Một chuyện xưa

Đinh Minh Thành

14/11/2021 09:59

Theo dõi trên
con-do-1636858743.jpg
 

 

Ai rồi cũng sẽ lớn lên và ai cũng sẽ già, nhưng dù có đi đâu, dù có làm gì và dù có bao lâu, vẫn nhớ về những kỹ niệm tuổi ấu thơ. Những kỹ niệm rất nguyên sơ nhưng lại đằm sâu trong ký ức của mỗi người.

Hôm nay tôi về quê, được ngồi uống rượu với cậu em trai của mẹ tôi và anh trai con của một cậu thúc bá, gợi nhớ lại những chuyện xưa dở khóc dở cười, tôi chỉ viết ra để mọi người cùng đọc cho vui, biết đâu được ai đó cũng có những cảnh ngộ  như tôi có dịp cùng hồi tưởng và chia sẻ.

Tôi và cậu tôi chỉ nhỉnh hơn nhau hai tuổi, tuổi Tuất và tuổi Tý, cậu và tôi như bạn bè, hồi nhỏ cùng đi  chặt củi lấy mây về bán và làm công việc đồng áng như nhau. Người ta thường nói “hơn ngày hay đều”- hơn một ngày cũng sẽ khôn hơn, đúng là như vậy, vừa là cậu vừa là hơn tuổi nên cậu luôn làm việc nhanh nhẹn và lúc nào cũng chỉnh chu hơn, bó củi cũng đẹp hơn, vác mây cũng đẹp hơn, và hay nhường nhịn cháu, đi làm việc gì với cậu cũng được cậu giúp và làm thay nên tôi rất quý cậu, xem cậu như là anh trai vậy.

Tôi theo đường học hành và đi làm công việc bút giấy, cậu ở nhà lấy vợ, mự sinh bốn người con, dù vất vả nhưng cậu mự động viên an ủi nhau lo vun vén gia đình chăm con và chăm ông ngoại của tôi, ông ở với cậu mợ rất sướng, đầy đủ mọi thứ và được phụng dưỡng chu đáo, chúng tôi thấy vậy rất yên tâm và thầm cảm ơn cậu mự.

Cậu tôi thường nói rất to, những khi uống rượu lại nói to hơn, nhiều người chưa hiểu cứ nghĩ cậu khó tính hoặc này nọ, nhưng thực ra cậu rất tốt tính và ngay thẳng, cậu cũng như mỗi chúng ta yêu lẽ phải và cần sự công bằng chính trực, cần được tôn trọng và cần mọi người lắng nghe ý kiến của mình. Có nhiều năm về làm giỗ kỵ, khi mọi người đã ngà say, tôi cũng bất lực với các cậu, vì lúc đó tôi có dùng hết tất cả mọi công năng của mình về ngôn từ cũng không thể nào dẹp được tiếng ồn và cuối cùng tôi cũng chỉ nói thế này: Cháu định về hưu ứng cử làm trưởng thôn mà hôm nay không thể nào nói cho người nhà mình nghe thì làm sao nói được cho thiên hạ nghe thấu, cho nên cháu sẽ thôi ứng cử làm trưởng thôn, mấy mự mấy dì cùng cười và các cậu cùng vui vẻ ra về.

Hôm nay cậu và anh gợi nhớ chuyện ngày xưa chèo đò đi chặt cây đót về cho bò ăn vào dịp Tết, cả ba người chèo đò đi từ mờ sáng đến ngả bóng chiều. Ra đi đùm theo cơm nắm muối vừng, trưa ăn giữa rừng, chẳng hiểu sao ăn cơm giữa rừng rất ngon. Mỗi người quyết tâm làm ba gánh, vậy ba người rõ ràng chín gánh, đót đầy đò, cái đò lại bị thủng nước, hai người chèo còn tôi chuyên tát nước, trời đã nhá nhem tối, khi thuyền sắp cập bến cách chừng 30 mét là đến bờ, chẳng biết sao đò mắc cạn trên giàn đá tảng, phía trước mũi đò nghếch lên, phía sau thụp xuống, thế là nước tràn vào cả khoang đò, con đò từ từ chìm xuống, cũng may cả ba đều biết bơi nên chẳng ai bị uống nước. Chúng tôi bơi vào bờ và gọi người nhà đến giải cứu, đưa đò ra khỏi hòn đá tảng, vớt những bó đót về, một phen hú vía. Sau này cả làng không ai cho con đi chặt đót nữa vì nghĩ sẽ bị chìm đò như chúng tôi, chỉ người lớn mới đi chặt đót mà thôi.

Uống hết lượt vòng, tôi chen vào câu chuyện đi lấy mây. Năm ấy tôi học trung cấp kinh tế xong đang về chờ bố trí công việc ở hợp tác xã, anh với cậu rủ đi lấy mây ở núi Ba Rền, mẹ tôi cưng tôi lắm không cho đi, xin mãi mẹ mới sang gửi tôi cho cậu và bảo vào đó phải chú ý chăm sóc tôi. Đi lấy mây trên rừng Trường Sơn hầu như cả làng tôi đều đi, họ quen nên chẳng phải lo lắng gì, cậu đi nhiều lần đã quen sông nước và quen rừng thiêng nước độc, tôi và anh tập sự lần đầu nên mới vào rừng  rất sợ, nghe người ta bảo bị chối nước hay sốt rét, muốn khỏi chối nước, lạ nước thì ăn trứng vịt vài quả và uống một liều thuốc phòng sốt rét, nghe vậy chúng tôi làm theo.

Trên Trường Sơn, có bản người Pa cô, họ làm rẫy, trỉa  lúa, trỉa  bắp, thu hoạch xong rồi trồng sắn. Hồi xưa đói lắm, gạo mang theo không đủ no, chúng tôi phải độn thêm sắn, mấy anh đi rừng lấy mây nhiều lần thì quen với và con dân bản và vào nhà của dân bản để mua sắn, bà con bán rất rẻ, sắn bùi và ngon lắm. Tôi và anh đã uống thuốc phòng sốt rét, thấy sắn ngon nên cứ vậy mà ăn, đến giữa đêm thì cả hai anh em chảy nước miếng và nôn mửa. Mọi người ở cùng lán giữa rừng bảo chúng tôi bị ngộ độc sắn, do uống thuốc và còn ăn sắn, may có bác lớn tuổi có kinh nghiệm, bảo lấy mỳ chính pha nước cho hai đứa uống để nôn hết thuốc và sắn ra, sau đó khuấy nước đường cho uống, đoạn đâm than lọc nước cho uống… Chẳng biết ông bà phù trợ hay phép thần thông nào mà tôi và anh thoát chết, những ngày sau đó tôi và anh mệt lả nên ở lại lán nấu ăn cho mấy anh em khác đi làm. Sau một tuần, chúng tôi khỏe lại, rồi cũng đi lấy mây. Được ba ngày lấy được tầm 200 cây mây thì tôi nhận được tin báo về để nhận việc làm tại hợp tác xã, thế là anh và tôi đi bộ từ chổ lấy mây về Đồng Hới, tầm 50 km, đi một ngày mới về tới chỗ ông lái mây. Ông ấy cho ứng 100 nghìn, nếu bán mây thì chừng 400 nghìn, nhưng do trừ tiền ăn 10 ngày nên ông ấy cho ứng chừng ấy để về xe, bắt xe chuyến Đồng Hới về Ba Đồn.

Rồi bắt xe ôm về nhà, chẳng biết ngu ngơ thế nào hai anh em làm rơi tiền dọc đường, khi xuống xe ôm, lấy tiền ra trả thì không còn, ngồi tiếc ngẩn tiếc ngơ, người nhà phải lấy tiền ra trả tiền xe ôm.

Như vậy chúng tôi chẳng những không đưa được đồng nào về mà còn móc túi gia đình để trả lộ phí cho mình. Một kỷ niệm mà sang thế giới bên kia chúng tôi cũng chẳng thế nào quên...!

Sau này anh học lái máy múc, duyên nghiệp thế nào anh học sửa chữa ô tô rất giỏi và lập nghiệp bằng con đường ấy, cũng kiếm khá tiền và đã thoát khỏi vất vả về tiền bạc. Tuy nhiên làm công việc của anh cũng đổ ra nhiều công sức, anh yêu nghề và bằng lòng với công việc.

Sau chuyến ấy, tôi đi làm việc hợp tác xã, rồi cơ duyên đưa tôi đến làm kế toán trường học, tôi cũng yêu nghề và bằng lòng với nghề, với cuộc sống của mình, còn cậu vẫn vậy, khó nhọc lam lũ với ruộng đồng, nhưng bù lại cậu có niềm vui gấp bội, sau những việc làm hằng ngày chẳng cần bận tâm đến ai, chẳng cần lo nghĩ điều gì, muốn đi làm thì đi, muốn ở nhà thì ở “quân hồi vô lệnh”, không ai quản lý, chẳng phụ thuộc ai, có đói ăn đói, có no ăn no, ăn sướng cũng được, ăn khổ cũng xong, tối ngủ khì khì, sớm ra muốn làm thì đi mà nếu mưa gió thì ngủ đến trưa, tự do tự tại như vậy mà sướng.

Uống rượu với cậu, cậu nói to cười to và uống ly đầy, lúc nào say thì đứng dậy bảo bọn bây uống tau về, mỗi lần uống rượu với cậu tôi thấy khoái.

Chúng tôi đã lớn lên như vậy, cái chất quê vẫn chảy mãi trong từng hơi thở và từng mạch suy nghĩ của tôi.

Tôi yêu quê, yêu những con người quê, dù đi đâu, làm gì vẫn nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ như đã gắn bó và trở thành máu thịt.

Bạn đang đọc bài viết "Một chuyện xưa" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn