Một người chầm chậm về cõi vĩnh hằng

Nguyễn Quang Thiều

26/12/2021 12:20

Theo dõi trên

Nhà thơ Trúc Thông sống được đến bây giờ là một phần quan trọng bởi thơ ca. Với ông, thơ ca thực sự là máu chảy trong huyết quản ông. Tôi nghĩ, nếu ông dừng nghĩ đến thơ thì máu ông sẽ ngừng chảy.

truc-thong-1640495969.jpg
 

 

Sáng sớm nay, 26 tháng 12 năm 2021, một sáng Hà Nội nhiều sương mù, nhà thơ Trúc Thông lặng lẽ lên chuyến xe mây về Cõi Vĩnh Hằng.

Ai là người đi đầu trong các nhà thơ đổi mới ở miền bắc?

- Trúc Thông

Ai là người coi thơ là Thánh địa của đời sống ?

- Trúc Thông

Nhà thơ Trúc Thông sống được đến bây giờ là một phần quan trọng bởi thơ ca. Với ông, thơ ca thực sự là máu chảy trong huyết quản ông. Tôi nghĩ, nếu ông dừng nghĩ đến thơ thì máu ông sẽ ngừng chảy.

Cả đời ông sống trong im lặng. Chỉ có thơ ca là rền vang trong con người ông.

Nhà thơ Trúc Thông có tập thơ nổi tiếng: Chầm chậm tới mình. Ông được giải thưởng Nhà nước cho tập thơ này.

Và giờ đây ông "chậm chậm" ra đi khỏi chốn này và tôi thấy nghe thấy ông quay lại nói nhỏ với bạn bè:

- Nếu bỏ thơ là các bạn vứt bỏ món quà kỳ vĩ nhất mà Thượng đế ban cho. Hãy giữ lấy.

Xin cúi đầu tiễn biệt ông!

Nhà thơ Trúc Thông - tác giả "Bờ sông vẫn gió"- qua đời vào lúc 6h30 sáng 26/12 sau thời gian chống chọi với bệnh tai biến. Ông hưởng thọ 82 tuổi.

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940 tại Bình Lục, Hà Nam. Ông từng là biên tập viên Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà thơ Trúc Thông đã dành cả cuộc đời công chức của mình để chăm chút cho các chương trình phát thanh văn nghệ, trong đó có chương trình "Tiếng thơ" trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình đầy ắp chất thơ từ cuộc sống, nó đưa lại cho thính giả những suy ngẫm về nghệ thuật thơ, vừa tươi non vừa sâu sắc.

Trong sự nghiệp của mình, nhà thơ Trúc Thông đã xuất bản các tác phẩm: "Chầm chậm tới mình" (thơ, 1985), "Maraton" (thơ, 1993), "Một ngọn đèn xanh" (thơ, 2000), "Văn chương ngẫu luận" (lý luận phê bình, 2003), "Vừa đi vừa ở" (thơ, 2005), "Mẹ và em" (bình thơ, 2006), "Trúc thông tiểu luận - bình thơ" (2013), "Trúc thông thơ" (2014). Nhiều bài thơ của ông được đưa vào chương trình sách giáo khoa. Trong đó, nổi tiếng nhất là bài thơ "Cao Bằng" trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2).

Nhà thơ Trúc Thông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016.

Lễ viếng nhà thơ Trúc Thông sẽ diễn ra từ 15h00 ngày 26/12 (tức ngày 23/11 âm lịch) tại nhà riêng. Lễ truy điệu và đưa tang sẽ diễn ra vào 8h15 ngày 27/12, an táng tại Bình Lục, Hà Nam.

Bài thơ Cao Bằng là một trong những sáng tác hay độc đáo của nhà thơ Trúc Thông. Thông qua bài thơ này ta có thể thấy được vẻ đẹp của vùng đất Cao Bằng. Đây chính là vùng đất cách mạng, nơi địa thế. Và tất nhiên không thể thiếu những người dân mến khách luôn can đảm gìn giữ biên cương.

 

CAO BẰNG

Trúc Thông

 

Sau khi qua đèo Gió

Ta lại vượt đèo Giàng

Lại vượt đèo Cao Bắc

Thì ta tới Cao Bằng

 

Cao Bằng, rõ thật cao!

Rồi dần dần bằng xuống

Đầu tiên là mận ngọt

Đón môi ta dịu dàng.

 

Rồi đến chị rất thương

Rồi đến em rất thảo

Ông lành như hạt gạo

Bà hiền như suối trong.

 

Còn núi non Cao Bằng

Đo làm sao cho hết

Như lòng yêu đất nước

Sâu sắc người Cao Bằng.

 

Đã dâng đến tận cùng

Hết tầm cao Tổ quốc

Lại lặng thầm trong suốt

Như suối khuất rì rào.

 

Bạn ơi có thấy đâu

Cao Bằng xa xa ấy

Vì ta mà giữ lấy

Một dải dài biên cương.

 

Năm 1982 nhà thơ Trúc Thông khi đó đang công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam và đã cùng đi thực tế Cao Bằng với một nhóm văn nghệ sĩ khác. Chuyến đi ấy đã để lại trong ông nhiều ấn tượng khó quên và xúc động. Đó cũng chính là bối cảnh làm nên bài thơ Cao Bằng.

 

Bạn đang đọc bài viết "Một người chầm chậm về cõi vĩnh hằng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn