Kon Tum: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện Ia H’Drai

Nguyễn Văn Chiến

11/03/2024 07:49

Theo dõi trên
ho-ong-pham-thanh-tu-thon-1-xa-ia-toi-phat-trien-nuoi-de-tu-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-1710117985.jpgHộ ông Phạm Thành Tứ, thôn 1, xã Ia Tơi phát triển nuôi dê từ nguồn vốn tín dụng chính sách
 

Ông Đinh Văn Trung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ia H’Drai dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn TDCS. Ông cho biết: Điểm nổi bật sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” ở huyện Ia H’Drai là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng tích cực, trở thành “trợ lực” quan trọng, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên vùng quê biên giới.

Dấu ấn nổi bật là dư nợ tăng trưởng khá. Tổng dư nợ đến cuối năm 2023 đạt 201,071 tỷ đồng, tăng 27,185 tỷ đồng so với năm 2022. Năm 2023, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 64 tỷ đồng, với 1.120 lượt khách hàng vay. Trong đó, cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 9,204 tỷ đồng. Các nguồn vốn TDCS được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, ổn định xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Nhờ nguồn vốn TDCS mà hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả như các hộ: Nguyễn Viết Cường, Lữ Hải Niên, thôn 2, xã Ia Đal; Phạm Văn Tân, thôn 1, Nguyễn Văn Tiến, thôn 4, xã Ia Dom... Bà Triệu Thị Hoa, thôn 2, xã Ia Đal vay vốn hộ nghèo với số tiền 40 triệu đồng để trồng cam đến nay đã cho thu hoạch phấn khởi nói: “Trước kia nhà tôi nghèo quá. May mà nhờ vốn vay của NHCSXH nên nay kinh tế đã khá hơn nhiều. Tôi đã trả hết nợ, lãi được cả vườn cam 1 ha đang phát triển rất tốt…”. Ánh mắt bà như ánh lên niềm vui về cuộc đổi đời đã đến với gia đình như một niềm tin vững chắc ở tương lai.

thuong-truc-huyen-uy-ia-hdrai-thuong-xuyen-tham-hoi-trao-doi-tinh-hinh-doi-song-nguoi-dan-1710117985.jpgThường trực Huyện ủy Ia H'Drai thường xuyên thăm hỏi, trao đổi tình hình đời sống người dân
 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai chia sẻ, nguồn vốn TDCS đã đến được với tất cả hộ nghèo trong huyện đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, được sử dụng đầu tư vào phát triển sản xuất như: trồng và chăm sóc cà phê, cao su, điều, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, lấy thịt… góp phần chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Bí thư Huyện ủy Trương Thị Linh, bằng nhiều chủ trương, giải pháp, khơi thông các nguồn lực, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, có 12/21 chỉ tiêu đạt và vượt; 8/9 chỉ tiêu khả năng sẽ “về đích” đúng kế hoạch. Đặc biệt, năm 2023, 100% chỉ tiêu về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, giảm 12,7% hộ nghèo, vượt 3,7%, đưa số hộ nghèo hiện xuống còn 7,93%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước gần 65,2 tỷ đồng, đạt trên 114% kế hoạch; thu nhập bình quân khoảng 45,67 triệu đồng/người/năm, tăng 5,27 triệu đồng so với năm 2022. Các chỉ tiêu về trồng rừng, chăn nuôi, định canh định cư, giãn dân... đều hoàn thành kế hoạch. Hiện xã Ia Dom đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 13/21 thôn đạt chuẩn NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có thôn 2, xã Ia Dom đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xã Ia Đal đang đề nghị công nhận NTM. Huyện Ia H’Drai phấn đấu trở thành huyện NTM vào cuối năm 2025.

lang-chai-se-san-noi-nuoi-trong-ca-va-diem-du-lich-cua-huyen-ia-hdrai-1710117985.jpgLàng chài Sê San, nơi nuôi trồng cá và điểm du lịch của huyện Ia H'Drai
 

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn TDCS, ông Trịnh Quốc Hoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết, nhờ vốn tín dụng ưu đãi kết hợp với các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 43,8 triệu đồng/người/năm. Bà Hồ Thị Đào, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia H’Drai khẳng định: “Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của vốn TDCS, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm khá nhanh, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Hội viên phụ nữ muốn được vay nhiều hơn vốn TDCS”.

Thực tiễn cho thấy, vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và đối tượng chính sách ở huyện Ia H’Drai thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giảm nghèo bền vững, hướng tới làm giàu; hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen... Đồng vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên vùng biên giới mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, khơi thông nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội. Dòng vốn tín dụng chính sách đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên những vùng quê nghèo khó ngày xưa.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ia H’Drai Đinh Văn Trung, thời gian tới, những người làm TDCS huyện tiếp tục điều hành dòng vốn ưu đãi hoạt động hiệu quả, bảo đảm cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Kon Tum: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện Ia H’Drai" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn