huy Phương không chỉ truyền đạt cho các thế hệ học trò những thành tựu của nghệ thuật âm nhạc cổ điển, mà anh đã để lại cho các học trò của mình hình ảnh về một người thầy đam mê nghệ thuật, lao động nghiêm túc, một hình ảnh trân quý về phong thái thanh tao, trách nhiệm của một nghệ sĩ-trí thức đầy lòng nhân hậu mà lặng thầm. Và còn gì nữa thưa anh?

2piano-huy-phuong-1701750443.jpg
 

Tôi cũng rõ những nhận định về tôi,  nghệ sĩ piano và thầy giáo là từ báo nào và cũng rõ nó đúng với bản chất con người tôi đến đâu. Có lẽ  phải để những học trò, những sinh viên tôi đã dạy, hay những khán giả đã nghe tôi biểu diễn nhận xét thì chắc sẽ đúng hơn. Về bản thân mình, tôi luôn coi âm nhạc là nghề nghiệp, là tình yêu,  sự nghiệp tôi theo đuổi cả đời, và mong muốn truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm mà tôi đã may mắn tiếp thu đươc  từ những năm học và làm việc của mình.

- Anh gắn bó với piano đã nhiều năm. Vì thế anh sẽ tiếp tục kể câu chuyện như thế nào trong thời gian tới? Để công chúng hiểu và thích âm nhạc cổ điển trước hết giúp họ hưởng thụ cuộc sống trọn vẹn hơn?

Có nhiều người bạn của tôi nói với tôi họ không thích nghe nhạc cổ điển vì họ không hiểu và cảm nhận. Điều này là bình thường, bởi để hiểu và cảm nhận được âm nhạc sẽ cần được giáo dục từ lứa tuổi nhỏ.

Trong showbiz nói chung, có lẽ người thành công là có nhiều người hâm mộ. Nhưng với âm nhạc cổ điển thì khác, đòi hỏi sự tĩnh tại trong tâm hồn nhiều hơn. Thật ra, rất khó để có được điều này, nhất là khi người nghệ sĩ bị chi phối bởi nỗi lo sinh kế hằng ngày.

Do vậy tôi thấy cần nhiều hơn đến sự truyền bá, quảng bá, phát triển văn hoá thưởng thức âm nhạc hay hội hoạ cần phải bắt đầu từ trong các trường tiểu học, trung học. 

Nếu muốn có quả ngọt cần phải gieo mầm và chắm sóc mầm cây. Và đam mê dành cho nghệ thuật cũng vậy.

                     

 

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ sĩ Piano- PGS- TS Nguyễn Huy Phương - tái ngộ trong “Đối thoại” tại Amour Resort" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn